Hồi sanh tiền, ông Sơn Nam khoái la cà chơi với đủ hạng người già trẻ, gái trai. Người nể mặt thì gọi ông là: Nhà Nam Bộ Học, Pho Tự Điển Sống Về Miền Nam. Kẻ giỡn mặt thì gọi là: Ông Già Nam Bộ, Ông Già Ba Tri. Ông Già Đi Bộ. Có ông không chịu tất cả các biệt danh nói trên: “Nhà văn Miệt Vườn là ý nghĩa hơn cả”.
Mấy cha nội nầy thiệt là huỡn! Ổng lấy bút hiệu Sơn Nam thì gọi ổng là Sơn Nam. Nếu lịch sự, đứng đắn đàng hoàng một chút thì tùy thể loại bài ổng viết mà gọi ổng là nhà văn hay nhà biên khảo Sơn Nam.
Bút hiệu là một chuyện lý thú vì nó tạo ra nhiều giai thoại. Hịch hạc chỉ cần ‘cóp’ trong giấy khai sanh là xong ngay. Như hai anh bạn văn của tui bên Houston, Texas, Hoa Kỳ: Trần Bang Thạch lấy tên là “Lê Cần Thơ”, tên tỉnh lỵ. Nhà thơ Hà Huy Hà lấy bút hiệu “Kiên Giang” nghe thơ hơn là: “Hà Rạch Giá.”? Còn người viết văn lớp trước như ông Tô Văn Tuấn là Bình Nguyên Lộc? Chắc muốn nhắc độc giả ổng là dân Đồng Nai (Lộc là ‘con nai’; đừng đọc ‘con lai’ ổng giận).
Rồi đám “Thanh niên tiền phong” thời Việt Minh ‘chôm’ cái trào lưu nầy thiếu gì. Miệt Mỹ Tho có thằng cha VC dân Cái Bè, nhà điền chủ khánh kiệt, y hết tiền nên theo CS ăn cướp. Thằng chả không có “lan can” gì con kinh đào từ Vàm Mỹ Tho lên tới Vũng Gù tỉnh Tân An cũng ‘chôm’ lấy bút hiệu Bảo Định Giang?
Rồi có một thằng cha VC khác ngoài Quảng Nam tên Hà Đức Trọng, nhưng không ‘trọng đức’ đi theo CS, lấy bút hiệu Thu Bồn. Mấy ông viết văn VNCH xúm lại chọc quê (rồi gán vô miệng nhà thơ Bùi Giáng (nửa tỉnh, nửa điên) qua câu lục bát gieo vần “lộn” (viết với dấu nặng) là: “Thu Ba khen ngợi Thu Bồn. Thu Bồn khoái quá sờ “vai” Thu Ba.
Chớ Thu Bồn là tên một con sông từ núi Ngọc Linh cao 2,598m thuộc huyện Nam Trà My chảy qua thành phố Hội An. Nhà văn Ngọc Linh, chủ nhà xuất bản Phù Sa, năm 1962 đã in tập truyện Hương rừng Cà Mau làm Sơn Nam nổi tiếng trên văn đàn, dám lấy tên ngọn núi nầy làm bút hiệu của mình? Hay là ổng khoái ngậm sâm Ngọc Linh? Chỉ có trời mới biết!
Rồi Trà My xướng ngôn viên đẹp hết sức của VOA lấy cái nghệ danh theo tên huyện Trà My nơi sông Thu Bồn chảy ngang qua chăng? Xin người đẹp Trà My đừng có lấy bút hiệu Thu Ba là an toàn trên xa lộ. Thanh lịch trong thành phố! Suzuki! Nói chơi thôi! Chớ huyện Nam Trà My và Bắc Trà My thời CS thì thời mình là quận Hậu Đức, tỉnh Quảng Tín.
Nhưng tại sao là Sơn Nam? Trong Hồi ký, Sơn Nam cho biết: “Tôi chào đời năm 1926 ở vùng U Minh Hạ, thuộc huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, với con rạch Thứ Sáu, một trong hơn chục con rạch ngắn, cong queo, bắt nguồn từ giữa rừng chảy ra biển, từ Ðông sang Tây, chẳng dính dấp gì đến con sông Hậu. Dọc theo mé biển có nhiều giồng cát cao ráo, người Miên, người Việt, người Hoa co cụm ở, vì ven giồng là đất thấp, úng lụt.
Thời VNCH, chúng ta hay gọi người Miên, tiếng Miên, chùa Miên. Sau này CS kêu đừng gọi người Miên phải gọi la người Khmer. Cũng đừng gọi người Thượng phải gọi là người dân tộc. Gọi Miên là kỳ thị chủng tộc. Thiệt là chuyện bá láp. Người Pháp là dân nước Pháp. Người Việt là dân nước Việt. Người Miên là dân nước Miên. Hồi xưa Miền Tây là Thủy Chân Lạp, đất của nước Miên. Người Thượng vì họ ở trên Cao nguyên như Ban Mê Thuột, Kontum Pleiku. Đơn giản đang giỡn là vậy!
Ông Sơn Nam ưu ái người Miên. Vì hồi còn nhỏ, mẹ không đủ sữa, trong xóm có một bà Miên đã cho ông bú ‘thép’. (Mấy tay ‘Ba ke hai nút’ viết là: “bú ké”? “Bú thép” chớ “bú ké” cái giống gì? Theo từ điển, ké, khẩu ngữ, động từ, nghĩa là: nhờ để được làm việc gì cùng với người khác, coi như phụ thêm vào. Thí dụ: ngồi ké bên cạnh; đọc ké tờ báo, ké một tụ bài. Còn ‘thép’ theo “Từ điển Việt-Bồ-La” (1651) giải thích: “Được nuôi dưỡng bằng của bố thí hay dư thừa của người khác”. Bú thép là bú nhờ. Ca dao có câu: “Con tôi khát sữa bú tay. Ai cho bú thép ngày rày mang ơn.” Ngày rày là ngày gì? Thì từ điển giải nghĩa: ngày cùng ngày với ngày hôm nay nhưng thuộc một tháng khác hoặc một năm khác của thời quá khứ. Còn khẩu ngữ, phương ngữ, ngày rày những ngày đã qua, cho đến lúc nói. Tui nghiêng về cách giải nghĩa thứ hai vì đây là câu hát ru, ca dao mà tác giả là người bình dân. Ngày rày không là thời điểm mà là thời gian từ lúc đó đến bây giờ. Nghĩa là ai cho bú thép là mang ơn từ lúc bú cho tới bây giờ.

Sơn Nam và tác phẩm
(Nếu ai cho tui, tui cũng không là ngoại lệ, tui cũng say: “thank you”. Tui nhớ thời nhà tui ở Cua Đạo Ngạn Mỹ Tho sát vách nhà Bác Năm Phán, vợ ông Sơn Nam. Một hôm, má tui đi xóm, ở nhà, thằng em thứ năm khát sữa khóc thiếu điều lòi rún. Dì Ba Tèo hàng xóm kêu anh tui bồng nó qua dì cho bú thép. Tui cự anh tui: “Vú bả đen thùi mà cho nó bú thép cái gì?!” Sau này lớn lên, nghe thuật lại, nó giận tui, nó nói tui cản thiệt là tầm bậy.)
Lớn lên viết văn, để nhớ ơn bả, ông Sơn Nam lấy bút hiệu khởi chữ đầu là Sơn (một họ lớn của người Khmer như họ Nguyễn, họ Trần của mình); còn chữ Nam là ở miền Nam.
Tui đa nghi như Tào Tháo nên xin hỏi một câu lúc còn bú tí thì ai biết cái gì ? Ai đưa vú vô miệng là nút. Đâu biết vú ai đâu mà nhớ ơn chớ?
Theo tui nghĩ khi giải thích ý nghĩa bút hiệu của Sơn Nam “một đỉnh núi cao ở miền Nam” cũng có cái lý của nó.
Nhưng ông Sơn Nam chắc không muốn giải nghĩa theo cách đó. Có lẽ Sơn Nam sợ thiên hạ nói ông “chảnh”, mới cầm bút năm 1945, văn nghiệp chưa biết ra sao mà dám nổ như Trảng Bom?! Ông né trước cho chắc ăn chăng?
ĐXT