Đôi khi, con người ta xem nhẹ bản thân mình thua tất cả vật ngoài thân, họ không tin chính sự hiện diện có họ là điều quý giá nhất cho ai đó …

Thư viện Quốc hội Mỹ có hàng triệu đầu sách quý hiếm – Nguồn: Library of Congress

 

Những người bạn mê chữ của tôi khi qua xứ tư bản, điều đầu tiên họ khoe là hệ thống thư viện. Như chị Ha Van ở Gia Nã Đại: “Một trong những điều mình rất thích ở đây là hệ thống thư viện. Thư viện khắp mọi nơi để phục vụ cư dân địa phương miễn phí. Muốn ghi danh thẻ mượn sách chỉ cần đưa driver license (Giấy phép lái xe) ra là 3 phút sau có thẻ dùng liền, có thể mượn tối đa 50 món trong 1 tháng (nếu không có driver license cũng chả sao, vẫn làm thẻ được). Sau 1 tháng không trả thì gia hạn thêm 1 tháng nữa, nếu quên không gia hạn thì cũng… chả sao (cô thủ thư bảo vậy), nhớ trả là được, không bị phạt gì. Thư viện ngoài sách ra còn có nhiều món khác. Mọi người còn đến đây để:

– Mượn sách, tất nhiên, bao gồm từ cổ chí kim, sách ngoại ngữ (Trung Quốc, Hàn Quốc, Ả Rập, Việt Nam…) từ xa xưa đến mới vừa xuất bản, từ fiction (tiểu thuyết, hư cấu) đến nonfiction (phi hư cấu), được update (cập nhật) hàng tháng. Các loại “best seller” mới nhất cũng được cập nhật đầy đủ. Hôm nay mình ghé để tìm một quyển sách mới xuất bản, hỏi hú họa thôi chớ chắc chắn là không có, vì nó quá mới, vậy mà nhận được câu trả lời nhẹ tênh “It will be available here lately this month, do you want to pre order now”? Thế là mình đỡ tốn mớ tiền mua!! Con gái nhỏ thì chỉ tìm truyện tranh, nó hỏi cô “do you have Dog man?” Thế là cô dắt đến tận nơi để Dogman, series đủ từ tập 1 đến tập mới nhất. Cô gái lớn thì lớn hơn, thích nghiên cứu về đá quý nên ôm vài quyển “Rock and mineral” về đọc, hy vọng hôm nào ra vườn đào được viên kim cương to bằng quả táo.

– Mượn phim – ở đây còn có cả ngàn DVD full HD, VCD đủ các thể loại phim ảnh, âm nhạc. Ai thích thì cầm về nghe. Không có đầu đọc thì… mượn luôn ở đây (nếu họ còn).

– Mượn tạp chí giải trí, báo chí, tạp chí nghiên cứu…

– Mượn đồ chơi trẻ em (thật đó).

– Ghé để relax – thư viện gần nhà mình còn là nơi các gia đình ghé picnic, phơi nắng… bao quanh thư viện là 1 công viên rộng, có sân bóng, sân chơi. Vì thế nên 2 bạn nhỏ ghé chơi mà gặp cả đống bạn, cũng ghé tìm sách và chơi soccer. Từ hồi qua đây, 2 bạn nhỏ cũng có thói quen đọc, dù chỉ là truyện tranh, mình mừng lắm.

Nhân viên bảo vệ nhà sách Chí Thành (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) bị phạt 15 triệu VND sau khi lục soát nam sinh học lớp 5 vì nghi bé trộm cắp đồ – Nguồn: nld.com.vn

Hay anh Dong Nhut Dao ở Hoa Kỳ cảm thán: “Lâu rồi mới ra thư viện trung tâm Orlando, chính là mượn cuốn sách luyện thi SAT cho thằng con với xin cho nó đi làm volunteer. Thư viện cuối tuần rất đông người ngồi đọc sách, đặc biệt là dân homeless (vô gia cư). Họ ăn mặc lôi thôi rách rưới râu tóc dơ dáy không tắm gội lâu ngày, nhưng vào thư viện ngồi đọc sách rất đàng hoàng, có người còn lấy giấy ra tập vẽ như trong sách. Thoạt đầu có lẽ họ chỉ vào đây trốn nắng, riết rồi đọc sách chơi… rồi quen. Một xã hội mà người homeless ngày nào cũng vào “tàng kinh các” luyện công như vầy, thì quả là đáng sợ. Không biết ở Việt Nam mấy chục năm qua có xây được cái thư viện nào không?”

Xem thêm:   Những căn nhà ma

Theo tác giả Nguyễn Thị Bích Hậu: “Tính đến năm 2020, Mỹ có 9,049 thư viện công cộng trung ương và 7,726 thư viện chi nhánh. Ngoài hệ thống các thư viện cỡ lớn, ở Mỹ còn có rất nhiều thư viện nhỏ tại mọi địa phương trong cả nước. Và thêm vào đó là hệ thống các thư viện trong các trường phổ thông và đại học. Bất cứ trường phổ thông nào tại Mỹ cũng có thư viện. Hệ thống đại học Mỹ có các thư viện lớn và chứa nhiều sách vở quý báu nhất so với hệ thống đại học toàn cầu. Thư viện lớn nhất là của Trường Harvard có 20 triệu cuốn sách, còn nhỏ nhất trong top 20 là thư viện thuộc New York University chứa 9 triệu cuốn sách. Học sinh có thể mượn sách tại hệ thống thư viện trên toàn quốc. Và tuần nào học sinh Mỹ cũng có tiết học thư viện, tức là thời gian vào mượn sách và trả sách.”

Thư viện ở Việt Nam thì nhiều, sách ở Việt Nam cũng nhiều, nhưng không có sách quý, không có sách phản biện, không có sách tôn trọng góc nhìn đa chiều… vì hệ thống kiểm duyệt sách ở Việt Nam làm tròn nhiệm vụ lắm. Chỉ cần tác giả có chút “phạm húy” là sẽ bị “kiểm duyệt” ngay. Ngoài ra, ở Việt Nam, kiếm thư viện có sách miễn phí và hoan hỉ cho học trò nghèo mượn sách rất khó, trừ các tủ sách từ thiện. Thư viện ở Việt Nam phải có thẻ mới được đọc, không miễn phí, thẻ ghi danh ở đâu thì đọc ở đó, các thư viện không có sự liên thông với nhau. Lỡ đọc phần một ở thư viện này mà không tìm ra phần hai, thì mua thẻ ở thư viện khác đọc, hoặc tự tìm mua…

“Thư viện người” ở Đan Mạch – Nguồn: tinhte.vn

Bởi vậy, khi những vụ trộm sách đáng nhắc tới trên thế giới toàn kể về việc trộm sách quý, trộm hàng ngàn cuốn một lần, “khoắng mão” (trộm sạch) thư viện… còn ở Việt Nam, chúng ta sẽ thường nghe kể về các “mối hận” khi bạn mượn sách đọc rồi “quên” trả, quán cà phê sách bị khách lấy mất sách, hoặc đáng nhớ hơn là cách đây 10 năm (tháng 4-2014), một cô bé học sinh lớp 7 ở Gia Lai bị một nhóm nhân viên siêu thị bắt trói, họ in một tấm biển “Tôi là người ăn trộm” để dán vào trước ngực cô bé, chụp ảnh rồi post lên Facebook vì cô bé đã ăn trộm hai cuốn sách Trạng Quỳnh. Hay mới năm ngoái, tháng 8-2023 ở Đà Lạt, một học sinh lớp 5 mất ký ức đẹp về nhà sách vì bị nhân viên nhà sách bắt “im đi” rồi lục soát khắp người và cặp sách, vì nghi em ăn cắp sách, may mà em không ăn cắp cuốn sách nào… Mỗi lần đi nhà sách ở Việt Nam tôi đều cảm thấy xấu hổ, vì nhân viên bảo vệ sẽ gợi ý cho bạn cất giỏ xách vào tủ hoặc niêm phong miệng giỏ, hòng tránh cho bạn bị vu cho tiếng ăn cắp như cậu học sinh lớp 5 ở trên. “Người đọc sách không bao giờ ăn trộm và kẻ trộm thì không đọc sách” – không phải lý thuyết đúng ở Việt Nam.

Xem thêm:   Ratan Tata dấu ấn trong sự phát triển của Ấn Độ

Những tưởng nhiêu đó đủ để tôi mắc cỡ với Năm Châu, không ngờ “bọn tư bản” chưa bao giờ ngừng “phát minh” những món làm khó lòng ganh tỵ của người Việt. Như ở Đan Mạch, một nhóm phi lợi nhuận có tên “Stop the Violence”, trong đó có nhà báo Ronni Abergel đã lập ra một loại thư viện mới vào năm 2000. Thư viện này có tên là “Thư viện người”.(the Human Library)

Ở những thư viện này, người ta có thể mượn một con người thay vì một cuốn sách, để nghe câu chuyện cuộc đời người đó trong 30 phút. Mục đích là tạo điều kiện để con người có thể học hỏi nhau từ chính các cuộc trò chuyện ngoài đời chứ không chỉ sách vở, nâng cao sự hiểu biết và cảm thông giữa người và người, chống lại các định kiến. Bạn có thể “đọc” bất kỳ ai, từ các nhà tổ chức tang lễ, các chính trị gia, người thất nghiệp, người chuyển giới… đến những đứa trẻ và họ sẽ mang đến cho bạn những câu chuyện bình thường trong cuộc sống của họ nhưng rất mới mẻ trong cuộc sống của bạn.

“Thư viện người” ở mạng xã hội VN – Nguồn: Thinh Pham

Thư viện người đã tổ chức các sự kiện ở trên hàng chục quốc gia, ở các thư viện, bảo tàng, trường học… thư viện người còn sở hữu trên 1,000 “cuốn sách” nói được 50 thứ tiếng. Không biết nên buồn hay vui, nếu thư viện người tới Việt Nam, nó sẽ bị “biến chất” hoặc sụp đổ. Thư viện người xuất hiện ở Việt Nam, chắc chỉ để than thở, tuyên truyền và rao giảng đạo lý không cần thiết. Lý do đầu tiên là trừ khi nhân danh nhà nước, tổ chức thuộc nhà nước… rất khó để “tụ tập đông người” chỉ để trao đổi và chia sẻ ở Việt Nam. Lý do thứ 2, hai chữ “định kiến” ở Việt Nam vượt lên, luôn đè đầu cỡi cổ hai chữ “chính kiến”…

Xem thêm:   Chó cắn áo rách

Tuy nhiên, Việt Nam luôn có nhiều “Thư viện người” trên không gian mạng, nơi con người ta có thể “tụ tập đông người” hoặc nói ra chính kiến của mình, không sợ bị truy cứu nếu “khuất mặt khuất mày”. Nơi bạn dễ dàng gặp bất kỳ ai, từ các nhà tổ chức tang lễ, các chính trị gia, người thất nghiệp, người chuyển giới … đến những đứa trẻ, nghe câu chuyện của họ, đọc họ và đừng… tin họ. Nơi bạn có thể mượn bất kỳ ai lời khuyên, lời chúc, lời răn dạy – nếu họ sẵn lòng. Ví dụ như lời khẩn cầu vụng về dưới đây:

“Em không xin vật chất hay hiện kim, em chỉ xin 1 lời chúc chân thành. Mai là sinh nhật 32 tuổi của em (ngày 14-6), em ở trọ 1 mình giữa Sài Gòn buồn quá, mong mọi người cho em một lời chúc sinh nhật, cám ơn mọi người.”

Đôi khi, con người ta xem nhẹ bản thân mình thua tất cả vật ngoài thân, họ không tin chính sự hiện diện có họ là điều quý giá nhất cho ai đó… Nhưng nhiều người bạn bên kia màn hình laptop không biết rằng, chính họ từng cứu cái mạng quèn của Du Uyên chỉ vì sự xuất hiện đúng lúc của họ trong hành trình sống đơn độc của Du Uyên. Họ chính là những “cuốn sách” trong “thư viện người” của tôi mà họ không hay biết.

Định kết bài, thì tôi bỗng nhớ ra ở Việt Nam cũng có nhiều “thư viện người” cho thuê người theo giờ, tuy nhiên phải trả phí, nó nằm trong mấy quán cà phê ôm, bia ôm ở khắp đất nước. Giá gì tôi chưa rõ thế nào…

DU