Theo sau bài viết giới thiệu Đạo diễn trẻ người Pháp Francois Bibonne và cuốn phim tài liệu về âm nhạc Việt Nam “Once upon a bridge in Vietnam” được giải thưởng Liên hoan phim LAFA tại Los Angeles, đạo diễn Francois đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện. Mời các bạn cùng theo dõi vài chia sẻ thú vị về những dự án liên quan đến cộng đồng người Việt từ Đạo diễn Francois Bibonne qua cuộc phỏng vấn này.

Francois nghe chầu văn- photo Do Đạo diễn Francois Bibonne cung cấp 

Đinh Yên Thảo (ĐYT): Trước khi sang Việt Nam, khác hơn là quê hương của bà Nội mình, hình ảnh đất nước Việt Nam trong anh như thế nào?

Đạo diễn Francois Bibonne (ĐD FB): – Hình ảnh của tôi về Việt Nam, khác hơn với đất nước của bà Nội tôi là hình ảnh qua Hollywood. Ở Pháp, chúng tôi không thực sự xem phim Pháp về Việt Nam, chúng tôi có một số phim như Ðông Dương (Indochine), Người Tình (l’Amant), Tường biển (Barrages contre le Pacifique) nhưng chúng không quá phổ biến đối với thanh thiếu niên. Vì vậy, hình ảnh Việt Nam trong tôi liên quan đến bạo lực trong lịch sử chiến tranh và nước Mỹ, đó là một hình ảnh giới hạn chỉ có súng đạn, rừng già, thuốc phiện và bom.

ĐYT: – Bà Nội anh có kể anh nghe về Việt Nam không? Anh có thể kể đôi điều về bà Nội mình được không?

ĐD FB: -Thật ra bà Nội tôi đã mang đến cho tôi một hình ảnh đẹp về Việt Nam thông qua các món ăn Việt Nam mà bà thường nấu như thịt heo kho ăn với xôi, gỏi cuốn, bánh cuốn, phở… Ðó là những điều mà tôi đã biết từ thuở ấu thơ. Cũng có một số đồ vật kỷ niệm như huân chương của ông Nội tôi là một Ðại Tá Pháp trong chiến tranh của Pháp tại Việt Nam và một số bộ quần áo đẹp như áo dài mà bà tôi mang theo từ Việt Nam sang. Hoặc một đôi câu tiếng Việt bà nói. Hồi nhỏ tôi từng đến thăm bà rất nhiều trong những dịp lễ và bà cũng thích tụ tập chơi bài với những người bạn Việt Nam của mình.

ĐYT: – Té ra ông Nội anh là một đại tá từng sang Việt Nam. Anh đã mang ý định sang Việt Nam làm phim dài đến 15 tháng hay nó chỉ kéo dài ngoài dự định?

ĐD FB: – Tôi đến Việt Nam ba lần. Lần đầu tiên là với gia đình khi bà tôi qua đời vào tháng 12 năm 2018. Lần thứ nhì là đi làm tập sự 3 tháng tại một công ty du lịch có trụ sở tại Hà Nội vào năm 2019. Lần thứ ba là dự án phim tài   liệu từ tháng Hai năm 2020 đến tháng Bảy năm 2021. Thoạt đầu thì tôi có vài tháng nên tôi muốn làm một bộ phim tài liệu nhỏ về các nghệ sĩ âm nhạc cổ điển phương Tây tại Hà Nội bằng iPhone . Nhưng sau đó bị dịch Covid rồi đóng cửa, tôi đã báo cho gia đình rằng tôi sẽ ở Việt Nam lâu hơn và dành thời gian để thực hiện một cuốn phim tài liệu.

Bà Nội Francois- photo Do Đạo diễn Francois Bibonne cung cấp

ĐYT: – Không có ngân sách và sự giúp đỡ ban đầu, làm sao anh có thể đi lại đó đây và làm phim?

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

ĐD FB: – Tôi có nhận được sự giúp đỡ từ Ðại Học Âm nhạc và Mỹ thuật Fontainebleau, họ đã tài trợ cho tôi một chiếc máy quay phim rất tốt. Ðây là một trường nhạc nổi tiếng dành cho sinh viên Mỹ đặt trụ sở tại Fontainebleau của Pháp. Tôi làm việc cho họ mỗi tháng Bảy hàng năm qua các chương trình mùa Hè của họ và đây cũng là nơi tôi đã học cách thực hiện các cuộc phỏng vấn. Còn trong cuộc sống hàng ngày của tôi tại Việt Nam, tôi phải kèm riêng tiếng Pháp và tiếng Anh cho một số học sinh và dạy tại một số trung tâm sinh ngữ.

Tôi đã tự mình gây quỹ cho toàn bộ dự án của mình và tôi rất vui vì đã có thể làm được điều đó. Tất nhiên ba mẹ tôi sẽ đứng phía sau nếu có thêm điều gì. Ngoài ra, có Honna Tetsuji là Giám đốc Âm nhạc của dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam đã đặc biệt tặng tôi vé miễn phí cho tất cả các buổi hòa nhạc và mời tôi đi ăn tối với bạn bè nhạc sĩ của anh ấy hơn 20 lần, nên đó cũng là một sự giúp đỡ rất tốt. Cô Lương Tố Như là một nghệ sĩ dương cầm, cũng đã giúp tôi tìm một số công việc với các trường mẫu giáo.

ĐYT: – Tiếp xúc nhiều như vậy thì điều gì anh thích nhất ở Việt Nam và có kỷ niệm nào đáng nhớ nhất mà anh có thể kể ra? 

ĐD FB: – Tôi đã có cơ hội tham gia với cộng đồng âm nhạc tại Hà Nội và cả tại Sài Gòn trong một vài chuyến đi. Ðó là những kỷ niệm tuyệt vời trong tư cách là một nhạc sĩ vì tôi đã học piano, tôi có thể cảm nhận được sự rung cảm của cộng đồng và nhanh chóng hòa nhập vào các dự án của họ. Tôi không xem mình là một người nước ngoài mà là một thành viên trong cộng đồng của họ.

Một kỷ niệm tuyệt vời là chuyến khám phá trong khu rừng tre Mù Cang Cải tại Yên Bái, chúng tôi đã cùng một nhóm nhạc dân tộc đến đó để sống cùng thiên nhiên và tổ chức một video âm nhạc nhằm cổ vũ sự phát triển môi trường tại tỉnh Yên Bái. Tôi rất vui khi thấy dự án của mình bắt đầu với một dàn nhạc và kết thúc trong một khu rừng tre.

Do đó tôi có thể thích nghi với các nền văn hóa khác nhau. Văn hóa phương Tây với ảnh hưởng Pháp thỉnh thoảng qua các dự án liên quan đến âm nhạc cổ điển phương Tây. Văn hóa Việt Nam khi nói về âm nhạc truyền thống như Quan họ hay ca Trù. Văn hóa Mỹ khi làm phim và tiếp xúc với người Mỹ tại Hà Nội. Tôi cũng có thể cảm nhận được văn hóa Nam Hàn, dù không đưa vào trong phim tài liệu của tôi, khi tôi đi chơi tại các quán bar và club đêm và nó có thể là chủ đề cho một cuốn phim tài liệu.

Cùng một ban kèn Tây Việt Nam- photo Do Đạo diễn Francois Bibonne cung cấp

ĐYT: – Vậy còn điều gì gây khó khăn cho anh, khó làm anh thích ứng với nó?

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

ĐD FB: – Nghe kể cách đây vài năm tại Hà Nội, có một người nước ngoài đã lấy đi rất nhiều đồ đạc của nhà cho thuê và không quay lại. Kể từ đó, ngành này có phần lo lắng về người nước ngoài và một số nơi chỉ chấp nhận cho người Việt Nam thuê. Vì vậy, lúc đầu điều đó cũng có gây khó khăn cho tôi.

Vấn đề khác là thời gian. Rất nhiều người đi trễ vì vậy khi chuẩn bị một buổi thu hình sẽ rất căng thẳng. Có khi những người mà anh phỏng vấn lại phải đợi nhóm quay phim của anh. Nhưng nó cũng là một vấn đề chung, chứ không riêng người Việt Nam.

Tôi nghĩ vấn đề lớn nhất là visa. Tôi đã làm việc 15 tháng tại Việt Nam trong tư cách là một nhà làm phim tài liệu nhưng không được cơ quan nào bảo trợ, có lẽ lúc đó tôi chưa được nhiều người biết đến. Bây giờ, tôi muốn xin visa đặc biệt để có thể thực hiện, cung cấp nhiều chuyển tải hơn về Việt Nam thông qua con đường âm nhạc. Tôi nghĩ rằng đó là công sức dành cho Việt Nam vì họ chưa thực hiện các nội dung liên quan nào đến các dàn nhạc ra đến người nước ngoài.

ĐYT: – Nếu Việt Nam chưa làm các phim tài liệu hay giới thiệu âm nhạc cổ truyền ra nước ngoài thì những cuốn phim của anh sẽ là cơ hội. Tại sao anh lại chọn Liên hoan phim LAFA tại Los Angeles để dự thi? Anh có gởi cho giới phim ảnh tại Châu Âu hay nơi nào khác không?

ĐD FB: – Chúng tôi cũng đã gởi đến một Liên hoan phim tại Roma là Prisma Festival và cũng được chọn, cũng như tại một số Festival hàng tháng khác. Nói anh biết thêm là vào thời điểm đó, tôi cũng chưa hoàn tất cuốn phim thật tốt, vì vậy rất tuyệt vời khi chúng tôi đã nhận được một số giải thưởng. Tôi đã chờ thêm những góp ý chuyên nghiệp để hoàn thiện cuốn phim tài liệu này và cố gắng hết sức có thể, nên bây giờ tôi có thể gởi tham dự các cuộc Liên hoan phim quốc tế hàng năm và các Liên hoan phim lớn tại Pháp mà rất khó khăn để giành chiến thắng.

Riêng về giải thưởng LAFA thì thật tuyệt vời bởi vì đó là chiếc cầu nối giữa dự án của tôi và nước Mỹ. Ðây là một Liên hoan phim lớn rất nổi tiếng trong kỹ nghệ điện ảnh. Tôi rất vui vì chúng tôi có thể giành chiến thắng tại liên hoan và sẽ tiếp cận khán giả nhiều hơn nữa thông qua đó.

Giải thưởng LAFA – Photo: LAFA 2022

ĐYT: – Chắc chắn là vậy. Anh sẽ làm gì tiếp với cuốn phim sau giải thưởng này?

ĐD FB: – Hiện nay chúng tôi đang nói chuyện với một số nhà phân phối không độc quyền. Tôi cũng đang chờ đợi chứng nhận chính thức cho bộ phim (visa d’exploitation) do Cục Ðiện ảnh Quốc gia tại Pháp cấp. Sau khi nhận được thì tôi có thể chiếu phim ra rạp và nhận được sự chú ý nhiều hơn từ truyền thông Pháp. Ðây là một con đường rất dài, một dự án tài liệu tốn 3 năm làm việc.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

ĐYT: – Quả nhiều công sức mà không phải ai cũng có thể theo đuổi. Anh từng bảo phim “Once upon a bridge in Vietnam” chỉ là sự khởi đầu cho dự án lớn và lâu dài hơn. Anh có thể chia sẻ đôi điều về ý định của mình?

ĐD FB: – Dự án tiếp theo của tôi sẽ là về các nhạc sĩ Việt Nam tại Pháp, nhưng tôi sẽ thu hình tại Việt Nam vì tôi cần lồng một cuộc khám phá để mang sự giải trí cho khán giả. Nó sẽ là bộ phim tài liệu thứ hai. Dự án thu thập nhiều sự sáng tạo hơn, chẳng hạn từ các bài báo, các nghiên cứu, những sự kiện, các buổi hòa nhạc. Tôi muốn phát triển một chi nhánh nghệ sĩ tại Việt Nam trong tương lai và cho các buổi hòa nhạc. Một ý tưởng khác là thu hút nhiều sự chú ý hơn về âm nhạc cổ truyền ở Việt Nam và để những người muốn gìn giữ, nuôi dưỡng nghĩ đến nó.

Với nước Mỹ thì tôi cũng muốn sang và phỏng vấn những nghệ sĩ  Việt Nam. Gần đây tôi có đọc được một số sách của nhà thơ Ocean Vương và bắt đầu thấy thích thú với người Việt tại Mỹ. Chú tôi sống ở Philadelphia nên việc di chuyển từ đó cũng khá dễ dàng. Tôi cũng biết rất rõ về New York vì tôi đã từng đến đó để làm việc với  Ðại học Âm Nhạc và Mỹ thuật Fontainebleau. Có một nghệ sĩ dương cầm tài ba tên là Quỳnh Nguyễn cũng từng là sinh viên ở trường đó và  tháng 10 năm 2022 tới đây, cô sẽ trình diễn tại Hà Nội thông qua chương trình hợp tác của Ðại Sứ Quán Hoa Kỳ. Tôi rất thích gặp cô ta tại NYC và trao đổi một số nội dung về Việt Nam và Mỹ. Trong năm 2023, chúng tôi cũng sẽ chào đón 50 năm Hiệp định Hòa bình Paris thông qua âm nhạc.

Francois trong một thính phòng – photo Do Đạo diễn Francois Bibonne cung cấp

ĐYT: – Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện, anh có thể chia sẻ gì thêm về thông điệp chuyển tải qua hình ảnh chiếc cầu trong tựa và cuốn phim vừa qua của anh?

ĐD FB: – Chiếc cầu là một biểu tượng dễ hiểu nhưng nó cũng là tên của một bộ phận trong các nhạc cụ dây như vĩ cầm, viola, cello… để nâng dây đàn. Vì vậy, đây là một phép ẩn dụ rất đẹp. Nó cũng là cấu trúc trong một bài hát, dùng chuyển tiếp giữa điệp khúc và đoạn nhạc kế. Và tất nhiên là cả cầu Long Biên, có thể minh họa cho mối thân hữu giữa Pháp và Việt Nam (chú ÐYT: cầu Long Biên được Pháp thiết kế và xây dựng vào đầu thế kỷ 20). Hoặc là phép ẩn dụ giữa âm nhạc cổ điển và âm nhạc truyền thống. Hay xa hơn nữa là giữa quá khứ và tương lai. Ðó là tất cả những diễn giải và đó là lý do bộ phim tài liệu sẽ trò chuyện cùng tất cả các bạn.

ĐYT: – Một lần nữa, xin chúc mừng đạo diễn Francois Bibonne về giải thưởng LAFA đã giành được và chúc anh thành công trong những dự án tương lai. Xin cảm ơn đạo diễn đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.

ĐYT thực hiện