Khi các chính sách cùng những chương trình hỗ trợ kinh tế giữa Bạch Ốc và Hạ Viện vẫn còn giằng co, bàn thảo, người dân có thể nhận ra rằng Hạ Viện có những vai trò khác biệt với chính phủ và ảnh hưởng đến người dân như thế nào. Trong mùa bầu cử năm nay, không chỉ bầu chọn tổng thống hay một số thượng nghị sĩ cần tái tranh cử mà tất cả các dân biểu Hạ Viện đều cần phải tái tranh cử. Để lá phiếu của mình được xác đáng hơn, theo sau bài giới thiệu về Thượng Viện, chuyên mục mời các bạn cùng tiếp tục tìm hiểu về vai trò và hoạt động của Hạ Viện Hoa Kỳ quan trọng như thế nào.

Ðược thành lập theo hiến pháp Hoa Kỳ vào năm 1789, Hạ Viện đã nhóm họp lần đầu tiên tại New York rồi chuyển đến Philadelphia và cuối cùng về Washington DC từ năm 1800 cho đến nay.

Hạ Viện Hoa Kỳ chia sẻ trách nhiệm với Thượng Viện Hoa Kỳ trong nhánh lập pháp, tức đề ra các dự luật và trình lên tổng thống phê chuẩn để trở thành pháp lịnh, áp dụng cho cả quốc gia. Theo quan niệm của các nhà soạn thảo Hiến Pháp Hoa Kỳ, Hạ Viện đại diện cho ý chí của người dân và các dân biểu sẽ được người dân trực tiếp bầu chọn.

Hạ Viện thoạt đầu khi thành lập chỉ có 59 dân biểu và đến năm 1912, số dân biểu mới lên đến 435 người cho đến nay. Bên cạnh đó, có năm dân biểu đại biểu đại diện cho Washington DC,  Virgin Islands, đảo Guam, Samoa thuộc Mỹ và khối thịnh vượng chung của quần đảo Northern Mariana cùng một ủy viên thường trực đại diện cho Puerto Rico. Các đại biểu và ủy viên này có quyền hạn như các dân biểu khác của Hạ Viện, ngoại trừ việc họ không được bỏ phiếu biểu quyết các dự luật của Hạ Viện.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Việc phân bổ số lượng dân biểu Hạ Viện dựa trên dân số của mỗi tiểu bang và số dân biểu này được phân bổ lại mỗi 10 năm sau các cuộc điều tra dân số. Có 435 khu vực cử tri và trung bình mỗi dân biểu đại diện cho khoảng 750,000 cư dân trong khu vực. Khác với các thượng nghị sĩ đại diện cho tiểu bang, các dân biểu Hạ Viện là những người đại diện trực tiếp cho cử tri trong khu vực mình nên khá quan trọng và gần gũi với người dân hơn.

Huy hiệu của Hạ Viện Hoa Kỳ – nguồn en.wikipedia.org

Các dân biểu Hạ Viện được bầu cho mỗi nhiệm kỳ hai năm thay vì nhiệm kỳ sáu năm như các thượng nghị sĩ tại Thượng Viện nên việc tái tranh cử hầu như thường xuyên sôi động trong mỗi cuộc bầu cử. Ðể đủ điều kiện ra tranh cử và trở thành dân biểu Hạ Viện, ứng viên phải là người từ 25 tuổi, có quốc tịch Hoa Kỳ ít nhất là bảy năm và cư trú tại tiểu bang mình đại diện. Có khoảng 150 dân biểu Hạ Viện hiện nay là các tân dân biểu nhiệm kỳ đầu và có khá nhiều dân biểu trẻ tuổi. Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez, 31 tuổi là dân biểu trẻ nhất tại Hạ Viện hiện nay và cũng là nữ dân biểu trẻ nhất từng đắc cử vào Hạ Viện ở tuổi 29 vào năm 2018.

Hiến pháp quy định một số quyền hạn độc quyền nhất định trong Hạ Viện, bao gồm quyền khởi xướng thủ tục luận tội và thông qua ngân sách quốc gia. Theo thời gian, Hạ Viện đã phát triển dưới ảnh hưởng của các đảng phái chính trị. Các đảng này kiểm soát các hoạt động và vận động các dân biểu thuộc đảng mình bỏ đủ túc số phiếu cần thiết. Các cấp lãnh đạo đảng, như Chủ Tịch Hạ Viện cùng các lãnh đạo khối đa số và thiểu số đã đóng vai trò trọng yếu trong hoạt động, đường lối của đảng mình. Tuy nhiên, khuôn phép đảng phái, tức là xu hướng tất cả các dân biểu của một đảng đều đồng loạt bỏ phiếu theo đảng mình không phải lúc nào cũng xảy ra do các dân biểu phải tái tranh cử mỗi hai năm một lần, họ cần chú ý đến cả ý nguyện cử tri khu vực mình đại diện thay vì bỏ theo đảng phái.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Chủ tịch Hạ Viện, tức bà Nancy Pelosi hiện nay có vai trò đứng đầu Hạ Viện, là người được đảng khối đa số, tức đảng Dân Chủ bầu chọn để chủ trì các cuộc tranh luận hay nghị hội, chỉ định thành viên của các ủy ban. Chủ Tịch Hạ Viện là người thứ hai trong hàng kế nhiệm tổng thống, theo sau phó tổng thống nếu tổng thống bất ngờ qua đời, bị bãi nhiệm hay mất khả năng điều hành quốc gia vì lý do nào đó, như bịnh tật, tai nạn…

Hình ảnh Hạ Viện Hoa Kỳ khi Chủ tịch Hạ viện, Joseph Cannon của Illinois tuyên thệ nhậm chức, khai mạc Đại hội lần thứ 59 (1905-1907). Nguồn history.house.gov

Các đảng viên khối đa số và thiểu số họp riêng để bầu chọn những cấp lãnh đạo của mình. Các đảng phái thứ ba hiếm khi có đủ thành viên để bầu ra ban lãnh đạo của riêng mình và những dân biểu độc lập này thường sẽ tham gia vào một trong các đảng lớn hơn, hoặc Dân Chủ hay Cộng Hòa để nhận nhiệm vụ của ủy ban hoặc bỏ lá phiếu của mình trong các dự luật được đưa ra.

Có 20 ủy ban thường trực tại Hạ Viện về các lãnh vực lập pháp khác nhau như đối ngoại, tư pháp, ngân sách, thương mại, giáo dục, canh nông, giao thông…. Mỗi ban sẽ xem xét các dự luật và các vấn đề chuyên môn của ban mình rồi trình lên Hạ Viện xem xét. Các ủy ban  này cũng có trách nhiệm giám sát các cơ quan, chương trình và hoạt động chính phủ trong phạm vi quyền hạn của mình.

Xem thêm:   Chó...

Như đã nói trên, cuộc bầu cử lần này thì 435 dân biểu đều tái tranh cử hay có người mới ra tranh cử. Nó không chỉ là sự thành bại cá nhân của mỗi ứng viên mà còn quyết định đến việc đảng nào sẽ chiếm khối đa số tại Thượng Viện. Hiện nay Hạ Viện nằm trong tay đảng Dân Chủ với 232 ghế và đảng Cộng Hòa là 197 ghế (1 thuộc đảng Tự Do và 5 ghế trống). Ðảng nào chiếm quá bán túc số dân biểu, tức 218 ghế sẽ trở thành khối đa số và lãnh đạo Hạ Viện. Việc đảng nào chiếm khối đa số tại Hạ Viện hay Thượng Viện này rất quan trọng trong việc thông qua các chính sách của chính phủ, ngân sách quốc gia cũng như trong các bổ nhiệm quan trọng cần sự chuẩn thuận từ Quốc Hội.

Điện Capitol tại Washington, D.C. Trụ sở của Hạ Viện và Thượng Viện Hoa Kỳ – Credit: REUTERS/Kevin Lamarque

Ở đây cũng nói thêm rằng, trong tất cả cuộc bầu cử mỗi hai năm, không chỉ các ghế tại Quốc Hội sẽ tái tranh cử mà còn có cả các cấp địa phương, từ quận hạt đến nhánh lập pháp tiểu bang cùng các ghế thống đốc tiểu bang cũng nằm trên lá phiếu cử tri. Các vị trí dân biểu địa phương như thẩm phán, nha học chánh, cơ quan tiện ích, ủy viên quận hạt… là những cấp dân cử trực tiếp điều hành, quyết định ngân sách, chính sách thuế khóa, vấn đề dân sinh, y tế, giáo dục hay an ninh… trực tiếp ngay địa phương mình, nên việc bầu chọn cho những vị trí này có phần thiết thực không kém việc bầu tổng thống cùng các dân biểu liên bang.

Chính vì vậy, không chỉ thực hiện bổn phận công dân chỉ ở mỗi kỳ bầu cử tổng thống bốn năm, mà còn cần tham gia các cuộc bầu cử mỗi hai năm. Lá phiếu của bạn đã sẵn sàng, hãy tham gia bầu cử như một người công dân có trách nhiệm.

ĐYT

Source: House.gov