Không biết do Sài Gòn khác hay do đôi mắt, trái tim của người nhìn Sài Gòn đã thay đổi? Đôi khi, tôi muốn nhắm luôn hai mắt để… nhìn cho rõ Sài Gòn.

Người ở ngoài vất vả đội mưa, người ngồi trong nhà thong thả nhìn lá rơi – Nguồn: Anton Dat chụp
Lúc nhỏ, mỗi lần đi học về thấy mưa tôi khoái lắm, cứ tàng tàng đi bộ dưới mưa cho ướt sũng, rồi về tới nhà là “rải lông ngỗng” nước từ đầu cửa trước vào tận phòng ngủ. Tắm lại nước sạch và chuẩn bị tâm lý nghe… chửi. Tuy bị chửi nhưng rất vui, rất khoái. Vừa tận hưởng cảm giác mát lạnh, ướt sũng, vừa phân tích đâu là tiếng mưa đâu là giọng chửi vì chúng trộn lẫn vào nhau, rơi lộp bộp vô lỗ tai ướt nhẹp của mình. Thế giới của tôi lúc đó chỉ có tiếng mưa và tiếng chửi, không có nỗi buồn hòa quyện vào màn mưa trắng xóa, không có những nỗi lo hết đồ mặc vì quên mang quần áo ngoài ban công vô nhà, không có lòng trắc ẩn khi thấy những khuôn mặt chìm trong màn nước để bảo vệ “cơm áo gạo tiền” đang bị mưa tạt ướt nhẹp… Mọi thứ thật hoàn hảo nếu tôi không… bệnh sau đó.
Mưa Sài Gòn như chiếc bẫy mát lành trong mắt đứa nhỏ ham chơi, ham lội nước, ham tắm mưa nhưng dễ bệnh, nắng không ưa mưa không chịu, mỗi lần dính miếng nước mưa là sốt quằn sốt quại, có lần sốt mấy bữa trời tưởng như hóa kẻ dại luôn. Tuy vậy, mưa lúc nhỏ vẫn đẹp, bởi đôi mắt lúc ấy không thấy những khoảnh khắc đối lập chỉ cách nhau một cái liếc nhìn: Người ở ngoài đội mưa đi kiếm cơm, người ngồi trong nhà thong thả nhìn lá rơi kiếm cái… chổi (lát quét lá).
Sài Gòn những ngày mưa ròng rã, một bên đường người ta chỉ thấy ngập úng, phóng nhanh vượt ẩu, xô bồ, nhớp nháp, ồn ào, một bên lại thấy ấm áp bởi cảnh cả nhóm người không quản mưa gió, xúm lại đỡ người phụ nữ bán ve chai bị té do chở đồ cồng kềnh, vướng áo mưa vô bánh xe đạp. Những vỏ thùng carton có giá trị rất nhỏ nhưng không ai bỏ lại, đem hết vào trong lề khô ráo thiệt nhanh để lát nữa người phụ nữ còn cái mà bán. Mớ đó bán được chừng 10 ngàn VND thôi, nhưng để ướt hết rồi đưa chỉ 10 ngàn VND, có khi nỗi buồn của chỉ có phơi 8 cơn nắng cũng chưa khô. Một bên là chú bảo vệ giữ xe cho siêu thị mini co ro ngoài mép cửa để tiếp tục giữ xe, một bên là ông chủ quán cà phê vừa đánh đàn vừa nghêu ngao khoe giọng hát chênh phô dở tệ của mình, tin là màn mưa đã lọc bớt những tạp âm…

Chú bảo vệ và cô “thư ký” của mình – Nguồn: Du Uyên chụp
Tôi, như bao trẻ em hiếu động (hoặc tăng động) khác, đều hay bị chửi vì ham chơi, bất kể mưa hay nắng. Bởi vậy, lúc nhỏ nắng hầu như không có trong từ điển của ngoại trừ lúc bị… chửi vì ham chơi bất chấp nắng nôi, ham ăn hàng mà quên đi ngủ trưa…
Nắng lúc nhỏ chỉ là nắng, chỉ là ánh sáng, chỉ là nhiệt độ… nắng bây giờ có cảnh, có sắc, có người, có những đối lập: Nắng lúc nhỏ không có đôi môi khô nứt của em bé bị chăn dắt đi bán vé số với bộ đồ phong phanh, hành trang đơn giản. Nắng lúc nhỏ không có cảnh chú bảo vệ lớn tuổi, lầm lì nhận nuôi con chó nhỏ, ngày ngày chăm sóc cho nó từ miếng ăn tới giấc ngủ, chú dắt xe cho khách thì nó lăng xăng “hỏi thăm” khách bằng những cú quẫy đuôi điêu luyện, vãn khách, chú ngồi coi xe thì nó ngồi kế bên chân như cô thư ký nhỏ hiểu chuyện. Nắng lúc nhỏ không có cảnh cậu thanh niên ăn bận bảnh bao, lái xe mô tô đời mới giựt vé số của bà già đang đi bộ liêu xiêu dưới nắng chính ngọ chiếu thẳng từ đỉnh đầu, chỉ cần một cú nẹt pô cũng đủ làm xác và hồn của bà tách riêng như hai lớp bánh da lợn. Nắng lúc nhỏ không có cảnh bên này những người thợ hồ uống cà phê cóc lề đường mỗi ly 12 ngàn VND, ngắm những chiếc xe hơi hàng chục ngàn USD sau lớp cửa kiếng. Bên kia, trong lớp cửa kiếng là những con người sang trọng, mỗi cử chỉ đều tao nhã, nhẹ nhàng (hoặc cố gắng như thế) uống ly cà phê bạc triệu trong chiếc tách bằng tiền công cả tháng của anh thợ hồ. Con người giống nhau, nhưng không hề giống, đó là điều hồi nhỏ tôi chưa từng ngừng đôi chân ham chơi lại để nhìn và cảm nhận…
Nói chung, mắt của người lớn rộng rãi hơn nhưng cũng phức tạp hơn. Đôi khi nhìn cái đẹp chưa dám tin nó đẹp, ráng bới ra con sâu trong nồi canh rồi mới tin đây là nồi canh thật. Không biết có phải càng sống càng lùi hay không mà tự nhiên tôi nghĩ, đôi khi chỉ cần nhìn thế giới qua một ô cửa hẹp và cảm nhận cảnh vật trước mắt thiệt nhiều để tìm thấy sự yêu thương trong đó. Cuộc sống bây giờ khó… sống quá, chỉ nhích mắt thêm một millimet, mọi thứ đã khác. Chỉ cần nhích mắt thêm một millimet, không ai còn thấy chị ve chai té trong màn mưa với mớ thùng giấy rẻ tiền. Chỉ cần nhích mắt thêm một millimet, con chó nhỏ – niềm vui hiếm hoi của chú bảo vệ lầm lì – đã bị bọn cẩu tặc bắt mất. Chỉ cần nhích mắt thêm một millimet, Sài Gòn sẽ là thành phố Hồ Chí Minh ngay, như hổm tôi đọc báo thấy: công an Tp.HCM bắt băng cướp khét tiếng Sài Gòn.

Một bên người lớn ăn nhậu, một bên đứa nhỏ cật lực mãi nghệ mưu sinh – Nguồn: Du Uyên chụp
Tôi có người bạn ở ngoài Bắc vô Nam lập nghiệp, bạn rất tốt bụng, đàng hoàng, quân tử với tôi. Nhưng bạn hơi vô tâm với mọi chuyển động xung quanh bạn, bạn hay khuyên tôi: “Hồn ai nấy giữ cho chắc ăn, đừng nhiều chuyện, có ngày… nhiều chuyện!”
Hôm rồi, trên đường đi thỉnh… bia (đi nhậu), tôi gặp một người đàn ông bị tai nạn té ngay đơ giữa đường đông đúc. Người bạn đi cùng tôi và những người khác xúm lại khiêng người bị nạn vào lề, cố gắng liên lạc người thân của nạn nhân, kiểm tra trí nhớ, sự tỉnh táo của nạn nhân trong khi chờ người nhà và công an tới, không quản việc có thể gặp phiền phức về sau. Tôi thừa thãi tay chân quá, đứng xa xa ra chừa không khí cho mọi người thở và mở điện thoại ra… nhiều chuyện, kể bạn nghe chuyện vừa xảy ra. Bạn gọi lại cho tôi ngay sau tin nhắn đầu tiên, tràng giang đại hải những dặn dò lạ lùng với cách mà tôi được giáo dục xưa nay: “Mày đừng lại gần đó nhé, gọi công an hoặc tri hô lên, không thì người ta lại tưởng mày là kẻ gây tai nạn.” “Hay là mày đi khỏi đó ngay đi, tránh rách việc…” “Mày đang ở đâu, tao tới chở mày đi…”… Tai tôi ù đi, tim tôi thắt lại, bạn không còn là người bạn “rất tốt bụng, đàng hoàng, quân tử” mà tôi nghĩ cách đây vài phút rồi! Bạn xúi tôi làm những việc mà tôi nghĩ không nên làm khi gặp người bị nạn giữa đàng, dầu bạn muốn tốt cho tôi, dầu tôi cũng không giỏi giang, xông xáo bằng ai trong cuộc cứu người, dầu bạn nói đúng: Sống ở Sài Gòn “hồn ai nấy giữ” cho chắc ăn. Mỗi con người là cả địa cầu rộng lớn, nhiều mặt trái ngược, biết đâu mà lần. Nhưng tôi không làm được… Nếu là tôi hồi nhỏ, thì sau những lời bạn khuyên tôi thì bạn vẫn là bạn, nhưng bây chừ thì…
Mỗi lần ngắm kính vạn hoa hay ngắm vào nòng súng, chúng ta đều phải nhắm một bên mắt. Nhưng khi nhìn cuộc đời, ta luôn được dạy nhìn phải nhìn trái ngó trước trông sau, cuối cũng vẫn nhìn lầm! Phải chăng, đôi khi cần nhắm một mắt để thấy mọi thứ vô tư, vui vẻ, đẹp đẽ hơn… như lúc nhỏ?

Mọi người xúm lại giúp người bị nạn đến khi người nhà và công an tới, không quản việc có thể gặp phiền phức về sau – Nguồn: Du Uyên chụp
DU
Bà Tám ở Sài Gòn