Bảo Quốc bước vào nhà như một người con xa nhà về ăn Tết. Và anh cũng đã làm mọi người dễ dàng đón chào anh như một thành viên gia đình, hơn là cuộc gặp gỡ xã giao giữa nghệ sĩ và khán giả hay báo chí. Trong không khí gia đình ấm cúng ngày Xuân, quanh bữa ăn tối là những câu chuyện rộn rã tiếng cười vang. Tôi kéo ghế ngồi bên anh, dẫu bật máy thu âm nhưng ý định phỏng vấn mang tính báo chí ban đầu đã bỏ. Hãy ghi lại dăm cảm nhận thân tình hơn về một người nghệ sĩ hài đã được nhiều khán giả thương mến qua sổ tay này vậy.

Vợ chồng Bảo Quốc tại một quán bar Dallas. hình Bảo Quốc cung cấp
Chuyến bay từ Houston bị trễ, lẽ ra đã đến Dallas từ sáng nhưng đến tận gần bảy giờ tối thì Bảo Quốc cùng vợ anh mới về đến căn nhà đã có đông bạn hữu đang rộn ràng tụ họp ngày đầu năm. Không khí Tết của ngày mồng Ba vẫn còn mới như những chậu cúc vàng bông rực rỡ và nhánh đào tươi đương trổ những nụ hồng được trang trí trên chiếc bàn nhỏ góc nhà.
Anh bảo sang Houston diễn Tết cùng con gái là nghệ sĩ Hồng Loan, một phần cũng để ghé qua Dallas thăm anh chị Cang-Mỹ Liên chủ nhà, là những người em quen biết của vợ chồng anh từ những ngày còn ở Sài Gòn. Có thêm bạn bè thân hữu như gia đình, không khí càng vui hơn khi anh thân ái, gần gũi và dí dỏm, thỉnh thoảng chêm vài câu đùa rất duyên làm mọi người bật cười. Vậy là những mẩu chuyện rời cùng Bảo Quốc nhân dăm ngày ngắn ngủi anh ghé qua Dallas đã cho tôi biết thêm đôi điều thú vị về cuộc đời và hoạt động sân khấu của người nghệ sĩ lừng danh này.

Cố nghệ sĩ Thanh Nga và Bảo Quốc
Bảo Quốc bảo cũng nhờ tổ nghiệp, sinh ra trong gia đình nghệ sĩ có mười anh chị em, chỉ có hai người theo sân khấu và nối nghiệp cha mẹ. Cha anh là ông Lư Hoà Nghĩa, tức nghệ sĩ tài danh Năm Nghĩa xứ Bạc Liêu, người đã mở đường cho vọng cổ khi ông cải đổi bài Dạ Cổ Hoài Lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu thành vọng cổ nhịp tám đầu tiên trong lịch sử cải lương. Còn mẹ anh là bà bầu Thơ, chủ đoàn cải lương Thanh Minh lừng lẫy một thời khắp miền Nam, gánh hát quy tụ nhiều tên tuổi cải lương, trong đó vang bóng một thời với người con gái trong gia đình là Thanh Nga, cái tên đã được thêm vào để trở thành đoàn cải lương Thanh Minh-Thanh Nga về sau.
Chị thành danh trong cải lương, em theo nghiệp hài, nhưng cả hai chị em đều thành công rực rỡ trong lãnh vực của mình. Nếu “Cô Ba”, theo cách gọi ngôi thứ trong gia đình, tức cố nghệ sĩ tài sắc Thanh Nga từng được mệnh danh là một “Vương Hậu Sân Khấu” và là nghệ sĩ đầu tiên nhận được giải thưởng Thanh Tâm danh giá vào năm 1958 thì nghệ sĩ Bảo Quốc, người em trai tài hoa thứ sáu trong nhà là một trong những nghệ sĩ nhận giải Thanh Tâm cuối cùng vào năm 1967 và cũng từng được báo Sân Khấu bình chọn là “Ðệ Nhất Danh Hài”.

Gia đình Bảo Quốc tại Cali. hình Bảo Quốc cung cấp
Bảo Quốc kể vui nhưng là chuyện thật rằng, dường như những ngã rẽ của cuộc đời sân khấu của anh là đến từ những vai diễn thế. Năm lên 10, trong một lần thế vai thay cậu kép nhí bị bịnh trong gánh hát, đứng bên cánh gà xem tuồng đã nhiều lần nên vai diễn đầu đời của anh thành công. Nghệ sĩ Năm Nghĩa vui lắm vì từ nhỏ anh chỉ mê đá banh và hay nghịch phá mà không bỏ công tập luyện theo cha. Tiếc là sau đêm diễn, cha anh bị bịnh rồi đột ngột qua đời bảy ngày sau ở tuổi 49, không có cơ hội chứng kiến sự thành công của con trai mình sau này.
Dù còn nhỏ, biến cố mất cha đột ngột đã làm thay đổi suy nghĩ trong Bảo Quốc. Anh nghĩ đó là cái nghề cao quý mà cha anh ước nguyện truyền lại cho mình, tại sao không giữ nghề? Vậy là sự nghiệp sân khấu bắt đầu. Anh thành công nhanh chóng trong các vai “kép nhí” cải lương vì đã từng hít thở cái không khí sân khấu từ nhỏ, được gặp gỡ, học hỏi quá nhiều từ các thế hệ nghệ sĩ gạo cội của nền cổ nhạc Việt Nam, từ những soạn giả như Cao Văn Lầu, Năm Châu, Ba Vân… cho đến các nghệ sĩ cải lương như Út Trà Ôn, Phùng Há, Hữu Phước, Thành Ðược… Năm 1967 anh nhận được Huy Chương Vàng giải Thanh Tâm cuối cùng như nói trên, cùng với vài nghệ sĩ như Mỹ Châu, Ngọc Bích… trong năm đó.

Lì xì cho cháu ngoại đầu năm- hình Bảo Quốc cung cấp
Anh tiếp, năm 1972 là một bước ngoặt khác khi danh hài Thanh Việt bị bịnh và vắng mặt trong tuồng “Con ma nhà họ Hứa”, anh đã nhận lời đóng thế vai. Vai diễn thành công, được khán giả cười rân và vỗ tay ầm rạp cho khuôn mặt hài trẻ và có duyên. Anh cùng gánh hát và khán giả bỗng nhận ra rằng, khiếu hài hước mới đích thực là tài năng của anh. Các soạn giả các vở tuồng bắt đầu “đo ni đóng giày” để anh diễn các vai hài. Vậy là con đường hài đã đi theo Bảo Quốc từ đó đến nay, với nhiều vai diễn và câu thoại để đời, đi vào ngôn ngữ đại chúng mà nhiều người không để ý là do chính Bảo Quốc đã nói hay “chế” ra trên sân khấu.
Quả thật là vậy. Ðiệu bộ, diễn xuất nhập tròn vai, những câu thoại dí dỏm “đắc địa” và đúng lúc của anh đã gây cười một cách ý nhị và trí tuệ. Tôi nhắc lại vài vai hài đã từng được xem anh diễn sau 75 như vai Tất Ðạo diễn cùng nghệ sĩ Hùng Minh trong tuồng Bên Cầu Dệt Lụa, hay vai Chương Hầu nức tiếng trong Tiếng Trống Mê Linh, là những vở tuồng kinh điển trong sân khấu cải lương mà nghệ sĩ Thanh Nga để lại cho đời. Anh kể trong kỷ niệm 64 năm thành lập đoàn Thanh Nga, anh cũng diễn lại vai Chương Hầu và khán giả trong nước đã vỗ tay ầm rạp khi anh “cương” thêm, mắng tên Tô Ðịnh gian ác là bò, sẽ bị trời Phật cắt đi cái (đường) lưỡi bò. Quả là thâm thúy.

Bảo Quốc cùng thân hữu Dallas – hình DYT/Trẻ
Rồi từ cải lương, anh lấn sang kịch nghệ, điện ảnh, tấu hài, lãnh vực nào cũng thành công, mang lại vô số giải thưởng. Gần 50 năm qua, không hề lấn lướt bạn đồng diễn, anh đã nâng đỡ khi diễn chung cùng nhiều nghệ sĩ hài khác, trong đó phải kể đến bạn diễn được xem là ăn ý là Duy Phương sau 75 như anh nhắc lại. Sô đắt bậc nhất Sài Gòn cùng các tỉnh trong Nam, anh kể có ngày Tết phải chạy diễn mười mấy nơi. Không chỉ vậy, anh còn dẫn dắt, hướng dẫn đàn em đi vào con đường hài, như Vân Sơn từng là một trong những học trò của anh vậy.
Anh hơi trầm ngâm và ngập ngừng khi bảo sự im lặng của anh trước tình trạng hài hiện nay không biết là một thái độ đúng hay sai. Anh không nói hết điều muốn nói nhưng tôi hiểu cái trăn trở của bậc đàn anh trong làng hài, của người nghệ sĩ yêu quý và trân trọng cái nghề của mình từ câu chuyện dẫn dắt. Ðó đây trong đôi bài viết của mình, tôi cũng từng nhắc đến cách gây cười nhạt nhẽo đến thô tục, thậm chí nhẫn tâm của một số tay hài với những vai giả gái hay nhái, cười ngạo những người bị tật dạng, chẳng mang lại nụ cười. Chúng có thể chọc cười được nhóm khán giả nào đó nhưng đánh mất đi giá trị của cái hài thâm thúy, ý nhị, mang ý hướng tích cực. Và chắc chắn chúng sẽ chẳng bao giờ còn sót lại trong lòng khán giả như một tài năng mà Bảo Quốc đã làm được trong vài chục năm qua.

Đinh Yên Thảo điều hợp cuộc tâm tình với Bảo Quốc – hình DYT/trẻ
Mà chữ tài như Bảo Quốc bảo cũng chỉ một phần trong sự thành công của anh. Ðiều lớn nhất được khán giả yêu mến, kính trọng là khi họ biết đến con người khiêm cung đạo đức của anh, biết đến một cuộc hôn nhân hạnh phúc, viên mãn của anh với người bạn đời trong hơn 50 năm qua. Mà thật, nhìn cách chị Thu Thủy – người từng là một hoa khôi trung học Gia Long thuở nào chăm sóc, lấy thức ăn cho anh, ngồi bên rồi thỉnh thoảng góp thêm lời anh kể, cũng như cách anh nhìn hay nói về chị, quả cũng hiếm hoi và đáng ngưỡng mộ với bất cứ người nghệ sĩ thành danh nào, được lắm người ái mộ mà có đời sống gia đình hạnh phúc, bền vững như vậy. Những người hiện diện trong buổi tiệc đã cười vang và vỗ tay khi anh bảo đến bây giờ, đã có với nhau bốn đứa con, chín cháu nội-ngoại cùng ba cháu cố, mà lúc nào cũng xem chị như tình nhân và luôn tự hào về cuộc sống gia đình của mình. Sống đề huề với con cháu tại California hiện nay, thỉnh thoảng đi diễn cùng con gái để đỡ nhớ sân khấu và có cơ hội gặp khán giả, anh chị lấy gia đình, sum họp con cháu làm niềm vui.
Vài chục năm sân khấu hào quang, tôi chẳng thể nào gom đủ cuộc đời một người nghệ sĩ tài danh vào trong một hay vài kỳ báo. Và dù có thể viết thêm dăm điều thú vị khác anh đã kể qua đôi ngày trò chuyện, tôi nghĩ ắt cũng chẳng đủ thiếu gì so với những gì anh đã sống và đã có. Có quá nhiều điều để nhớ, để quên, để giữ lại.
Nhưng tôi tin, với anh, điều còn lại bây giờ là một chữ “thương” quý giá. Chữ yêu thương trong gia đình và chữ quý thương của khán giả dành cho người đã mang lại niềm vui, tiếng cười trong đời sống của họ. Bởi như anh kể, đến bây giờ khán giả vẫn còn thương mến, thấy anh xuất hiện, chưa diễn đã cười vang và vỗ tay ầm rạp. Anh gật đầu khi tôi bảo đó là tặng thưởng lớn nhất cho bất cứ người nghệ sĩ nào. Phải vậy không anh Bảo Quốc?
ĐYT
Dallas, TX