Chúng ta đang ở tháng 6. Tháng 6 gợi nhớ tới Ngày Quân Lực của một thời bi tráng. Có thể nói đã kết thúc một thiên anh hùng ca. Trong cái chung và cái riêng bây giờ, xin được gợi lại Thanh Tâm Tuyền, người “thi sĩ của chúng ta” (chữ của Thảo Trường). Thanh Tâm Tuyền ra đi vào một ngày cuối Tháng Ba năm 2006. Với Nguyễn, không hiểu sao khi nghĩ tới Thanh Tâm Tuyền là nghĩ tới chiến tranh Việt Nam. Phải chăng vì ông đã viết Bếp Lửa của những năm báo hiệu trận bão kinh hoàng sắp dấy lên trên dải đất Miền Nam. Hay vì ông đã viết Khai Từ Của Một Bản Anh Hùng Ca. Hoặc giả bởi vì ông đã viết bài Ðêm đề tặng Duy Thanh, mở đầu bằng hai câu Những năm nào chiến tranh đã quên / Con mắt đen niềm im lặng… Có thể là vì tất cả những điều vừa kể và những điều khác nữa -chẳng hạn,
Vũ Ðạo Ánh
chiến tranh vẫn còn (cho đến khi nào)
đồn đóng sườn núi
ngó biển không
chiều chẳng mặt trời
mây lõa thể

Ảnh: Nguyễn Ngọc Hạnh
Chiến sĩ VNCH chào mừng Quốc kỳ tung bay trên Kỳ đài Huế ngày 23-2-1968
Hôm nay, kỷ niệm Ngày Quân Lực, tưởng nhớ Thanh Tâm Tuyền, và khởi đi từ những câu thơ của ông, Nguyễn viết những dòng chiêu niệm sau đây xem như Kết Từ Một Thiên Anh Hùng Ca.
Vâng. Những năm chiến tranh Việt Nam, Thanh Tâm Tuyền đã viết ‘Khai Từ Của Một Bản Anh Hùng Ca’ như sau:
Hãy khép mắt khép mắt thật khẽ
Có thấy chúng ta rơi vào giấc ngủ sâu vào những giấc mơ
Hương hoàng lan lẫn mái tóc người yêu
Xa thành phố bỗng lạc đường
Tại sao cánh rừng cháy tôi một mình
Người nào ngủ đây người nào chết đây thân xác tan tành
Hãy khép mắt khép thật kín
Và chúng ta rơi vào cơn ác mộng một mình
Hãy khép mắt thật kín. Liệu chúng ta còn thấy “rơi vào những những giấc mơ / hương hoàng lan lẫn mái tóc người yêu” hay chỉ để “rơi vào cơn ác mộng một mình”? Hôm nay, khi người thi sĩ ấy đã ra đi hơn 15 năm, tôi ngồi viết Kết Từ Một Thiên Anh Hùng Ca. Ðã 12 giờ đêm. Cây magnolia sau nhà đã ngủ. Những bông iris đã ngủ. Xin em hãy khép mắt, khép mắt thật khẽ trong mùi hương ngọc lan của một mùa đã xa. Ngoài trời, chớp lóa, dường như một trận thunderstorm đang kéo qua đồng cỏ. Chợt thấy lại hình ảnh của cô học trò ngày xưa Nguyệt Hạnh từ chiếc vận tải cơ C130 bốc cháy giữa rừng già Ban Mê Thuột.
Kết từ một thiên anh hùng ca… Những khu rừng bốc cháy. Những chiếc trực thăng giận dữ. Như trong phim Cappola, như trong ca khúc Bonjour Vietnam của Marc Lavoine và trong tiếng hát của Phạm Quỳnh Anh. Kết từ một thiên anh hùng ca… Xin cùng tôi đọc lại thơ Khoa Hữu cũng là người cùng thời với ông Tâm:
Khói bếp Long Sơn, nước Vàm Cỏ
Áo trận phơi đại đội trở về
Bụi Trảng Bàng, lửa trời An Hạ
Gió đồng chưa khô áo lại đi
Pháo lấp Khe Sanh, cắt Ðường Chín
Những hung tin không kịp báo về
Gió Hạ Lào cuốn cờ tưởng niệm
Ðá Trường Sơn đứng sững như mê
Thơ Khoa Hữu
Kết từ một thiên anh hùng ca, chúng ta trở về với Nha Trang, tháng ba năm 1975:
tháng ba. trên thành phố xưa
bầu trời rạn màu men sấm ký
tưởng nghe xa tiếng cọp gầm
sạt mái tường vi. ngói lở
ngày phơi bãi bình sa
đâu thành phố của mùa trăng giả đảo
những cây bàng ửng đỏ trong mưa
tháng ba ơi. đang giữa bản đàn
bỗng nghe tiếng ve ngâm vượn hót
người yêu người. làm sao quên
mái tóc đi về rặng cây bông sứ
tháng ba. tháng ba. trong đời tôi
và lịch sử. hoàng hôn nghiêng mái quán
hải âu. bay xa. về đâu
thùy dương dậy. chiều tà. hung hãn
Thơ Nguyễn Xuân Thiệp

Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 19/6
Kết từ một thiên anh hùng ca. Hỡi ôi, lịch sử đã không dành cho chúng ta một số phận khác, như lời Khoa Hữu trong đề từ bài Người Lính. Tháng ba, ở Nha Trang “hải âu. bay xa. về đâu / thùy dương dậy. chiều tà hung hãn”… Rồi tháng tư mở ra những cơn mưa tháng năm ở Sài Gòn. Mưa. Mưa trái mùa trên rừng cao su An Lộc. Những chiến sĩ Biệt Kích Dù, hàng hàng lớp lớp, đứng nghiêm trong mưa, chào quốc kỳ lần cuối. Rồi chia tay… Vì đâu… Kết từ một thiên anh hùng ca. Những ngày của tháng năm 1975, không còn tiếng súng xối xả vào kẻ thù, mà đây đó có những tiếng súng lẻ tẻ, tiếng nổ lựu đạn, của các tướng quân, sĩ quan, binh sĩ chấp nhận cái chết chứ nhất định không để rơi vào tay kẻ thù. Kết từ một thiên anh hùng ca. Anh em bằng hữu, thầy trò chúng ta chia tay nhau. Vì đâu…
Người lính trận bỏ tình đi mất
Bỏ trăm năm khói tụ mây thành
Lòng nghĩa trang tiếc thương đã nhạt
Cả vòm trời như áo nửa manh
…
Ðất ấy của ta, ta còn hiểu
Ðồng đội của ta, ta còn đau
Giấy mực đời chép ra, ví thiếu
Lấy da này viết để tạ nhau…
Thơ Khoa Hữu
Như thế đó, chúng ta đã viết lên một thiên anh hùng ca bi thảm. Bởi lẽ, người lính chúng ta đã chiến đấu với trái tim rực đỏ, nhưng tiếc thay, chúng ta đã không có được một cuộc đời, một phần số như chúng ta xứng đáng phải có. Gỗ đá kia còn ghi dấu tích. Nước trăm sông còn mãi ngậm ngùi. Và mây trời vẫn bay qua những thành phố, những nghĩa trang của một thời. Viết Kết Từ Một Thiên Anh Hùng Ca, chính là “lấy da này viết để tạ nhau…” vậy.
TN