Trong lòng thành phố của một vương quốc tự do có “Khu tự trị” với gần 1,000 cư dân đã tồn tại hơn nửa thế kỷ!

Không có bức tường nào thiếu tranh vẽ     

“Thế giới” này là của chúng tôi

Không kể 2 vùng đất tự trị trực thuộc là đảo Greenland và quần đảo Faroe gồm 18 đảo ở Biển Bắc, Vương quốc Ðan Mạch còn có một khu tự trị khác, đó là “Khu tự trị” Christiania. Nó chẳng xa xôi gì, chẳng phải nơi hoang đảo xa xôi, nơi rừng xanh, núi thẳm cheo leo mà ở ngay trong lòng thủ đô! Trước kia, đây là vùng đất quân sự bỏ hoang, rộng 34 héc-ta.  Năm 1971, một nhóm người vô gia cư, dân Hippie kéo nhau về tự lập nên một xã hội thu nhỏ. Dần dần để giúp quản lý, tổ chức, họ lập ra chính quyền, ban hành luật lệ… Luật của “Khu tự trị” gồm một số điều đơn giản như không trộm cắp, không dùng bạo lực, không dùng vũ khí, không sử dụng xe hơi, không sử dụng ma túy nặng (gần đây) v.v. Chính quyền ở đây gương mẫu trong việc thực hiện dân chủ. Bất kể quyết sách gì đưa ra cũng phải được cư dân “duyệt” mới thực hiện. Nếu có bất đồng thì hai bên sẽ ngồi lại tìm cách giải quyết để đi đến một tiếng nói chung. Năm 2004, chính quyền Ðan Mạch từng mở chiến dịch xóa “Khu tự trị” vì lo ngại nơi đây sẽ trở thành “miền đất hứa” cho các băng nhóm ma túy, tội phạm tranh giành đất sống…Nhưng cuối cùng “Khu tự trị” vẫn sừng sững đứng đó như  trước sau vẫn… khẳng định chủ quyền!? Cư dân ở đây đều quen biết nhau, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau…Thậm chí họ còn hướng ra cộng đồng như quyên góp tiền ủng hộ người dân Tây Tạng (Khu tự trị Tây Tạng). Ngược lại, cộng đồng ở thủ đô Copenhagen cũng ủng hộ cư dân ở đây, kể cả từ Texas, San Francisco, quê hương của phong trào Hippie, cũng hỗ trợ tiền…

Tác giả bên cạnh tượng gỗ hình người

Chúng tôi chỉ còn nửa ngày lưu lại Ðan Mạch nên sau khi ăn sáng xong là kéo đến “Khu tự trị” để… “tận mục sở thị”. Lối chúng tôi vào khá hẹp. Hai bên bờ tường đầy những hình vẽ màu sắc sặc sỡ. Trên một bức tượng gỗ tạc hình người ngồi xếp bằng là dòng chữ như một “tuyên ngôn”: “Thế giới nằm trong tay chúng ta”.  Ðến một con đường lớn, thấy vài thanh niên chạy ra nhìn dáo dác như ngạc nhiên vì sao có khách du lịch đến đây quá sớm… “Hay họ tưởng ta vào mua thuốc?”, tôi tự hỏi và có phần e dè khi họ chạy biến vào trong một con đường nhỏ… Một phụ nữ, khoảng 50 tuổi, đang quét dọn, sửa soạn mở quầy bán tạp hóa, chào chúng tôi bằng tiếng Anh: “Chào các bạn! Các bạn đến quá sớm rồi đó. Phải sau 10 giờ mới đông khách du lịch vào đây!”. Chỉ qua cách chào hỏi rất thân thiện của một cư dân, những lo âu trong chúng tôi đều tan biến.

Những du khách đến sớm

Chúng tôi đi dạo quanh  các con đường lớn. Ở đây có Nhà thờ đón tín đồ vào lúc 16 giờ, ngày Chủ Nhật. “Cháu từng đến đây vào một đêm cách nay 3 năm. Ðêm về thì đúng là nhộn nhịp, ồn ã bởi các quán nhậu, các sân khấu ca múa. Thanh niên nam nữ vừa uống bia vừa nhảy theo các điệu nhạc sôi động. Ðèn màu rực rỡ không chỉ trong các hàng quán mà cả dọc lối đi, trên các con đường lớn. Nhưng… khó chịu nhất là mùi khói thuốc khét lẹt, không chịu được trong một quán bar. Người dân và kể cả khách du lịch, người ta “chơi” thuốc cũng như mua thuốc rất tự nhiên!”, bạn T.Q.Th, một Việt kiều Ðức, kể với chúng tôi. Con phố chính Pusher công khai bán cần sa (chất gây nghiện loại nhẹ). Ai cần mua cứ tự chọn!

Nhà thờ trong Khu tự trị

Một không gian nghệ thuật

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 10 tháng 4 năm 2025

Hàng quán, nhà cửa cũng sơn phết đầy màu sắc như nhằm tạo sự khác biệt với…thế giới bên ngoài. Những tranh vẽ trên tường nhìn rất…trừu tượng hay nói theo nghĩa đen, đối với tôi là… không hiểu gì hết! Chỉ hiểu là trên tường có vẽ một cái máy ảnh có dấu chéo, nghĩa là cấm chụp ảnh! Lợi dụng lúc ít người qua lại, tôi cũng “nháy” vài tấm làm tài liệu. Không hiểu nội dung, ý tưởng tranh vẽ nhưng thấy đẹp về cách phối màu. Có nhiều đoạn đường tôi nghĩ như đó là điểm tập gom rác chờ dọn dẹp… Chẳng hạn, một thùng sắt to chứa bồn cầu, bệ tiểu hỏng, bể… Thùng sắt ở giữa, hai bên là hai bờ tường ngắn và một hàng rào bằng gỗ tạo nên hình chữ U…sặc sỡ tranh vẽ! Một vòng tròn, ghép hai nửa, nửa này bằng xi măng và nửa kia bằng gạch đá nối liền nhau. Cạnh là mấy cái ghế salon dài, chắc hỏng rách, được phủ một tấm vải. Phía sau đó đặt vài cái bàn, sau nữa là mấy chiếc xe đạp cũ, hỏng, chất ngổn ngang. “Ngồi” trên nóc một căn nhà bằng gỗ là một ma-nơ-canh… trần truồng trong tư thế chân phải gác lên chân trái, một dải voan mỏng thay cho suối tóc xõa dài ngăn cách hai bầu vú. Ðến gần, ngắm nghía, ngẫm nghĩ… đây có phải là một… nghệ thuật sắp đặt? Nếu đúng vậy thì thật sự kính nể những người có tâm hồn nghệ sĩ, những con mắt nghệ thuật! Trong một góc đường là điểm trình diễn ca nhạc, có sân khấu gỗ. Nhà hàng, quán bar, tụ điểm trình diễn nhảy múa, hát ca sau một đêm “quậy” hết mình chỉ còn lại sự…im lặng như tờ. Có thể nhiều cư dân đang ngủ vùi để lấy lại sức…đón chào ngày mới muộn. Hai bên hông xe, chính xác “toàn thân” xe lấy rác, cũng sơn vẽ nhiều màu. Các đoạn đường trong “Khu tự trị” không còn rác thải, xác lá cây khô sau khi xe lấy rác đi qua. Nhiều chỗ cây xanh um tùm, chúng tôi có cảm giác như không gian ở đây vừa xanh màu cây lá vừa nhiều màu sặc sỡ bởi các tranh vẽ trên tường, xung quanh nhà… trộn lẫn vào nhau tạo một cảm giác hài hòa, dễ chịu…Hèn gì “Khu tự trị” mỗi năm đón hàng triệu du khách đến thăm.

Tranh vẽ với nhiều màu sắc sặc sỡ

Hai “chính thể” một quốc gia

Xem thêm:   Sáp nhập ai vui ai buồn?

Nghĩ cũng lạ, sống trong một đất nước tự do, một đất nước có chỉ số hạnh phúc nhất, nhì thế giới nhưng vẫn có cả ngàn người còn muốn sống tự do hơn, sống ngoài vòng kiểm soát của chính quyền!? Và lạ hơn nữa là chính quyền tôn trọng và nhượng bộ những người đã “Ðược voi đòi Hai Bà Trưng” để họ tồn tại bất hợp pháp trên khu đất thuộc về nhà nước Ðan Mạch này! Gần đây chính quyền cho phép cư dân ở đây vay tiền để hợp pháp hóa nhà ở của mình với hình thức như mua nhà trả dần… Vậy là họ được trao cho cơ hội để tồn tại. Còn tồn tại trong bao lâu nữa là do cư dân “Khu tự trị”…tự quyết định lấy vận mệnh mình.

Xe lấy rác được trang trí các hình vẽ

LKD