Những giọt mưa đầu tiên rớt xuống, mùi nhựa đường bốc chưa lên cao thì trời lại nắng. Không khí Sài Gòn lúc thì hâm hẩm như trán đứa nhỏ đang chìm trong cơn sốt li bì, lúc lại như đang ngồi đâu lưng với bếp lò. Bình nước đá miễn phí bên rìa đường cũng đổ mồ hôi đầm đìa, như muốn thoát thân khỏi sứ mệnh cao cả của mình…

Bình nước miễn phí và quạt máy, thứ không thể thiếu cho thị dân Sài Gòn những ngày nóng hổi – Nguồn: Facebook     

Giữa không khí oi bức đó, tự nhiên có tiếng bánh xe nặng nề lăn trên những ổ gà, nắp cống chông chênh, tiếng nắp xoong khua… nổi bật giữa những tiếng động cơ xe máy, kèm theo đó là tiếng rao ngọt lịm chen qua con hẻm, lấn lướt tiếng ồn để lọt vô tai những kẻ đang khô cổ, yếu lòng: “Ai tàu hũ nóng nước cốt dừa hônnnn…” Tự nhiên tâm tình phơi phới, mát trời ông địa liền. Thấy “con mồi” coi bộ liêu xiêu rồi, chị ta “đẩy” thêm một câu đầy cám dỗ: “Ăn tàu hũ cho nó mát nè em, nắng quá trời nắng!”

Hông biết “nó mát” thiệt hông nhưng mấy bà mấy mẹ hay đồn như vậy, nên cái suy nghĩ “mát mẻ” đó đã di truyền từng thế hệ, đưa vào giấc mơ trưa của nhiều người, ngay cả những người bán món ăn này. Hồi nào đó trong ký ức, cứ giữa trưa là có bà thím bán tàu hũ đi ngang nhà, vừa gánh nặng vừa rao liên tục nhưng giọng vẫn trong khe: “Ai tàu hũ nóng nước đường cốt dừa hônnnn…” Vậy là đứa nhỏ đang mắt hí giả bộ ngủ liền vùng dậy, chạy vô bếp lựa cái chén đẹp đẹp bự bự (tin là đựng nhiều hơn), chạy ra chặn gánh bà bán tàu hũ liền. Bà ta cười xởi lởi, đón cái tô trên bàn tay nhỏ nhắn rồi chọc ghẹo: “Dìa coi nhà có cái tô nào bự hơn không? Mang ra đây, cái này còn nhỏ quá…” Từng lớp tàu hũ được cái muỗng nhôm hớt ra tô đong đưa, núng nính trong ánh mắt thèm thuồng của đứa con nít ngày đó. Mắt nó nở bự lên theo từng cái hất tay của bà tàu hũ, sáng rỡ khi bả múc từng muỗng nước đường có gừng và bốc lửa khi tay bả chạm vô cái hũ đựng nước cốt dừa: “Nhiều, nhiều lên bà ơi…” Người ta nói tàu hũ ngon nhất là khi còn ấm nóng, nhưng đứa nhỏ đó thì thích bỏ mấy cục đá vô ăn cho lạnh. Kiểu ăn hay bị quở “hông giống ai” đó cũng ngon lắm… Hớt từng muỗng trắng trắng, mềm mềm kèm miếng nước đường, miếng nước cốt dừa bỏ dzô miệng, tất cả tan ra trên đầu lưỡi, trôi tuột xuống cuống họng mát lạnh. Vị bùi của tàu hũ, béo của nước cốt, mùi thơm của lá dứa, gừng… hoà vào nhau, từ từ chạy xuống bụng. Rồi lượm cục đá nhai rột rột, tê tê đầu lưỡi với mùi thơm còn đọng lại khoang miệng. Gừng thì liếm liếm thôi, sợ cay…

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Hớt tàu hũ, chế nước đường (phải vớt thêm mấy miếng gừng), chan nước cốt dừa – Nguồn: Du Uyên

Quay lại thực tại, chị bán tàu hũ hôm nay trẻ hơn bà thím năm xưa, chị “gánh” hàng bằng xe đẩy tự chế, chứ không phải như bà thím năm xưa dùng quang gánh, chị đựng tàu hũ trong ly nhựa chứ không phải chén sành… cũng may, tàu hũ của chị vẫn theo công thức truyền thống đơn giản, chỉ có tàu hũ, nước đường (có lá dứa và gừng), nước cốt dừa… không thêm trân châu (làm từ bột năng), bánh lọt… hay các món ăn hàng thời nay như mấy chỗ bán tàu hũ hiện đại khác. Múc một muỗng tàu hũ từ cái ly nhựa, không có cảm giác “thân” mấy. Không biết bản thân tôi thay đổi hay khẩu vị thay đổi, mùi đậu hũ bây chừ không còn thấy thích như hồi nhỏ nữa. Cũng không hiểu sao mùi tàu hũ ngày xưa thơm trong lành lắm, không có cái mùi đục đục như bây chừ, hay cái mũi trải dài sương gió cũng bị “tha hóa” rồi, không còn thấy cái gì cũng trong lành nữa. Tuy vậy, từng muỗng tàu hũ bỏ vô miệng là từng ký ức tuổi thơ dội về, không tệ lắm… Có lẽ vì chung cảm giác này, mà chẳng bao lâu, xung quanh xe tàu hũ đã bu đông nghẹt người. Chị tàu hũ coi mòi hơi rối, tôi định xắn tay áo vô phụ thì đã có người tới, coi mòi quen thuộc với chị bán tàu hũ, cậu ta vừa múc vừa hối: “Bán lẹ lẹ, đứng đây lâu coi chừng công an… hốt!”

Những người đang đứng xung quanh xe tàu hũ đều mặc nguyên bộ đồ trắng, họ thuộc Ðạo Cao Ðài. Trước mắt tôi lúc này cũng là tòa Thánh Thất Sài Gòn – một kiến trúc tôn giáo lớn của đạo Cao Ðài tại Quận 5, Sài Gòn. Theo Google, lịch sử Thánh Thất bắt đầu vào năm 1949, khi Ðức Hộ pháp Phạm Công Tắc mua lại một villa kiểu Pháp tọa lạc trên khuôn viên rộng 931m2 làm nơi hành đạo ở Sài Gòn. Sau nhiều lần mở rộng và tu bổ, từ năm 1999 tòa nhà được xây cất lại thành Thánh Thất, vào năm 2001 thì hoàn thành. Thánh Thất Sài Gòn được xây dựng theo kiểu mẫu của Tòa Thánh Tây Ninh, là một trong những kiến trúc tôn giáo lớn và quan trọng của đạo Cao Ðài.

Đông quá nên khách phụ bán luôn – Nguồn: Du Uyên

Tôi thì không tìm hiểu sâu về tôn giáo này, nhưng lâu lâu đi ngang Thánh Thất Sài Gòn là thấy có tổ chức phát cơm từ thiện hoặc những chương trình truyền thống và ý nghĩa. Như hồi Tháng Hai, có chương trình “chợ lá” rất náo nhiệt. Vào đây, không cần biết mặt hàng trị giá bao nhiêu, người mua chỉ cần chìa lá, người bán đưa hàng và gửi đến nhau lời cảm ơn, nụ cười cùng lời chúc tốt lành đầu năm mới, không cần đưa tiền nữa. Phiên chợ có 70 gian hàng bán đủ loại thức ăn, nước uống, nhu yếu phẩm, như một cách giúp người nghèo vài bữa ăn. Phiên chợ dùng lá cây thay tiền có nguồn gốc từ tỉnh Tây Ninh. Người đầu tiên tổ chức phiên chợ lá là bác sĩ Bùi Quốc Thái, một thầy thuốc Nam, hay làm từ thiện ở Tây Ninh. Ngoài khoản chi phí tự có, bạn bè bác sĩ Thái cùng đóng góp thêm, ai có gì góp nấy để buổi chợ phong phú thêm về đồ ăn, thức uống. Phiên chợ hình thành từ năm 2010 và thường được tổ chức một năm một lần, vào dịp Rằm tháng Giêng. Phiên chợ lá đã tồn tại từ hàng chục năm qua nhưng khoảng 3 năm nay, nhờ nhiều người chia sẻ lên mạng xã hội nên phiên chợ độc đáo này mỗi năm càng đông đúc hơn. Không ngờ tới Sài Gòn, nó được hoan nghênh quá trời. Thấy chợ đông hơn dự kiến, nhiều người bên ngoài đã tiếp thêm hàng hóa để ai cũng “mua” được hàng (bằng lá). “Tất cả đều là từ tâm và không giới hạn với người ngoại đạo”, Giáo hữu Thái Lân Thanh, Thư ký ban đại diện Hội Thánh Cao Ðài TP.HCM nói.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Phải chi những địa điểm “hot” của giới trẻ bây giờ như công viên Bến Bạch Ðằng, đường đi bộ Nguyễn Huệ… để những “gánh” hàng rong nguyên bản ngày xưa vào bán, và dùng để tổ chức các “phiên chợ lá” này thì hay biết mấy! Ðương nhiên, tổ chức sao cho giản dị, không rườm rà tỏ vẻ ta đây “văn minh, hiện đại”, nhưng rất trật tự đàng hoàng, rất tử tế và thật… vệ sinh, mới nên làm. Vừa làm đẹp, vừa gợi nhớ lại hồi ức về một Sài Gòn hoa lệ, vừa thu hút khách du lịch và giới thiệu được món ngon trong nước, vừa tạo điều kiện cho dân nghèo mưu sinh lương thiện, bỏ bớt mấy xe bánh tráng trộn/trà sữa/nước ngọt… đang chiếm dụng mấy chỗ đó một cách mất vệ sinh, hung hãn như hiện tại. Mấy cái nhỏ nhỏ không thay đổi được thì làm sao mà thay đổi dân trí, thay đổi con người của đất nước toàn kẻ mấy đời “bần cố nông” được?

Thánh Thất Sài Gòn, một nơi hay làm việc thiện – Nguồn: Du Uyên

Dạo gần đây, người ta cứ nhân nhiều lần nỗi lo về trí tuệ nhân tạo, nói nó ngày càng nguy hiểm, ngày càng đe dọa nhân loài… nhưng trí tuệ nhân tạo cũng chỉ là công cụ, thứ điều chỉnh độ nguy hiểm, sự đe dọa với con người chính là con người. Thứ trí tuệ nhân tạo không tạo được đó là ký ức đã qua và sự tử tế. Trí tuệ nhân tạo vẽ ra được hình ảnh chén tàu hũ nóng của bà thím nhưng trí tuệ nhân tạo  không thể vẽ được những ấm áp mà bà ta cho đứa nhỏ năm xưa. Trí tuệ nhân tạo cũng có thể viết một triệu câu chuyện về “chợ lá”, “chợ cỏ”… nhưng trí tuệ nhân tạo không thể vẽ ra cái không khí nhộn nhịp của những tấm lòng muốn cho đi đó. Trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra một nghệ sĩ toàn tài, nhưng sẽ khó mà tạo ra một lớp nghệ sĩ thích làm vua, làm chúa, làm cha mẹ thiên hạ…

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

“Ðời nghệ sĩ khó nuốt hơn quý vị nghĩ rất nhiều, mọi người đều trải qua nhiều thăng trầm. Nếu mà ai thích tiền, thích hào quang thì cứ lên đây để nếm thử 4 chữ ‘hào quang rực rỡ’ đi rồi biết nó là cái gì!”. – Nghệ sĩ Trấn Thành gần đây đã nói như vậy trong nước mắt, ngày ra phim về một “vị vua nhạc Việt” tự phong. Nhiều người bật cười mỉa mai vì sự “ăn vạ” của Trấn Thành, nhưng tôi tự hỏi là Trấn Thành có thử nếm được mùi da cháy sém do xên nước đường, lòng bàn tay trơn bóng vì vắt kiệt đậu này, đôi bàn chân đầy vết chai vì đẩy xe đi khắp chốn… hay Trấn Thành có nếm được vị nước cốt dừa có pha chút mùi kim loại vì bào dừa, vắt dừa, gọt gừng phạm vào tay… Bà thím gánh tàu hũ ngày xưa hay chị đẩy xe bán tàu hũ hôm nay đều nếm qua, vậy mà họ đều không nhiều tiền, không nhiều hào quang bằng Trấn Thành, đời họ cũng khó nuốt biết bao để làm ra những xe tàu hũ dễ nuốt giữa trưa hè… Họ đều không khóc ăn vạ với khách hàng.

Bốn chữ “hào quang rực rỡ” liệu có khó nuốt bằng bốn chữ “công an tới rồi” không? Mời Trấn Thành và các ông vua, bà chúa trên cao kia, xuống đây thử… nuốt!

“Đời nghệ sĩ khó nuốt” vì nghệ sĩ thời nay như muốn nuốt khán giả trước – Nguồn: Facebook

DU