Một buổi sáng đẹp trời, khi ngồi cà phê với vài người bạn vong niên. Một người trong nhóm hỏi tôi: “Em có biết hồi trước 75, lúc mới tới Saigon, mùi gì đập vô mũi anh đầu tiên không?”

Mùi Saigon – mùi của sự tử tế (DU chụp)    

Mùi Saigon trong ký ức tôi nó sau 75 xa lắc. Nó cũng không “đập vào mũi” một cách đột ngột, choáng váng như vậy. Mà nó như một bản năng cứ nằm sâu trong chỗ kín nhất của bộ não, trái tim và cái… bụng. Trong trí nhớ (không được tốt) của tôi, mùi Saigon thay đổi theo thời gian, theo tâm tính, theo tâm tình lúc nắng, lúc mưa, lúc nắng không ưa mưa không chịu của tôi.

Mùi Saigon khi tôi đang tháo tâm hồn mình cột chặt dzô sợi dây, thả bay lơ lửng trên trời, nó khác. Mùi Saigon lúc tôi vật lộn với cơm, áo, gạo, tiền, xăng, điện, virus… nó khác. Mùi Saigon lúc tôi cười tươi, ăn ngon, mặc đẹp, nó khác. Mùi Saigon lúc tôi cảm thấy cô độc, buồn bã, ôm chân ngồi úp mặt vô đầu gối khóc một mình bên bờ kênh Nhiêu Lộc nó khác. Tóm lại, mùi Saigon trong tôi là mùi ký ức, mùi giống nòi, mùi tuổi thơ, mùi nắng khét, mùi mưa dầm, mùi cơm nhà, mùi cháo chợ… Rất nhiều khoảnh khắc, rất nhiều giai đoạn, mùi Saigon chính là… không có mùi gì.

Nhiều như vậy đó, mà khi nhận được câu hỏi đơn giản trên. Tôi ngồi đoán mò, kể lể ra cả buổi mà vẫn không nói trúng được cái mùi nào, giống với cái mùi Saigon đập vô mũi của một thanh niên tỉnh lẻ, bước chập chững vào thị thành giữa những năm phồn hoa, tươi đẹp và đỉnh cao nhất của Saigon. Khi Saigon vẫn được gọi là Saigon. Lúc nhận được câu trả lời, tôi cũng rất bất ngờ. Ðó là mùi xăng.

Tính ra, mùi xăng cũng đặc biệt với tôi, mỗi lần đi vô cây xăng là tôi… nhảy mũi lia lịa. Vì chứng viêm mũi dị ứng mà nhiều khi tôi ước mũi mình có cái nút. Mỗi lần nghe được mùi gì nồng nồng thì đóng cái nút lại. Chứ đang mùa dịch, tôi mà vô cây xăng thì chắc bị xe cấp cứu hụ còi chạy tới, bắt đi cách ly luôn.

Tôi có người bạn thân mê ngửi mùi xăng và mùi khói xe. Nhưng nó giãy đành đạch không chịu khi nghe tôi nói mùi Saigon nổi bật nhất là mùi xăng. Với nó, mùi Saigon là mùi thịt nướng của mấy quán cơm tấm mỗi buổi sáng, thơm ngào ngạt đánh thức nguyên con hẻm… bự. Hoặc cái mùi thủm thủm của con kênh Nhiêu Lộc khi mùa nắng về, cá phơi bụng chết sình.

Giờ ai đi đâu cũng bị đo thân nhiệt – Ảnh: Facebook

Tôi, bạn thân tôi, anh bạn vong niên. Là ba người ở ba thế hệ khác nhau. Nói cho dễ hiểu là, anh bạn vong niên có thể đẻ được người bạn thân của tôi, người bạn thân của tôi thì có thể đẻ được tôi. Chúng tôi khác nhau dữ lắm về suy nghĩ, về cách nhìn cuộc đời, về cảm nhận mùi Saigon. Nhưng đều có cảm giác chung lúc này là sợ. Sợ một cái con virus Vũ Hán nhỏ xíu xiu, kính hiển vi cũng không thấy được.

Xem thêm:   Oan như điện thoại

Mà nói sợ “nó” cũng không đúng, nói đúng hơn là sợ những xáo trộn mà nó gây ra. Bạn thân tôi buồn vì cái nhà hàng ở khu phố Tây của anh đã bị buộc đóng cửa vô thời hạn, sau khi nới lỏng giãn cách xã hội thì vẫn chưa được mở cửa. Anh bạn vong niên của tôi là một người bảo thủ, vốn “anti” công nghệ. Không thích mạng xã hội, không thích ai suốt ngày “bấm bấm”. Cho nên bây giờ anh và bà xã đang “bực bội” học cách tự order đồ ăn trên mạng. Khi con cháu đang được đưa đi cách ly 14 ngày sau chuyến du lịch nước ngoài. Khi liên tục có nhiều chung cư, khu nhà bị cách ly vì có người nhiễm, hoặc nhiễm xong về nhà vài bữa, dương tính trở lại.

Còn tôi sợ nhiều thứ lắm, mà lý do lớn nhất là tôi sợ vì bạn tôi sợ, tôi sợ vì những người xung quanh tôi cũng sợ, tôi sợ vì VN có rất nhiều người vẫn chưa biết sợ con virus này. Lệnh giãn cách chỉ vừa nới lỏng, họ ào ra đường như ong vỡ tổ. Quán nhậu đông nghẹt, đường xuống biển, lên núi cũng kẹt cứng ngắc…

Nỗi sợ như sợi dây kinh nghiệm của mấy ông quan cộng sản, không thể tự mất đi mà truyền từ người này sang người khác một cách thần kỳ. Càng rút càng dài… Mỗi đêm, ngồi ở ban công nhìn xuống con hẻm nhỏ, gió đập phần phật vào mặt, tôi biết Saigon bây chừ chứa đầy mùi sợ hãi.

Nỗi sợ do virus Vũ Hán sanh ra tàn phá nhiều thứ. Trong đó có kinh tế. Và người cảm nhận được nhanh nhất là những người ở tầng đáy xã hội. Những người buôn gánh bán bưng, làm công ăn lương, những người không “thân” với công nghệ, với internet. Bà bán thịt heo mối trong xóm tôi phải nghỉ vì nhiều tiệm hủ tiếu, phở, bún riêu đóng cửa vì dịch. Chú bán chè trước cổng trường cũng phải nghỉ, vì học sinh nghỉ học. Xóm trọ cũng ế ẩm, vì khi các hàng quán, vũ trường, spa, nhà hàng tạm đóng cửa. Khi cắt tóc, massage khi làm việc phải đứng cách xa khách hàng từ 1 mét (nhà nước quy định)… Những người làm công việc phục vụ, nhân viên cũng chẳng biết đi đâu về đâu, phải về quê sống tạm. Cơm áo không đùa với… corona!

Những bàn tay “đẫm máu” nhưng lương thiện (DU chụp)

Nhưng trong cái rủi lại luôn có cái may. Bên cạnh những người “mặt xám mày tro” vì ế ẩm, vì mất việc, vì sợ hãi thì có nhiều người “phất lên” nhân “dịp” này. Ðó là những người bán hàng qua mạng, những người làm công việc giao hàng, giao thức ăn, những người đi mua sắm giùm, đi chợ thuê… Tuy đây là điều chẳng mới lạ gì với một số người trẻ ở VN, nhưng rõ ràng nó chưa được “tin dùng” trước đây. Trước khi dịch cúm Vũ Hán xảy ra, người ta vẫn còn tranh cãi với nhau nên đi chợ truyền thống hay đi siêu thị.

Không nói đâu xa, như anh bạn vong niên của tôi, mặc kệ thời đại gì, 4.0 hay 5.0. Hàng ngày anh vẫn dậy thiệt sớm, pha ly cà phê đen, đốt điếu thuốc, cầm tờ báo đọc. Hết ly cà phê, hết tờ báo, chở bà xã đi chợ. Còn người bạn thân của tôi. Bản chê chợ dơ, hỗn tạp, không vệ sinh, phải trả giá. Nên bạn chỉ đi siêu thị.

Xem thêm:   "Trúng gió"

Riêng bản thân tôi, khi rảnh rỗi, muốn nấu ăn thì đi chợ nhưng lúc bận thì hầu như toàn đặt đồ ăn, đồ dùng, đồ gia dụng qua app. Tôi chỉ đi siêu thị mua mấy thứ chợ không có và cần gấp. Lý do hàng đầu làm tôi không ưa siêu thị là thói quen xếp hàng của người VN khá kém, tuy bây chừ đã rất đỡ so với hồi xưa, nhưng vẫn kém. Rất nhiều người thích chen ngang, thích đùn đẩy. Khi bị nhắc nhở, rất ít khi họ tự ý thức lỗi của mình, lắm lúc còn muốn “nhai” luôn người nhắc.

Tôi vẫn thích đi chợ nhất, vì ở đó, cái mùi Saigon sẽ nồng đậm nhất. Có lẽ vì yêu, có lẽ vì thói quen mà dẫu thơm hay thúi gì thì bất cứ khi nào mùi Saigon cũng đặc biệt. Yêu là mù quáng mà!

Ðồng ý là chợ truyền thống không sạch sẽ, không mát lạnh như siêu thị. Cũng không được phục vụ tận cửa như các app giao đồ ăn, đi chợ thuê trên mạng. Nhưng tôi thích đi chợ truyền thống hơn vì nó “người” hơn. Chợ luôn có nhiều món lạ, đặc sản từng địa phương ngày thường không có. Những người bán đồ vườn, trồng mỗi thứ một ít trong vườn, tuy không to thân dài lá nhưng non tươi và thơm mùi sương sớm.
Mua của họ cũng là giúp những người nông dân không trồng nhiều, không thể hợp tác với siêu thị. Cá đồng, vịt đồng, gà đồng ở chợ bữa nay loại này, bữa kia loại khác. Tuy con to con nhỏ không đều nhưng còn sống, làm sạch tại chỗ, không chết nhăn răng như ở siêu thị. (Không biết họ nhập vô hồi nào, họ làm hồi nào, rồi bày lên kệ hồi nào). Mà đồ tự nhiên, lại còn sống thì ngọt/chắc thịt lắm. Chợ được cái nữa là mua nhiêu bán nhiêu, ví dụ như năm ngàn rau, hai ngàn ớt, nửa cái bắp cải, ba trái dưa leo… Ðối với một người độc thân như tôi thì tiện vô cùng. Cứ nói: “Chị cho em nồi canh chua hai bữa, đậu ve xào một người ăn” là chị bán rau bốc y chóc luôn. Không sợ bỏ mứa.

Khẩu phần do chị bán cá, cô bán rau “phát”, Du Uyên chỉ đem về nấu 

Cái tôi thích ở chợ nữa là sự tương tác “face to face” giữa người mua và người bán. Bước vô chợ, bạn sẽ lọt thỏm giữa khu vườn của những tiếng rao, lời hỏi thăm, mời mọc, chọc ghẹo.

“Thịt chị đi em

Quất anh đi em

Ðùi tao chắc lắm

Bưởi em ngon lắm”

“Mại zdô, mại dzô bà con cô bác ơi… Dép mang đi chơi, đi chợ, đi đòi nợ cũng được…”

“Thanh lý nè mấy ba mấy má ơi. Nay bán mai nghỉ mốt đi Mỹ, nhanh tay thì còn chậm tay thì cũng còn nè!”

Hay, mỗi lần đi ngang bà bán đồ quen không ghé là nghe: “Hôm nay ăn gì phụ chị gái ơi?” hay hờn mát kiểu “Ði luôn he!” Lỡ bữa nào để quên tiền ở nhà, không những bạn được bán thiếu mà còn được cho mượn thêm tiền “dằn túi”, để lát có lỡ “đạp bánh tráng” thì còn đền. Mấy người ngoài chợ cũng tinh ý lắm. Họ để ý “món ruột” của bạn, có là kêu liền: “Em ơi chị nay mới lên mớ rau nè”, “nay sầu riêng rụng ngon lắm nè, cuống cứng ngắc không dán keo đâu nha!”. Khi thấy đồ không ngon cũng nói thẳng: “Nay dưa hơi đèo nha em!” Ðôi khi ngay cả người yêu cũng không biết đúng sở thích của bạn bằng mấy bà ngoài chợ nữa. Có cô hoa hậu VN mới chia tay người yêu, vì quen nhau 8 năm mà anh kia không nhớ size giày của cổ. Sao không thấy ai khuyên nàng yêu một… bà bán cá hay một anh bán rau gì hết?

Xem thêm:   Không sợ sống

Dạo gần đây, chợ bỗng ế ẩm vì dịch bệnh, người ta hạn chế đi ra chỗ đông người. Trong những khe hở giữa con người, tiếng mời, tiếng rao, lời chọc ghẹo dày đặc mùi cồn sát trùng và mùi sợ hãi, than thở vì ế. Ða số người ta đi mua đồ một lần ăn cả tuần hoặc lên mạng “book”, “shipper” giao tới cái rụp. Khỏi đi đâu. “Nhờ” vậy mà chợ vắng vẻ hẳn, đi vô đi ra không sợ bị đụng vào ai.

Người ta nói con người rất thích nhân lúc cháy nhà mà đi hôi của. Tôi thấy cũng… đúng. Tại dạo này hàng quán nghỉ, cách hai bữa tôi đi bộ qua chợ gần nhà mua đồ, nấu ăn một lần. Ðược mấy bà ở chợ “cưng” hẳn. Bởi tánh mềm lòng, thấy ai than ế tôi cũng mua một ít, khuyến khích họ một câu. “Bày mưu” cho họ là làm một cái “danh thiếp” hoặc cho khách hàng quen số điện thoại. Ai muốn ăn gì thì cứ gọi, bên này các bà, các mợ chuẩn bị rồi lên mạng “book” giao hàng hay kêu mấy ông xe ôm “đậu”đầu chợ giao tới nhà cho khách. Vừa bán được hàng, vừa có thêm một “kênh” khách hàng khác nữa.

Trong cái rủi có cái may? Ảnh: Facebook

Tôi tin là qua mùa dịch này, nhiều người cảm nhận sâu sắc họ đang ở trong thời đại công nghệ số. Mọi thứ xung quanh họ đã dần dần được “dọn” lên mạng hết trơn. Ngay cả những tín đồ của Chúa, của Phật cũng đang “rủ” nhau đi lễ, cầu nguyện, học đạo online.

Nếu các bà, các mợ ở chợ không chịu dọn quầy thịt, rổ cá của mình lên mạng, hay hợp tác với những app giao hàng, tạo cho mình thêm một “chỗ làm ăn” mới. Tạo điều kiện cho khách được mua sắm. Thì tiếng than thở, lời u oán còn dài dài. Ðâu ai biết bao chừ cơn đại dịch này mới hết? Mùi xăng, mùi cơm tấm, mùi bon chen của Saigon mới trở lại, “lợi hại” như xưa…

Tuy công nghệ giúp đỡ con người nhiều thứ nhưng cũng hại người ta không ít. Nhất là khi ý thức của con người VN chưa cao. Có vài lần tôi đã từ chối nhận hàng, bỏ một số tiệm vào danh sách đen vì người giao hàng của họ vô duyên quá. Ví dụ như hôm rồi, vì tôi thức khuya làm việc nên định sẽ dậy trễ một chút. Ðang ngủ thì anh giao hàng gọi xuống lấy đồ, tôi phải vừa say ke vừa chạy xuống. Anh giao hàng nhìn mặt tôi, nói giọng sặc mùi kỳ thị: Trời giờ này mà mới ngủ dậy hả em?

Tôi nhìn ảnh hỏi: Không được hả anh?

Ảnh có vẻ không hài lòng: Trời ơi ai mà ngủ tới giờ này? Em coi mấy giờ rồi mà ngủ?

Tôi gật gù: Thôi anh mang đồ về đi, ai mà giao đồ giờ người ta ngủ đâu!

DU

Saigon