Dạo gần đây tôi thường xem lại các mẩu phim ngắn America’s Got Talent (AGT) được chọn lọc đăng tải và có hàng chục triệu lượt xem. Xem một đôi lần, vậy là nó cứ hiện ra. Và lại xem. Những clip như vậy mang lại cho khán giả vô số cảm xúc khi chứng kiến những nụ cười, giọt nước mắt hạnh phúc qua những câu chuyện cảm động và chứa chan niềm hứng khởi, những màn trình diễn xuất sắc, ngoạn mục.

Tôi yêu thích sự dự phần của hàng ngàn khán giả vào các màn trình diễn. Họ lặng im phăng phắc nghe các thí sinh trình diễn. Họ gạt nước mắt. Họ mỉm cười. Họ vỗ tay cổ vũ thí sinh. Họ hò reo, ôm lẫn nhau khi một thí sinh được giám khảo bấm nút vào thẳng chung kết như chính họ hay người thân được chọn. Một thế giới hồn nhiên, trân trọng và hết lòng với một thí sinh lạ hoắc mà họ chưa từng biết đến trong cuộc đời mình trước đó.

Một trong những clip có lẽ tôi đã từng xem không dưới hàng chục lần và biết nếu có hiện ra thì mình vẫn lại xem.

Ðó là clip trình diễn đầy xúc động của Jane, một nhạc sĩ 30 tuổi, xuất hiện dưới cái tên sân khấu là Nightbirde. Jane có nụ cười thật tươi và giọng hát phiêu hốt, nhẹ như tơ trời theo ý nghĩa cái tên “tiếng chim khuya” của cô.

Nightbirde trên sân khấu America’s Got Talent – nguồn NBC News

Nightbirde bị ung thư giai đoạn cuối và chỉ còn 2% cơ hội sống. Cô sáng tác và trình bày bài hát “It’s ok”, viết về những chiêm nghiệm ở năm cuối cùng trong cuộc đời của cô.

Xem thêm:   Chó...

Sau một màn trình diễn mà cả khán phòng im bặt trong một đôi giây rồi bùng ra tiếng vỗ tay ầm ầm và hò reo từ khán giả thì tiết mục đó vượt lên trên sự thành công rất nhiều lần. Bởi nó làm khán giả lặng người, thảng thốt, chạm được nỗi xúc động tột bực trong họ trước khi phản ứng như trong những tiết mục khác.

Cô bảo “bạn không thể đợi đến lúc đời sống hết nghiệt ngã trước khi quyết định (mình) được an vui” là câu nói tự tại đầy an nhiên, được lan truyền và mang niềm cảm hứng đến rất nhiều người. Một vũ đoàn của Lebanon đã tham dự và thành công tại AGT là từ niềm cảm hứng này. Nếu bạn vào youtube xem Nightbirde hát, rồi xem tiếp màn trình diễn tuyệt vời của vũ đoàn Mayyas, các bạn chắc chắn sẽ không thất vọng vì mình đã xem. Vũ đoàn Mayyas dùng sân khấu AGT để cổ vũ cho nữ quyền tại quốc gia mình, tương tự như vũ đoàn thiếu niên xuất chúng Light Balance đến từ Ukraine cũng dùng AGT để kêu gọi hòa bình cho quốc gia mình.

Vũ đoàn Mayyas của Lebanon dùng sân khấu AGT để cổ vũ cho nữ quyền – nguồn billboard

Bài hát và câu chuyện, những lời nói của Nightbirde đã gây xúc động cho Simon. Nó mang lại cho cô “nút vàng” Golden Buzzer hiếm hoi trong mỗi mùa AGT, tức cơ hội sang thẳng Las Vegas để trình diễn trực tiếp truyền hình ở vòng chung kết. Rất tiếc là sức khỏe của cô đã không cho phép cô xuất hiện lần thứ nhì và rồi cô qua đời chỉ vài tháng sau đó.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Lâu lắm rồi tôi mới gặp lại Simon Cowell thường xuyên hơn. Simon là giám khảo, nhà sản xuất kiêm linh hồn các chương trình “Got Talent” được nhượng quyền khắp thế giới, có cả tại Việt Nam. Simon xuất hiện với khán giả Mỹ khoảng đâu 20 năm trước qua chương trình “American Idol” rất thành công lúc bấy giờ mà tôi cũng từng thích thú theo dõi hàng tuần trong một vài mùa đầu tiên. Simon nhận xét sắc bén, chuyên nghiệp trong âm nhạc nhưng thẳng thừng, cay độc đến thô lỗ, độc ác với các thí sinh. Anh mỉa mai, châm biếm giọng hát, trang phục hay phong cách các thí sinh với câu mở đầu trở thành một biểu tượng khi nhắc đến Simon là, “Tôi không muốn thô lỗ nhưng…”.

Vũ đoàn thiếu niên xuất chúng Light Balance đến từ Ukraine thông qua AGT để kêu gọi hòa bình cho quốc gia mình. nguồn The Nocturnal Times

20 năm sau gặp lại, Simon khác hẳn ngày xưa. Vẫn sắc sảo, nhiều cá tính nhưng không còn cay độc, mỉa mai như trước. Anh hồn hậu, nhiều xúc cảm, rất nhiều lần thấy anh gạt nước mắt sau những màn trình diễn xúc động nào đó. Anh cũng thường bấm “nút vàng” cho các thí sinh xuất sắc với những câu chuyện cảm động thường xuyên  hơn. Không biết điều gì đã làm anh thay đổi?

Tôi nghĩ đến một tuổi nào đó, người ta đủ già để thấu hiểu về đời sống, đối xử độ lượng với con người và tâm hồn còn đủ trẻ để cảm nhận niềm vui, sự hy vọng trong nó. Cần như vậy. Bằng không, chỉ là một sự lây lất chặng ga cuối bất hạnh, bất toàn.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Ðúng vậy, như lời Nightbirde để lại, không thể đợi đến lúc đời sống hết khó khăn, nghiệt ngã trước khi quyết định mình có được niềm an vui, hạnh phúc. Há không phải đó là một nhân sinh hay triết lý sống đầy an nhiên hay sao?

Simon Cowell với tay bấm nút vàng. nguồn littlethings.com

DYT