Hổm rày Saigon mưa ròng mưa rã, sau những “hoạt động lành mạnh” như tắm mưa, ngồi bên cửa sổ ngắm người ta tắm mưa, lấy điện thoại chụp lén cảnh người ta tắm mưa, lên mạng đăng ảnh/kể chuyện/làm thơ, nghe nhạc buồn, đọc tiểu thuyết diễm tình ướt át về chuyện tắm mưa… Thì tâm hồn tôi bắt đầu… ướt. Nhớ về mấy chuyện/mấy người hồi xửa hồi xưa cùng… tắm mưa với mình.

Saigon mưa, không gì đau khổ bằng việc mắc mưa. (Từ Báo Mới)
Tính ra người cùng (vô tình hoặc hữu ý) “tắm mưa” với tôi nhiều không kể xiết. Nhưng những người thân thiết thì chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Xa xôi quá thì không nhớ nổi, nên tôi nói chuyện gần. Người bạn cùng tôi tắm mưa gần đây nhất là một anh bạn thân thiết, biết nhau cũng nhiều năm.
Ban đầu không phải chúng tôi rủ nhau đi… tắm mưa mà rủ nhau đi uống cà phê, đang đến chỗ hẹn thì trời mưa giữa đường, nhưng hai đứa không ai mang áo mưa, thế là vô tình cùng “tắm mưa” (có nghĩa là mắc mưa đó). Khi đến nơi thì cả hai người đều… ướt. Ngộ cái là, không ai ướt hoàn toàn do mưa. Tôi ướt vì mưa một (tôi đi taxi đến quán), chín phần còn lại là do khi xuống xe ở vỉa hè, vừa cầm cây dù từ anh nhân viên quán cà phê, thì bao nhiêu nước ngập từ ổ gà, ổ bom bên đường cứ nhằm vào tôi mà “ôm chầm” lấy tôi bởi những bánh xe vô tình của người đi đường. Còn anh bạn ướt vì mưa một, chín phần còn lại vì té xe do phải né con mẹ nào đó đang mải mê dừng xe, mặc áo mưa giữa đường.
Chuyện nghe có vẻ không liên quan đến cái “tít” bài viết này lắm nhưng thiệt ra rất liên quan. Nhờ cả hai vô tình cùng “tắm” mưa nên khi gặp nhau ở quán cà phê rồi thì hai đứa tụi tôi có hàng trăm câu chuyện liên quan đến mưa để lôi ra kể/nói/tranh luận với nhau. Từ mưa mà bàn đến chuyện đường sá, rồi đến những con người làm đường lẫn đi trên đường. Mặc dầu trước khi gặp nhau, tôi nghĩ trong đầu: “Ông anh mình vừa có tuổi vừa có… vợ, gặp nhau rồi biết nói chuyện gì ?”
Anh có mở một công ty xây dựng, nên anh rất quan tâm đến sự “lên voi xuống chó” (từ mà anh dùng) của các công trình xây dựng và cơ sở hạ tầng ở những nơi anh đi qua. Chính vì thế, suốt buổi nói chuyện tôi được anh giảng giải xen lẫn anh phàn nàn về nguyên nhân xuống cấp của các công trình, các con đường và sự ngập lụt khi trời mưa ở các thành phố lớn hiện nay. Những con đường mỗi km được tính hàng tỷ đô la. Còn tôi, không hiểu cái gì gọi là “cơ sở hạ tầng”, cũng không biết mấy chuyện sâu xa, tôi chỉ biết ý kiến về ý thức của người Việt hiện nay khi ra ngoài đường ngày càng tệ, đôi khi chúng khiến cho mình cũng tệ theo trong vô thức. Nó làm tôi liên tưởng đến chuyện bầy khỉ, chuyện thế này:

Bị ướt có khi không phải vì nước trên trời rớt xuống… (từ VTCnews)
“Có 5 con khỉ bị nhốt trong một căn phòng. Giữa phòng là một cái thang, trên đỉnh thang là nải chuối. Mỗi khi có một con khỉ định trèo lên thang, người ta lại phun nước nóng vào những con còn lại, làm chúng rất khổ sở. Sau một thời gian, mỗi khi có một con khỉ định trèo lên thang, những con còn lại, vì không muốn bị phun nước, tóm lấy con kia và đánh cho một trận. Dần dần, không có con nào trong số 5 con khỉ có ý định trèo lên thang nữa.
Người ta bèn bắt ra 1 con và thay bằng con mới. Nhìn thấy nải chuối và cái thang, con khỉ mới thắc mắc không hiểu tại sao các con kia không trèo, và thử leo lên. Tất nhiên, bốn con còn lại xông vào đánh cho một trận. Con khỉ mới không hiểu vì sao bị đánh, tuy nhiên không dám trèo nữa. Rồi một con nữa trong số 5 con đầu được thay thế. Chú lính mới lại định trèo, và bị cả hội đánh tới tấp. Con khỉ vừa vào trước đó cũng tham gia đánh, đơn giản vì thấy bọn kia làm vậy, còn bản thân vẫn không hiểu vì lý do gì.
Lần lượt 5 chú khỉ ban đầu được thay ra hết. Bây giờ, 5 con khỉ mới ở trong phòng. Không có con nào từng bị dội nước. Nhưng cũng không con nào dám trèo lên thang. Và cả 5 sẵn sàng đánh nhừ tử bất kỳ con nào khác có ý định đó, mà không hiểu vì lý do gì. Kết quả là, có một nải chuối rất thơm ngon, nhưng con nào cũng chỉ dám ngước nhìn mà chẳng hiểu tại sao?
Nải chuối đó y như sự văn minh của phần còn lại của nhân loại vậy. Và những con khỉ, là tôi, là anh, là những kẻ vô thức làm hay suy nghĩ nhiều chuyện sai trái mà bản thân không thể hiểu được. Nó như một bản năng, “bùng nổ” trong vô thức. Khi sự việc xảy ra rồi chúng ta mới ý thức được là chúng ta làm vậy/nghĩ vậy là sai rồi. Nhưng có thể, đã muộn.
“Huyền thoại” này còn gây… sợ hơn công an giao thông (Từ youtube)
Riêng chuyện liên can đến giao thông công cộng thôi cũng nhiều không kể xiết. Ví dụ như thấy công an giao thông cách vài trăm mét phía trước, tuy không làm sai gì nhưng hầu như hơn 70% người đang lái xe trên đường phố Việt Nam cũng…. giựt mình, lo lắng sẽ bị thổi hoặc bị “làm khó”, chú ý các “đồng chí” một cách thừa thãi. Thậm chí, có nhiều “bác tài” còn lựa chọn quẹo vào bất cứ con hẻm nào nhìn thấy để “né”.
Hoặc mỗi khi đang “lon ton” trên đường, bị ai đó “khều” lại hỏi đường thì nhiều người cũng sẽ lo lo, không chỉ đường thì sợ bị nói “làm hiểm”, ích kỷ còn dừng xe lại chỉ đường thì không biết người ta hỏi đường thiệt hay họ sắp lừa mình/dàn cảnh cướp giựt chẳng hạn….
Riêng tôi thấy, phụ nữ Việt Nam dẫu có biết chạy xe hay không, chắc cũng không nên tự lái xe ra đường một mình, mặc dầu đó là một nhu cầu chính đáng. Thứ nhất, nhiều khi lái ẩu là một… bản năng của nhiều “ninja” Việt (những người phụ nữ ra đường trùm từ đầu đến chân vì sợ nắng). Có rất nhiều người sợ gặp các “ninja” còn hơn gặp cảnh sát giao thông.
Thứ hai, khi ra đường rất sợ gặp những người hung dữ, có va quẹt nhau một chút là ăn thua, cãi cọ, có khi đánh hoặc đâm nhau luôn. Thứ ba, khi tôi đi dạo các “group” của các tài xế, những người bàn về xe cộ đường sá thì tôi thấy hơn 50% các bài viết người ta chửi nhau “lái xe ngu”. Trong 50% các bài viết đó thì có 90% người bị mắng là… phụ nữ.
Ða số người bị mắng không biết mình đang bị mắng trên mạng vì các video được quay từ camera hành trình của người “post” bài viết lên mạng. Ðôi khi chính người bị mắng cũng không cảm thấy đã làm sai điều gì. Nhiều “nhân vật chính” hỏi nguyên nhân (bị chửi) thì được trả lời: Khi bạn chết, bạn sẽ không nhận thức được cái chết của mình, chỉ có những người xung quanh cảm nhận được và đau khổ vì điều đó, còn bạn thì không. Và, khi bạn ngu cũng vậy!

Nếu họ là con/em của chính bạn, bạn có đồng tình/đồng hành/đồng lòng với họ 100% không? (Hình từ Hồng Kông)
Tuy trình độ nhận thức, cảm nhận, câu chuyện và ý nghĩa câu chuyện khác nhau. Cũng không biết là có thật sự hiểu nhau hay không (?). Nhưng túm lại, ngày mưa hôm đó, sau khi cùng nhau “tắm mưa” thì chúng tôi đã rất vui vẻ ngồi (trong quán cà phê) vừa nhìn người ta xuôi ngược “tắm mưa” (ngoài đường) vừa chỉ trỏ, nói xấu cả thế giới. Sau cùng anh thở dài: “Nói đi nói lại thì chuyện gì cũng do con người mà ra thôi. Không biết sao ý thức đám đông ngày càng kém, mình chửi tụi Trung cộng chớ nhiều khi thấy đồng bào mình về ý thức cũng chẳng hơn gì, có khi còn tệ hơn.
Ở đâu tôi không biết, chứ đôi khi, tôi cảm thấy, người Việt Nam như lọt thỏm đằng sau văn minh của nhân loại vậy. Khi con người VN ý thức được nhựa rất có hại cho môi trường thì biển khắp nơi đã đầy rác thải, trong khi nhiều nơi trên thế giới đã cấm dùng nhựa một lần. Khi con người VN ý thức được cây xanh rất quan trọng thì rừng đã không còn, lũ lụt/hạn hán lia chia.Chuyện mà trước đây ai cũng đổ thừa tại “ổng” (ông Trời).
Khi người VN đánh vần được hai chữ tự do thì điều đó trở thành một tình tiết trong bộ phim viễn tưởng. Ai cũng lên án việc nâng (bi) người trên cao, chà đạp kẻ dưới thấp, nhưng nếu là chính bản thân họ, họ có làm khác hơn không?
“Chúng ta của sau này cái gì cũng có, chỉ là không có chúng ta!” (hình từ Facebook)
Chúng ta luôn tự hào bản thân như là cột mốc quan trọng, tận hưởng những bước chuyển mình lớn lao nhất của lịch sử. Chứng kiến những công trình mà ông bà mình ngày xưa nghĩ chỉ xuất hiện trong truyện/phim. Ví dụ như những cục sắt thành smartphone, thành những chiếc máy tính kết nối thế giới, những chiếc xe không người lái, những cỗ máy hoạt động bằng điện có thể thay thế con người… Nhưng chắc chẳng ai “tự hào” vì ung thư, đột biến gen, ô nhiễm, nóng toàn cầu, mất hệ sinh thái – đó là những gì con cháu ta sẽ được “thừa kế” từ thế hệ đi trước – là chính chúng ta.
Chúng ta mắc đổ lỗi cho nhau, đổ luôn cho những người đi trước lẫn đi sau. Và cái người lớn Việt Nam đang làm hiện nay là dùng các hình ảnh biểu tình, xuống đường của sinh viên Hồng Kông để trách “con cháu vua Hùng” sao chỉ biết xuống đường vì bóng đá. Họ quên mất, khi sinh viên Hồng Kông xuống đường thì họ được phụ huynh “hậu thuẫn”, thầy cô đồng hành, còn nhiều người trẻ Việt Nam nói vài ba câu trên mạng đã bị chính ba má mình đòi đánh lọi giò!
Sau khi bàn luận sôi nổi, tôi hỏi anh bạn của mình: Nếu con anh đi biểu tình và có thể bị bắt, bỏ tù, mất hết tương lai. Anh có cản không?
Anh trả lời rất thật: Hai đứa nó qua Mỹ học hết rồi em. Sau giải phóng dân tộc là giải tán dân tộc mà!
Bà Tám ở Sài Gòn