Tôi và bạn dự định đi thăm và ở lại nhà anh chị chỉ ba ngày cuối tuần. Nhưng tới ngày thứ ba, bạn tôi phải về lại Phan Rang để tang bà nội vừa qua đời. Bạn nói, tôi cứ ở lại chơi, sau ngày mở cửa mả bạn sẽ lên lại, ở thêm vài ngày rồi cùng về với tôi.

Trong những ngày này, tôi vẽ chuyện nấu nướng. Bánh tôm chiên khoai lang. Thịt bò xào hành tỏi trộn rau càng cua ngâm giấm. Phở gà. Cháo gỏi vịt. Cà-ri vịt. Cơm chiên Dương Châu. Và nhiều món thuần túy hương vị quê nhà khác. Những hôm có bạn bên cạnh, tôi được bạn phụ giúp đắc lực và khéo léo. Ban ngày chúng tôi ăn uống sum vầy. Ban đêm ngồi bên nhau, nhấm nháp chút rượu trái cây của anh tôi tự cất và hát karaoke, mặc kệ muỗi cắn. Nơi đây, miệt ngoài khu thị tứ, nhà này cách nhà kia một xẻo đất, chúng tôi tha hồ rống riết, không sợ phiền lòng hàng xóm.

Cũng ở đó, lần đầu tiên tôi có kinh nghiệm “oải chè đậu” với cái loa phường. Mỗi sáng một tiếng. Chiều tối thêm một tiếng nữa. Giọng nữ lè nhè, lải nhải từ “khu phố văn hóa” bên kia đường vọng qua. Cảm giác tôi ban đầu rất bực bội, dần dà quen đi, tựa hồ thanh âm một dĩa hát cũ.

Trùng Sơn Cổ Tự, Phan Rang.   

-oOo-

Dọc đường từ Sài Gòn đi Ðà Lạt có nhiều thác nước. Thác Gougah, thác Pongour, thác Prenn… Lối vào thác nước trong thập niên một chín sáu mươi chưa được tráng nhựa, hẹp và dằn xóc, hai bên lùm bụi, cỏ mọc cao tới đầu người. Dẫu vậy, ba tôi vẫn muốn vào xem cho bằng được. Trong khi cả nhà ngắm cảnh thác, ba tôi thuật chuyện vu vơ. Có câu chuyện nọ, không hiểu sao tôi nhớ cho tới bây giờ. Chuyện cô con gái một ông bạn đồng nghiệp của ba tôi, nhảy xuống thác Gougah tự vẫn, vì gia đình không đồng ý cho cô lấy người cô thương. Và ở thác Prenn, trong mảnh vườn con nuôi thú, có chuồng trăn. Vì cớ gì không rõ, con trăn nằm chết từ bao giờ, trơ trơ hai tròng mắt trắng dã. Cạnh đó, hẳn dùng làm thức ăn cho trăn, một con gà ốm còi chim chíp ngơ ngác từng tiếng yếu ớt, não nuột, nghe như lời cầu cứu tuyệt vọng…

Thác Pongour, còn gọi là thác Bảy Tầng, cách huyện Ðức Trọng khoảng hai mươi cây số về hướng Bảo Lộc. Ðường vào thác nước đã được tráng nhựa. Vài nơi đang được tu sửa, rộng đủ cho hai xe hơi lách qua. Du khách vào viếng cảnh, phải mua vé. Có hai lối xuống thác: một rộng thoáng cho xe chở du khách, mỗi người mười lăm ngàn; một nhỏ hẹp, nhiều bậc cấp cheo leo, ẩm ướt. Chúng tôi đi bộ, mất khoảng mười lăm, hai mươi phút mới xuống tới thềm thác. Gần tới nơi, đã nghe tiếng nước đổ âm ỉ. Hôm trước có cơn mưa lớn, nước đầu nguồn hẳn đầy ắp. Tuy vậy, khi ngắm nhìn dòng nước cuồn cuộn từ nguồn đổ xuống bảy tầng đá dựng không ngơi nghỉ, tôi vẫn tự hỏi: “Nước từ đâu nhiều vậy không biết, đổ hoài không ngớt?”

Nơi đây, mây trời thong dong từng đóa nuột nà, nước tuôn ghềnh đá, sương khói mờ ảo, rừng cây rười rượi bóng mát, và tiếng người hân hoan. Bao giờ cũng vậy, con người có mặt như một lỡ tay của đấng tạo hóa. Như nét cọ vụng về trong họa phẩm thiên nhiên. Nếu như chỉ có cảnh thác hùng vĩ, xen lẫn nét diễm lệ của sương khói khỏa mờ thềm đá, và một mình tôi? Tôi sẽ trút bỏ quần áo, tới đẫm mình xuống dòng nước mát, cảm nhận bàn tay thiên nhiên mơn trớn thịt da, cho cảm xúc dậy lên rờn rợn … Ảo tưởng này đeo bám tôi suốt ngày hôm ấy…

Khách vãng lai ban đầu còn thưa thớt. Chỉ một lát sau, đã thấy kéo xuống, hết đoàn này tới đoàn khác. Tưng bừng. Nhốn nháo. Chúng tôi rời đám đông, men theo lối sau, qua cầu ván bắc qua thềm đá rộng thoáng bên kia, cách tụ điểm du khách một khoảng xa. Nơi đây, chúng tôi có thể chiêm ngưỡng toàn vẹn khung cảnh thác nước. Một kỳ quan thiên nhiên. Không thấy ai ngoài bốn người chúng tôi. Với chất ngất nắng, với vạm vỡ đá và âm thanh thác đổ, đồng vọng mênh mông.

Tối đó, ngồi hát karaoke, tôi chuốt giọng: “…Nhiều đêm thấy ta là thác đổ. Tỉnh ra có khi còn nghe…”(1) Giữa khuya, tôi chiêm bao thấy nhiều khuôn mặt kỳ dị vây quanh. Tôi bật tiếng hoảng hốt, vọng vang trong tịch mịch đêm. Bạn lay tôi thức, thảng thốt lời vỗ về. Tôi thổn thức nhớ lại đêm trăng đầy thuở nhỏ, mơ thấy những bóng sáng lay động trắng toát đỉnh mùng.

Tại thác Pongour, Đức Trọng, Lâm Đồng.  

-oOo-

Trong tuần lễ cuối ở Phan Rang, bạn và tôi tới ngoạn cảnh Trùng Sơn Cổ Tự nằm trên một ngọn đồi cách biển Bình Sơn không xa. Cảnh chùa ngày trong tuần vắng vẻ, yên tĩnh. Không một bóng ni sư lai vãng. Nắng xế trưa cuối tháng Sáu rực rỡ. Từ sân thượng chánh điện, tầm mắt tôi có thể phóng nhìn tập thể kiến trúc chùa và phố biển vây quanh. Tâm tư tôi đôi lúc chùng xuống những nốt trầm, vì chỉ một tuần nữa thôi là tôi sẽ trở lại Sài Gòn, sửa soạn ngày về. Sực liên tưởng những câu thơ của cố thi sĩ Du Tử Lê:

“…khi em hiểu cuộc đời không thể khác:

đi với về cũng một nghĩa như nhau.” (2)

Không phải. Với tôi, “đi” và “về” không cùng một nghĩa như nhau. Tôi đã đi, và giờ đây sắp sửa về lại chỗ trọ không phải quê quán. Nhưng ở đó, tôi đã trải qua năm thập niên dài, đã khóc cười, ăn ngủ cùng những buồn vui, thành tựu và thất bại của cuộc sống. Ở đó, tôi một mình nhưng không cô độc, bầu bạn cùng tôi là mớ chữ nghĩa không biết giận hờn hay trách cứ. Và nhất là, tôi được sống trong một môi trường yên ổn. Cho tới cuối đời.

Những ngày này, chiều chiều bạn chở tôi ra bãi tắm Bình Sơn hóng gió biển. Trong khi bạn chơi đá banh, tôi hết ngồi lại nằm thẩn thơ ngoài bãi. Chiều xuống, đá banh xong, bạn tới ngồi cạnh. Chúng tôi ngồi bên nhau, trò chuyện vu vơ, hoặc lặng lẽ dõi mắt ngắm cảnh chiều tàn. Bóng tối rớt xuống chậm rãi. Ngoài khơi, đoàn thuyền giăng câu lên đèn, nhấp nháy như những đốm mắt bồn chồn nỗi mưu sinh.

Trước đó vài ngày, sau khi nhận được vài dòng nhắn tin của họa sĩ Phan Nguyên, chủ xướng trang Mượn Dấu Thời Gian trong mạng xã hội Facebook, ngỏ lời mời tôi đi uống cà-phê. Tôi trả lời và cho biết ngày tôi trở lại Sài Gòn. Chúng tôi hẹn gặp nhau ăn sáng. Anh còn cho biết, muốn lấy dấu lòng tay tôi.

Quán cà-phê hẹn gặp sáng hôm đó vắng khách. Không gian quán đẹp, ghế bàn sạch sẽ, trang trí kiểu Ðông Tây hài hòa, điểm xuyết nhiều cây xanh. Chúng tôi ngồi ngoài sân, ăn bánh mì thịt bò kho, uống cà-phê.

Họa sĩ Phan Nguyên đeo kính mát, bảnh bao quần áo trắng, phong cách và giọng nói từ tốn, dáng vẻ nghệ sĩ Montmartre. Ðiểm nhấn của anh là mái tóc trắng, dây thun túm đuôi sau ót. Chúng tôi hàn huyên vẩn vơ chuyện đời, chuyện người. Của anh bên Pháp, của tôi ở Ðức. Ðôi chút về đất nước và con người Việt Nam. Về dăm ba khuôn mặt văn nghệ tình cờ lướt ngang trí. Chặp sau, anh rút ra trong túi bịch cà-phê bột, trút ra tách, rót chút nước, khuấy tan. Xong xuôi, anh đổ một ít vào lòng tay tôi, bảo xoa đều, rồi ấn lên trang giấy vẽ tập bìa cứng rộng mở trên mặt bàn. Chờ khô, nói tôi ghi xuống vài chữ. Gì cũng được. Và ký tên. Tôi tần ngần giây lát, cầm tập thơ mang theo tặng anh, nắn nót:

“…để thấy ra

trò sáng tạo chỉ là

khoảnh khắc những phù hoa.” (3)

Sau gần ba tiếng đồng hồ chuyện vãn, chúng tôi chia tay nhau. Họa sĩ Phan Nguyên thả bộ về nhà, tôi và bạn lên xe, trộn lẫn vào dòng giao thông xuôi ngược. Day mặt nhìn, dòng sông Sài Gòn lặng lẽ chở từng khuôn nắng, kẻo chiều mưa xuống.

Tại Trùng Sơn Cổ Tự, Phan Rang.

-oOo-

Tối hôm sau, tôi ra sân bay, về lại chỗ trọ bên kia đại lục. Ra tiễn đưa lần này, chỉ mỗi mình bạn tôi. Chúng tôi siết tay, ôm lấy nhau. Tôi thầm thì:

“Anh đi!”

Vào ngồi trong máy bay, tôi rưng rưng liên tưởng những chuyến đi về của đời sống mình. Những khuôn mặt sơ giao cũng như thân tình. Những cảm xúc thăng trầm vừa qua. Những bữa ăn tối được người bạn chủ nhà bên kia trời Âu nhờ người bà con thết đãi: Dim Sum trong một cao lâu Trung Hoa trong Chợ Lớn, hủ tiếu và bánh bao Bà Cả Cần …  Tiếng động cơ rú mạnh, phi cơ rùng mình, nhấc lên phi đạo. Quang cảnh bên dưới xa dần và mất hút vào đêm tối trùng vây. Tôi khép mắt, ngăn niềm xúc động dâng trào…

“Những hẹn hò từ nay khép lại

Thân nhẹ nhàng như mây

Chút nắng vàng giờ đây cũng vội

Khép lại từng đêm vui…”(4)

Hai tháng buồn vui, bầu bạn cùng nhau qua những nẻo đường quê hương. Còn rất nhiều nơi tôi chưa đặt chân tới. Không biết có còn dịp nào cho tôi nữa không? Chỉ một lần thôi, trước chuyến du hành sau cùng, “đi” không “về” lại?

Trong một quán cà-phê ở Sài Gòn với họa sĩ Phan Nguyên.

NND (10.2022)

(1) “Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ” – Sáng tác: Trịnh Công Sơn.

(2) Trích, Du Tử Lê, “Ở chỗ nhân gian không thể hiểu”, Văn học nhân chứng xuất bản, 1989.

(3) Trích đoạn “Khoảnh Khắc” – Thơ Ngô Nguyên Dũng, Nhân Ảnh, 2020.

(4) “Như Một Lời Chia Tay” – Sáng tác: Trịnh Công Sơn.