Saigon ngập, Hà Nội thành sông, dân đảo Phú Quốc không phân biệt được đâu là nước biển đâu là nước… cống, dân núi Đà Lạt cũng bì bõm/tang thương cùng núi lở, lũ dội…! Với thời tiết đồng… lòng thế này thì những người thất nghiệp/những người phải làm việc ngoài trời/những người lao động chân tay/không có nghề nghiệp ổn định biết làm gì lý tưởng hơn đi ăn… trộm?

Nghề trộm cũng lắm công phu, cực lắm (Từ Tuổi Trẻ)

Mà ai cũng biết, trộm cướp luôn là nghề đầy cạnh tranh và nguy hiểm. Nhất là ở thời kỳ mỗi mét vuông có vài chục tên “đồng nghiệp” như vầy. Chưa kể, khi tánh đa nghi/cảnh giác của dân tình ngày càng tăng cao, và số người nghèo ngày càng đông đúc, chưa kể những người đang mấp mé hăm he “khởi nghiệp” với “ngành” trộm/cướp cũng tăng cao. Tạo ra một vụ “cướp cạn” nho nhỏ trong muôn vàn vụ tương tự đã rất khó khăn thì bạn nghĩ xem cướp… nước nó khổ tới cỡ nào  (ngập => hết cạn => có nước => cướp nước)!

Thực ra không riêng gì các tên trộm/cướp, những khi mưa/lũ/ngập lụt thế này thì ngay cả người bị/không bị trộm lẫn người mua lại đồ của mấy ông ăn trộm đều khổ như nhau. Không có cái khổ nào thua cái khổ nào. Ăn thua mình… hên!

Người ‘dân thường’, dẫu có mất đồ hay không đều khổ. Vì không mất thì cứ phải canh me, lo lắng, rình rập, sợ bị…. trộm/cướp “để ý”. Còn đã là nạn nhân rồi thì sau khi hốt hoảng, bồn chồn, buồn bực thì lại chuyển qua rối rắm, suy nghĩ coi có nên báo “quan” không. Báo rồi liệu có ai xử không? Không biết thằng trộm có… thân với mấy “anh công an khu vực” không? Rồi kiện được thì “án phí” có “đông” không? Không án phí thì cũng phải “bồi dưỡng” chớ “nhờ” không thì “mấy anh” xui lắm mới…. làm! Rồi nếu bắt được trộm thì tài sản của mình có về tay như cũ hay lại trở thành “tang chứng, vật chứng”, hay đi luôn không hẹn hôm dìa?

Đây là những bài học lớn cho nhiều người nhưng hình như là bài học này lâu lâu lại đổi… thầy (Từ Báo Mới)

Người mua nhầm đồ “gian” thì càng không nói. Khổ trăm bề cái nghề “làm dâu trăm họ”. Thử hỏi coi bao nhiêu người biết được mình mua phải đồ gian? Cũng có nhưng con số đó ít lắm, đếm trên đầu ngón tay mà thôi. Rồi thử hỏi coi có bao nhiêu thằng ăn trộm không… xui? Rồi sau khi bị bắt thì cũng xui lắm mới có thằng không chịu khai ra chỗ nó bán đồ “gian” mà nó… “thân” nhất. Sau đó, những thứ đồ “gian” kia lúc này đã thành “tang chứng, vật chứng”, tiền của thằng ăn trộm cũng là “tang chứng, vật chứng”. Ðôi khi, chính người mua đồ gian cũng thành… “tang chứng, vật chứng” của vụ án. Xui xẻo toàn tập!

Khổ nhất dĩ nhiên vẫn là những tên trộm/cướp. Ngoài phải cạnh tranh với “đồng nghiệp”, bất chấp hiểm nguy để “hành nghề”, những tên trộm còn khổ cái là không biết vô nhà nào trộm? Chọn được, vô rồi không biết chọn món nào trước. Chọn rồi thì không biết món đó bán được không. Bán rồi lại sợ không biết có bị phát hiện là trộm hay không. Bị phát hiện rồi lại lo, không biết có ai báo công an không. Báo xong lại nơm nớp sợ, cầu Trời khấn Phật cho hôm đó công an… buồn, không thèm tra án, hoặc cái người mất trộm không… thân với công an, hoặc công an nơi đó thân với… mình hơn là thân với người bị trộm…

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Túm lại là khổ trăm đường, đôi khi tôi nghĩ, có những người trộm/cướp vì đam mê, vì yêu nghề thôi chớ sống sao nổi với cái nghề “bạc bẽo” này. Bởi, không biết bao nhiêu người, trộm có kinh nghiệm lâu năm, trộm có tri thức, trộm có “tay nghề”, trộm có kế hoạch bao năm mà vẫn không mua nổi cái nhà hoặc mướn nổi cái kho để “tàng trữ” đồ mình trộm về. Phải “gửi” trước đồ ở nhà “gia chủ”. Sau khi đăng hình chụp các món hàng đó lên mạng, rao bán, có người mua rồi thì họ mới đến “lấy” rồi đem đi giao. Mới đây nhất, 14/8/2019, dân tình đang xôn xao về một vụ tương tự ở Hà Nội.

Chuyện là do không có chỗ để “chiến lợi phẩm” nên nhóm trộm chuyên nghiệp gồm Ðỗ Quang Ngọc (33 tuổi), Trần Quốc Hùng (40 tuổi) và Lê Văn Dũng (52 tuổi) đã quyết định đi chụp ảnh những cây cảnh định lấy trộm đăng lên mạng xã hội “quảng cáo”. Khi thấy có khách ưng và muốn mua cây thì những người này mới đến nhà chủ… cũ (cũ vì từ bây chừ không còn là chủ nữa) của cái cây rinh về, giao cho người mua. Bằng một cách nào đó, sau bao nhiêu phi vụ trót lọt, lần này cũng có thể do… xui nên họ bị bắt sau khi đã “bàn giao” thành công mấy cây cảnh quý cho chủ mới (người mua hàng qua mạng) không lâu. Trộm cướp là nghề chính, ba người này còn có nghề “tay trái” là buôn bán lẻ ma túy.

Nói ra thấy có vẻ mới lạ chứ chuyện này không hề lạ chút nào đâu. Những nhóm trộm “chu đáo” và lo xa đến mức chụp ảnh đồ muốn trộm rồi đăng lên mạng quảng cáo trước, chờ khi có khách đặt hàng mua rồi mới ‘yên tâm’… đi ăn trộm kiểu này vốn là “chuyện thường tình ở huyện”. Từ khi internet trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của phần lớn nhân loài. Và trong cái phần lớn người khoái khẩu “món ăn tinh thần” đó thì có một phần lớn người dùng mục tiêu “sống ảo”, khoe mẽ, “chia sẻ” tất tần tật cuộc đời mình cho thế giới là một trong những niềm hạnh phúc của cuộc sống trên mạng.

Trong cái phần lớn của phần lớn đó dĩ nhiên có… tôi rồi. Chỉ tiếc, tôi chẳng có gì khoe ngoài đồ ăn và đồ ăn, và mỗi khi khoe món gì thì tất cả bọn chúng đã nằm gọn trong bụng tôi rồi. Thật an tâm!

Đôi khi thú cưng của bạn “đi lạc” không phải vì bạn sơ sảy, mà những kẻ tham lam đang rình rập (Từ VNexpress)

Vì thế, sẽ chẳng có gì ngộ nếu một bữa đẹp trời, khi lướt mạng internet, bạn bè của bạn nhìn thấy hình con mèo/chó cưng của mình bị ai đó post lên cùng các mô tả chi tiết từ độ tuổi, màu lông, tính nết, thói quen các thứ kèm một giá tiền “siêu to siêu khổng lồ”. Vì sao bạn không thấy mà bạn bè của bạn thấy? Dĩ nhiên là vì bạn “được” người đứng sau các bài đăng đó (kiêm những tên trộm chuyên nghiệp đã theo dõi bạn từ lâu) “block” (chặn) mất rồi.

Xem thêm:   Chó...

Nói chi những vật ngoài thân, các cặp đôi hay đăng hình ôm xà nẹo, xà nẹo cũng có thể mất nhau chỉ vì những người bạn thân thiết cùng chơi mạng xã hội chung quanh (nhưng ế hoặc đang sôi máu vì gato – ghen ăn tức ở) nữa là! Thiệt ra thì, chuyện gì còn đáng thương chớ suốt ngày khoe người yêu rồi bị mất tính ra cũng… đáng đời! Ai biểu không nghĩ đến tâm tình của những người ế xung quanh mần chi!

Một con mèo, một con chó, một món đồ thậm chí một người tình không chung thủy mất đi thì tính ra bạn cũng còn may với những tên trộm dạng này, cứ cho là “của đi thay người”. Có rất nhiều tài tử, diễn viên, ca sĩ hoặc những người có tiền bị trộm vô nhà dọn sạch sành sanh tài sản chỉ vì thói quen thường xuyên đăng lên mạng xã hội của cải, nhà cửa, rồi đi đến đâu thì “check in” ở đó, như một cách “báo hiệu” cho bọn trộm biết lịch trình của mình.

Phải chi mấy chục ngàn du khách và người đi đường khác cũng “hên” như cụ thì hay biết mấy (Từ báo Thanh Niên)

Tháng 7 vừa qua, có một cô tài tử VN tên Nhật Kim Anh bị trộm vô đúng phòng ngủ – nơi chứa tất cả tài sản (cũng là nơi cô thường “live stream” nói chuyện với các “fan” của mình) khi cô này đi công tác tỉnh. Trong chưa đầy 30 phút, hai két sắt bị cạy phá, 100 lượng vàng SJC, 500 triệu đồng tiền mặt và ngoại tệ, 1 nhẫn đính kim cương trị giá 1 tỉ đồng gọi cô là “chủ cũ”. Tổng giá trị tài sản bị mất là khoảng 5 tỷ đồng chỉ với một chiếc xà beng. Camera an ninh ghi lại, tên trộm vào nhà, đi thẳng đến phòng cất tài sản không chút do dự và chần chừ, lý do là từ khi “sắm” cho mình căn biệt thự này, Nhật Kim Anh đã “live stream” khoe lên mạng xã hội không sót chỗ nào, đường nào, món đồ quý giá nào trong ngôi nhà mình. Và Nhật Kim Anh cũng không phải người đầu tiên bị “trộm viếng” vì lý do như vậy! Ðôi khi đọc tin mà tôi cứ hỏi: Sao mà chúng… hên dễ sợ, đến chừ vẫn chưa thấy tên nào bị tóm cả.

Tên trộm là ai? Ðôi khi chúng chính là kẻ mà bạn thường xuyên “tương tác”, nói chuyện, tâm sự qua mạng. Một người “fan” ruột hoặc một người bạn “ảo” vô cùng “hợp gu” của bạn! Và khi bạn thét gào lên là mất thú cưng, mất đồ, trộm viếng, cũng có thể chính kẻ “chủ mưu” là người nhiệt tình an ủi, phân tích, vuốt ve vết thương lòng cho bạn đầu tiên.

Trừ khi là bạn mất… bồ/chồng/vợ/người yêu, tôi nghĩ người thứ ba lúc đó không rảnh lắm đâu. Họ bận “xà nẹo” với bồ/chồng/vợ/người yêu… cũ của bạn cho bõ… ghét mất rồi. (Sự thật mất lòng, ông bà xưa nói chẳng sai!)

Xem thêm:   Ham & hố

Mất đồ, trộm viếng thời bây chừ là chuyện “tầm thường”, đôi khi bữa nào cũng gặp khiến cho người ta chẳng còn hứng thú để sốt sắng nữa. Như tôi phân tích ở trên. Bắt được tên trộm hay không thì do số phận an bài coi tên trộm đó và bạn lẫn người đã “trót” mua phải “đồ gian” xem ai… hên hơn ai. Phải xem số tài sản của bạn mất bao nhiêu, có đủ gây hứng thú với các anh công an nhân dân của chúng ta hay không? Rồi phải xem giờ hoàng đạo trước khi đi báo án, kẻo hôm đó mấy ảnh hông có… rảnh.

Nếu đã hết cách thì bạn phải xét lại xem câu chuyện về món đồ bị mất của mình sẽ nhận được bao nhiêu sự chú ý từ cư dân mạng, họ mới là những người đang cầm cán cân của pháp luật Việt Nam. Nếu bạn không tin, hãy tra google xem đã có bao nhiêu vụ án được “phá” chỉ nhờ vào sự “nhiều chuyện” của cộng đồng mạng VN. Và hãy xem các vụ tương tự chìm vào quên lãng như thế nào khi chẳng ai quan tâm. Như câu chuyện nho nhỏ dưới đây:

Hôm 3/8/2019, có ông khách Nhật tên Oki Toshiyuki (83 tuổi) được tài xế xích lô Phạm Văn Dũng (49 tuổi, ngụ quận 4) chở ông đi một vòng Bến Thành (chưa tới 1 cây số). Khi đến nơi, ông Oki đưa 500 ngàn tiền thù lao thì người lái xích lô này chê ít, ông Oki định cho thêm thì bị anh ta tước hết luôn 2.9 triệu trong bóp. Vì là người hay đến Việt Nam, có con cháu ở đây nên như thường lệ, gia đình ông Oki quyết định không báo công an.

Con người còn bị “trộm” mất, huống chi là… (Từ Trí Thức Trẻ)

Theo Sở Du lịch, trong năm 2018, Saigon có 8,000 vụ du khách bị chèo kéo, đeo bám (bị phát hiện/được báo án). Riêng 6 tháng đầu năm 2019 có 2,600 vụ, trong đó có 50 vụ phải tới trạm thông tin du lịch báo cáo. Ðâu có bao nhiêu vụ được lên báo hay được “đòi” lại công bằng!

Ông Oki mới quyết định viết câu chuyện lên mạng, kèm theo lời… xin lỗi vì không hỏi giá trước khi leo lên xích lô (vẫn cảnh báo chuyện này có thể làm ảnh hưởng nền du lịch VN). Câu chuyện của ông khiến cư dân mạng Việt Nam chú ý. Và vì sự “sôi trào” của cư dân mạng mà báo chí quan tâm. Nhờ sự “song kiếm hợp bích” đó nên chỉ ba hôm sau ngày xảy ra vụ việc, công an bắt được ngay tài xế xích lô lừa đảo qua các camera an ninh.

Rút kinh nghiệm, Du Uyên chỉ khoe đồ ăn và khoe… thân, hy vọng có ai… xui, trộm về.

Vị tài xế xích lô hiện thời chưa biết sẽ được xử ra sao nhưng sau khi bị tạm giam, theo công an thì anh ta đã hối lỗi, viết thư xin lỗi gửi ông người Nhật (mặc dầu anh ta khai, anh cùng “đồng nghiệp” vẫn thường “chặt chém” khách du lịch muốn đi dạo bằng xe xích lô). Do số tiền 2.9 triệu là… tang vật, nên ông Oki tạm thời chưa được nhận lại tiền. Bù vào đó, vì câu chuyện có sức ảnh hưởng nên ông cụ được hãng hàng không quốc gia VN tặng cho cặp vé khứ hồi Việt Nam – Nhật Bản thay cho lời an ủi.

Tôi không biết câu chuyện này trong mắt bạn bè thế giới và cư dân mạng ra sao chớ theo tôi thì vụ án cướp… cạn này xong sớm như vậy cũng nhờ ông Oki Toshiyuki… hên và người lái xích lô… xui thôi! Sanh nghề tử nghiệp cả!

DU

Saigon