Nguyễn tôi mê Chính Khí Việt từ thuở tóc còn xanh. Và tình cảm đó không phai nhạt, nhất là khi được nghe Thanh Hùng hồi còn sống và Tôn Nữ Lệ Ba trong một CD ngâm những vần thơ như nước reo lửa cháy của Lý Đông A. Nguyễn Xuân Phước lúc còn sống cũng đã khẳng định vai trò và tác động của tư tưởng Lý Đông A trong lịch sử hiện đại và Nguyễn Thị Khánh Minh cũng từng dẫn lại những vần thơ chính khí “Từng phím chữ như lời nghẹn … nước Mê Linh trăng thu còn vằng vặc / sông Bạch Đằng sóng vỗ thuyền cắc cắc / non Chi Lăng gió cuốn rừng cung đao / đồng Đống Đa xương người phơi man mác /… Chính khí Việt suốt đất trời bàng bạc / Chính khí Việt trong máu người Hồng Lạc / gió thê thê quất dậy hồn phục hưng / gươm Vạn Thắng cứu nước nòi giết giặc /… Vượt đau nhục lên sống còn hùng tráng…” (Chính Khí Việt, tập thơ Đạo Trường Ngâm)
Và Nguyễn tôi cũng đã viết những lời sau:
“Thời gian lớp lớp trôi qua. Mặt trời mọc rồi mặt trời lặn. Hình bóng của nhân vật Lý Đông A vẫn sáng rỡ, và được nhiều người ngưỡng mộ. Nhưng Lý Đông A là ai? Lần giở những trang sử dân tộc, chúng ta đọc thấy: Nhân vật Lý Đông A chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn, khoảng 6 năm, từ 1940 tới 1946, rồi không còn tăm tích. Trong một cuộc đời hiện thực có thể cũng ngắn ngủi: hai mươi sáu năm – từ lúc lọt lòng mẹ tới khi ra khỏi cuộc nhân quần. Từ một nho sinh mảnh mai năm 16 tuổi ở làng Yên Tập tổng Yên Đổ Hà Nam, đến tay súng giữa trận tiền trên đồi Nga Mi, Ninh Bình, mái tóc xanh rũ xuống những pho kinh sử nơi Liễu Châu thư viện, và khuôn mặt đăm chiêu thi sĩ bên dòng Pắc Nậm, trên bến Đà Giang. Sau khi âm mưu tập hợp lực lượng lật đổ chính quyền Việt Minh bất thành, Lý Đông A bị lực lượng vũ trang Việt Minh tiêu diệt tại Bến Chương thuộc xã Hiền Lương – Mai Đà, tỉnh Hòa Bình. Căn cứ vào những gì ông để lại, từ Huyết Hoa đến Đạo Trường Ngâm, ông là một tác giả, một nhà thơ chính khí, và là nhà thơ chính khí hàm súc nhất của thập niên ‘40, nếu không là của thế kỷ XX: Một ngày lạnh nước người không tri kỷ, Ta vỗ án hét thành ca chính khí. Đông thê thê như gió thổi u hồn, Thấu buốt tận lòng người trong cốt tủy. Ngày nay trước sự lấn chiếm của giặc thù phương Bắc và âm mưu dùng binh lực thôn tính Việt Nam, sẽ có lúc dân ta buộc phải đứng lên chống lại. Trong cao trào lịch sử ấy, màu áo trắng khói sương của Lý Đông A và những vần thơ chính khí của ông sẽ là nguồn cảm hứng cho chúng ta tiến bước.”
Giờ đây khi ngọn bắc phong thổi lay động rừng cây xin các bạn cùng Nguyễn này nhìn về đất nước. Thấy gì, nào ta đã thấy gì, thưa các bạn.
Có phải ta đã thấy trên bản đồ của cha ông để lại không còn ải Nam Quan nữa, thác Bản Giốc chỉ còn một nửa, nhiều chục cây số đường biên giới bị Trung Cộng lấn chiếm. Câu thơ của Trường Anh ngày nào bỗng hiển hiện: Cổng biên thùy lòng tham luôn dời cọc / Mồ những ai nằm trăng lạnh gió lay… Nhìn ra biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa không còn là của ta. Đường lưỡi bò của giặc đã vây kín. Ngư dân ta bị cướp giết gần như từng ngày. Trong khi đó bọn chúng dưới dạng thường dân đã có mặt khắp các vùng đất màu mỡ và thành phố của ta.
Thử hỏi còn gì đâu. Chuyện đất nước nằm dưới ách thống trị của Hán tộc có thể chỉ còn là chuyện sớm tối. Còn nhớ báo chí trên mạng và cả những nhật báo, tuần báo và đặc san của ta trên các vùng đất có người Việt ở hải ngoại đã không ngớt ca ngợi sinh viên Hồng Kông trong cuộc dấy động chống cường quyền Bắc Kinh. Những thanh niên thiếu nữ một thời đã giã biệt gia đình lao vào khói lửa đã chấp nhận hy sinh cho giấc mộng lớn của Cảng Thơm: độc lập, dân chủ, tự do. Một nhà báo của ta viết: Họ chỉ là những thanh niên mới lớn, cùng bằng lứa tuổi của những thanh niên đang hò hét khản cổ, những đứa con gái cởi truồng chạy xe máy ào ào ở đường phố Thủ đô Việt Nam khi thắng được một trận bóng hay đón một ngôi sao Hàn Quốc. Nhưng chúng lặn mất tăm khi những cuộc biểu tình chống độc tài, chống xâm lăng bùng nổ.
Như vậy đó. Làm sao để đánh thức lòng yêu nước và ý chí tự do của đa số thanh niên Việt ngày nay. Xin nhìn vào tấm gương sinh viên Hồng Kông, cảm nhận tình yêu đất nước và ý chí tự do của họ, đọc những bài thơ câu văn khúc ca hừng hực lửa nóng và lệ mặn của các nhà văn nhà thơ của ta bây giờ. Nguyễn Đức Quang, Nguyễn Thị Khánh Minh, Nguyễn Thị Thanh Bình, Bùi Chí Vinh, Nguyễn Viện, Phạm Hiền Mây… và còn nhiều nữa. Trên tất cả xin đọc lại và lắng sâu vào, hít thở cái hồn của thơ chính khí Lý Đông A. Hãy gọi tên những Mê Linh, Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa. Ôi,
Đông thê thê như gió thổi u hồn,
Thấu buốt tận lòng người trong cốt tủy.
Và còn nữa
Tiếng vang vang như thần kêu quỷ hét.
Trời ngập ngập như quân khiêu tướng thét,
Gọi quá khứ vị lai những u hồn
Muôn nghìn đời linh thiêng không sống chết.
Và mãi mãi hồn dân tộc vẫn sáng rỡ trong tim chúng ta, nha thưa các bạn.
TN