Chiều cuối năm Tân Sửu, năm Trâu, tui nghỉ cày. Anh Mười Hổ, bút hiệu là Ông Ba Mươi, điện hỏi tui mùng 3 Tết có huỡn không? Tui hỏi: “Chi vậy?”. “Nhậu để mừng năm mới chớ chi?”.

Anh Mười còn “điều tra xét hỏi” thêm là coi tui đã chích ngừa đầy đủ hay chưa? Tui nói rồi. Em bác sĩ gia đình đẹp như tài tử Củng Lợi bên Tàu đã lụi tay (tui khoái lụi mông hơn, đã, mà hổng đau) của tui trước sau ba mũi”. “Vậy thì được! Chớ không chích không chơi!”.

Tui chọc quê anh Mười Hổ: “Là cọp, lại sợ con Omicron nhỏ xíu hay sao?”. “Ối voi nó vật còn chết, cọp mà nhằm nhè gì?”.

Sau đó, anh còn dặn thêm: “Chiều mùng 3 Tết, thằng Vằn, con tui, đi làm về, tui kêu nó tạt ngang qua, rước chú Ba luôn. Ðúng 5 giờ chiều nhớ nhe!”.

Ðầu năm được mời nhậu mở hàng nên tui khoái chí tử. Hên quá, năm nay có mối nhậu dài dài. Uống suốt năm mà không tốn đồng xu, cắc bạc nào, há không khoái lắm ru?

Cửa nhà anh Mười Hổ đã mở sẵn, rước khách quý vào nhà, tui khỏi cần bấm chuông lâu lắc. Thấy cái bản mặt của tui, anh Mười xá xá. Vì ăn nhậu thời ôn dịch không cho phép được bắt tay nhau.

Anh Mười nói vọng vô sau bếp: “Mun à! Có chú Ba Xạo đến chúc Tết”. Chị Mười Hổ, nhũ danh Trần Thị Mun, đon đả ra chào. Xong kêu con gái: “Vện à, con dọn cháo gà ra cúng lẹ lẹ lên để tía mầy với chú Ba nhậu chơi.”.

Tui hỏi anh Mười Hổ, nhà anh sao ngộ ghê? Chồng tên Hổ, vợ tên Mun. Con trai tên Vằn, Con gái tên Vện. Nhà anh Mười giống hịt một gánh xiệc hay cái chuồng cọp trong sở thú.

Anh Mười Hổ ngửa cổ nốc cạn một cái sec Jack Daniel’s rồi rỉ rả cắt nghĩa như vầy: “Chẳng qua, tui sanh giờ Dần, ngày Dần, tháng Dần, năm Dần, năm 1950, năm nay 72 tuổi, cũng là năm tuổi. Chính vì Dần hết ráo, từ đầu tới đít, từ trong ra ngoài; nên tía tui đặt tên tui là Hổ. Nguyễn Văn Hổ. Hổ là con cọp đó. Hồi xưa đi hỏi vợ, con Mùi, con Hợi đâu đứa nào chịu ưng tui. Tụi nó nói: “Em là dê, là heo về với anh Hổ, anh ăn thịt em sao? Cuối cùng, tía má tui phải trầu cau tới miệt U Minh Thượng mà cưới con Mun cho tui đó chớ. Em Mun chỗ nào cũng đen vì là con gái lớn lên ở rừng. Nơi U Minh, Rạch Giá thì quá sơn trường, Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua. Thấy cọp đua hoài nên em nói: “Mười Hổ nhằm nhè gì? Một trăm hổ em còn chưa sợ!”.

Xem thêm:   Đầu dê; thịt chó?

Chị Ba Mun nghe ông cố nội của chỉ kể lại: “Thưa thớt lắm. Sông Cái Lớn, Gò Quao này nhiều khi chèo ghe suốt ngày mà không gặp một nhà nào. Kỳ dư toàn là rừng. Trên bờ có cọp, dưới sông có sấu. Chèo ghe ban ngày, chừng vài trăm thước là thấy sấu nổi trước mũi ghe. Trời chạng vạng, ông Mun, ông Vằn, ông Vện rống, rung rinh mặt nước.

Rượu vô lời ra. Hổng lẽ để anh Mười chiếm đài phát thanh rồi còn chê tui dốt đặc cán mai, chỉ biết nhậu, không biết gì hết ráo về xứ sở quê mình, nên tui chen vô: “Nghe ông bà mình kể lại: Xem được lễ khai thị chợ Bến Thành mới, “Tân Vương Hội”, dài ba ngày đêm 28, 29 và 30/3/1914 một lần chết cũng sướng. Cả 100 ngàn người Sài Gòn và các tỉnh đổ về rầm rộ, đông hơn chợ Tết. Có múa lân, biểu diễn võ nghệ, nhạc bát âm và có cả ban nhạc của nhà binh Pháp. Tối có hát bội, pháo bông, xe hoa, đèn xanh đỏ giăng xung quanh chợ sáng trưng như ban ngày. Ðặc sắc nhứt là có màn cô Năm Vuông, con ông Hai Ất, thầy võ đất Tân Khánh, Bà Trà, Tân Uyên, ở Thủ Dầu Một đánh nhau với cọp dữ. Ðánh từ ban mai mãi đến giờ ngọ mới chấm dứt. Cuối cùng, con cọp bị cô Năm Vuông dùng ngọn lao đâm ngay yết hầu chết ngắc. Con đánh cọp ngay giữa cái đất Sài Gòn. Cha đánh cọp trong rừng vang danh cả nước. Bây giờ vùng đất rừng bên cạnh làng võ Tân Khánh, Bà Trà vẫn còn mang tên là “Truông Bà Năm Vuông”. Và địa phương cũng có thành ngữ: “Cọp Bàu Lòng, Võ Tòng Tân Khánh”. Võ Tòng Tân Khánh là chỉ ông Hai Ất đó đa!”.

Bảo Huân

Anh Mười Hổ nghe xong, gục gặc cái đầu thán phục nói: “Cô Năm Vuông giỏi võ như Võ Tòng. Võ Tòng giết cọp tại đồi Cảnh Dương; còn cô Năm Vuông giết cọp ngay trước mặt bàn dân thiên hạ, ngay tại cái chợ Bến Thành. Ai ai cũng biết”.

Xem thêm:   Kế Sách

Tui bèn nói: “Ðó đó đa! Cha con ông Hai Ất đánh cọp là có thiệt. Nhiều người chứng kiến. Chớ còn cái vụ Võ Tòng đánh cọp là do ông Thi Nại Am đặt dóc trong truyện Thủy Hử mà thôi. Ông Thi Nại Am viết rằng: “Gần đây, trên đồi Cảnh Dương này xuất hiện một con cọp rất lớn, nó đã ăn thịt nhiều người. Vậy hành khách ai qua đây cũng nên chờ tập hợp đông đảo và chỉ có thể qua đồi vào ba giờ Tị, Ngọ, Mùi. Xin chớ quên mà uổng mạng. Vậy mà Võ Tòng hơi xỉn xỉn, coi lời cảnh cáo như pha, cứ phăng phăng qua đồi Cảnh Dương. Cọp ra vồ bị Võ Tòng đánh chết ngắc”.

Sự thực là: Võ Tòng người Sơn Ðông đã xuất gia thụ giới, song chẳng tuân thủ giới luật nào cả. Từ tửu sắc tới tiền bạc, ngay cả việc giết người, Võ Tòng coi cũng như pha. Tóm lại Võ Tòng là một tay bán trời không mời thiên lôi! Võ Tòng sống nghề mãi võ, phiêu lãng giang hồ, rày đây mai đó. Tới Hàng Châu được quan tri phủ là Cao Quyền rất khâm phục. Võ Tòng được Cao Quyền phong cho chức đề hạt. Cao Quyền đắc tội với các nhà quyền quý ở Hàng Châu nên bị bãi quan. Võ Tòng cũng bị huyền chức làm một chức quan nhỏ trong nha môn nên đem lòng oán hận.

Quan phủ mới của Hàng Châu là Thái Cùng, con trai của Thái sư Thái Kinh ở kinh đô. Dựa vào thế lực cha mình, Thái Cùng làm đủ chuyện càn quấy, ức hiếp dân lành. Vốn người nghĩa hiệp, thấy Thái Cùng bức hiếp dân lành, Võ Tòng nấp ngoài cửa nhà họ Thái, đợi khi Thái Cùng vừa ra ngoài cửa thì lập tức xông ra giết chết. Võ Tòng cũng bị lính nha môn bao vây bắt sống. Trong nhà lao, Võ Tòng bị Thái Kinh sai người dùng cực hình giết chết. Dân Hàng Châu cảm kích mang xác Võ Tòng về chôn tại cầu Tây Lãnh rồi lập một bia đá bên trên “Mộ của nghĩa sĩ đời Tống, Võ Tòng”.

Xem thêm:   Hủ tiếu?

Thái Cùng còn có biệt hiệu là Thái Hổ nên khi Võ Tòng giết chết Thái Cùng để trừ hại cho dân, người ta mới ca ngợi Võ Tòng đã “đánh hổ”.

Sở dĩ dân Tàu gọi mấy tay tham quan ô lại, chuyên bức hiếp dân lành là hổ, là do truyện Hà chính mãnh ư hổ trong sách Lễ Ký mà ra.

Chuyện rằng: “Khổng Tử khi sang nước Tề, đi qua núi Thái Sơn thấy một người đàn bà khóc ở ngoài đồng, nghe thê thảm lắm. Người nói rằng: “Người đàn bà này xem như trong nhà có trùng tang”. Rồi sai thầy Tử Cống đến hỏi. Người đàn bà thưa rằng: “Ở đây lắm hổ, bố chồng tôi đã chết vì hổ, chồng tôi đã chết vì hổ, bây giờ con tôi lại chết vì hổ nữa. Thảm lắm ông ạ!”. Thầy Tử Cống hỏi: “Thế sao không bỏ chỗ này đi ở chỗ khác?”. Người đàn bà nói: “Tuy vậy nhưng ở đây chính sách quan trên không đến nỗi hà khắc tàn bạo như các nơi khác”. Thầy Tử Cống đem câu chuyện thưa lại với Ðức Khổng Tử. Ðức Khổng Tử nói: “Các ngươi nhớ đây: Chính sách hà khắc khốc hại hơn là hổ!”

o O o

Như vậy để ôn cố tri tân: Bên Tàu, Võ Tòng giết Thái Hổ, một tay tham quan ô lại để cứu lương dân. Cô Năm Vuông và thầy võ Hai Ất, đầu thế kỷ 20, đã giết cọp cũng để bảo vệ lương dân.

Cọp trong rừng, người ta giết hoài cũng hết. Giờ phải đưa hổ vào danh sách động vật sắp tuyệt chủng để bảo vệ. Ai giết cọp để nấu cao hổ cốt là bị ở tù.

Nhưng bọn tham quan ô lại là hổ báo với lương dân, diệt con nầy thì lại lòi ra con khác. Vậy mà cứ đánh trống thổi kèn: “Ðất nước ta chưa bao giờ được như hôm nay?”, thiệt là giễu dở!

ĐXT