Cuốn sách Thoát Khỏi Sài Gòn (Getting Out of Saigon) của Ralph White của nhà xuất bản Simon and Schuster vừa phát hành trong tháng Tư vừa qua là một hồi ký sống động với nhiều chi tiết giá trị, được kể bằng một giọng văn của một nhân vật thuộc lãnh vực tài chính nhưng lại khá lôi cuốn và hấp dẫn. Giọng văn khiêm tốn, có phần dí dỏm, không nói về mình mà hầu hết là kể lại sự việc xảy ra mà ông dự phần, hồi ký của Ralph White sống động và chân thật, mức khả tín cao.

“Viên lãnh sự ngước nhìn tôi và hỏi:

– Anh nói 62 người phải không, sir?

– Xác nhận.

– Tôi thực sự nghi ngờ anh có thể lo cho 62 người . Anh bao nhiêu tuổi rồi? – Ông ta đang thực hiện nhiệm vụ của mình trong tư cách là một viên chức Lãnh sự quán tuyên thệ với công vụ.

– Tôi hai mươi bảy tuổi, nhưng tôi có kha khá tiền.

– Mối quan hệ của anh với những cá nhân này là gì?

Nhân viên Chase Bank 27 tuổi, White nói: “Tôi là một chàng trai bình thường phải đối mặt với những hoàn cảnh phi thường. nguồn litchfieldmagazine.com

– Họ là gia đình của tôi –  Tôi giữ thẳng ánh mắt, như trong bất cứ cuộc trò chuyện trung thực, chân thành và nghiêm túc nào khác. Nếu tôi xem họ là gia đình thì họ là gia đình và chỉ vậy thôi.

Ông ta chựng lại, lưỡng lự. Ông là một viên chức chính phủ, nhưng ông cũng là một con người. Tôi cúi xuống và nói:

– Ông có thể làm nhiều điều gây tổn hại hay nhiều điều tốt.

Ông lấy một xấp đơn mà không cần đếm – Chừng này chắc đủ rồi – Ông đứng dậy và bắt tay tôi thật chặt.

– Xin Chúa phù hộ ông, ông White. Ðiền xong nhớ mang lại đây…”

Chi nhánh Sài Gòn của Ngân hàng Chase Manhattan vẫn mở cửa khi chiến sự căng thẳng gia tăng. nguồn NYPost.com

Mẩu đối thoại trên là của chàng thanh niên 27 tuổi là Ralph White với nhân viên Ðại sứ quán Hoa Kỳ trong những ngày cuối tháng Tư năm 1975 của miền Nam Việt Nam trong cuốn hồi ký Getting Out of Saigon vừa phát hành. Ralph White là một đại diện tạm thời và người Mỹ duy nhất của chi nhánh ngân hàng Chase Manhattan tại Sài Gòn và là người đã sắp xếp, bảo trợ đưa 53 nhân viên cùng con cái, thân nhân của họ, cuối cùng tổng cộng đến 113 người Việt di tản sang được Mỹ.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Việt Nam không phải là điểm đến xa lạ với Ralph White khi từ Thái Lan, anh được cấp trên đề nghị đưa anh sang Sài Gòn thay thế cho người trưởng chi nhánh mang quốc tịch Hòa Lan. Chase lo ngại rằng, nếu ở lại và sắp xếp cho nhân viên, nếu ông ta cần phải di tản vào phút cuối một khi Sài Gòn thất thủ, viên chức này với sổ thông hành Hòa Lan không phải nằm trong danh sách những công dân Mỹ được ưu tiên di tản khỏi Sài Gòn.

Bốn năm trước, vào năm 1971 khi vừa ra trường, Ralph White đã từng sang và làm việc cho American Express tại Pleiku rồi chuyển sang làm việc cho Chase Manhattan như một chuyên viên ngân hàng tại các quốc gia Châu Á Hồng Kông và Thái Lan. Ralph White chỉ là nhân viên cấp nhỏ và chưa nhiều kinh nghiệm, lý do ông được đưa qua Sài Gòn theo lời ông nói có lẽ vì không ai muốn qua trong tình trạng Việt Nam lúc mà hầu hết các chi nhánh ngân hàng ngoại quốc khác đã đóng cửa.

Những người lính Việt Nam có vũ trang đứng xếp hàng tại Chase. White nhớ lại: “Ngân hàng hoạt động trong một không khí rất văn minh”. nguồn NYPost.com

Cục diện chính trị và quân sự những ngày giữa tháng Tư năm 1975 tại Việt Nam đã có dấu hiệu Sài Gòn sẽ bị thất thủ. Nhưng  những thượng cấp của Chase Manhattan tại Châu Á vẫn còn những hy vọng rằng điều này không xảy ra hoặc sẽ xảy ra chậm hơn. Họ không muốn lặp lại sai lầm tại Hồng Kông trong cuộc chiến tranh Triều Tiên trước kia khi đóng cửa chi nhánh của mình quá sớm vì lo ngại hồng binh Trung Hoa tràn qua Nam Hàn sẽ tấn công và thôn tính luôn Hồng Kông, trong khi các ngân hàng Anh vẫn mở cửa và tiếp tục hoạt động. Chase Manhattan bị mất uy tín sau vụ này và bị giới tài phiệt Hồng Kông gọi là “kẻ bỏ bạn”, theo lời giải thích của cấp trên Ralph White.

Xem thêm:   Hang gấu

Mặt khác, Chase Manhattan không muốn bỏ rơi các nhân viên người Việt của mình một khi Sài Gòn bị thất thủ. Với Ralph White, ông lo ngại rằng họ sẽ gặp nguy hiểm như khi quân Khờ-me Ðỏ chiếm được Phnom Penh, họ đã hạ sát các nhân viên Cam-bốt làm việc cho Mỹ và phương Tây. Các thượng cấp và ông cũng đã bàn kế hoạch di tản các nhân viên người Việt tận tụy và trung thành của họ, ít nhất cũng phải đưa được những cấp quản trị người Việt rời Việt Nam.

Hai tuần cuối tháng Tư tại Sài Gòn là hai tuần đầy bận rộn của Ralph White khi ông gặp gỡ cùng các giới chức cấp cao của tòa Ðại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Những cuộc trò chuyện, những tiết lộ từ các giới chức này là những chi tiết sử liệu quý giá cho những ai nghiên cứu về cuộc chiến biết thêm về suy nghĩ và tình hình Nam Việt Nam trong những ngày cuối, giới chức ngoại giao Hoa Kỳ biết gì, nhận xét gì về tình thế.

Bất chấp mọi khó khăn, Ralph White, đã sơ tán an toàn 113 nhân viên Ngân hàng Việt Nam và gia đình của họ. Sygma via Getty Images

Cao nguyên Trung phần thất thủ, mất Ðà Nẵng, Ðại sứ quán Hoa Kỳ cũng biết rằng tình thế Nam Việt Nam đã khó xoay chuyển. Một phần Ðại sứ Graham Martin không muốn từ bỏ Sài Gòn và Tòa đại sứ cũng không muốn di tản quá sớm, e rằng tình hình sẽ rối loạn khi người Mỹ bỏ chạy. Như Ralph White kể qua các cuộc trò chuyện của ông, cây cao trong khuôn viên tòa đại sứ cũng không đốn trước lấy bãi đáp cho trực thăng hạ cánh để lộ dấu hiệu tòa đại sứ chuẩn bị di tản, mà đợi cho đến phút cuối khi chính thức có lệnh di tản.

Tình tiết, câu văn trong Getting Out of Saigon cho thấy Ralph White là một nhân chứng am hiểu và theo dõi tình thế chính trị và quân sự tại Nam Việt Nam khá sát. Hay khác hơn ông phải đọc và biết sử khá nhiều. Ông kể tên những tướng Việt Nam Cộng Hòa, kể cả tướng Bắc Việt là tướng Văn Tiến Dũng-người chỉ huy cuộc tổng tấn công vào Sài Gòn. Chính vì vậy mà Thoát Khỏi Sài Gòn dù là một tự truyện dạng hồi ký nhưng có những chi tiết mang giá trị lịch sử, cũng có thể ít nhiều là một nguồn tham khảo cho giới sử học và nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam với những sử liệu nếu chưa từng biết đến.

Xem thêm:   Thương Hoa Tiếc Ngọc

Ralph White sau này trở thành một cấp quản trị tài chính cao cấp của Chase khi về hưu và là cựu sáng lập tổ chức văn bút cho các cựu sinh viên đại học Comlumbia mà ông từng theo học tiếp về quản trị kinh doanh sau chiến tranh Việt Nam, có lẽ đó là lý do ông viết hồi ký của một bút pháp lôi cuốn một nhà văn có tài.

Những người tị nạn từ Chi nhánh Chase tại Sài Gòn trao một tấm bảng cho David Rockefeller để cảm ơn vì đã bảo lãnh cho việc di tản, định cư và giới thiệu việc làm cho họ ở Mỹ. nguồn NYPost.com

Hầu hết các nhân viên của Chase được Ralph White bảo trợ đã di tản thành công, ngoại trừ những người không muốn ra đi vì lý do gia đình. Họ được sang Phi Luật Tân, đảo Guam rồi New York chỉ vài ngày trước khi Sài Gòn thất thủ. Những người này đến Mỹ, với vốn tiếng Anh sẵn có, được các gia đình nhân viên của Chase Manhattan bảo trợ và ngân hàng hậu thuẫn, nhanh chóng tìm công việc phù hợp cho họ, có lẽ đây là nhóm người tị nạn gốc Việt sớm ổn định nhất trong làn sóng người Việt di tản năm 1975.

Ralph White và Chase Manhattan có lẽ là ân nhân lớn nhất của tất cả các gia đình gốc Việt này. Ralph White không xem họ là nhân viên, thuộc cấp hay người tị nạn mà xem những nhân viên Việt Nam như gia đình, người thân của ông. Trong suy nghĩ và cả với trả lời cùng nhân viên đại sứ quán bên trên.

Có một điều bên lề cuốn sách khi tôi đọc cuốn sách này cùng các tài liệu liên quan đến Ralph White thì, ông không gặp lại bất cứ người Việt nào từng được ông bảo trợ cho đến lần đầu tiên cái Tết năm trước, sau gần 50 năm. Không biết ông liên lạc tìm lại được những người Việt này hay họ đã tìm lại ông? Quả là điều đáng ngạc nhiên.

Câu chuyện của Ralph White qua hồi ký Getting Out of Saigon là một trong vô số câu chuyện cảm động, thấm đẫm tình người của những người Mỹ từng giúp đỡ, cưu mang những người tị nạn Việt Nam. Dẫu là một câu chuyện nhỏ trong bức tranh toàn cảnh, Getting Out of Saigon góp thêm vào chân dung của sự hiện diện từ hàng triệu người gốc Việt đã đến Mỹ như thế nào.

ĐYT