Từ Facebook Nancy Hanh Vy Nguyen

Tôi nhớ ngày toàn bộ hành khách trên chuyến bay MH370 tử nạn, lòng người bàng hoàng, tôi đã không thể nào thôi nghĩ về số phận của 227 con người và 12 phi hành đoàn trên chuyến đi định mệnh ấy suốt một thời gian dài.

Vậy mà khi hay tin tất cả 39 con người tử nạn ở tuổi đời còn rất trẻ, một số người lại tặc lưỡi … “chắc không phải Việt Nam đâu!” “Nghe nói là người Tàu” Giả như là 39 người Hoa thật, chẳng lẽ … chẳng lẽ đó không phải là 39 mạng người hay sao? Thần chết trên đường vượt biên không phân biệt chủng tộc, họ chết vài trăm, ta chết vài ngàn, họ chết vài ngàn, ta chết vài triệu, có cái chết nào lại kém đau thương hơn cái chết nào chăng?

Một số nhà báo viết như thể có ý tốt rằng “chúng ta không nên mong đó là người VN. Chẳng lẽ chúng ta lại mong họ là người VN hay sao? Mong rằng đó không phải là người Việt Nam!” Xin thưa, nhiệm vụ của một nhà báo với độc giả là đưa tin trung thực. Nếu ngay cả khi đã có những thông tin khả tín, từ chính gia đình của những người có con cái bị mất liên lạc, mà không thể làm phóng sự điều tra được, thì nên im lặng chứ đừng buôn bán những mong ước hão huyền. Người làm báo chí, phải hướng xã hội đến cả hai thứ: hy vọng vào điều tốt nhất, và sẵn sàng cho điều tồi tệ nhất. Còn nếu chỉ buôn bán hy vọng thôi, thì xin nói thẳng: đó là trách nhiệm của ban tuyên giáo chứ không phải là của một nhà báo.

Tôi lại nghe một số người tặc lưỡi, “họ chẳng nghèo gì đâu, có cả bạc tỉ thế kia! Ham giàu thì chết chứ bệnh tật gì!” Xin thưa, mỗi một người ra đi, đều có những lý do rất riêng, rất cá thể. Nếu một đất nước chỉ có vài trường hợp nhỏ lẻ bỏ xứ mà đi, có lẽ lỗi tại họ thật, ham thì chết chứ chẳng bệnh tật gì thật. Nhưng một đất nước mà hầu như ai ai cũng có lý do riêng để tha phương, nghèo thì đi sang Cam sang Lào, đỡ hơn chút thì đi Thái, Phi, khá nữa thì Hàn, Sing, Nhật, giàu thì Âu Châu, Mỹ quốc. Nghèo thì nhảy tàu, giàu thì nhờ chuyên cơ, thường dân thì ráng tìm xuất lao động phổ thông, lấy chồng ngoại quốc, quan chức thì đầu tư tìm thẻ xanh, nhà có điều kiện thì cho con đi du học, chỉ về khi đã thành thường trú nhân. Chất xám thì chảy máu đường chất xám, mà phường trộm cắp thì cũng kiếm đường cần lao mà đi. Ở một đất nước như thế thì cái lý do để một người nào đó muốn ra đi có còn quan trọng nữa không? Cái ‘lý do’ vì thế này hay thế khác liệu có còn mang tính quyết định để ta xem có nên tiếc thương họ hay không?

Xem thêm:   Săn vượn

Khi bảo họ vì ham giàu, hay vì lý do này khác mà “chết là đáng” chúng ta đã vô tình bào chữa cho hung thủ thực sự: Chính phủ. Ở một đất nước mà đến cái cột điện cũng muốn bứng gốc đi, thì không thể trách người ta muốn đi vì lý do này khác, mà phải trách cái cơ chế quản lý đất nước khiến ai ai cũng có lý do riêng để bỏ xứ mà đi. Những bài báo kiểu “cả làng tỉ phú” hay “lười lao động nên qua Anh trồng cỏ để vừa nhàn vừa mau giàu” ..v.v.. Những bài báo đổ trách nhiệm và lỗi ngược lại cho nạn nhân, chính xác là thứ rác rưởi định hướng dư luận. Ông nhà nước, các ông nên cúi đầu đấm ngực, họ bỏ mạng xứ người chính xác là vì các ông! Đừng lên báo mà leo lẻo “không phải việc gì cũng quàng trách nhiệm cho nhà nước”. Các ông đã nợ cái dân tộc này quá nhiều, nhưng trên tất cả là nợ mạng! Là nợ mạng đấy các ông ạ!

Đó là chưa kể, ngay cả “vì ham giàu” đi chăng nữa, thì cũng là 39 mạng người tha hương tử nạn, trong tất cả mọi thứ dân tộc này có thể mất đi, xin đừng đánh mất Lòng Trắc ẩn, đó là giá trị khởi thuỷ của nền tảng đạo đức xã hội mà chúng ta hướng tới.

Một số người bảo “bọn dư luận viên! Chẳng dư nước mắt! Chết bớt đứa nào đỡ đứa đó!” Những con người ở tuổi mười mấy đôi mươi đó, giả sử như họ là dư luận viên thật, thân cộng thật, yêu bác đảng thật, thì từ khi nào ta đánh giá một con người đáng chết hay không đáng chết, vì những điều họ suy nghĩ, tin tưởng, ở cái tuổi đôi mươi? Tuổi trẻ của chúng ta, có mấy ai không dại khờ? Họ, có chăng, là đáng thương vì đã từng là nạn nhân của một nền giáo dục tư tưởng lệch lạc, họ đã phải bỏ cả tuổi thơ, cả tuổi trẻ để học thứ lịch sử méo mó, dị hợm, được những con người thiếu tri thức nhưng thừa xảo trá gọt tỉa tỉ mỉ, kỹ lưỡng, để thành một thứ ngụy kiến thức rồi bắt họ phải học, phải thi, phải kiểm tra, phải lên lớp. Ngay cả nếu như họ chẳng phải là người trẻ, thì từ khi nào những người không cùng suy nghĩ với ta là những người “nên chết bớt, bớt được mạng nào hay mạng ấy”?

Xem thêm:   Vươn ra biển lớn

Đó là giả như họ là DLV, là thứ sản phẩm lỗi của chế độ, nhưng sự thật có phải vậy không? Một số trong chúng ta ngồi đây kết án họ, nhưng họ đã chết rồi, người chết có thể thanh minh được sao? Linh mục Nguyễn Đình Thục từng nói, rất nhiều người trong số họ, vì chống Formosa mà không thể sinh kế tại địa phương, bị sách nhiễu, bắt bớ mà phải tìm đường đi, dù nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng chẳng cần đến ngài nói những lời ấy, thì vẫn còn đó cái lẽ công chính giản dị là họ đã chết rồi! Ta ngồi đây lên án họ, kết tội họ, dẫu đúng dẫu sai, họ có thể phản biện được sao?

Chuyện một số gia đình nạn nhân kêu gọi quyên góp tài chánh, những giúp đỡ dù là để đưa thi hài hồi hương (nay không cần nữa vì chính phủ Anh sẽ đài thọ hoàn toàn, xin cảm ơn chính phủ Anh, một nghĩ cử đẹp cho những người lẽ ra sẽ là tội phạm ở nước các ông. Các ông chỉ cho chúng tôi thấy, một cách rất thực tế, rằng tuy họ phạm tội, nhưng tội ấy hoàn toàn không đáng chết), hay để giúp gia đình họ trang trải nợ nần, thì cũng nên cho với một tâm thế giản dị là bỏ tiền mua lấy chút thanh thản trong cõi lương tâm của mình, thế thôi. Nếu không để mua lấy chút thành thản, thì cũng không cần phải cho làm gì.

Xem thêm:   Săn vượn

Một em bảo tôi, “chị ạ, đó giờ người ta đi rồi chết … ’lai rai’ nhiều lắm, chỉ là lần này chết cùng lúc, rồi báo chí đăng rùm beng thôi!” Em ạ, chị biết, chị đâu lạ gì những cái chết trên đường vượt biên, trải dài từ ‘đại lộ kinh hoàng’ đến bờ tây Thái Bình dương, trải từ thập niên này, qua thế kỷ nọ, để xót xa cho một đất nước có quá nhiều dấu thiên di. Người Do Thái không có đất nước nhưng muốn về, còn chúng ta có đất nước … để phải ra đi, em ạ, còn gì đau đớn hơn!

Nên chăng ta cất bớt cho nhau, cho đời, những lời không đẹp, bởi đâu phải chỉ 39 người chết ngạt, cả chín mươi ba triệu con người đang chết ngạt, theo cả nghĩa đen của chất lượng không khí ở các thành phố lớn. Tất cả đều là nạn nhân, còn hung thủ thực sự thì đang chối leo lẻo trên mặt những tờ báo lớn: “đừng cái gì cùng quàng trách nhiệm cho nhà nước”.

Ngày hôm nay, trước linh cữu của 39 con người, nước Anh tiếc thương, gia đình đau đớn, chính phủ VN chia buồn, Trà Mi ạ, em xin lỗi mẹ, còn ai sẽ xin lỗi em?

Hình 1: Từ facebook Nancy Hanh Vy Nguyen