Không biết mai đây Sài Gòn còn lại gì không để nhắc nhớ lại một thời. Nhà văn Nguyễn Thị Hậu cách đây không lâu khi nhìn thấy cảnh những cây cổ thụ trên đường phố trung tâm Sài Gòn bị cưa ngọn cưa thân và nhìn cảnh những tòa nhà lâu đời ở đây dần dà biến mất, đã hạ bút viết: Người Sài Gòn mai này còn có gì để nhớ để nói về lịch sử Sài Gòn? Hay là thôi, Sài Gòn cứ là của những người lạnh lùng đến rồi đi, vô cảm lên rồi xuống, chẳng cần phải là Sài Gòn của bao người từng ở, đang ở, từng đến đây và đang yêu quý Sài Gòn mỗi ngày…

Chính vì lẽ đó, và với lòng hoài cảm Ai ra đi mà quên thề xưa được sao…*, mà Nguyễn và anh em luôn viết về Sài Gòn và nhớ về Sài Gòn cùng với những bạn bè, xưa cũng như bây giờ. Để vùng địa lý thổ ngơi đó mãi mãi còn trong trí tưởng mọi người.

Và sau đây là đôi đoạn hồi ức về những thực tại đã từng có một đời sống và những con người đã từng làm nên vẻ đẹp thành phố. Nguyễn muốn nói đến Quán Phố Hoài và những văn nghệ sĩ của Sài Gòn xưa.

Nhà thơ Huy Tưởng – nguồn Người Việt 

o O o

Vâng. Nói tới Quán Phố Hoài không chỉ nói tới một cái quán mà còn là nói tới chủ nhân của nó là nhà thơ Huy Tưởng và những bạn bè ngày cũ. Nguyễn từng quen với Huy Tưởng thời ở Đà Lạt khoảng cuối năm 1973. Gặp nhau trong nhà hàng Mê Kông. Thuở ấy, sau khi Lê Uyên Phương đã phổ nhạc thơ của Nguyễn và một số người nữa, thì các bạn gồm Thái Tú Hạp, Hoàng Khởi Phong, Lê Văn Ngăn bèn rủ nhau cùng với Huy Tưởng tổ chức Đêm Đọc Thơ & Hát Thơ tại quán Lục Huyền Cầm của đôi bạn Lê Uyên & Phương. Nhưng tới đêm trình diễn thì Huy Tưởng bận việc ở Nha Trang không kịp về dự. Sau cơn biến động lịch sử 1975, Nguyễn đi tù về, lang thang rách rưới, có ghé tới quán cà phê của Huy Tưởng ở đường Bà Lê Chân cạnh chợ Tân Định, nhưng e ngại không dám chuyện trò với bạn. Thế rồi, mình bỏ nước ra đi.

Xem thêm:   Đêm nghe quạ kêu

Nguyễn Đạt trong một bài viết, bằng đôi nét đan thanh, đã phác họa về những con người và ân tình ở Quán Phố Hoài như sau:

“Chúng tôi, nghĩa là những bạn văn nghệ của Huy Tưởng, thường ngồi phía trong ngôi nhà, để vừa uống tách cà phê “ông chủ quán” giới thiệu là Phê Phin Gốm và phê Cappucino, vừa ngắm những bức tranh của Rừng, Nguyễn Trung, Đinh Cường, Bé… những họa sĩ là bạn bè thân thiết, người ở đây, người mãi bên bờ Đại Tây Dương ngàn trùng xa cách. Ấy tuy nhiên, Rừng, người bạn họa sĩ trông thì cộc cằn mà giọng nói dịu dàng, thường trú ở Mỹ mà thường xuyên mặt ở Phố Hoài. Chúng tôi tới là gặp anh đang thì thầm gì đấy với nhà thơ, lúc ấy cũng như bất cứ lúc nào, Huy Tưởng cũng ngơ ngơ như đang “Hỏi Đường Cùng Mây Trắng”.  

Trong bài viết, Nguyễn Đạt còn cho biết Đinh Cường, mỗi lần về lại quê nhà, đều ghé Quán. Ngoài ra, Phan Xuân Sinh một lần trở lại Sài Gòn cũng đã cùng Hoàng Khởi Phong ngồi uống cà phê ở Quán Phố Hoài.

Nói tóm lại, ở đây, cái quan trọng là người, bầu khí và hương cà phê. Nguyễn thấy thật khó gặp một cái quán như vậy ở Mỹ, bởi do đời sống gia tốc và thực dụng, những quán cà phê -ngay tại Cali, nơi hội tụ rất đông người Việt- thường hỗn tạp, xô bồ, tục thanh trộn lẫn, không có được cái không khí nghệ thuật thân tình như ở quê nhà. Nhưng biết làm sao, đường về đã ẩn trong mây trắng. Đành ngồi tạm ở Mily Bakery hay Factory, Gipsy… Hoặc giả ở những quán Starbucks nơi nào cũng có và mình cũng đã bắt đầu quen thân với không khí ở những quán này. Còn nếu về New Orleans thì xin ghé Cafe Du Monde -ngồi ở đó, giữa người tứ phương từ khắp nơi trên thế giới, nhìn về phía tượng đài Di Dân với bóng những con hải âu bay đảo và xa xa dòng sông Mississippi cuồn cuộn chảy, để mơ tưởng về Sài Gòn và một dòng sông….

Huy Tưởng – tranh Bùi Giáng

Nhân những cảm xúc ngược dòng này, người viết muốn gởi đến Nguyễn Đạt đôi lời thăm hỏi của người trên xứ đồng cỏ, nơi mùa này hoa sage bắt đầu nở tím như hoài niệm một mối tình đã tắt thở. Nhân đây, cũng xin gởi đến Huy Tưởng những tâm tình sót của một thời đã quá xa. Kể từ ngày gặp nhau ở Đà Lạt, đọc Máu Biếc Xanh Và Ngực Tối của anh đến nay, đã có dư ba bốn mươi năm mà tưởng như mới hôm qua. Anh Huy Tưởng ơi, làm sao kẻ này về được Quán Phố Hoài để thấy mặt anh em. Chẳng hạn như Nguyễn Quốc Chánh và Phan Nhiên Hạo. Người viết muốn gặp hai anh bởi đây là những nhà thơ trẻ đầy triển vọng -một ở trong nước và một đang ở Cali. Muốn gặp, còn vì lẽ này: Cách đây cũng đã lâu rồi, được đọc Sổ Tay của Phan Nhiên Hạo trên báo Văn của Nguyễn Xuân Hoàng, lòng riêng lấy làm thú lắm. Phan Nhiên Hạo viết rất chân tình về những nhà văn thuở trước và cùng thời -ở cả bên này và bên kia: “Tôi đã lớn lên với tác phẩm của những nhà văn mà khi đọc họ, tôi nghĩ họ là những người bạn tinh tế. Đọc Nguyễn Xuân Hoàng, tôi cảm giác đó. Tôi cũng yêu mến Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Võ Đình và Thường Quán qua văn chương trong một cung cách như vậy, mặc dù tôi chưa bao giờ gặp họ.” Viết về không khí văn nghệ ở Sài Gòn trước 1975, Phan Nhiên Hạo kể lại một buổi uống bia trên hè phố Sài Gòn cách nay đã mươi năm với Nguyễn Quốc Chánh. Chánh nói, “Đời sống văn nghệ ở Sài Gòn trước 1975 thật đã. Hiện sinh rắc một chút phấn vàng lên mọi thứ.” Như thế đó, Nguyễn Quốc Chánh cũng như Phan Nhiên Hạo thường nghĩ về văn chương Sài Gòn trước 1975 qua màn sương ảo mộng. Mà quả thật thời đó đẹp -tất nhiên không tránh khỏi thi thoảng (mượn từ của VC xài tạm) một vài mảng xù xì, xấu xí như phải có- nó đích thực là một không khí trí thức, một thái độ làm văn nghệ với ý thức về sự phi lý sau cùng của mọi sự để không quá cay cú, quá ‘ăn thua đủ’ với văn chương.” Phan Nhiên Hạo kể tiếp: “Tôi đã gặp Nguyễn Thị Hoàng. Một thời gian dài, bà hay ngồi buổi tối ở một quán bar gia đình trên đường Lý Tự Trọng (xưa là đường Gia Long). Một người phụ nữ mà thời gian và những truân chuyên của đời sống dường như không chạm tới được (Quả đúng như vậy ư: Ôi, Nguyễn Thị Hoàng…). Bà hay ngồi một mình trong góc, quan sát cái đám đông ồn ào với đôi mắt thẳm sâu trong bóng tối. Lối nói chuyện nhát gừng của bà cũng hấp dẫn như cái huyền thoại văn chương mà tạo nên. Nếu tôi người làm phim, tôi sẽ làm một cuốn phim tài liệu về những nhà văn Sài Gòn còn sót lại như Nguyễn Thị Hoàng, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đức Sơn, Trần Thị Ngh., Huy Tưởng… Họ là những nhân chứng vô giá của một thời văn học sáng giá. Họ đã luôn luôn ở đó, Sài Gòn, qua tất cả các biến động kinh hồn của một cuộc chuyển dời…”

Ôi, Sài Gòn và Quán Phố Hoài, những bạn bè cũ mới, chỉ xin được nhìn thấy một lần. Dẫu là trong cơn mộng…

Xem thêm:   Bay về phía ngọn thác thiên đường

Garland, tháng 9. 2006

TN

*Khúc Tình Ca Xứ Huế. Trần Đình Quân