Từ Facebook Đỗ Ngà

Triết học Marx-Lenin dạy rằng, lịch sử loài người đã sẽ tuần tự xuất hiện 06 hình thái kinh tế xã hội từ thấp đến cao: thứ nhất là xã hội cộng sản nguyên thủy; thứ nhì là xã hội chiếm hữu nô lệ; thứ ba là xã hội phong kiến; thứ tư là xã hội chủ nghĩa tư bản; thứ năm là xã hội chủ nghĩa xã hội; và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản. 4 xã hội đầu tiên là những gì đã và đang diễn ra, Marx và Lenin chỉ đúc kết, còn 2 xã hội sau là do chính họ sáng tác. Và từ đó, những nước CS luôn đi từ sai lầm này đến sai lầm khác vì họ không định hình được thế nào là CNXH.

Xã hội CS nguyên thủy là một xã hội đặc biệt, bởi vì lúc đó loài người chưa thoát ra khỏi hoàn toàn lốt loài khỉ vượn, chính vì thế hình thái xã hội này không thể tính vào sự phát triển của xã hội loài người. Bắt đầu từ thời kỳ xã hội chiếm hữu nô lệ đến thời kỳ tư bản chủ nghĩa, thì như ta thấy xã hội sau luôn tự do hơn xã hội trước. Xã hội phong kiến thì tự do hơn xã hội chiếm hữu nô lệ, xã hội tư bản thì tự do hơn xã hội phong kiến. Vậy thì nếu có một xã hội nào tiến bộ hơn xã hội tư bản thì tất xã hội đó phải tự do hơn xã hội tư bản chứ? Thế nhưng quy luật ấy không được ông Karl Marx và V.I. Lenin phát hiện ra. Chính vì thế mà 2 ông này mới vẽ ra một thứ xã hội bằng đủ thứ cấm đoán: nào là cấm làm ăn kinh tế kiểu tư bản; nào cấm thành lập đảng đối lập như các nước tư bản; rồi cấm báo chí tự do như tư bản; rồi cấm chỉ trích chính quyền như các nước tư bản vv… Loại hình thái xã hội kém tự do hơn tư bản rất xa mà 2 ông Marx và Lenin lại cho rằng đó là một xã hội tiến bộ hơn xã hội tư bản?! Một lý thuyết phản khoa học như thế nhưng 2 ông này lại gọi đó là “Chủ Nghĩa Xã Hội Khoa Học”. Kết quả là tất cả các nước xã hội chủ nghĩa theo mô hình Marx-Lenin đều lâm vào nghèo đói, đất nước kiệt quệ và dẫn tới sụp đổ hàng loạt.

Năm 1917, ông Lenin dùng họng súng xây dựng ở nước Nga một mô hình XHCN. Sau đó đó đến thời Stalin, ông này cũng dùng súng áp đặt XHCN lên cả vùng Đông Âu rộng lớn. Cho đến trước khi sụp đổ, thế giới có 23 nước XHCN, thế nhưng đến năm 1992 thì chỉ còn 5 nước và tồn tại cho đến ngày nay. Hầu hết trong 5 nước XHCN ấy, đều không thể tồn tại được nếu mở cửa, nên 4 trong số đó đã phải đổi màu để tồn tại. Nói tóm lại, những thứ phản khoa học trong mớ lý thuyết “CNXH Khoa học” ấy đã được chứng minh hoàn toàn. Thế nhưng CS vẫn theo, vì sao? Vì lừa dân để trục lợi.

Sau khi CS mang súng vào Nam phá tan một xã hội sung túc mà người Miền Nam đã dày công xây dựng thì đến năm 1976, ĐCS đã tự vỗ ngực rằng “tao là XHCN đây”, thế là họ vênh váo đổi tên nước thành “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”. Và thực tế thì sao? Sau 10 năm xây dựng CNXH thì đất nước đã kiệt quệ kinh tế, dân thì đói rách thiếu ăn. Cuối cùng bí thế phải vớ lấy phương thức sản xuất của tư bản chủ nghĩa để làm cứu cách giải quyết bế tắc. Đây lại một lẫn nữa chứng minh “XHCN khoa học” là bậy. Thế nhưng với tầm hiểu biết ngang tầm với cái “không qua khỏi ngọn cỏ”, ĐCS Việt Nam đã cố chấp bước theo XHCN. Đến cuối những năm 1990, trước sự sụp đổ hàng loạt các nước XHCN lại một lần nữa chứng minh, XHCN là một mớ lý thuyết xàm. Thế nhưng ĐCS Việt Nam cũng không chịu mở mắt và quyết theo thứ XHCN xàm xí đó. Tất nhiên không thể giữ XHCN nguyên bản nên họ phải mót phương thức tư bản chủ nghĩa gắn vào và gọi mô hình đó là kinh tế thị trường định hướng XHCN, và thời kỳ phát triển hỗn tạp này họ cũng bịa ra một từ gắn vào, đó là “thời kỳ quá độ tiến lên CNXH”.

Mãi 21 năm sau, năm 2013 ông Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu rằng “Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”. Điều này chứng tỏ bản thân ông ta cũng chẳng định lượng được giai đoạn “quá độ” sẽ kéo dài trong bao lâu. Và cho đến hôm nay, sau 7 năm đảng này cũng chẳng biết giai đoạn này kéo dài trong bao lâu. Chính vì vậy mà ngày 10 tháng 6, Hội đồng Lý luận Trung ương mới họp bàn về vấn đề việc xác định thời kỳ độ lên chủ nghĩa xã hội bao lâu?! Một việc làm xàm xí bàn hình dáng của những thứ vô hình.

Như vậy từ năm 1917 đến nay là ngót 103 năm, về lý thuyết chúng ta cũng thấy nó phản khoa học một cách cơ bản, về thực tế thì nó đã cho thấy sự bế tắc dẫn đến sụp đổ, hoặc bế tắc buộc phải thay hình đổi dạng mới tồn tại. Và đến đây tôi tin ĐCS đã nhận ra sự xàm xí của mớ lý thuyết tào lao đó, thế nhưng vì quyền lợi đảng, ĐCS vẫn tiếp tục cho diễn kịch ru ngủ dân để đảng thủ lợi. Nhóm được phân công diễn vở kịch này trước dân đó chính là Hội Đồng Lý Luận Trung Ương.

Thực tế Hội Đồng Lý Luận Trung Ương là một nhóm vô công rỗi nghề suốt ngày ăn tiền ngân sách họp bàn chuyện vớ vẩn. Cái hội đồng này tốn hàng vài ba chục năm họp tới họp lui, hội thảo này hội thảo nọ nhưng không định nghĩa nổi “kinh tế thị trường định hướng XHCN” là gì?! Cũng nhóm này tốn gần 30 năm mà cũng không xác định nổi “thời kỳ quá độ” tiến lên XHCN là bao lâu. Hội đồng lý luận này là một đám thầy bói xem voi được ĐCS đựng lên để mô tả XHCN nhưng cuối cùng, bọn họ chỉ cho ra đủ thứ kết luận mà kết luận nào trũng trật lất. Chỉ tội dân Việt Nam, ăn bánh vẽ hoài mà không biết phản đối để hết thế hệ này đến thế hệ khác đóng thuế vỗ béo đảng mà thôi.

Chụp màn hình báo Thanh Niên

Tham khảo:

https://thanhnien.vn/thoi-su/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-phat-bieu-tai-to-ve-du-thao-sua-doi-hien-phap-1992-469414.html

https://thanhnien.vn/thoi-su/qua-do-len-chu-nghia-xa-hoi-bao-lau-co-may-chang-duong-can-tiep-tuc-lam–ro-1235976.html