Năm 1975, nhà thơ Cao Tần, trên bước đường lưu vong, than thở cho số phận mình: “Ta làm gì cho hết nửa đời sau?” Bây giờ chúng ta không nói chuyện đời lưu lạc, chúng ta nói đến chuyện về già, nhiều người không biết làm gì với những tháng ngày còn lại.

Chuyên gia tài chính Mỹ, Michael F. Kay đã tìm cách để trả lời câu hỏi “làm gì để cuộc đời còn lại không vô nghĩa!” cho những ai không thể tìm ra mục đích của cuộc sống lúc về già. Ông đã từng bị thu hút vì khả năng làm việc, tự tin và hiểu biết về một doanh gia thành công, Pete.

Pete là một doanh gia tuyệt vời, trước khi nghỉ hưu, ông rất ham thích công việc, ông có thể nhìn thấy cơ hội kiếm ra tiền từ một bãi rác và thích giao dịch, bàn luận trên bàn ăn, ngoài sân golf, thậm chí khi đang xếp hàng ở cửa tiệm tạp hóa. Nhưng đến lúc nghỉ hưu, không còn làm việc với mục đích kiếm tiền, từ là một con người của đám đông, Pete tuyệt vọng, không giao tiếp với bên ngoài, sống khép kín, không còn biết mình là ai hay mình muốn gì. Bi quan đến nỗi, mới độ tuổi ngoài 70, Pete đã nói: “Tôi đang ở giai đoạn không nên mua chuối xanh nữa”. Không mua chuối xanh nữa vì cho rằng mình không còn đủ thời gian để chờ chuối chín.

Theo chuyên gia Kay, vấn đề lớn nhất của tuổi đáo hưu là mọi người hãy tìm ra mục đích khác ngoài công việc.

– Tự đánh giá về cuộc đời hiện tại của mình về các địa hạt sức khỏe, tài chính, giải trí, các mối quan hệ cộng đồng, gia đình, học vấn. Có gì cần điều chỉnh lại theo ý muốn của mình?

– Nhìn nhận mục đích của cuộc sống xem mình đang thỏa mãn điều gì và đang thiếu hụt điều gì?

– Xác định những điều gì đang gây stress nhất trong cuộc đời bạn. Ðó có thể là chuyện bệnh tật, tiền bạc hay những mối quan hệ với người khác.

Xem thêm:   Trên cả tuyệt vời!

– Trả lời câu hỏi, mục đích lớn nhất của bạn nằm ở đâu ? Ví dụ, một vài người thích tìm tòi, hiểu biết để biết chính xác mình muốn đọc loại sách gì khi rảnh rỗi. Số khác thích làm từ thiện, tham gia chính trị hoặc lui về gia đình chăm sóc cháu chắt.

Nói chung là nếu chủ động lựa chọn thay vì bị động rơi vào một trường hợp mình thiếu thích thú, chúng ta sẽ dễ thành công hơn trong quãng đời còn lại.

Nếu những tính toán ban đầu thất bại, chúng ta sẽ có kế hoạch tiếp theo để thay thế, nhất là chuyện tiền nong phải nằm trong tầm kiểm soát, nếu không rất dễ hoảng loạn.

Ðiều khó khăn là chúng ta phải biết rõ mình đang ở đâu, khả năng của mình là gì và mình muốn có tham gia thêm vào những địa hạt nào, chúng ta sẽ đạt được hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống của mình.

Ðược như vậy thì chúng ta vẫn có thể tiếp tục mua chuối xanh, chờ chuối chín, hay trồng một loại cây năm bảy năm nữa mới ra trái, cũng chẳng sao!

Trong số chúng ta, nhiều người quan niệm rằng tuổi già là vô dụng, yếu đuối về thể xác và lẩm cẩm về tinh thần, chỉ là một gánh nặng của gia đình, xã hội. Tuổi già có thật là một gánh nặng cho gia đình hay không?

Những ngày còn trẻ, vì sinh kế, trong tuổi lao động, ai cũng phải đi làm. Ai cũng tìm ra một công việc cho mình, nhưng cũng có người đi làm thêm một việc bán thời gian, hay có người bận rộn làm đến hai công việc. Cộng với thời gian đi về, nghỉ ngơi, thời gian còn lại cho bản thân mình như đọc sách, vui chơi, giải trí hay du lịch không còn lại bao nhiêu. Như vậy, nên chúng ta ít có đủ thời giờ để nghĩ đến là lo lắng, săn sóc cho những người thân yêu, cha mẹ già hay vợ, con của mình.

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

Do thế, thời gian lúc chúng ta về hưu, chính là lúc tình gia tộc được phát triển. Chúng ta có cơ hội để gần gũi cha mẹ già, có thời gian để sống với vợ hay chồng, cũng có dịp để lo cho những đứa cháu, nếu sức khoẻ còn cho phép. Ðây cũng là lúc, gia đình có thể tổ chức những chuyến du lịch cho mọi người, để có dịp gần gũi, hiểu biết và vui chơi với nhau.

Những ngày còn lại của tuổi già chưa hẳn đã là vô dụng như nhiều bậc cha mẹ trẻ Việt Nam đã không hiểu biết được chuyện này. Nếu thấy một đứa trẻ con Việt sinh ở Mỹ mà nói tiếng Việt giỏi, có khi còn thuộc một vài câu ca dao hay một vài lời hát, thì chúng ta có thể đoan chắc những cháu đó đang sinh sống trong một gia đình có Ông Bà Nội, Ngoại.

Trong sinh hoạt của các gia đình người Việt ở hải ngoại, chúng ta thường thấy chuyện ông Nội, Ngoại đưa đón cháu đi học, cuối tuần đi học Việt ngữ, học đàn hay đi chơi thể thao, thậm chí là còn đưa đón cho cháu đến nhà bạn, bất kể ngày đêm, trong hay cuối tuần lễ. Bà Nội, Ngoại thì suốt ngày cặm cụi trong nhà bếp, sáng dậy sớm sửa soạn ăn sáng, lo món ăn mang đến sở cho con, phần cho cháu nhỏ ở nhà. Buổi chiều khi các con trở lại đón cháu, lại có món ăn cho con, rể mang về nhà. Tuy quần quật suốt ngày trong bếp, nhưng đó cũng là một niềm vui lớn của người già. Nếu đâu đó có một tuần hay nửa tháng, con cái đưa các cháu đi chơi xa năm bảy ngày, hay nửa tháng thì đó là thời gian trống rỗng, vô vị của quý bà.

Khi chúng ta còn trẻ, mải mê với công việc làm ăn, ít giao du với bạn bè. Vài ba mươi năm còn lại của cuộc đời chính là thời gian tìm lại bạn cũ như uống một ly rượu ngon. Ðôi lúc hai người bạn gặp nhau, mà không cần phải ồn ào, đối thoại mà chỉ yên lặng ngồi bên nhau. Cả những buổi gặp nhau ở quán cà phê cũng không phải là vô bổ, nó làm cho đầu óc chúng ta thư giãn, giải tỏa những ẩn ức. Buồn cho ai về già mà sống cô đơn, không có bạn bè. Cuộc sống này, với gia đình không thôi, chưa đủ!

Xem thêm:   Dubai

Cuối cùng, ai cũng tìm cho mình một thú vui. Thú vui đó có thể là điền viên, vui với công việc ruộng vườn. Ngày nay hầu hết chúng ta ở đô thị thì cũng có một mảnh vườn nhỏ, để trồng hoa hay cây ăn trái. Buổi sáng điện thoại cho bạn già, nghe bạn đang ở ngoài vườn đã thấy vui rồi. Có khi hỏi bạn, nghe người nhà nói bạn vừa ra phố, đi uống cà phê với bạn, lại càng vui hơn, vì điều đó chứng tỏ bạn còn khỏe, đôi khi còn lái xe được!

Còn được thú vui làm vườn, đi uống cà phê với bạn, đọc sách, ngồi trước computer hay lần mò trên facebook là bạn còn vui, còn tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Cuộc sống của chúng ta chưa ngắn ngủi đến nỗi không dám mua chuối xanh, vì không còn đủ thời gian đợi chuối chín, nói chi đến chuyện trồng cây, chờ năm bảy năm mới có trái!

Nhiều người nghĩ những ngày tháng trước mặt quá ngắn ngủi, chỉ sợ không đủ cho chúng ta làm một công việc gì đó như mong ước, nhưng mà cũng không quá dài đâu, để cho chúng ta băn khoăn “làm gì cho hết!”

Cứ sống đi, để khi chết người ta còn tiếc nuối, giá “ông ta được sống thêm vài năm nữa!” Ðừng sống mà mọi người coi mình như đã chết!

HP

Orange County, CA.