Đầu mùa xuân cùng em đi lễ.

Lễ chùa này, vườn nắng tung bay…

Ca từ bài Em Lễ Chùa Này đã sống trong trí mình có hơn bốn chục năm nay. Và cứ mỗi lần nghe ai hát là lòng lại bồi hồi xúc động. Nhớ về cái xóm nhỏ bên bờ sông Hương ấy. Ở đây mình đã qua thời thơ ấu, cứ mỗi đầu năm khi Tết đến lại đi lễ chùa Ba La với những đồng tiền mừng tuổi. Bao giờ cũng vậy bước tới sân chùa là gặp cô bé áo dài trắng, cổ mang xâu chuỗi ngọc thạch, đôi mắt to đen nhìn mình (cứ cho là vậy đi). Rứa là ra về vui suốt mùa xuân.

Bây giờ đâu còn ngày xưa nữa. Những mùa xuân đã qua không bao giờ trở lại. Nhưng nó vẫn sống trong hồn này và trên những trang thơ.

Nguyễn viết những dòng trên vào ngày đầu năm nay trong một lúc nỗi lòng nostalgia chợt dậy, nhớ về những ngôi chùa xưa ở Huế. Trước hết là chùa Ba La ở Vỹ Dạ như vừa kể trên. Chùa Ba La rất thân thương đối với mình. Những năm ở tuổi thiếu niên đi theo đoàn thanh niên Phật Tử hầu như Chủ Nhật nào Nguyễn cũng đi sinh hoạt ở chùa Ba La. Có thể xem Ba La là ngôi chùa thời thơ ấu của mình.

nhung-mai-chua1

Chùa Tường Vân Huế

Ở Huế còn nhiều ngôi chùa nổi tiếng. Ngoài Ba La, Nguyễn còn được biết chùa Diệu Ðế, Linh Mụ, Bảo Quốc, Từ Ðàm, Tường Vân… Với những ngôi chùa này mình đều có ít nhiều kỷ niệm. Ôi, chùa Linh Mụ với tháp cao bảy tầng soi bóng bên bờ sông Hương. Nhớ mùa hè xưa, mình đã đạp xe lên chùa, ngồi dưới bóng tháp, tìm lại đôi mắt người xưa qua tưởng tượng. Rồi chùa Bảo Quốc với cây cao bóng mát, mình thường lên đó học bài thi trong tiếng ve rợp trời và câu thơ của Trần Dạ Từ, lần đầu ta ghé môi hôn / những con ve nhỏ hết hồn kêu vang / vườn xanh, cỏ biếc, trưa vàng / nghìn cây phượng vĩ huy hoàng trổ bông… Và rồi chùa Tường Vân. Mùa hè năm 1962, sau đám cưới cùng Dung về thăm Huế, mình đưa Dung lên thăm chùa Tường Vân, có chụp hình Dung đứng bên cây bông sứ. Ðã hơn nửa thế kỷ, tấm hình vẫn còn trong album gia đình. Mà người, hỡi ôi…

Xem thêm:   Một thời của sách

Những ngôi chùa ngày xưa, ngay cả những ngôi chùa lớn, đều nằm trong không khí tĩnh mịch, u nhã. Chỉ thỉnh thoảng, năm vài ba lần, vào dịp lễ hội, như Tết, Phật Ðản, Vu Lan, không khí mới rộn ràng nhưng vẫn trang nghiêm. Còn bây giờ, chùa chiền mọc lên khắp, nhằm mục đích kinh doanh, hỗn tạp. Tin tức ghi nhận: Ngày 8 tháng 3, 2019 báo trong nước đặt câu hỏi lý do gì mà thời gian gần đây, Việt Nam xây rất nhiều chùa, cái nào cũng “hoành tráng” mà ngay cả thời đạo Phật được coi là quốc giáo  cũng không chủ trương xây chùa lớn như thế. Theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam hiện có khoảng 18 nghìn ngôi chùa, tịnh xá, tịnh thất… Có thể dễ dàng nhìn thấy các công trình rất nổi tiếng hiện nay như “Siêu dự án” tâm linh Tràng An – Bái Ðính (Ninh Bình) với hàng loạt các kỷ lục hay ngôi chùa mới xây dựng được cho là lớn nhất.Theo các chuyên gia thì xây chùa là nhằm chiếm được những lô đất “vàng” vì nhà nước chưa quy định cụ thể những hạng mục được làm trong các dự án tâm linh. Chùa to nhưng vẫn lọt thỏm trong hàng ngàn héc-ta đất, mai mốt sẽ xây cất nhà cửa, khách sạn, quán xá, sòng bạc… Tin tức báo chí ghi: Trong dự án, chùa hay tháp chỉ chiếm một phần diện tích nhỏ, còn lại dành cho nhiều dịch vụ khác, có cả khu nghỉ dưỡng, biệt thự, casino, câu lạc bộ thủy thủ… Cụ thể, chùa Tam Chúc rộng lớn nhưng chỉ chiếm phần nhỏ diện tích của cả khu dự án lên đến 5,100 héc-ta đất. Chùa Tam Chúc được các báo Việt Nam mô tả “là ngôi chùa lớn nhất thế giới”. Hoạt động kinh doanh, đầu tư vào du lịch tâm linh cũng được đẩy mạnh, thể hiện qua sự ra đời, phát triển nhanh của các điểm du lịch tâm linh ở hầu hết các địa phương, vùng, miền trên cả nước. Cùng với đó là sự phát triển các dự án du lịch tâm linh rộng đến cả ngàn héc-ta, trong khi đó mỗi khu vực lại xuất hiện một công trình tôn giáo mới với đủ các loại kỷ lục do doanh nghiệp xây dựng. Tại Hải Phòng, dự án làm khu du lịch tâm linh tại đảo Cái Tráp trong đó dự kiến xây dựng cả khu biệt thự, câu lạc bộ thủy thủ, casino… và tượng Phật cao đến 150m. Còn tại Thái Nguyên, xây dựng bảo tháp lớn nhất thế giới cũng được tuyên bố khi đầu tư vào dự án Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc rộng 18,940 héc-ta (gồm diện tích hồ là 2,500 héc-ta). Tại khu du lịch tâm linh này sẽ xuất hiện tháp Phật giáo lớn nhất thế giới với chiều cao 150m, có thể chứa được từ 5,000-10,000 người cùng lúc. Gần đây nhất, tại Hà Nội, cũng đã có đề xuất xin 1,000 héc-ta đất để đầu tư 15,000 tỷ đồng làm khu du lịch tại chùa Hương… Chỉ mới nhìn vào những gì mà chủ đầu tư công bố chứ chưa cần xem xét tới khai triển thực tế thôi đã thấy không phải tất cả diện tích đất ấy doanh nghiệp xây dựng công trình tâm linh. Từ thực tế này đang đặt ra câu hỏi: Tại sao để xây dựng quần thể tâm linh lại có cả nhà hàng, biệt thự, casino…?

nhung-mai-chua2

Chùa Bái Đính “lớn nhất Đông Nam Á”

Hỡi ơi, còn đâu những cảnh chùa u tịch, thiêng liêng như trong ký ức của tôi và bạn. Chùa như thế còn sư sẽ thế nào? Và lòng tin của các tín đồ liệu có còn không? Thôi đã tắt tiếng chuông chùa trong tâm linh con người.

Xem thêm:   Cái chuông gió

Ôi, tất cả đã mất. Không còn nghe tiếng chuông chùa như trong bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế, nửa đêm đến viếng thuyền khách đậu trên bến cây phong. Hay như trong thơ của Nguyễn

trăng khuya. như một loài chim quý

bay suốt nghìn năm. hót một lần

dưới mái chùa tây. vang tiếng kệ

vị sư già đã thức. chuông ngân

Thôi đã mất hết trong sự xô bồ của lợi lộc, của bụi bẩn bám trí óc con người. Hình bóng những ngôi chùa  trong “siêu dự án tâm linh” bên cạnh những sòng bài, những ổ ăn chơi là hiện thân của vật dục sa đọa. Khắp thế giới chỉ có Việt Nam bây giờ là có những quái thai gọi là quần thể tâm linh. Riêng người viết nguyện mãi mãi yêu và nhớ tiếng chuông chùa từ thuở ấu thơ.

nhung-mai-chua

Chùa Tam Chúc, Chùa Ngọc “lớn nhất thế giới!”

TN