Hồi nhỏ vô tư, chỉ cần có ăn là vui. Ăn ngon hơn nhỏ hàng xóm thì vui nhân đôi. Ăn được thứ mình thích thì vui nhân ba. Ăn đòn thì khóc…

Cơm trắng với con nhộng đất của 2 chị em vùng cao – laodong.vn  

Giờ lớn, đầu tiên vẫn là phải có ăn, ăn để sống, để có sức làm việc, để có thể kiếm ăn cho mình, cho những người mình quan tâm. Ở xứ nghèo như Việt Nam, việc xem trọng cái ăn là điều không có gì đáng lên án cả, vì trong trăm triệu dân biết có được hơn nửa số người không phải chạy ăn từng bữa? Có ăn rồi thì mới có thể sống, mới có thể giúp những người quanh mình cũng có ăn. Cho người ăn xong, cái thấy con vật đói, cũng cho ăn luôn! Tình thương là thứ hình thành những người lớn nhưng mà tốt, nhưng làm sao tỏ bày cái tình thương đó ra khi chính mình cũng đói bụng. Vì vậy, dầu nhiều người cứ nói “sống để ăn chứ không phải ăn để sống”, “miếng ăn là miếng tồi tàn”… nhưng tôi vẫn thấy “có ăn” là một việc rất quan trọng.

Có ăn rồi thì sao? Thì bắt đầu bắt bẻ: Ăn sao cho ngon? Cái này thì hơi thừa thãi đối với một người cẩu thả như tôi, vì tôi nghĩ: khẩu vị mỗi người mỗi khác. Ðôi khi ngon là do cái chỗ ngồi hoặc người ăn chung, người nấu cho mình ăn… Hổm rày tôi ăn gì cũng thấy ngon, do không cần ăn món mình nấu hàng ngày nữa, vì Sài Gòn đã nới lỏng giãn cách sau dịch. Ở Sài Gòn có nhiều đặc sản, như là lê la hàng quán, ăn thì ghé, không ăn cũng ghé tám, hông ai ép, hiếm khi gặp “bún mắng cháo chửi” (xưa thì không có, giờ nghe nói cũng có vài quán). Không gì vui hơn khi được ăn món mình thích ngay tại tiệm lúc đồ ăn mới ra lò, nóng hổi. Ðược nhìn dáng đứng của chị chủ quán bún bò, cái miệng tía lia của cô bán cơm tấm, nụ cười rạng rỡ của chú bán bánh mì, cái mặt cộc cộc của chú bảo vệ quán hủ tiếu… Ðược khen giả lả, được nhìn nhau… còn sống sau dịch. “Tiêu chuẩn” ngon của tôi là vừa hợp miệng vừa vui, khá đơn giản nhưng cũng rất cao với nhiều người rồi. Ngay tại thành phố này, rất nhiều người mình không biết tới, họ vẫn đang ăn cơm độn, thậm chí không có cơm mà ăn. Ở các vùng rẫy bái xa xôi, trẻ em phải ăn cơm với ve sầu, lá mì, cá suối, con nhộng đất… Có lẽ, với họ, chỉ cầu cho no bụng là ngon rồi.

Với nhiều người khác, ăn ngon là phải ăn đúng điệu, đúng cách. Ăn cái này thì uống cái này, ăn cái kia thì phải dùng cái dĩa kia, món này phải nấu như vầy, món kia nấu kiểu nọ… Tôi không ý kiến về việc này vì tôi chưa có nhiều nhu cầu về khoản này, những người bạn của tôi cũng rất sành điệu nhưng họ không chỉ tôi.Theo kinh nghiệm chơi mạng xã hội chừng chục năm nay, người miền Bắc thời nay chú trọng việc này hơn người miền Nam, thời xưa thì tôi không biết. Không ít lần tôi đọc được người miền Bắc chê Phở của người miền Nam thậm tệ, vì phở miền Nam có giá trụng, có rau sống, có những thứ họ nhìn chướng mắt. Rồi có một dạo, người miền Bắc chê lẩu mắm miền Tây là thức ăn hỗn tạp, đồ trộn cho… “nợn” ăn. Rồi hôm hổm, họ chê luôn món của người Hoa, tôi đọc nhiều bài “phản bác” lại ý đó. Nhưng bài của Facebook Hà Hồng Sơn tôi đọc thấy cũng vui và đơn giản, dễ hiểu nhất nên xin trích ra đây:

Xem thêm:   Chó...

“Chợ Lớn có mấy món mà phải ăn ở đây mới đúng điệu, ăn ở chỗ khác cho dù bắt chước cỡ nào cũng không giống: Cơm chiên, hủ tiếu xào, mì xào… Bữa vô một diễn đàn về ẩm thực, nghe mấy anh chị ở ngoải chê mấy món xào trong Sài Gòn sao hôi khói quá, ăn vào thấy nhờn nhợn, ăn không vô. Ngoài đó cơm chiên dưa bò hay mì xào đều thơm phức… Ðọc tới đây tui mắc cười, thấy giống như người ta chê trái kiwi chua hơn trái vải vậy, tức là chê kiểu thiển cận, chê trước tính sau, cái gì của ta cũng là số một.

Ly cà phê ngon sau giãn cách

Bếp Á nói chung và ẩm thực Quảng Ðông nói riêng nó có một tuyệt chiêu là xài lửa khò để trị mấy món xào, hồi xưa thì xài bếp dầu bơm hơi, giờ thì xài bếp gas. Những đầu bếp giỏi sẽ sử dụng chảo gang dưới nhiệt lượng cao để làm chín thực phẩm, trong quá trình đó sẽ sinh ra hiện tượng caramen hóa mà bất cứ bếp, chảo gia dụng nào cũng không thể làm được. Nó đòi hỏi thao tác thật nhanh, đảo xóc liên tục dưới ngọn lửa cực kỳ nóng, thách thức mọi đầu bếp Âu làm được như vậy.

Cái mùi hương quyến rũ đó, đã ăn rồi thì ghiền, thiếu nó coi như món cơm chiên, hủ tiếu xào thành ra dở ẹt. Người ta gọi cái mùi đó là wok hai (hơi thở của chảo), dân đầu bếp Chợ Lớn thường kêu là lụ chzảu, nôm na có thể hiểu là mùi của cái chảo xưa cũ, cái chảo mà đã được tôi luyện qua dầu dưới nhiệt độ cao.

Mấy thằng Tây qua xứ mình, tụi nó ăn không từ một thứ gì, chưa chắc là vì ngon mà vì muốn tìm hiểu văn hóa ẩm thực, tụi nó hay là chỗ đó. Thỉnh thoảng đọc báo thấy đội tuyển này, đội tuyển nọ của VN ra nước ngoài phải đem theo cả trăm thùng mì gói mới thấy tếu, từ cái lưỡi tới cái não cũng không xa, tuy gần nhưng khó thay đổi.” – Hết trích

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Sau đúng điệu, đúng cách, thì phải ăn đúng chỗ. Hồi nhỏ tôi cứ bị rầy vụ này, vì tôi thích ăn vụng lắm. Cứ cái gì mới nấu ra, tôi sẽ “thử” trước. Nhờ tôi mà chưa bao giờ người thân của tôi bị ngộ độc (bởi có gì là tôi bị trước). Nhưng rất may mắn, “tật” này chỉ “tái phát” với cái bếp ở nhà tôi, không phải ở nhà người ta. Tôi có chơi một trò “thiết kế cuộc sống thực” bằng những tạo hình hoạt họa điện tử, ở Việt Nam cũng có nhiều người mê trò này như tôi, vì vậy chúng tôi có một cộng đồng nhỏ để chia sẻ về quá trình chơi của mình. Một hôm, có một bạn tên “Viet Hung Nguyen” bất bình, đăng bài lên nhóm:

“Hôm nay mình thử đặt nồi lẩu xuống sàn để nấu thì không nấu được và game có dòng ghi chú thế này: “Only a savage would start a hot pot meal on the floor!”. Dịch ra tiếng Việt là “Chỉ có đồ mọi rợ mới ăn lẩu ở trên sàn”. Thế hóa ra trước giờ mình sang nhà thằng bạn chơi, anh em toàn đặt nồi lẩu trên nền nhà rồi ngồi ăn, thế là mọi rợ cả lũ à?” – Hết trích.

Đến chừ, tôi vẫn không biết tô phở bò “đúng điệu” là như thế nào, vì tôi không thích phở Bắc, nhưng phở Nam lại thường bị chê

Bên dưới bình luận trong bài, rất nhiều bình luận cho rằng “bọn Tây lông” xúc phạm “người Châu Á”, vì họ tin rằng người Châu Á đa số thích ăn lẩu dưới sàn. Tuy nhiên, khi nhìn vào tấm hình, tôi nhận ra “ngôi nhà” mà bạn “Viet Hung Nguyen” này thiết kế có sàn bằng gỗ, vì vậy, việc để bếp lò dưới đất có thể gây ra nguy hiểm, vì vậy việc game không cho cũng là một điều đúng (xin nhắc lại, game này thiết kế cuộc sống mô phỏng như cuộc sống thật). Chỉ có một sai lầm là tôi nói điều đó ra giữa hàng trăm câu bình luận mắng mỏ “bọn Tây lông”, vì vậy tôi bị chửi không ngóc đầu lên nổi vì “vọng ngoại”. Tôi rút ra một bài học, ngoài ăn đúng chỗ thì còn phải cãi đúng chỗ nữa.

Dẫu gì thì thường dân như tôi thì cũng đỡ lo vụ “đúng chỗ” hay không hơn những người lãnh lương bằng tiền thuế của tôi. Ngày nào đọc báo cũng thấy có vài ông vào “lò” vì ăn không “đúng chỗ”, “đúng món”: thuốc ung thư cũng ăn, thiết bị y tế cũng ăn, sắt cũng ăn, đường cũng ăn, cầu (tiêu) cũng ăn…

Ðể ăn ngon, không chỉ là riêng mình thấy ngon, mà còn phải khiến cho người ăn cùng mình cũng thấy ngon. Vì vậy, sau ăn ngon, người ta lại bàn tới chuyện ăn sao để nhìn coi được, coi lịch sự, coi đẹp. Ðầu tiên, ăn không hở miệng, lúc ăn cũng không tạo ra tiếng ồn (nhai, húp nước lèo, té ợ…). Ăn xong, xỉa răng phải che miệng. Hỉ mũi cũng hỉ vào khủyu tay chứ không vào lòng bàn tay – thứ dùng để bắt tay, đôi khi là cầm đũa/bốc đồ ăn. Rồi lúc có đồ ăn trong miệng thì không nói. Không dùng đũa đang ăn mà gấp đồ ăn cho người khác… Còn nhiều lắm, tuy không bằng các quy định thời xưa, nhưng nếu làm đúng cũng khá vất vả cho những người từ nhỏ không được chỉ dạy/biết tới những điều trên. Tôi là một ví dụ.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Ăn no xong, ăn vui vẻ xong, ăn đúng điệu xong, ăn lịch sự xong, người ta lại bàn đến chuyện ăn… thanh thản. Ăn sao mà nuốt trôi, không phải lâu lâu ngồi suy nghĩ lại và cảm thấy tội lỗi. Ăn sao mà không bị đưa ra các kỳ họp quốc hội, bị đánh giá là “ăn dày”. Ăn sao mà khi bị người khác quay video lại, tung lên mạng, cũng không thấy có vấn đề gì. Thậm chí cảm thấy vui, tự hào vì mình được thằng Tây nổi tiếng khắp thế giới đút thịt bò cho ăn. Hồi trẻ, lâu lắm rồi, có một lần duy nhất trong đời tôi ăn… thịt chó. Một phần là vì tò mò, vì sao người ta ăn món đó. Một phần vì thích hai người bạn dẫn tôi đi ăn. Một phần nữa là tôi chưa đủ khôn để nghĩ về nguồn gốc của mấy con chó người ta làm thịt. Và sau khi ăn xong, tôi về nhà đã nôn hết, tôi đã mất ngủ nguyên đêm đó vì thấy sợ, thấy thương, thấy ghê ghê, thấy hối hận… Nhiều cảm xúc lắm, vì tôi có nuôi chó, rất thương chó, rất ghét người đối xử không tốt với chó, nhưng tôi lại đi ăn thịt chó, dầu chỉ một lần trong đời, dầu chỉ để thử cho biết. Quả tình, đến giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy ghét trải nghiệm đó và coi thường bản thân chút ít – nhưng cũng cảm ơn vì nhờ nó mà từ đó tôi không ăn bậy, dù có bất kỳ lý do gì hoặc vì ai đi nữa. Bởi vậy, tôi cảm thấy việc ăn… thanh thản rất là quan trọng đối với một con người có suy nghĩ, trí tuệ. Chứ đừng ăn xong rồi ăn năn.

Nói riêng cái việc ăn thôi mà thấy tuổi thơ êm đềm quá. Vì hồi nhỏ ai cũng… ngu và mối quan tâm hẹp, nên không biết sóng gió xã hội, có thì ăn không có thì thôi. Ðâu cần biết ăn sao đúng chỗ, đúng điệu hay thanh thản, lịch sự là gì? Ăn là bỏ đồ ăn vô miệng, nhai và nuốt thôi. Chứ giờ, lớn rồi, khi có ăn cũng buồn cho những người mình biết mà chưa đủ ăn, khi không có ăn thì cũng giận mấy người khiến mình đói, trước khi ăn cũng phải nghĩ hậu quả sau khi ăn… Ngoài ăn ra thì còn quan tâm xã hội, phải sống sao cho đàng hoàng, phải đọc báo, phải cầu cho những người “ăn dày”, ăn sắt ăn thép ăn thuốc vô… lò nữa!

Cực hết biết!

Một YouTuber người Việt review món bò dát vàng của “thánh rắc muối”, không có ai chửi – Khoa pug YouTube

DU