Những bạn ở lứa tuổi cổ lai hy hiện có mặt ở đây bây giờ chắc chưa quên tiếng hát của Thanh Thúy trong ca khúc Tình Đời của Minh Kỳ: Khi biết em mang kiếp cầm ca/Đêm đêm phòng trà/Dâng tiếng hát cho người người/Bỏ tiền mua vui/Hỏi rằng anh ơi/Còn yêu em nữa không…

Ðó là thời phòng trà nở rộ ở Sài Gòn sau khi chính quyền Ngô Ðình Diệm ra lệnh đóng cửa vũ trường. Phòng trà Anh Vũ của kiến trúc sư Võ Ðức Diên là một trong những phòng trà đầu tiên lúc bấy giờ. Nó xuất thân từ một quán ăn sinh viên. Phòng trà nhưng có thiết kế một sân khấu nhỏ vừa cho một ban nhạc bỏ túi đệm đàn cho những ca sĩ nổi tiếng được mời đến trình diễn như Bạch Yến, Mai Hương, Lệ Thanh, Duy Trác, Cao Thái…

Nhà báo Lê Văn Nghĩa viết trên tờ Thanh Niên Online cho biết như trên. Nhà báo này còn viết thêm: Một phòng trà  khác theo phong cách của Anh Vũ cũng đã mọc lên bên cạnh rạp chiếu bóng Việt Long, đường Cao Thắng với tên phòng trà Ðức Quỳnh do Ðức Quỳnh đệm piano với những ca sĩ Minh Hiếu, Thanh Thúy, Phương Dung… Vào tháng 5.1959, phòng trà ca nhạc Văn Cảnh đường Calmette có quảng cáo “Ban hợp ca Thăng Long cùng với 8 nữ ca sĩ thanh sắc song toàn, giá tiền thật bình dân 15 đồng trà, cà phê”…

Thanh Thúy – nguồn nhạc xưa 

Với sự có mặt của đông đảo nhạc sĩ, ca sĩ Miền Bắc di cư vào Sài Gòn, phong trào ca nhạc của Miền Nam nở rộ với nhiều sắc thái và âm vang. Người dân được dịp thưởng thức giọng ca của các ca sĩ trên đài phát thanh, ở các phòng trà, đại nhạc hội. Và việc tới phòng trà nghe nhạc là một nét văn hóa của Sài Gòn khi đó. Một nhà báo đã viết: “Ngày là thời gian thành phố làm việc, đêm mới là thành phố sống. Một trong các mảnh sống của đêm Sài Gòn là những tiếng ca hằng đêm réo rắt trên khắp các hí trường phòng trà ca nhạc”.

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

Thời ấy, có rất nhiều giọng ca nữ nổi tiếng nhưng giọng ca Thanh Thúy đã khiến nhiều văn nghệ sĩ yêu mê. Trịnh Công Sơn với tác phẩm đầu tay Ướt mi, Tôn Thất Lập với Tiếng hát về khuya, Nguyễn Long với bộ phim Thúy Ðã Ði Rồi đều ẩn hiện hình bóng nữ ca sĩ này. Ðúng vậy, trí óc chúng ta còn nghe vang vọng lời thơ của Hoàng Trúc Ly ca tụng Thanh Thúy: Từ em tiếng hát lên trời. Tay xao dòng tóc, tay vời âm thanh… Và Trịnh Công Sơn với Ngoài hiên mưa rơi rơi, Lòng ai như chơi vơi Người ơi nước mắt hoen mi rồi. Ðừng khóc trong đêm mưa, Ðừng than trong câu ca… Những ngày quây quần ở Ðà Lạt, Nguyễn cũng được nghe Sơn hát Ðêm đêm, tiếng ca hao gầy đậu xuống môi em, Chút hơi sau cùng giải thoát nhân gian. Ðêm đêm, vó câu anh về ngộp tiếng ca xưa / Những thung lũng buồn ngủ suốt trong mưa Vườn khoai bông lúa… Cho đến bây giờ, sau mấy chục năm, nhũng câu ca của Tôn Thất Lập vẫn còn trong tâm trí Nguyễn.

Ban Tam ca Ba trái Táo tại phòng trà Baccara năm 1972 – nguồn phố văn

Với Nguyễn, những quán cà phê và phòng trà ca nhạc thời ấy là rất đỗi thân thương. Ðó là thời mới ở Huế vào Sài Gòn, ghi tên học Luật và Văn Khoa, thấy cái gì cũng lạ và đầy quyến rũ. Trọ học ở nhà ông chú ở xóm Nguyễn Ngọc Sương Phú Nhuận, lúc đầu thì đi xe buýt, sau tậu được chiếc xe đạp ngày đêm rong ruổi khắp Sài Gòn. Quán cơm và phòng trà Anh Vũ là nơi Nguyễn thường lui tới, ăn cơm nghèo và nghe ca sĩ hát. Khởi từ nơi đó, bắt đầu mê giọng ca Bạch Yến và Lệ Thanh, đặc biệt tiếng hát Cao Thái mở ra một chân trời lạ ngập tràn ánh nắng: Mexico Mexixo… Sous ton soleil qui chante / Le temps paraît trop court / Pour goûter au bonheur de chaque jour. Mexico, Mexico… Tes femmes sont ardentes /  Et tu seras toujours / Le Paradis des cœurs / Et de l’Amour…

Cũng thời đó đêm đêm Nguyễn thường được Hồ Ðăng Tín dùng chiếc velosolex chở tới phòng trà Ðức Quỳnh nghe Thanh Thúy hát. Chẳng là bạn ta mê Thanh Thúy nhưng không thấy làm bài nhạc nào cho nàng. Thanh Thúy hát, tóc xõa dưới ánh đèn, dáng nghiêng, gầy như liễu… Ôi làm sao quên! Sau này đi dạy ở Mỹ Tho, cuối tuần về lại đi nghe hát phòng trà. Bây giờ là tiếng hát Bạch Yến ở Tự Do, bài Lời Buồn Thánh của Trịnh Công Sơn. Còn nhớ tới khúc cuối bài hát, lúc tới chỗ “Chiều chủ nhật buồn/ Lặng nghe gió đi về / Chiều chủ nhật buồn…” nàng gục đầu xuống, dáng thật não nùng.

Xem thêm:   Tháng Ba, tảo mộ …

Phòng trà Sài Gòn. Ôi, thanh xuân của tôi ở đó. Ðời tôi, đời em bềnh bồng trôi dạt. Một lần chia tay là mất hết. Thôi vĩnh biệt thanh xuân, vĩnh biệt phòng trà và những giọng hát, bóng dáng một thời. Dẫu sao vẫn còn cái gì đó, như một mùi hương. Cho nên khi đi qua chiến tranh, qua ngục tù và sông dài biển rộng với những sân ga bến cảng và những cây cầu bắc qua thế kỷ mình còn nghe vọng lại những tiếng hát và tiếng đàn ngày xưa.

Phòng trà Sài Gòn xưa – nguồn dòng nhạc xưa

TN