Gần đây, nhà báo Tưởng Năng Tiến có một bài tạp bút đặc sắc tựa đề là Bèo Giạt. Trong khi đó nhà văn Huy Phương đặt tựa cho cả một cuốn sách dày là Sóng Vỗ Bèo Trôi. Bèo giạt hay bèo trôi cũng thế, đều nói về thân phận lưu lạc, nổi nênh của những người xa lìa quê hương. Nguyễn Du từng buông lời xót xa: Từ con lưu lạc quê người / Bèo trôi sóng vỗ chốc mười lăm năm. Câu thơ buồn thiệt, gợi cho chúng ta lòng thương cảm. Tuy quê người ở đây vẫn là đất Trung Hoa. Mười lăm năm cũng dài đó đối với đời một người con gái là nàng Kiều. Với phần đông chúng ta Iưu lạc quê người không chỉ mười lăm năm mà có khi đến gần cả cuộc đời.

Không riêng hai ông bạn Tưởng Năng Tiến và Huy Phương viết về những phận đời lênh đênh nơi xứ lạ quê người. Xin đọc những vần thơ sau đây của Bắc Phong được Tưởng Năng Tiến trích dẫn:

đều mang gốc gác Việt

liều lĩnh bỏ quê nhà

bằng đường dây người lậu

đi cầu thực phương xa

những con người khốn khó

tâm hồn rách tả tơi

xuất xứ từ nghèo đói

mang giấc mơ đổi đời

(Bắc Phong – “Những Người Rơm”)

Ra đi làm cánh chim xa xứ hay phận bèo giạt. Kể từ 1975 đến giờ, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua. Trong khoảng thời gian này đã có hai đợt di dân tập thể từ Việt Nam: thuyền nhân cũ và những thuyền nhân mới – ancient boat people and nouveaux boat people. Ðiểm khác nhau giữa Ancient Boat People và Nouveaux Boat People là thuyền nhân đợt đầu tuy cũng trải qua nhiều hy sinh (hàng trăm ngàn người chết trên biển) nhưng được cứu vớt đưa lên bờ và nhận vào các nước tự do. Còn lớp thuyền nhân mới sau này phần lớn là đi chui qua sự sắp xếp của bọn đầu nậu có bàn tay của nhà cầm quyền CS tiếp sức. Tới được một xứ nào đó, như Anh, Pháp hay Ðức lại phải sống chui, làm ăn chui.

Xem thêm:   Mất mạng

Gần đây hầu hết những người ra đi đều xuất phát từ những tỉnh nghèo khó ở VN: Thanh Hóa, Nghệ An-Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Theo điều tra của cảnh sát các nước Anh, Pháp, Nga và các nước Ðông Âu, những người cầm đầu đường dây buôn người Việt phần lớn nằm ở Hải Phòng. Việc này chắc chắn công an VN phải biết, nhưng họ để yên.

Vì sao những người này phải ra đi? Chiến tranh đã chấm dứt từ non nửa thế kỷ, nhưng hạnh phúc vẫn chỉ là ước mơ – và có khi phải trả bằng máu. Nghèo đói, bị đày đọa, nguồn sống từ đất đai sông biển cạn kiệt do chất độc thải từ các nhà máy (Formosa), họ phải ra đi tìm tương lai cho chính mình và gia đình. Nhà báo Trần Minh Nhật viết:

“Tôi đã từng đi qua thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh. Tôi từng vào một số khu vực của tỉnh Hà Tĩnh sau đợt thảm họa Formosa. Tôi có thể hiểu lý do vì sao lớp lớp người phải ra đi. Ða phần phải đi để kiếm kế mưu sinh, để tiếp tục cuộc sống. Họ phải đi với một cái giá rất đắt cả về kinh tế và cả việc bất chấp tính mạng. Vì không đi thì cả cuộc đời họ (và người thân của họ) sẽ phải chìm trong đau khổ của nghèo nàn. Ai sẽ cứu họ đây? Cả vùng đất Miền Trung xưa nay là vùng của sỏi đá. Quê hương em nghèo lắm ai ơi / mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn…(PD)  Ðã nghèo lại còn mắc eo với thảm họa môi trường cá chết do Formosa gây ra. Nhưng chúng – bọn quan chức đã làm gì để người dân bớt khổ? Chúng chẳng làm gì cả. Không công ăn việc làm, không tiền, không giáo dục – không tương lai… Họ phải đi!”

Góc rừng Calais nơi có người Việt chờ vượt sang Anh. 24h.com.vn

Họ không đi bằng thuyền, tuy được gọi là Nouveaux Boat Peopole. Họ phải đi vay mượn để chi một số tiền lớn và được vận chuyển sang Trung Quốc hoặc Nga. Từ đó tổ chức sẽ bí mật chuyển những người này qua Ðức, Bỉ, Pháp. Rồi họ trốn theo các container, tiếng lóng là “xe công”, sang Anh.

Xem thêm:   Một thời của sách

Nhà văn Nguyễn Thị Thảo An viết trên Facebook: 0h30 phút ngày 23 tháng 10 cảnh sát Anh đã phát hiện 39 thi hài người chết trong một chiếc xe hàng đông lạnh ở quận hạt Essex phía Bắc nước Anh. Hiện nay các nhà chức trách điều tra và tòa Ðại Sứ Việt Nam đã xác định danh tính và nguyên quán của 39 nạn nhân đều là người Nghệ An.

Thật ra nhóm này gồm có 110 người, chia làm 3 – hai nhóm kia gồm 71 người trên 2 chiếc xe hàng đều đã trót lọt vào Anh an toàn, duy chỉ chiếc xe 39 người bị kẹt lại ở địa điểm kiểm soát quá lâu 90 phút nên tài xế phải giữ nhiệt độ xuống -25 độ F tức -31.6 độ C để tránh bị máy rà soát nhiệt độ phát hiện.

Theo tin từ Guardian cập nhật thì đường dây tổ chức nhập cư bất hợp pháp này có tên là Ðầu Rắn, phát xuất từ một băng đảng của Trung Quốc, đã đưa 110 người này qua Nga theo diện du lịch Nga, lấy chiếu khán giả mang tên TQ. Sau khi nhập Nga họ chuyển số người này qua Ba Lan rồi băng qua biên giới Ðức, rồi lại qua Bỉ. Từ Bỉ họ chia thành nhiều nhóm ngồi trong container đông lạnh (chở hàng hải sản vào Anh) với mục đích tới London.

Tổ chức Rắn Chúa hiện nay được xác định là nhóm tổ chức đường dây này có bản doanh tại Phúc Kiến, TQ. Họ có những đàn em Việt Nam đi tung tin sẽ đưa người vào nước Anh an toàn và sẽ có việc làm tốt ở Anh với lợi tức 65,000 bảng Anh mỗi năm. Giá vượt biên là 30,000 bảng Anh tức là 33,241.50 US dollars. Có thể trả trước phân nửa, số còn lại sẽ được trả góp sau khi có việc làm ở Anh. Có khá nhiều tổ chức như Rắn Chúa ở Trung Quốc, nhưng hoạt động kiếm khách là những vùng quê nghèo như ở Nghệ An.

Xem thêm:   Biden & Trump

Theo các cuộc điều tra trước đây, những người đưa vào Anh sẽ trở thành nạn nhân của bọn Rắn Chúa này. Họ có nguyên cả băng đảng du côn, chém muớn, thường xuyên đe dọa và sẵn sàng giết chết các nạn nhân nếu không trả được nợ. Nữ thì bắt làm gái điếm, nam thì bắt trồng cần sa hay chuyển cần sa. Tiền thiếu công với tiền lương rẻ mạt sẽ khấu dần cho tới chết. Nạn nhân sẽ trở thành một thứ nô lệ không có tên tuổi, không thể điều tra nếu bị thủ tiêu khi không còn sử dụng được nữa, giống như băng đảng trong phim Tàu.

Họ được gọi là những Người Rơm. Một cái tên đầy rẻ rúng, tồi tệ, cho thấy thân phận họ chỉ là một thứ rơm rác. Phạm Thị Trà My là một trong số những người rơm đó. Trà My trẻ, đẹp. Gia đình cho biết em xuất hành từ Việt Nam sang Trung Quốc ngày 3/10/2019, và sau đó bay sang Pháp để rồi qua Anh. Lần đầu em tìm cách vượt biên giới vào Anh là hôm 19/10, nhưng bị bắt và phải quay lại. Ðoạn tin nhắn về nhà được gia đình cho biết là em đã gửi đi trước khi hơi thở lịm tắt không bao giờ trở lại.

Ðọc câu chuyện về Trà My và những người rơm khác – như Nhung, Văn, Hiền… lòng nào chẳng xót xa. Hãy nghe lời nhắn của Phạm Thị Trà My gởi về cho cha mẹ: “Con xin lỗi bố mẹ nhiều! Con đường đi nước ngoài không thành… Con chết vì không thở được. Con thương bố mẹ nhiều. Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ.” Ðọc mà nước mắt muốn tuôn rơi. Vừa thương vừa hận. Thương cho những phận người khốn khổ và hận lũ cầm quyền gian tham, tàn độc.

TN- Dallas