“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Nhưng em vẫn giữ tấm lòng son”

Bù Lon (từ facebook)

Bánh trôi nước, hay còn gọi chè trôi nước là món ăn quen thuộc trên những… mâm cúng của người Việt Nam. Bánh trôi làm bằng bột nếp. Khá vất vả vì loại bánh này cần sự tỉ mỉ, khéo tay của “kẻ nặn”. Phải nhào bột kỹ, rồi nặn thành hình tròn cỡ bằng trái táo ta, bọc lấy nhân bằng nhân đậu xanh hấp hoặc dừa nạo được sên ngọt. Khi nước sôi thì người ta bỏ bánh vào luộc, bánh sẽ chìm cho đến khi chín thì nổi lên.

Người nặn bột làm bánh phải khéo tay thì bánh mới đẹp, nếu không thì bánh có thể bị “rắn” (sượng) – nhai hoài không đứt nhỏ hay bị “nát (nhão) – đụng nhẹ dễ bị lòi “ruột” (nhân) ra ngoài. Nhưng dù thế nào thì bánh vẫn phải có nhân, thiếu nhân, ăn rất nhanh ngán. Thành phẩm của bánh là những “cục” bóng lưỡng, “vừa trắng lại vừa tròn”, có lớp da mỏng bên ngoài đôi khi là màu trắng đục hoặc màu xanh lá dứa (tùy vào bà bếp thích màu gì).

Khi ăn hoặc bày ra cúng, người ta bỏ một/hai cục trôi vào chén ăn cơm, thêm mấy “viên ỉ” (là những cục bánh trôi nhỏ cỡ bằng đầu ngón tay, không nhân). Sau đó, chế nước đường vào 1/3 chén, tiếp là nước cốt dừa đã “thắng”, cho ít đậu phộng + mè rang lên đầu. Cuối cùng là… chụp hình, rồi xắn từ miếng bánh ra ăn kèm với nước dừa, muối, mè, đường.

Bàn chải lớn (từ facebook)

Thành phẩm sẽ có vị béo của nước cốt dừa, thơm từ đậu phộng + mè rang, ngọt từ nước đường, nhân và hơi dai dai ở phần vỏ bánh. Nhiều người khi thắng nước đường còn bỏ vào vài lát gừng “dằn bụng”, mấy lát gừng cay cay coi vậy chứ nhiều khi lại là… “hoa hậu” của nguyên chén chè. Ngoài trôi nước thì còn có bánh trôi không có nước miền Bắc.

Bánh trôi ở miền Bắc có kích cỡ nhỏ, thường có nhân là đường phèn, có màu trắng ngà, dẻo mịn và thơm mùi gạo nếp cùng tinh dầu chuối, nhưng ăn khá ngán vì không có “vừa trắng vừa tròn” vừa có nhân mập, đầy như chè trôi nước.

Rõ ràng, đọc thơ  Bánh Trôi Nước ở trên của tác giả Hồ Xuân Hương   và đoạn tả về  bánh trôi nước  ai cũng thấy tả… giống. Nhưng không ai (chịu) tin bà đang tả cái vất vả của người làm bánh, sự khó khăn trong quá trình “sinh sản” của bánh trôi nước cả. Lý do? Có lẽ vì “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”? Cũng có lẽ vì người đọc nghĩ… bậy? Cũng có thể vì bà Hồ Xuân Hương “mang tiếng” là “Bà Chúa Thơ Nôm Việt Nam”? (Mà người ta lại thường nói “Nôm na là cha mách qué”. Nên khi bà viết bài nào ra cũng khiến nhiều người liên tưởng “xa xăm” coi bà có “xiên xỏ” thêm nghĩa nào không? Ví như cái bài tả trái mít dưới đây, cũng của Hồ Xuân Hương:

Thuốc Ngựa Lớn (từ facebook)

“Thân em như quả mít trên cây

Da nó xù xì, múi nó dầy

Quân tử có thương thì đóng cọc

Xem thêm:   Ý tưởng mần giàu...

Xin đừng mân mó, nhựa ra tay!”

Trong cái rủi có cái may, bà sanh không… sai thời. Tuy thời kỳ phong kiến khắt khe và nhiều hủ tục, nhưng thơ của bà vẫn được coi trọng và lưu truyền hậu thế vì nó… ngộ, đi trước thời đại. Thơ của bà còn được cho vào sách giáo khoa cho con nít thời nay học, dĩ nhiên là cái nghĩa được dạy chắc sẽ khác cái nghĩ mà thầy cô hiểu. Nếu bà sanh thời nay, e rằng thơ bà có khi sẽ bị cấm, bà mà ra sách có khi bị thu hồi, bà phản đối? Bà sẽ là một “cây viết phản động”. (Hy vọng sau khi “phản động”, bà không làm bài thơ nào tả cái…. đầu của mấy ông/bà cán bộ văn hóa nước nhà). Tại sao ư, mời đọc chuyện cái lon…

Chuyện cái lon

“Lon” là một từ “nghèo” nghĩa, nhưng không nghèo luôn “đất diễn”. Trong các cuốn từ điển chứa hàng ngàn từ ở Việt Nam, trong văn học và cả đời sống, “lon” luôn nép mình ở một góc nào đó. Vì thế, ít ai để ý đến chữ “lon”, mặc dầu, tính ra thì cũng xài nó mỗi ngày. Ví dụ như: lon nước, lon sữa, lon gạo… bù lon con tán, lên lon (trong quân đội xưa). Ðôi khi, “lon” được dùng ở phương ngữ người miền Nam thay cho từ “loan” (thường sẽ là tên riêng của ai đó) nhờ khẩu hình “gọn nhẹ” của nó. Nói chung, từ “lon” chả có gì để bàn tới. Nếu không có một cái Cục.

Cục ở đây không phải là cục gì đâu nha, là một cơ quan nhà nước. Tên đầy đủ là Cục Văn hoá cơ sở – Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch.

Chuyện bắt đầu khi một hãng nước ngọt tên là Coca-Cola quyết định làm chương trình khuyến mại để hút khách. Nhân lúc bóng đá Việt Nam lên ngôi, có nhiều giải thưởng trong khu vực châu Á, hãng Coca-Cola mới mời các ngôi sao bóng đá mới nổi làm diễn viên chính, lấy hình ảnh cầu thủ Việt Nam cho lần quảng cáo này. Thế là từ đó, khắp các bảng quảng cáo to đùng của hãng này có hình các cầu thủ và kèm theo dòng chữ: Coca-Cola – Mở lon Việt Nam – Trúng vàng mỗi ngày.

Ý là lúc khui nắp phén ra phải cẩn thận, coi chừng “bị” trúng… vàng.

Lon Guigoz’ (từ Facebook Thang Do)

Trong lúc cả hãng nhịp giò chờ cá cắn… vàng mà bị câu, ùn ùn mua Coca-Cola thử vận may thì không ngờ chính mình bị… mắc câu. Không biết có phải vì mua nước ngọt, mở lon hoài mà không trúng hay chăng mà một bữa đẹp trời Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội thấy cái bảng quảng cáo này chướng mắt, bậy bạ, cho rằng nội dung quảng cáo chứa cụm từ “Mở lon Việt Nam” này “có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam.” Thế là hãng Coca-Cola bị phạt 25 triệu, phải thay đổi hết nhãn mác, logo, bảng quảng cáo có cụm từ này vì theo lời bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. “Từ “lon” đứng một mình, không gắn với từ Coca-Cola hay bia… có thể được hiểu theo rất nhiều nghĩa. Ví dụ, nếu thêm dấu, thêm mũ vào cho từ đó… thì từ “lon Việt Nam” có rất nhiều vấn đề”

Xem thêm:   Mất mạng

Nhờ bà Hương, từ đó, cụm từ “Mở lon Việt Nam” thành một “xu hướng internet” trên toàn cõi mạng ở Việt Nam. Ai cũng thắc mắc là bà Hương bả muốn bỏ “mũ” và dấu nào cho từ “lon”?

Vì vậy mà các hình ảnh có từ “lon” trở nên rất nhiều và đa dạng “chiếm sóng” khắp cõi mạng. Nhất là các nhãn, mác từ các siêu thị/cửa hàng. Bạn biết đó, chữ Việt Nam là chữ latin có dấu, mà ở nhiều siêu thị hoặc các nơi đóng/in nhãn quảng cáo, người ta thường dùng chữ không dấu (có lẽ là cho tiện hoặc cho nhanh?). Vì vậy, người ta thay “lon” cho các từ “lòn, lọn, lỏn, lớn, lờn, lơn, lôn, lốn, lộn, lỗn, lồn..” trên nhãn mác và phiếu tính tiền.  Ðã không ít người cố tình đùa dai về việc này. Nhưng chỉ ở lúc cái từ ghép với từ “lon” gây khó hiểu mà thôi, ví dụ như “Thịt vai lợn”, trên nhãn siêu thị in “Thit vai lon”, “bàn chải lớn” thì bị in là “ban chai lon”, Bánh bao nhân thịt lợn thì được in là “banh bao nhan thit lon”… Nhưng “từ cổ chí kim”, chưa ai đem cái lon nước ngọt, lon bia ra mà đùa/ghép như vậy cả. dĩ nhiên, là trừ Cục Trưởng Cục Văn Hóa Cơ Sở, Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch (tên dài thiệt đó).

Bên cạnh việc tò mò về suy nghĩ của “cán bộ”. Thì đa phần dân mạng là những người chu đáo, luôn muốn tìm hiểu ngọn ngành vấn đề. Hông ít người đua nhau tìm nghĩa của từ “lon”, ví dụ như Facebooker Thuan Vuong Tran, trong bài “Lon là gì?”:

“Lon, trong Ðại Nam Quấc Âm Tự Vị, không ghi nghĩa là một vật chứa đựng bằng kim loại. Khi từ điển được soạn, dạng thức đóng gói này chưa có hoặc không phổ biến.  Ðại Nam Quấc Âm Tự Vị ghi nhận một  nghĩa khác là “vơi vơi”, “không đầy” trong việc vận chuyển, ông Của viết rõ đây là tiếng Miên (Khmer). Nghĩa này nay không còn thấy ai dùng. Lon, từ điển hiện tại ghi nhận 6 nghĩa, trong đó con lon là con gì, mình không biết. Lon với nghĩa là cối, là chậu mình giờ mới biết. Lon với nghĩa là vật đong (ống bơ) hay quân hàm thì có biết.

Lý do “Bỏ mũ cho lon” (Từ Facebook và báo Thanh Niên)

Trong các nghĩa nêu ra đó, không có nghĩa nào có thể dùng với hàm ý xuyên tạc gì cả. Ngôn ngữ dừng lại, chỉ có ý nghĩ nhà quản lý chạy thẳng ra khỏi vách núi. Mà nói thật, cái từ mà nhà quản lý nghĩ, tôi thấy rất đẹp. Ðẹp đến mức làm sang trọng cho bất kỳ chủ thể nào gắn chung. Ðáng tiếc là người viết lách nhưng tôi không có sức liên tưởng ngôn ngữ được như các vị ấy.

Cuối cùng thì các nhà quản lý cũng có cái cho chúng ta học tập chứ. Các vị ấy cho thấy, về mặt ngữ nghĩa, mọi từ đều đáng tôn trọng như nhau. Và ngôn ngữ, mang tính cá nhân hóa cao là nhờ mối quan tâm thường trực của mỗi cá nhân, tạo các trường liên tưởng, nối kết các hình ảnh. Kẻ đọc cái lon chỉ nghĩ đến cái lon hay cùng lắm là cái chai, quả thật vì họ không quan tâm đến việc thêm mũ, bỏ dấu.

Xem thêm:   Mây đen phủ bầu trời...

Cái mũ và dấu ấy, đáng tiếc, không là mối ám ảnh thường trực của họ. Ám ảnh về việc ai cũng xiên xỏ, chửi xéo mình, cũng là lý do để một từ có thể mở biên độ bằng cách biến hình từ vật chứa đựng này qua một vật chứa đựng khác.

Nếu các ông bà không muốn Việt Nam-với tư cách tên một quốc gia, gắn sau bất cứ một câu quảng cáo nào, thì nên có luật riêng, và không loại trừ từ nào đi trước. Tức nói “ly VN”, “chai VN”, “chén VN”, “tô VN”, “bình VN”… thì được, nhưng lon thì không. Chúng ta không kỳ thị ngôn ngữ, và chúng ta không cần quay lại thời kỳ kỵ húy. Nếu chỉ vì thế mà đổi thì cái tên Côn Lôn nên được bỏ ngay, nhà quản lý chắc chưa nghe câu vọng cổ mà dân miền Tây hát xuống xề ngay chữ Lôn rồi. Một trend tốt, là một trend có thể khiến ta giở từ điển, có thêm chút kiến thức. Theo nghĩa đó, LON dù có thêm mũ, bỏ dấu hay không, thì cũng là một trend tốt!”

Cũng có người khoe… lon. Như Facebooker Thang Do trong bài “Khoe Lon”:

“Ðây là cái ‘Lon Guigoz’ – kỷ vật mà tui mang theo từ Việt Nam sang Mỹ hơn chục năm trước.

Nói không ngoa, với người miền Nam, trước và (nhất là) sau 1975, nó được coi là cái ‘Lon thần thánh,’ “Lon bất ly thân’ của nhiều người, nhiều gia đình.

Bởi:

– Khi có sữa bột bên trong, Lon nặng tới nửa ký.

– Lon chịu nhiệt độ cao – Có thể nấu cơm, nấu nước, đồ ăn,.. mà không hề hấn.

– Lon rất kín, có thể đựng bất cứ thứ gì (kể cả vàng) mà không sợ kiến, chuột, gián,… tấn công.

– Lon chịu sự va đập, rơi rớt, cùng lắm là móp méo tí xíu, nhưng gò lại là ‘sử dụng được ngay.’..

Túm lại, Lon do ‘bọn giãy chết’ sản xuất, có thể dùng hơn nửa thế kỷ mà không hề hấn gì. Xét về tuổi, Lon này xuất hiện khi bà Ninh Thị Thu Hương – cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở- chưa ra đời nên bà đừng có thêm dấu vô cho nó ‘rối đội hình.’ Mà anh em nào bắt chước bả thêm dấu vô, tui ‘ủn’ thì đừng có khóc!” (Ủn-là unfriend-nghỉ chơi trên mạng)

Chữ không nhúc nhích được, nhưng nó làm cho người ta nhúc nhích cả tâm hồn lẫn thân thể, cái nghĩa của nó cũng nhúc nhích lung tung theo từng nhịp đọc lẫn viết của con người. Nay không biết sao chớ hồi xửa hồi xưa, rất nhiều người bỏ cả đời ra để “nuôi” chữ. Có thể vì vậy mà người ta hay gọi chữ là con? Còn lon, nó là một tĩnh vật. Ai đặt đâu ngồi đó, ai bỏ dấu bậy bạ lên đầu nó thì do người đó bậy bạ chớ cái “lon” hay con chữ “lon” hông có bậy. Mà tối ngày nghĩ bậy bạ (như tôi) sao mà làm việc lớn được? Bởi vậy khi đọc cái lý do trời ơi đất hỡi để chèn ép một doanh nghiệp, không ít người lớn tuổi tức giận, buột miệng:

– Lột lon bà cục trưởng này đi!

DU – Sài Gòn