Nhớ một lần nọ đã lâu lắm mình có viết cho cô người yêu mơ màng.

Em,

Anh muốn viết đôi lời tạ ơn trong mùa Thanksgiving này, nhưng rồi cứ mải loay hoay. Viết, viết cái gì đây cho khỏi sáo mòn. Thôi thì cứ phóng bút vậy. Tạ ơn con sông và cánh đồng đã đem đến cho tôi và những người thân yêu nguồn sống nhân hậu. Tạ ơn chiếc xe đạp cổ lỗ sĩ của cha đã sớm chiều rong ruổi mang cơm áo về cho gia đình, và tạ ơn đôi bàn tay gầy tần tảo sớm hôm của mẹ. Tạ ơn ngôi trường nơi đã dạy tôi “Chữ đầu tiên là chữ A / Và mẹ thì không bao giờ được quên”, rồi tới những phép tính đầu tiên. Tạ ơn những cây bàng trước Vương Phủ đã dạy tôi sự mơ mộng và lòng thương yêu những người nghèo khổ. Tạ ơn… Thôi thì cũng tạ ơn khung cửa sổ nhà em đêm đêm đèn sáng để anh còn được nhìn mái tóc dạ hương (?) thấp thoáng qua lại. Từ thuở tóc còn xanh, nghề nghiệp Tim này được ghi là dạy học, cho nên tạ ơn viên phấn trắng và tấm bảng đen đã dạy cho Tim những điều cao quý và mối thâm tình với học trò. Còn người bạn đời của mình, làm sao không nghĩ đến, cho nên trước đèn hôm nay xin tạ ơn hiền nội đã đi bên anh từ lúc còn tay trắng cho tới bây giờ vẫn là người không một mái nhà. Tạ ơn, tạ ơn bộ quân phục đã che cho thân này trong suốt mười mấy năm. Thế rồi, cát lở đá bay, xe tăng với dép râu nón cối Cộng Sản tiến vào thành phố, rồi trại tù cải tạo dựng lên từ Nam ra Bắc để nhốt và đày đọa những người thua trận. Cảm ơn cái lán tre và những hạt bo bo đã giúp ta qua con đường đau khổ. Ðể có một ngày nhìn ra được mặt người, ai là bạn ai là thù. Cảm ơn những cây cầu treo và xa lộ thênh thang nước Mỹ với chiếc xe bus Greyhound đã đưa ta đi qua trăm thành phố và qua thiên niên kỷ. Cảm ơn Nàng Thơ đã đến với nhau từ thuở ấy và để lại trong hồn này một vết thương êm ái. Cảm ơn những chiếc lá phong màu đỏ trước ngôi nhà đường Redwood để cho kẻ này yêu mùa Thu ở đây hơn.

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

Cảm ơn và cảm ơn… Cùng một giọng như Tim, một người tên là Lê Ngọc Anh cũng viết trên Việt Báo của Trần Dạ Từ và Nhã Ca:

“Xin đa tạ đất trời cho tôi thấy rõ rệt bốn mùa trong năm, cây xanh, mưa mát, nắng chói, lá vàng, lá đỏ, và tuyết trắng. Cảm ơn mưa cho xanh lá. Cảm ơn nắng lên sau nhiều ngày mưa ướt át. Cảm ơn gió thổi lá thu bay cho thi sĩ làm thơ và nhạc sĩ viết những bài hát hay cho đời thưởng thức. Cảm ơn trăng huyền ảo trải xuống hàng cây khô ven đường. Cảm ơn mùa Xuân cho cỏ cây hoa lá đơm bông, làm vui đất trời và làm vui con người. Cảm ơn những khắc nghiệt của cuộc đời, cảm ơn những đổi thay đau lòng nhưng đã giúp tôi được trưởng thành hơn. Xin cảm ơn những người bạn đã cho tôi hiểu thế nào là tình bạn, một tình bạn chân thành. Bạn đã cho tôi những tình cảm ấm áp, cùng dìu dắt nhau qua những ngõ hẹp của cuộc đời. Những người thiếu phụ đôi mươi thay chồng săn sóc và dạy dỗ con, vừa làm mẹ và vừa làm cha, sống mòn mỏi trong những năm tháng dai dẳng đợi chờ…”Ngày về xa quá! Người ơi…!”.

Nhưng nói gì thì nói, với Tim này cũng như với những bạn đồng hội đồng thuyền khác, những ngày đầu tiên đến nước Mỹ này vẫn là những ngày đáng nhớ nhất. Qua đó Tim không thể nào không nhắc lại những lời tạ ơn đã một lần viết xuống. Vâng, như có lần đã nói. Cũng như những người hành hương Pilgrims, chúng ta đến từ một vùng đất bị ruồng đuổi và đầy bóng tối đe dọa. Nhiều người đã chết giữa biển, không bao giờ được nhìn thấy đất liền ấm áp. Những người sống sót cặp được bến bờ và trải qua những ngày nương thân ở một trại tị nạn nào đó trên đất Mã Lai, Nam Dương hay xứ Thái. Buồn, bơ vơ và nhớ và xót xa. Những ngày đầu tiên trên đất Mỹ cũng là những ngày khó khăn, đầy thách thức. Ðến đây lạ đất lạ người, không đến nỗi “con chim kêu cũng sợ, con cá vẫy vùng cũng kinh”, nhưng cuộc sống và ngôn ngữ, mọi thứ nơi đây hoàn toàn khác ở quê nhà. Phải phấn đấu từng giây phút, chịu đựng sự khắc nghiệt của thời tiết, làm việc ngày đêm mới tạo dựng được cuộc sống cho mình và gia đình.

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

Ở trên có nói, khi ta đến nơi này, cái gì cũng lạ. Kể từ con gà Tây. Thế nhưng như một nhà báo đã viết rất hay -xin lỗi, Nguyễn đãng trí quên tên (có phải nhà báo Giao Chỉ?): “Những người di dân Việt Nam định cư tại Hoa Kỳ trong đợt đầu khi xây dựng cuộc đời đã ăn những con gà Tây đầu tiên cùng với các gia đình bảo trợ (Kathleen còn nhớ không), và với các họ Ðạo trên 50 tiểu bang Hoa Kỳ. Thế rồi những bức hình và những lá thơ  liên tiếp gửi về quê nhà trong suốt 10 năm khốn khổ sau 75.  Cho đến khi di dân Việt Nam trải qua 10 lần dự tiệc tạ ơn tại Hoa Kỳ thì những thùng quà gửi về đã làm cho cả đất nước hồi sinh. Từ cây kim sợi chỉ, từ chai thuốc tây đến thước vải.  Những tờ giấy đô la nằm trong hộp thuốc đánh răng với lời thư dặn dò đầy nước mắt. Nào là “thuốc đánh răng này tốt lắm. Cố giữ lại mà dùng, đừng bán đi.” Có thư viết “chỉ bán vải, bán xà phòng, bút bi các thứ, nhưng phải giữ lấy cái thùng giấy mà dùng”.  Hiểu được ý nghĩa lá thư người Sàigòn liền tháo hết vỏ thùng để tìm một hai tờ giấy đô la giữa hai lớp bìa cứng.  Và cứ như thế, dưới nhiều hình thức, những con gà Tây của lễ tạ ơn Hoa Kỳ đã về đến Việt Nam.”

Xem thêm:   Cái chuông gió

Vâng, từ những con gà Tây như biểu tượng nói trên, người Việt di dân tị nạn đã đứng lên và thời gian thử thách khốc liệt cũng trôi qua. Nhiều người, rất nhiều người trong chúng ta, từ hai bàn tay trắng mà xây dựng nên. Nhọc nhằn khuya sớm với những công việc tầm thường -rửa bát, giặt giũ quần áo, lau dọn vệ sinh, sắp xếp kho hàng, đứng bán cây xăng, đi bỏ báo phát flyers, làm tài xế xe tải, lái xe lunch…- trải qua trăm cay ngàn đắng mới dần dần sắm xe, mua nhà, xây dựng cơ ngơi, cho con cái đi học, dựng vợ gả chồng cho con, tạo lập một gia đình ổn định và sung túc.

Ba bốn mươi năm qua, cuộc sống đã đơm hoa kết trái, chúng ta không thể nào quên ơn người Mỹ, nước Mỹ đã bao bọc chúng ta, cho ta cơ hội sống và xây dựng lại. Phải nói không nước nào trên thế giới có thể dành cho di dân những cơ hội dễ dàng như ở Hoa Kỳ. Và với thời gian trôi qua, người Việt chúng ta đã xây dựng được một cộng đồng vững mạnh và phát triển về nhiều mặt. Những khu phố, những trung tâm thương mại, cơ sở văn hóa, nhà thờ và thiền viện của người Việt đã mọc lên ở nhiều tiểu bang của nước Mỹ đã đóng góp vào những màu sắc và sinh hoạt đa dạng của xứ sở này.

Cho nên trong ngày lễ đầy ý nghĩa hôm nay, chúng ta chia sẻ với người Mỹ khi hướng về những người Pilgrims của thời xa xưa. Trong không khí đoàn viên ấm áp, xin dành ra một phút để tưởng niệm những bạn bè, người thân đã chết trên đường vượt biển hay trong nắng mưa của xứ này. Và trong những bữa ăn đoàn tụ hiện tại, chúng ta cùng nhau tạ ơn đất, tạ ơn trời và tạ ơn người nơi ta đến. Tạ ơn mùa Thu.

TN