Sài Gòn vô mùa nóng bức, cái nắng như muốn nuốt trọn thị dân vô bụng.

258 cây xanh có tuổi thọ gần 100 năm trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1) đã bị đốn hạ, để lại con đường trọc lóc, công viên bến Bạch Đằng cũng không có cây xanh – Nguồn: tinhte.vn      

Bạn tôi ngồi phe phẩy cây quạt trách móc ông Trời đủ điều. Còn tôi ngồi kế bạn, mắt nhìn xa xăm, ngó trời, ngó đất, ngó mây, ngó xe, ngó người… rồi thở dài, nói: Thông cảm cho ông Trời đi, Sài Gòn bây chừ, cây xanh ít hơn cây xăng, ổng muốn quạt cho mát cũng không được… Sài Gòn vắng cây xanh, mùa khô thành khu tự trị của nắng, mùa mưa thành khu tự trị của nước cống, thị dân cứ sơ hở là ngập trong nắng hoặc ngụp lặn trong nước cống.

Nghĩ mà tiếc đứt ruột những hàng cây có tuổi thọ hàng trăm năm trên các con đường xưa, chúng vừa là di sản của thành phố này, cũng vừa là lá phổi xanh lẫn bàn tay che chở nắng mưa lụt lội cho thị dân, vậy mà chúng đã hy sanh vì những quyết định của ai đó. Không hiểu vì hờn giận gì mà người ta có thể biến những con đường xanh mát nhất Sài Gòn với hàng cây cổ thụ thành những con đường trọc lóc, nắng nôi. Hổm rày nghe nói chính quyền TPHCM định xây mái che trên đường Lê Lợi cho khách du lịch đi cho mát, rồi sắp xây cầu đi bộ trên đường Nguyễn Huệ cho người dân thưởng lãm thành phố đầu tàu kinh tế của Việt Nam mà ớn lạnh, hầu hết người dân Sài Gòn cũng như tôi – không thấy vui mà còn cảm thấy lo. Nếu trồng cây xanh thì chắc còn hy vọng là chịu nóng thêm vài năm chờ cây lớn (nếu chúng còn được sống), còn bày vẽ này kia, nghe chỉ thấy tốn tiền chứ chắc chẳng nên hồn. Vì họ giỏi phá chứ đâu có giỏi xây…

Ý thức – chìa khóa giải quyết nhiều chuyện không đáng xảy ra ở VN – Nguồn: thesaigontimes.vn

Không chỉ cây xanh, họ đã hủy diệt luôn các công trình kiến trúc thuộc địa và các công trình của kiến trúc sư Miền Nam từ thời Nguyễn tới trước năm 1975, thứ họ xây nên lâu nay toàn là những thứ gắn mác “kỷ lục” như “tòa nhà cao kỷ lục 81 tầng” nhìn hớ hênh giữa đám nhà thấp lè tè, loạt biệt thự bị bỏ hoang có giá trị kỷ lục cách không xa những khu ổ chuột… Ngay cả cái gọi là công viên dọc bến Bạch Ðằng, đối diện tượng đài tưởng niệm Trần Hưng Ðạo cũng được nhiều người đề nghị xác nhận “kỷ lục” là công viên nhiều… nắng và thiếu cây nhất. Nguyên công viên chà bá lửa không có miếng cây nào, toàn bê tông và cỏ. Hàng ghế đá dọc công viên sau khi hứng trọn nhiệt lượng từ mặt trời nguyên một ngày dài thì buổi tối sẽ là lúc để xả mớ nhiệt đó vào mông của các nam thanh nữ tú tới đây hẹn hò. Bạn thử tưởng tượng, một công viên bê tông, ngay bên cạnh là con đường Tôn Ðức Thắng đã bị chặt sạch 258 cây cổ thụ có tuổi thọ gần 100 năm, giờ không cây xanh, không nhà vệ sinh công cộng… chỉ có nắng cháy da ban ngày và khói bụi mù mịt, kẹt xe, hàng rong vào ban đêm, cuối cùng là rác – sau khi những cuộc hò hẹn tan lúc đêm khuya. Không hiểu sao, cây thì dẹp được nhưng hàng rong và rác thì không.

“Không để xe, bàn ghế qua 2a, TĐ” – Nguồn: Du Uyên chụp

Ở xứ ta, trong công viên nào cũng có đầy đủ thùng rác mà đi vào công viên thì trên ghế đá hoặc dưới chân ghế lúc nào cũng có rác như hộp xốp, ly nhựa dù thùng rác cách đó chưa đầy 10 bước chân con nít. Thùng rác mà có chân chắc bỏ đi khỏi Việt Nam hết. Còn hàng rong thì biến tất cả mọi địa điểm đẹp thành khu tự trị, phân lô bán… nước, ở nhiều nơi như trước Nhà thờ Ðức Bà/bưu điện trung tâm thành phố, đặt mông ngồi xuống mà không mua nước uống là bị người ta đuổi ngay, dầu đó là nơi công cộng. Vì cái mông bạn lỡ để lên cái viên gạch bên lề đường, mà trên viên gạch đó là miếng carton của người bán nước xung quanh đó để sẵn «xí chỗ». Cũng phải thông cảm cho họ, để «xí chỗ» đắt giá này, tốn không ít tiền hối lộ.

Xem thêm:   "Phim cúng cụ"

Tự nhiên tôi chợt nhớ hôm rồi, có người nạt «Tụi Sài Gòn thích mát lên rừng mà ở.» – giữa chốn ba quân đọc được lời khuyên chân tình như vậy, thật là ấm lòng – ấm không thua gì sức nóng ngoài da mà trời Sài Gòn trao tặng. Mấy năm gần đây, phong trào «bỏ phố về rừng» quả tình thu hút không ít «member», buồn một cái là đọc một vòng các bài viết, thấy dân tình than rằng giờ đây rừng nào ở Việt Nam cũng tràn ngập nạn phá rừng, do lâm tặc hoặc cả những kẻ mang danh kiểm lâm. Phố núi nào mưa xuống cũng ngập lụt được. Ðơn cử như một Ðà Lạt từng hoang sơ, mơ mộng bao nhiêu, giờ đây nhìn đâu cũng thấy nhà phố, khu nghỉ mát, nhà nilong (trồng cây)… Các thi/nhạc sĩ trước 1975 mà sanh nhầm thời này, e khó mà nên danh ngàn đời như họ đã từng. Có nhiều lời khuyên là, thay vì “bỏ phố về rừng”, nên mua những ngôi nhà/biệt thự được xây sẵn giữa những khu rừng nhân tạo cao cấp, khỏi sợ bất an, vì vào đó như là vào khu tự trị của chủ đầu tư, bạn sẽ được bảo vệ với tất cả quyền lực mà họ có thể… mua được.

“Nhà hàng phải nộp thuế cho nhà nước, vui lòng chuyển xe đi nơi khác” – Rất đanh thép – Nguồn: Facebook

Như ở Sài Gòn, những nơi mệnh danh đất kim cương, khung cảnh đẹp, các công viên lớn nhất, đẹp nhất, nhiều cây xanh nhất đều thuộc về tập đoàn bất động sản lớn nào đó. “Công viên công cộng” chỉ là cái danh để hợp thức hóa những lô đất kim cương về tay các “ông lớn” kinh doanh, nhưng các công viên lớn này được dùng phục vụ cho cư dân mua chung cư của tập đoàn bất động sản đó là chính. Như Công viên Vinhomes Central Park – sở hữu vị trí đắc địa khi nằm bên bờ sông Sài Gòn đẹp như tranh, không chỉ là “lá phổi xanh” của thành phố mà còn là điểm đến lý tưởng để thư giãn, nghỉ ngơi mà bất kỳ thị dân nào cũng thích thú và ao ước, vì nó có cây, có cảnh, không phải toàn bê tông với cỏ như công viên ở bến Bạch Ðằng ở trên. Nhưng mặc dầu Sở Giao thông Vận tải TP.HCM luôn khẳng định “Công viên Vinhomes Central Park là công viên công cộng giống như các công viên công cộng khác trên địa bàn thành phố, mọi người dân có quyền tiếp cận và thưởng ngoạn, vui chơi trong công viên.”

Xem thêm:   Ý tưởng mần giàu...

Nhưng có nhiều tranh cãi không dứt diễn ra, vì nhiều người dân đã tố cáo họ bị bảo vệ ở đây phân biệt đối xử so với cư dân của Vinhomes, rồi nhiều người bị khóa xe vô cớ nếu đậu xe ở khu vực này mà không phải là cư dân ở đây. Nhiều người bất bình cho rằng các tập đoàn bất động sản lớn ở VN đang dễ dàng nắm giữ quyền lực vượt mức, biến các chung cư thành khu tự trị – tự xây dựng một lực lượng công quyền khóa bánh xe, xé giấy phạt, tác động tài sản người khác, trong khi công việc này là của cảnh sát giao thông. Nhưng cư dân của Vingroup thì lại thấy an tâm, vì nếu cứ cho người ngoài ra vào tự do thì sẽ thiệt thòi cho họ, bởi họ đã bỏ rất nhiều tiền mua nhà ở đây vì cái công viên này, vì cái bờ sông kia, vì cái sự tự trị đó, xài chung với bá tánh là không được… May mắn là dân Sài Gòn còn lịch sự, chỉ tranh cãi bằng bàn phím và bằng miệng, không như vụ ở Hà Nội gần đây: Một tài xế taxi ở Hà Nội đã tông chết bảo vệ của Vinhomes Ocean Park vì xe của tài xế bị bảo vệ khóa bánh xe (bởi đậu sai quy định chung cư), hai bên cự cãi kịch liệt và sau đó là án mạng. Nhiều bài viết được “sản xuất” để tranh luận coi có phải ông bảo vệ vì quyền lực cỏn con mà để thiệt thân. Ðường giao thông trong khu đô thị cũng thuộc nhà nước quản lý, nếu vi phạm thì phải là cơ quan có chức năng giải quyết, sao ông bảo vệ của Vingroup lại có quyền khoá bánh xe của người khác tạo ra tranh cãi rồi dẫn tới mất mạng? Hay do ông tài xế taxi ngang ngược đậu xe sai còn ức hiếp người bảo vệ chỉ làm theo quy định của cấp trên, chưa kể tánh nết côn đồ nên mới tông xe thẳng vào một người, khiến họ mất mạng…

Thứ dùng khóa xe người dân đậu xe sai quy định ở các khu chung cư – Nguồn: Facebook

Bản thân tôi thấy cả hai bên đều sai, vì họ đều dùng luật rừng. Ông bảo vệ làm theo luật rừng của tập đoàn mà tự khóa xe của người dân, không thông qua chính quyền. Người dân thì dùng luật rừng để tước đi sinh mạng một con người. Phải chi luật pháp nghiêm minh, ý thức con người đủ đầy, thì đâu có xảy ra những tranh cãi chọn phe khi cả hai đều sai. Nghe bạn tôi kể, ở xứ tư bản giãy chết, cái gì cũng đánh vào túi tiền, không ai hơi sức mà cãi, hay chửi nhau – đậu xe sai thì có dịch vụ lại câu đi, chủ xe phải tốn tiền kiếm xe mình về, không biết ai câu xe mình để mà gây hấn. Bảo vệ tòa nhà thì chỉ có giữ an ninh, giữ của chung, của riêng ai thì nấy giữ, không và cũng không thể lạm quyền. Ở xứ tư bản, khi giết nhau, đa số là người thân quen hoặc khủng bố/cướp bóc khát máu giết người hàng loạt, người ta hiếm khi giết nhau vì chuyện lông gà vỏ tỏi như vầy.

Xem thêm:   Mất mạng

Thiệt ra, nguyên nhân sâu xa của những đau khổ ở Việt Nam là do xứ này nhiều người thích làm bạo quân, ở đâu/làm gì/ở vị trí nào… người ta cũng muốn nắm toàn quyền sanh-sát cho thứ mà họ có thể nắm trong tay. Dù đó là một cái cây hay một miếng đất, thậm chí là một (hoặc một đống) con người…

Mọi chuyện không dừng lại ở các bài viết tranh cãi – Nguồn: dantri.com.vn

DU