“…Gặp nhau trong vinh dự của cuộc đời

…Gặp nhau trong cơ khổ của thế giới

Nhưng rồi, gặp nhau đôi tâm hồn

được nghỉ ngơi…”

Phạm Duy

Tôi ít cà kê nói gì về hiện tại, những chuyện mà có khi rất dài để khai ra, rất ngắn để giữ lại, và chẳng có chút lý do gì đến nỗi phải thở than…

Quá khứ, dù có những gắt gao hay dịu dàng, những sôi nổi hay lặng lẽ, tôi lại rất thích tìm  cách ngồi nhớ lại. Có khi chỉ bởi một chút nắng sắp tàn, hay vài giọt sương ướt trên những cánh hoa của sáng sớm…

15 tuổi, khi chúng tôi ngồi mơ màng nhìn mưa rơi qua khung cửa sổ. Giáo sư nói gì, dạy gì tôi không nghe, mưa rạt rào, mưa lê thê… Lời Thầy theo gió, rơi cùng những chiếc lá tả tơi bay ngoài cửa lớp, rụng ướt trước sân trường.

Ðó là những ngày tôi lén đọc rất nhiều lá thư lan man của Khang. Những dòng chữ ngây thơ trải dài trên giấy trắng, giấy được xé ra từ cuốn vở thơm mùi học trò.

Tôi cũng hồi âm với đầy những hứa hẹn dại khờ, lời lẽ có khi bày đặt đủ mọi thứ lý sự này kia, nhưng viết toàn điều mông lung vớ vẩn… Những lời nói mà chắc cả hai đứa đều không hiểu mình đang nghĩ gì? Vậy mà suốt một năm học dài, chúng tôi viết và gửi nhau đọc say sưa, đọc và còn tính học thuộc lòng như những lời trong kinh thánh.

Chỉ thế thôi, và chỉ có vậy.

Những năm sau tôi lập gia đình, sống chan hoà với hạnh phúc tưởng phải đến trăm năm… Nhưng tai ương như đã từ trời rơi xuống, tuổi mới 42 mà tôi bị gọi là goá phụ. Với tôi, sống một mình là sự trừng phạt lớn lao, sợ hãi nhất của đời người.

Vừa hăng hái, vừa vội vàng, tôi đi thêm bước nữa.  Nhưng sau 17 năm, khi mà hạnh phúc sắp sửa tàn phai, chán đời tôi bỏ ra đi, về lại nơi chốn cũ.

Những thay đổi liên miên, dồn dập của nhiêu đó năm dài, đã đủ cho tôi ngồi yên, làm thinh và còn tính cả đến chuyện… im hơi, tịnh khẩu.

Sculpture by Antonio Canova

Nhưng những im ắng của đời, đôi khi lại như một tiếng chuông vang, ngân dài, thông báo với tôi về sự cô quạnh, lạnh lẽo của riêng mình. Tôi nghe vang vọng rất nhiều tiếng chuông, nhưng quyết tâm ngồi đó một mình, dù nước mắt có khi rơi, nóng rát.

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

Chúng tôi nhận ra nhau trong một Tất Niên họp mặt. Khang vẫn như xưa, gương mặt trẻ thơ và thánh thiện. Sau 50 năm, còn nhận ra nhau, nghĩa là sự đổi thay của cả hai đã không nhiều lắm.

Chỉ khi nhìn thấy ngón tay đeo nhẫn của Khang, tim tôi chợt chao đi vài nhịp. Sự đổi thay này mới thật dễ sợ.

Tôi cười khi nhớ lại lời cô bạn: “Vân đã từng biết có người đeo nhẫn tới lần thứ sáu”.

Nếu có ai đeo nhẫn tới lần thứ sáu? Sáu chiếc nhẫn lần lượt mang vào, và tháo ra… Tôi đã nói với Vân: “Mr. mà có tới sáu chiếc nhẫn này, chắc chắn đã được miễn nhiễm với tình yêu và miễn nhiễm luôn cả với hôn nhân”.

Tôi không hỏi, nên không biết Khang đang có nhẫn tới số mấy. Chập chờn tôi nghĩ tới con số yên tâm nhất. Số 10.

Nhưng dù số một hay số mười, tôi và Khang biết ngay ra, sự gặp lại này đã  báo hiệu cho những điều không vui.

Chúng tôi ở cách biệt, hai tiểu bang xa xôi. Khang dặn dò, đừng xa nhau thêm lần nữa. Thế nào là lần nữa? Chuyện lơ tơ mơ tuổi học trò, có bao giờ tôi nghĩ như một lần chia xa?

Với tôi, bây giờ mới là chia cắt, mới là mất mát, ngay khi chúng tôi vừa gặp lại.

Không cần xé giấy trong những cuốn vở thơm tho mùi học trò như 50 năm trước. Chúng tôi text, email cho nhau liên miên hàng giờ, trong rất nhiều tháng.

Tôi biết mình không được bước xa hơn, dù chỉ là một inch nhỏ.

Chúng tôi cùng dừng lại, đứng lại ngay lằn ranh khắt khe nhất của định mệnh. Vói tới nhau qua khoảng không gian xa vời hàng ngàn dặm, mù tăm.

Thư chúng tôi viết cho nhau, không còn là những lời ngớ ngẩn ngày xưa. Chữ nghĩa đã như một gọi mời, dễ thương và vô cùng quyến rũ.

Xem thêm:   Kinh đô thời trang Roma

Khang viết và tôi viết… Mối tình chúng tôi thêu dệt trong hàng tỷ lá thư. Khang viết về những quyến luyến, đầy tiếc nuối và nhớ thương. Tôi viết những lời mênh mang với chút dè dặt, nhưng có khi lại ẩn ý những đa tình.

Có ai bảo rằng, chữ nghĩa tự nó không nói ra điều lẳng lơ? Và tôi cứ lẳng lơ, tôi rất lẳng lơ viết những chữ mông lung, vật vờ như gió, đính kết trong email gửi cho Khang. Sáng, trưa và chiều tối…

Khang không nói, không dẫn chứng với tôi về những luân lý, đạo đức xa xưa từ thời cổ đại. Tôi cũng chẳng mang ông Khổng Tử ra, chắn ngay giữa con đường đầy hoa lá của chúng tôi đang cùng nhau thênh thang bước, dù chỉ  là những bước rón rén, qua email với đầy chữ viết và chỉ là chữ viết…

Nhưng điều gì làm chúng tôi vẫn đứng nguyên một chỗ? Chẳng lẽ chúng tôi cứ loanh quanh với “tình yêu hàm thụ” này mãi sao?

Trong một Party đầy bạn bè, chẳng ai hiểu gì khi tôi lại hát tới hai lần một bản nhạc?

Khi mê man, chìm đắm cùng tiếng hát, tôi đã như gởi những lời nồng nàn theo gió. Tiếng hát tôi đã vượt muôn ngàn trùng tới bên Khang, tới một nơi rất xa xôi, xa như nơi chốn nào đó ở tận bên ngoài trái đất.

“…Tìm nhau trong hơi thở

Tìm nhau trong cơn gió

Tìm nhau trong đêm khô

Hay mưa lũ…

…Tìm đâu môi em đỏ…”

[Phạm Duy]

Chợt có một ngày, Khang muốn tiến thêm một bước, rất dài.

Chúng tôi hẹn gặp nhau. Khang sẽ bay đến tiểu bang tôi đang ở.

Dạt dào như thuở mới mon men biết yêu đương, tôi thấy mình như trẻ dại, tung tăng cùng với mọi mơ ước… Tôi thấy nắng sáng, mưa chiều thi vị hơn, trăng xanh hay đêm tối đều mặn mà, thoát bay cùng với hương cỏ thơm tho, ngào ngạt…

Tôi với quần áo đẹp, tóc mượt mà, vẫn còn chút lúng liếng điệu đà như những tháng ngày xưa cũ.

Khang xôn xao mong đợi, cười vang như tuổi 15 thuở trước. Say sưa viết những lời trăm năm, ngọt ngào, trìu mến như chưa bao giờ…

Khi yêu thương và được yêu thương. Tháng ngày như ngắn lại, tôi sợ đời sẽ hết, tôi sợ ngày sắp hết… Và chúng tôi hấp tấp, vội vàng.

Xem thêm:   Tạp ghi dòng vụn vỡ

Vội vàng nhưng “tinh khiết”… Khẩu hiệu của một định mệnh éo le.

Chuyến bay Khang bị trễ tới 2 tiếng.

Tôi ngồi đợi trong một Bar nhỏ ở phi trường. Rượu đỏ đẹp lóng lánh trong chiếc ly mỏng, tôi uống, tôi uống và tôi uống… Bừng trong tim tôi là Khang.

Khang có ngón tay đeo nhẫn, dù chẳng biết đã là chiếc nhẫn thứ bao nhiêu. Nhưng Khang đang có một cuộc sống yên bình, không xao động.

Dù vậy, Khang gửi gắm trong tôi một… Tình yêu vĩnh cửu.

“Tình yêu vĩnh cửu”, nghe vừa mong manh, vừa tội nghiệp. Tôi cười cười, nghiệm ra cái thông thái vô cùng của Chữ và Nghĩa.

Rất bất ngờ, không tính toán dù với một chút ngậm ngùi, tôi quyết định rời khỏi phi trường.

Khang rồi sẽ chẳng thấy tôi đứng đợi, chúng tôi sẽ chẳng có dịp ôm choàng, mừng vui cho sự trùng phùng, sau rất nhiều ngày mong ước.

Tôi về lại đúng vị trí mình đang đứng, ngó mông ra cuối chân trời, thấy có những óng ánh của hai chữ  “Ðạo Ðức”.

Cái tĩnh từ này, với tôi nó không những chỉ là phù phiếm, mà rất nhiều khi nó còn mang thêm cả ý nghĩa của những người: Dại dột, không biết sống và chẳng bao giờ dám sống.

Thôi, sống hay chết gì, chắc tôi chẳng bao giờ quan tâm, cần biết.

Lấn rất nhiều đèn vàng, vượt thêm hai đèn đỏ… Vội vã, tôi lái xe như điên quay trở lại điểm hẹn.

Tôi phải tới đúng giờ, trước khi Khang biến mất.

Nếu thiên hạ hay dùng chữ “định mệnh” để diễn giải cho sự hợp nghĩa về những điều bất như ý.

Tôi có cần phải nói gì thêm không? Khi mà rõ ràng, tôi lấn nhiều đèn vàng, vượt rất nhiều đèn đỏ cho kịp tới lại phi trường. Nơi đó có Khang đang nóng lòng chờ đợi, nơi đó Khang chờ tôi với nhiều nghi hoặc, hoang mang và giận dỗi.

Tôi lái xe rất xa, quên đường quên sá, lan man vòng vo, lạc qua nhiều con phố và cả những freeway…

Chúng tôi không tìm ra nhau, chúng tôi mất tích.

LCG