Thái Thanh đã ra đi
chiều nay. nghe tin. qua tiếng gió trời
hốt nhiên tôi nhìn thấy
những cánh dầu màu đỏ rơi. rơi
như đã một lần rơi
trong thơ tôi ngày nọ
và tôi muốn khóc
các bạn ơi
đâu. đường chiều lá rụng
và chiếc mũ dạ. của tôi
làm sao tôi về lại
thành phố ấy
người vẫn đợi người. bến sông xưa
tiếng hát ngày nào
như chiếc khăn bay trong nắng
bay qua đời tôi. đời bạn
qua lửa khói. ẩn hiện cơn mơ
của mặt trăng. và gỗ. đá
nay. dẫu đã tắt. ngôi sao trên đỉnh ngọn. trời
nhưng. cùng với những trái thông khô ngày nọ. còn đây
trên bàn viết
tiếng hát. trong hồn. chiều. còn nghe
còn nghe
ai khóc. ai cười
trên đôi môi. quỳnh hương
mãi mãi
XT

“Thái Thanh”, tranh Đinh Trường Chinh (2020/03)

Thái Thanh đã ra đi. Câu nói thầm mà như ca từ hoang tưởng ấy dội lên trong tim cả triệu người. Làm cho mắt ta mờ đi trong mưa, trí ta bay đảo trong nắng hoàng hôn.

Bởi vì tiếng hát Thái Thanh đã đi cùng cuộc đời của mỗi chúng ta. Nói như nhà báo Nguyễn Văn Tuý hiện ở Úc châu: “… giọng ca có ảnh hưởng vào các giai đoạn trong đời mình,” từ lúc bé thơ đã nghe ‘Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời người ơi’, đến lúc biết yêu mà dang dở ‘người đi qua đời tôi, không nhớ gì sao người’, rồi khi phải bỏ nước ra đi: ‘Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi, còn gì đâu nữa, mà khóc với cười’… mà mình lại chưa mua một dĩa CD gốc của ca sĩ ấy, hay đến xem họ trình diễn, hoặc tặng họ một bó hoa… để tỏ lòng ngưỡng mộ, thì thực sự mình còn mắc nợ…”.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

“Hát, với Thái Thanh, là một tình yêu muốn cháy đỏ một đời… ” Lời của Mai Thảo đã nói lên một điều sẽ còn cho tới mai sau: Tiếng hát Thái Thanh mãi mãi rực rỡ trong lòng người nghe. Và để trở thành một Thái Thanh không có phiên bản thứ hai, bà từng nói: “Điều đầu tiên tôi muốn nói là người ca sĩ phải biết yêu tiếng nói của nước mình, phải yêu tiếng Việt của mình. Người ca sĩ còn phải yêu đất nước mình nữa. Khi trong bài hát có nói đến những xứ sở, những vùng nào đó trên đất nước mình, thì mình cũng phải cảm thấy yêu cả những địa danh đó nữa, miền Trung, miền Nam, miền Bắc. Đặc biệt tôi sinh ra ở Hà Nội thì khi đọc đến hai chữ Hà Nội tôi cảm thấy một tình cảm yêu mến vô bờ. Nếu mình không yêu chữ của nước mình thì giống như mình hát một bài hát ngoại quốc vậy. Thí dụ đọc đến chữ “em bé quê” là mình cảm thấy dào dạt tình thương yêu các em nhỏ sống ở những vùng quê nghèo nàn, tôi nói yêu chữ nước mình là vậy. Còn một chuyện nữa là tôi yêu người nghe, luôn luôn tôn trọng khán thính giả…”

Thái Thanh là như thế. Tiếng hát Thái Thanh đồng hành với thời đại, đi cùng với con người và lịch sử. Tiếng hát ấy ôm hình ủ bóng của bao nhiêu cuộc đời cùng với những hưng vong của đất nước, niềm vui và sự đổ vỡ của những cuộc tình. Qua đó ta nhìn thấy và sống với con sông dài, bóng núi xanh, đồng lúa chín vàng, mái tóc của vầng trăng, áo bay trong chiều như cánh bướm, tiếng người cười khóc, chiến tranh như lửa cháy, hạnh phúc trang sách mở ra dưới bóng ngọn đèn dầu.

Xem thêm:   Sài Gòn. bình minh mưa

Nhiều người, có đến hàng triệu, ở khắp mọi nơi trên trái đất cùng yêu tiếng hát ấy. Gã thơ Thận Nhiên viết trên trang facebook của mình: “… Hình ảnh của Bà để lại trong lòng người Việt qua vài thế hệ là hình ảnh tuyệt đẹp. Đẹp và tài hoa. Đẹp từ khi còn là cô thiếu nữ hát cùng các anh chị trong gia đình, đến lúc tài năng nở rộ, chín muồi, cho tới lần cuối cùng trên sân khấu với mái tóc bạc phơ. Đẹp ở thần thái sang trọng, tâm hồn mẫn cảm, và sự duyên dáng lẫn nồng nàn… Có lẽ tôi cũng giống với rất nhiều khán thính giả, tâm hồn của chúng ta được làm cho giàu có, được phong phú hẳn lên, từ những ca khúc qua giọng hát của Thái Thanh. Bà mang cho chúng ta cái Đẹp của tiếng Việt, và thậm chí cả Lòng Yêu Nước. Vĩnh biệt Thái Thanh. Người Việt yêu quý Bà lắm.”

Và còn nữa, Thận Nhiên tiếp: “Người ta không chỉ thưởng thức giọng hát điêu luyện của Bà, không chỉ rung động với những tâm tình của nhạc sĩ mà Bà làm trung gian trao truyền lại, mà thôi. Hơn thế nữa, Thái Thanh còn làm cho chúng ta yêu tiếng nói của quê hương mình, yêu âm thanh của tâm hồn người Việt mình, yêu những nhọc nhằn đau đớn của lịch sử mình. Từ đó, yêu đất nước mình.”

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

Với tên làm thơ lưu lãng này, Thái Thanh luôn là hình bóng của người yêu trong mơ. Mình lúc nào cũng như mường tượng thấy nàng đứng trên một chiếc cầu, hay bên một dòng sông như Sông Hương, trên ngọn đồi dưới bóng thông như ở Đà Lạt. Mặc áo dài, chiếc khăn quàng cổ bằng lụa Hermès bay trong gió, và tiếng hát cất lên…

Được nghe Thái Thanh hát từ thời học Quốc Học, rồi thời là sinh viên ở Sài Gòn đêm lang thang qua các phòng trà, thời lính tráng làm phóng viên chiến trường qua Chu Prong, Eo Gió, Sông Ba… Rồi qua lưu đày và trên đất Mỹ này… Tiếng hát theo mình trên những bước đi qua cuộc đời. Ôi, vậy mà mình chỉ được gặp Thái Thanh một lần ở phòng hội báo Người Việt hồi mới qua Mỹ năm 1996. Hôm đó là buổi Giới Thiệu Sách của Phan Ni Tấn và Nguyễn Nam An do Khánh Trường tổ chức. Có Phạm Duy, Mai Thảo, Thái Thanh, Thảo Trường, Hoàng Khởi Phong, Nghiêu Đề, Lê Uyên Phương…

Mai Thảo giới thiệu Thái Thanh lên hát mà như giới thiệu người yêu. Và Thái Thanh hát Tình Hoài Hương… Nghe thuật lại, ngày Thanh Tâm Tuyền ra tù Thái Thanh đến thăm tại nhà và hát cho anh Tâm nghe. Ôi quý biết bao. Cũng như ngày nào Thu Vàng vào bệnh viện Đà Nẵng thăm Phạm Ngọc Lư cùng với mấy bạn văn nữa, và đã hát cho Lư nghe.

Bây giờ Thái Thanh đã ra đi. Nước mắt ơi đừng rơi. Và xin người ngủ yên dưới bầu trời xanh xanh mãi.

TN