Nelson Mandela (1918-2013) là một Tổng thống huyền thoại của Nam Phi. Ông đã ở tù 27 năm vì muốn xoá bỏ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, đòi quyền dân sự cho người da màu, chống chế độ đàn áp con người vì chính kiến. 

Thông báo của trường và hình ảnh chụp từ camera (Từ Facebook Vu Hong Nguyen)

Có một đoạn văn được cho là của Nelson Mandela: “Ðể phá cho tan bất cứ quốc gia nào, chẳng cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc hỏa tiễn tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và gian lận lộng hành khi học trò thi cử.

Bệnh nhân sẽ chết bởi tay những bác sĩ của nền giáo dục ấy.
Các tòa nhà sẽ sụp bởi tay những kỹ sư của nền giáo dục ấy.
Tiền sẽ biến mất bởi tay các nhà kinh tế và người làm kế toán của nền giáo dục ấy.
Nhân văn sẽ tiêu vong bởi các học giả rao giảng tín ngưỡng của nền giáo dục ấy.
Công lý không tồn tại trong tay những người làm thẩm phán của nền giáo dục ấy.
Hãy nhớ rằng: sự sụp đổ của một nền giáo dục chính là sự sụp đổ của một Quốc gia.”

Câu trả lời của lãnh đạo ngành giáo dục quận Cầu Giấy/Hà Nội sau khi sự việc xảy ra (Từ Báo Mới)

Tôi dùng chữ “được cho là của Nelson Mandela” vì có nhiều thông tin nóiđây chỉ là phân tích của học giả cho câu nói “Education is the most powerful weapon which you can use to change the world” của cố Tổng thống Nam Phi. Nhưng cho dầu đây là lời của ông hay lời của một ông… xích lô/bán vé số nào thì tôi cũng sẽ nhắc lại, vì theo tôi, nó đúng. Câu chuyện sau đây có thể là một minh chứng.

Gần đây, có một sự việc đau lòng xảy ra khiến cho dân Việt cả trong lẫn ngoài nước quan tâm. Ðó là chuyện một câu bé học lớp 1 đã chết sau ngày thứ hai đi học ở một ngôi trường “quốc tế” có học phí hàng trăm triệu mỗi năm. Nguyên nhân ban đầu được cho là bé bị tài xế và cô nhân viên phụ trách “bỏ quên” trên xe đưa đón của trường học khi ngồi cùng 12 bạn học khác đến trường.

Tôi không đào xới khúc chiết từng chi tiết như có thể con gái ông Nguyễn Xuân Phúc là một cổ đông lớn của ngôi trường quốc tế này. Càng không phân tích về nỗi đau của gia đình cháu bé. Thú thật, những chuyện tương tự xảy ra ở Việt Nam rất nhiều. Lâu lâu lại có vài bé chết đuối vì đi bơi với gia đình/bạn bè, vài bé ăn nhầm gì đó mà ngộ độc khi đang ở nhà trẻ, và bé bị té trên tầng cao xuống đất vì cô bảo mẫu/cha mẹ không “để ý”…

Ở vị trí người đọc, đôi khi cảm xúc của tôi rất phức tạp, mệt và chỉ có một cảm giác cực đoan là không muốn bản thân lẫn bạn bè đẻ thêm bất cứ đứa trẻ nào ở VN cả. Hãy nhìn phẩm chất của nền giáo dục Việt Nam hiện nay thông qua việc làm của những người có liên can đến sự kiện này, để biết rằng đất nước này đã bị phá hủy như thế nào!

Nhà Trường 

Xem thêm:   Sài Gòn ồn

Không một lời xin lỗi đến gia đình nạn nhân, thông báo của Trường Tiểu học Quốc tế Gateway gửi phụ huynh có con/em đang học tại trường tối 6/8/2019, sau khi sự việc xảy ra là một bài viết cho thấy sự vô… giáo dục của một nơi được xem là nơi tạo ra và truyền dạy giáo dục: “Chiều nay ngày 06/08/2019, một sự việc đáng tiếc đã xảy ra đối với gia đình Gateway chúng ta. Vào khoảng 16h00, phát hiện sự việc có một học sinh lớp 1 của trường bất tỉnh trên xe buýt, ngay lập tức, nhà trường đã đưa em học sinh vào phòng y tế để sơ cứu đồng thời gọi xe cấp cứu của Bệnh viện E đưa ngay vào viện. Sau đó, lãnh đạo nhà trường cùng nhiều thầy cô đã lập tức có mặt tại bệnh viện để theo dõi tình hình của em. Tại đây, các bác sĩ đã tận tình và làm tất cả các biện pháp để cứu chữa nhưng rất tiếc là em đã không thể qua khỏi”.

Nhận định của các “chuyên gia” – vậy thì phải im lặng như vụ Nguyễn Hữu Linh mới bảo vệ trẻ em? (Từ Tiền Phong)

Xác định một người chết lúc nào là một trong những tình tiết được xem là rất quan trọng trong các vụ án. Trong khi mọi chứng cứ từ hình ảnh của camera an ninh đến kết quả khám nghiệm lẫn khẳng định của bác sĩ rằng cháu bé đã ra đi trước khi vào bệnh viện thì nhà trường dùng chữ “bất tỉnh” để phủi bỏ tất cả. “Bất tỉnh” có nghĩa là chưa chết khi phát hiện. Do vậy nhà trường đã làm những bước sau đó: “đưa em học sinh vào phòng y tế để sơ cứu”, “gọi xe cấp cứu của Bệnh viện E đưa ngay vào viện”, “bác sĩ đã tận tình và làm tất cả các biện pháp để cứu chữa nhưng rất tiếc là em đã không thể qua khỏi”…

Cho nên nhà trường không cần xin lỗi cha mẹ của cậu bé? Có lẽ vì thế mà ngày 9/8/2019, nến và hoa trắng tưởng niệm cậu bé được các phụ huynh-học sinh đặt tại cổng trường bị  trường Gateway dọn đi nhanh chóng với lý do: “Các hoạt động tưởng niệm ngay trước cổng trường (như đặt vòng hoa, thắp nến, đặt ảnh…) có thể gây ra những ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng và lâu dài cho các em học sinh còn rất nhỏ tuổi”…

Phụ huynh

Khi dẹp hết khu tưởng niệm của các phụ huynh học sinh dành cho cậu bé xấu số, trường này còn cho rằng “Một số phụ huynh có con học tập tại trường Gateway cho biết muốn các con tập trung học tập, không muốn có hoạt động xáo trộn, khác ngày thường.”  Thiệt ra lời biện hộ cho hành động này cũng có lý! Việc quan trọng là các phụ huynh có con học trường Gateway mấy hôm nay và ngày mai, ngày mốt, ngày kia… vẫn đưa con đến trường! Không có chút thông tin gì về việc trường tạm đóng cửa cả! Có lẽ vì họ … bận, bận đến nỗi không có thời gian để đòi công lý giùm cho con người khác. Bận đến nỗi không còn thời gian lo lắng sẽ đến lượt con mình, cũng có thể họ nghĩ, chuyện mới xảy ra chắc sẽ không xảy ra liền ngay được! Cũng có thể do họ tiếc… tiền, học phí mỗi tháng mấy chục triệu lận mà.

Báo chí Việt Nam đưa tin ngày 7/8/2019 (Từ VNexpress)

Tuy đa số gia đình khá giả hoặc giàu sụ mới có thể cho con học ở các trường mang mác quốc tế này, nhưng đôi khi cũng có nhiều gia đình cho con học ở đây chỉ vì cái… mác. Có một “công thức thành công” ở Việt Nam hiện nay: cái gì có gắn hai chữ quốc tế (hoặc Mỹ/Nhật càng tốt), nhìn bên ngoài thấy sang sang, đồng phục, hệ thống nhận diện, logo, slogan, truyền thông PR nổ đom đóm và cách nói chuyện vô cùng chuyên nghiệp, “có lý”… là nơi đó “chất lượng đẳng cấp”. Và đương nhiên là phụ huynh phải móc cái túi ra cho tương xứng.

Xem thêm:   Gốc - rác

Tôi có rất nhiều người bạn có đồng lương trung bình thậm chí vừa đủ ăn, nhưng vẫn bấm bụng cho con học các trường có quảng cáo rằng chương trình dạy của họ được “nhập khẩu” từ nước ngoài, quốc tế. Cũng không phải họ sính ngoại mà vì căn bệnh chung của người Việt bây chừ là mất niềm tin vào… người Việt. Trong đó có những người Việt trong bộ giáo dục nước nhà. Nhưng họ quên mất rằng: Những trường dán mác “quốc tế” hiện nay dầu có giáo án nước ngoài, phong cách nước ngoài, trường trang trí theo kiểu nước ngoài thì người Việt vẫn là chủ, vẫn là những người thực hiện, điều hành.

Nên, đặt niềm tin vô tận vào hai chữ quốc tế hay nước ngoài ở Việt Nam là một sự sai lầm vô cùng lớn. Hãy nhìn cách các công ty/tập đoàn nước ngoài bỏ chạy khỏi Việt Nam. Hoặc nhìn các mô hình mà người Việt Nam “mang về” từ nước ngoài và phát triển theo chiều hướng tồi tệ rồi hãy đặt ra các tiêu chuẩn để chọn trường cho con!

Báo chí Việt Nam

Một ngày sau khi tin tức trên gây “bão” trong dư luận, hàng loạt báo chí lập tức đưa tin về việc trẻ em các nước trên thế giới, nhất là ở Mỹ… chết trong xe dưới trời nắng nóng. Có báo còn thống kê ở Mỹ mỗi năm có là 38 trẻ, có báo biên hẳn 700 trẻ trong 20… năm (cũng ở Mỹ) chết do bị bỏ rơi trên xe luôn. Chưa nói đến độ chính xác của cái thống kê trên. Chúng ta chỉ cần biết, nhiệm vụ của các nhà báo Việt Nam trong câu chuyện này là gì? Họ viết nhập nhèm con số nạn nhân chết vì bị bỏ quên trong xe ở Mỹ để làm gì? Có phải là muốn nói “Người ta chết phát… ham, mình mới có một đứa mà lo gì???”

Nhà chức trách

Hà Nội hay cả Việt Nam không chỉ có một trường dán mác quốc tế to trên cổng/giấy tờ/quảng cáo/thông báo, không chỉ có một trường “đôn” tiền học phí lên đến hàng trăm triệu đồng một năm bởi những tờ giấy được cấp phép từ “phía trên”. Vậy mà khi xảy ra sự việc rồi thì ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo quận Cầu Giấy ung dung phát biểu trong buổi họp báo ngày 7/8/2019: “Hiện nay trên địa bàn quận Cầu Giấy chỉ có các trường mang yếu tố nước ngoài chứ không có trường nào là quốc tế. Cho nên, không có trường nào là Tiểu học Quốc tế Gateway. Trong quyết định thành lập trường không có chữ ‘quốc tế’.” Và khi dư luận đang sôi sục ngóng trông kết quả của vụ án thì cũng chính các nhà “lãnh đạo tài ba” nắm quyền sinh sát công bố rằng “Từ chối… công bố kết quả khám nghiệm tử thi và nguyên nhân tử vong của cháu Long” và “Sẽ khởi tố bị can khi… có đủ tài liệu!”

Xem thêm:   Nick phẩm, Quan phẩm

Dư Luận

Giáo dục thì vô… giáo dục, phụ huynh thì vô trách nhiệm và ỷ lại vào nền giáo dục (nhưng vô giáo dục), nhà báo thay vì đưa tin thì bẻ lái thông tin, nhà chức trách chối bỏ các chức trách của mình… Còn chúng ta, những kẻ mang chung cái tên “dư luận” thì làm gì? Chúng ta mổ sẻ thông tin, đổ thừa và đổ tội cho nhau. Chúng ta trách giáo dục, trách truyền thông, trách những người hành pháp, trách lẫn nhau cho đã rồi chúng ta trách luôn cả bọn… trẻ con ngày nay chẳng biết gì, chẳng học được gì, chẳng làm được gì, chẳng có kỹ năng sống gì cả! Vậy bây giờ kỹ năng sống mà trẻ con Việt Nam nên học là gì?

Một nền giáo dục gian lận (Từ Tuổi Trẻ)

Khi phẩm chất giáo dục đã bị hạ thấp đến vô cùng và gian lận lộng hành khi học trò thi cử không còn là chuyện hiếm lạ. Bệnh nhân đã chết bởi tay những bác sĩ của nền giáo dục này. Các tòa nhà đã sụp bởi tay những kỹ sư của nền giáo dục này. Tiền đã biến mất bởi tay các nhà kinh tế và người làm kế toán của nền giáo dục này. Nhân văn đã tiêu vong bởi các học giả rao giảng tín ngưỡng của nền giáo dục này. Công lý đã trở thành diễn viên hài trong tay những người làm thẩm phán của nền giáo dục này. Kỹ năng sống mà trẻ con Việt Nam nên học có phải là đừng có… sanh ra?

Xin kết bài bằng một “lá thư” từ Facebook Nguyen Thanh Phung: “Người lớn ơi!

Hôm qua lại có một bạn nhỏ như chúng cháu mất trong đau đớn, tuyệt vọng vì bị nhốt trong xe. Gia Lai cũng có một bạn nhỏ bị rớt từ tầng 3 ở một khu vui chơi. Sao sự an toàn cho tụi cháu lại xa vời vậy người lớn ơi?

Chúng cháu lại phải học thêm kỹ năng mới. Cháu cũng chẳng nhớ có bao nhiêu kỹ năng nên học nữa rồi. Kỹ năng tự vệ trước người lạ, tránh bị xâm hại, chống đuối nước, đi thang cuốn, trong thang máy, trong hỏa hoạn, ở nhà chung cư, khi bị nhốt… Chúng cháu phải học bao nhiêu kỹ năng nữa mới đủ đây. Và tại sao chúng cháu phải học khi gây ra lỗi lại là người lớn. Người lớn dâm ô, người lớn bắt cóc, người lớn bạo lực… và đôi khi người lớn chỉ vô tâm, vô trách nhiệm mà thôi! Chúng cháu cần được sống trong an toàn người lớn ơi!

Chúng cháu cũng chẳng biết làm sao để thể lớn lên. Người lớn cho chúng cháu sống trong môi trường ô nhiễm, ăn thức ăn độc hại, học cái bỏ đi, chơi trò người lớn,…

Người lớn bán hết tài nguyên, phá hết rừng, cho thuê đất 99 năm,… Chúng cháu sinh ra phải gánh thêm cục nợ do người lớn gây ra. Người lớn lại còn bắt chúng cháu phải lấy lại Gạc Ma, Hoàng Sa. Và giờ, Bãi Tư Chính, người lớn cũng im re đợi chúng cháu nói hộ luôn sao?

Chúng cháu lớn không nổi và cũng không muốn lớn nữa! Người lớn ơi!
Ps: một người lớn viết!”

Kỹ năng sống ở VN – không sanh ra hoặc có thể làm… ngu người khác (Từ Facebook)

DU

Sàigon