Cả nửa tháng nay, khắp nước Mỹ và nhiều nơi trên thế giới, đã diễn ra không khí lễ hội. Cô bé Thảo Mi từ Virginia kể, mừng đón Halloween trong khu phố cô ở nhiều nhà kết vô số đèn trái bí màu vàng cam, có cả những con dơi, con cú, mạng nhện, mộ bia và hình những con ma…  khiến mỗi người đều thấy rộn ràng, nhất là trẻ em, chúng náo nức chờ đợi đêm Halloween để được khoác lên người bộ trang phục của quỷ, tay cầm lồng đèn, kéo đi từ phố này sang phố khác, trong trò chơi “trick or treat” vui nhộn, quen thuộc.

Nguyễn tôi vốn ưa thích ánh sáng của những ngọn đèn và thường nghĩ tới những người đi thắp đèn đường thời xưa – như trong truyện của Charles Dickens hay trong phần mở đầu của bộ truyện trẻ con Harry Potter của J.K. Rowling. Từ bàn tay của những người đó, ánh sáng của những ngọn đèn cháy lên, soi đường cho khách bộ hành, những người đánh xe trong đêm. Hãy thắp lên những ngọn đèn… Phải rồi, nhà văn/nhạc sĩ Nguyễn Ðình Toàn cũng từng mong ước cầu xin một điều tương tự như thế, cũng như người Nhật – và cả người Việt ta – có tục vào đêm nguyệt rằm Mùa Vu Lan Trai Ðàn thả đèn trên sông (gọi là phóng đăng) để soi đường cho người chết trở về. Ðây là thời gian để người ta thương tưởng những người ở thế giới bên kia. Nét  nhân bản đó cũng đem đến cho ngày Halloween của Tây Phương một ý nghĩa sâu xa hơn là chuyện ma quỷ. Và chúng ta cũng đừng quên rằng Halloween cũng là ngày hội của trẻ con, như Tết Trung Thu của chúng ta vậy. Do đó, để hội nhập vào không khí lễ hội trên vùng đất này, đêm Halloween này gia đình người Việt chúng ta chắc sẽ không quên thắp lên một ngọn đèn trước cửa và sẵn sàng tiếp đón những em bé đủ các màu da đen trắng, vàng đỏ, cho chúng bánh kẹo và cùng chúng cười vui.

Vâng. Nói tới lễ hội Halloween là nói tới những chiếc lồng đèn quả bí thắp sáng trong đêm. Những chiếc lồng đèn này nguyên là những trái bí ngô (pumpkin) được khoét rỗng ruột, tạo thành hình một cái mặt người có đủ mắt, mũi, mồm để khi đốt nến (đèn cầy) bên trong, ánh sáng tỏa ra giống như một cái đèn lồng rực rỡ. Trẻ con chắc chắn là yêu thích những chiếc lồng đèn bí ngô này. Các cháu của Ngọc Quỳnh ở Canada cũng đã mở cuộc thi khắc lồng đèn trái bí. Nguyễn được xem công trình của cháu Anh Tâm -trái bí nhỏ xíu thôi mà trông dễ thương chi lạ. Trở lại với không khí Halloween ở Mỹ, người ta gọi những chiếc lồng đèn bí ngô này là Jack-O’-Lantern.

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

Ðến đây lại cần phải đặt câu hỏi Jack-O›-Lantern là gì? Có nhiều thần thoại cắt nghĩa chuyện này. Theo truyền thuyết của nước Ái Nhĩ Lan (Ireland) thì từ “Jack-o’-lantern” đến từ một người có tên là Jack. Jack là một chàng thiếu niên đã chết nhưng linh hồn không được phép vào Thiên Ðàng vì lý do: lúc sống, anh ta vốn là một người tham lam, bủn xỉn, thường cất giấu tiền bạc, không hề bố thí cho ai một chút gì cả. Thế nhưng anh ta lại cũng không thể vào Ðịa Ngục vì đã  một lần Jack lừa một con quỷ trèo lên cây sau khi nó định cướp lấy linh hồn của Jack. Quỷ trèo lên cây rồi, Jack khắc hình thánh giá quanh thân cây. Quỷ không thể trèo xuống vì nó rất sợ hình chữ thập, thế là quỷ bắt đầu van xin. Nó thề sẽ không bao giờ cướp linh hồn Jack nữa nếu gã chịu xóa hết các hình thánh giá trên cây để nó leo xuống. Thế rồi cuối cùng Jack chết, thiên đường không mở cửa cho gã bởi quá khứ tham lam, keo kiệt toàn đi lừa người, thế là gã lủi thủi đi xuống địa ngục. Nhưng khi tới cổng địa ngục, quỷ nhận ra Jack và nhớ tới thỏa thuận khi xưa nên Jack không được vào trú ngụ. Thế là linh hồn của Jack chẳng còn nơi sở trú và cứ quanh quẩn chẳng biết đi về đâu. Cứ phải quờ quạng trong đêm tối, Jack xin quỷ chút lửa để soi đường. Cuối cùng quỷ thương tình ném cho anh chàng hòn than lấy từ bếp lửa địa ngục không bao giờ tắt. Và Jack lấy một củ cải đỏ (turnip) đem khoét rỗng thành hình mặt quỷ, bên trong đặt hòn than. Và cứ thế mà Jack mãi lang thang trong lằn ranh thực – hư, giữa thiên đường và địa ngục, với chiếc lồng đèn trên tay… Sau này vào thế kỷ 19 khi người Ái Nhĩ Lan di cư đến Mỹ thì củ cải được thay thế bằng trái bí ngô khoét mặt người. Tất nhiên, bây giờ chàng Jack tội nghiệp vẫn còn đi trong đêm với chiếc lồng đèn quả bí. Các bạn ơi, cứ mở cửa ra trong đêm Halloween là sẽ thấy Jack thôi.

Xem thêm:   Tháng Ba, tảo mộ …

Từ đó, biểu tượng của ngày lễ Halloween là những trái bí ngô được khoét theo những khuôn mặt tưởng tượng. Chuyện còn kể rằng, vào ngày đó những người đã chết sẽ quay về nhân gian tìm một cơ thể và nhập vào để được đầu thai vào năm sau. Ðó là cách duy nhất để các linh hồn đó có thể được tái sinh. Người Celtic tin rằng ngày đó chính là ngày âm dương giao hòa, kẻ chết và người sống có thể tiếp xúc với nhau. Dĩ nhiên người sống không bao giờ muốn cơ thể của mình bị các linh hồn “cướp” mất, vì thế vào tối 30 tháng 10 tất cả các làng mạc đều dập tắt lửa và mặc những trang phục cực kỳ ghê tởm và diễn hành ầm ĩ khắp xóm để xua đuổi các linh hồn đến tìm kiếm thân xác để nhập vào.

Người Châu Âu lại cho rằng những bộ trang phục kỳ quái trong ngày Halloween không phải có xuất xứ từ người Celtic mà có xuất xứ từ chính những người Châu Âu. Vào thế kỷ thứ 9, ngày 2 tháng 11 hàng năm  và cũng là ngày cầu cho các linh hồn, các giáo dân thường ăn mặc giống như những kẻ ăn mày rồi đi từ làng này sang làng kia để xin những mẩu bánh vụn tượng trưng cho thức ăn nuôi dưỡng linh hồn. Những người này tin rằng họ càng xin được nhiều mẩu bánh thì linh hồn của những người thân của họ sẽ nhận được càng nhiều những lời cầu nguyện. Các giáo dân tin rằng những lời cầu nguyện này sẽ giúp cho những linh hồn người thân của họ còn mắc kẹt ở đâu đó sẽ được lên thiên đàng.

Xem thêm:   Sài Gòn. bình minh mưa

Ở Mỹ lúc đầu lễ hội Halloween chỉ diễn ra ở các nông trang, nhưng ngày nay cũng giống như nhiều quốc gia khác Halloween đã trở thành một ngày lễ chung cho tất cả mọi người, nhất là đối với giới trẻ. Tới đây người viết thấy cần nêu lên một điểm: Người trẻ suy nghĩ về hành động và cuộc đời của Jack có thể rút ra một bài học làm người, đó là: Sống không nên tham lam, bủn xỉn, keo kiệt mà phải có lòng bác ái, từ bi, biết giúp đỡ kẻ khó khăn. Và cũng không nên chơi đùa với ma quỷ. Ma quỷ hiểu theo nghĩa bóng là những trò lừa lọc, đe dọa, làm cho người khác sợ hãi, những việc làm tinh quái do trí thông minh và tưởng tượng của tuổi trẻ sáng tạo ra có khi làm hại đến người, đến xã hội… Chơi đùa, giao du với ma quỷ sẽ dễ bị cám dỗ đi vào đường tối tăm và tội lỗi. Nếu đào sâu hơn, có lẽ sẽ tìm thấy tính cách nhân bản trong câu chuyện. Thử đặt câu hỏi: tại sao dưới ánh sáng khoa học và kỹ thuật mà các nước Âu, Mỹ vẫn dành một ngày lễ hội cho người của “cõi Âm” mà đại diện là anh chàng Jack? Jack là nhân vật tưởng tượng nhưng đã thực sự hiện thân trong cuộc đời, trong thân phận làm người… mà lại là một người cô đơn. Khi chết, Jack trở thành cô hồn, không chỗ dung thân… thiên đàng và địa ngục đều từ chối! Truyền thống lễ hội Âu Mỹ đã dành cho Jack một ngày. Một ngày được trở lại với cõi dương. Trong ngày đó, Jack có thể sống vui chơi thoải mái, vì người sống đã hóa trang thành ma quỷ để linh hồn Jack có chỗ trà trộn vào cho đỡ cô đơn. Ðây là ý nghĩa nhân bản của lễ hội Halloween.

Với ý nghĩa nhân bản này, ngày lễ Halloween và Rằm tháng Bảy Âm lịch của nước ta có thể xem như là ngày hai cõi Âm, Dương hội ngộ trong niềm thương cảm bao la.

nguồn shutterstock

TN