Thế giới đang oằn mình gánh chịu những tổn thất quá nặng nề, đầy đau xót trong cơn đại dịch, không kém gì những kinh hoàng, tang thương của lớp người Việt tìm tự do trong tháng Tư, 45 năm trước.

Nhóm cắt vải. Ảnh tác giả cung cấp

 

Dù thời gian đã đi qua, những chàng trai, những thiếu nữ đôi mươi của  tháng Tư, ngày mệnh nước đen tối, nay đã khập khễnh bước vào tuổi cổ lai hy, thế mà nỗi đau vẫn còn hằn sâu trong lòng mỗi người. Họ đã trở thành những người cha, người mẹ, ông bà của các đứa trẻ trong dạ mẹ tháng Tư năm nào và nay đã thành người trung niên. Dù không quên hận mất nước, nhưng họ đã góp những giọt mồ hôi, trí óc, để xây dựng cuộc sống mới trên quê hương thứ hai, cũng như đóng góp tài năng cho sự thịnh vượng và sức mạnh cho đất nước Hoa Kỳ với nghĩa vụ một công dân của xứ sở đầy lòng nhân ái.

Khi đất nước lâm nguy trong cơn dịch Covid-19, không ít kẻ đầu cơ trục lợi, không ít người lo tích trữ riêng tư, không ít người buông xuôi, oán trách… Nhưng cũng có biết bao người người đã âm thầm mở lòng, góp bàn tay để giúp đỡ, xoa dịu nỗi âu lo, sợ hãi, đau buồn của những con người bất hạnh hay giúp ngăn ngừa những tổn thất vì sự lan tràn virus. Người viết không nói đến những người lãnh đạo, đội ngũ y khoa tận tụy hy sinh, những quân nhân, cảnh sát, lực lượng cứu hỏa… Họ là những chiến sĩ xông pha trên chiến trường chống dịch bệnh vì tha nhân, có thể trả giá bằng chính mạng sống mình. Người viết muốn nói đến những người Mỹ gốc Việt tử tế, đang âm thầm góp công, góp sức trong công việc đối phó với trận chiến đại dịch ác nghiệt nầy.

Tôi gọi HỌ là “Những tấm lòng tháng TƯ trong đại dịch”.

HỌ là ai? HỌ đã hành động ra sao?

Cộng đồng Người Việt Quốc Gia Dallas:

“Họ” là những người trẻ, đã vận động sự đóng góp của nhiều người và cơ sở thương mại trong vùng, để bày tỏ sự ủng hộ và lòng cám ơn đến những cơ quan y tế và công quyền, theo báo cáo của Cộng Ðồng Người Việt Dallas qua email:

“Tính đến hết ngày 21 tháng 4, chúng tôi đã gửi tặng cho bệnh viện, sở cứu hoả và cảnh sát trên 1200 phần ăn và đang chuẩn bị thêm gần 400 phần nữa. Chúng tôi cũng gửi tặng thêm 400 face shields và trên 1000 khẩu trang bằng vải do đồng hương may tặng. Chúng tôi đang đặt mua thêm 600 face shields. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tặng 300 khẩu trang vải cho những người vô gia cư ở Dallas qua SoupMobile Church. Họ đang cần thêm rất nhiều khẩu trang cho homeless..”

Thanh niên mang thức ăn, khẩu trang và vật dụng cho người vô gia cư Dallas ngày 21 và 28 tháng 4/2020. Ảnh do tác giả cung cấp

Nhóm thanh niên thuộc giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp:

Với sự điều động của cô Bùi Thiên Tuyền và sự hợp tác, trợ giúp của nhà thuốc Mậu Phước Ðường, lò nước mát Hương Việt, nhà hàng Cindy’s Deli và Hội quán giáo xứ, “Họ” đã hăng say trong công tác thiện nguyện đầy ý nghĩa. Cô Bùi Tuyền cho biết:

“Thứ ba vừa rồi chúng tôi đã đưa đồ ăn đến “Our Calling Homeless Center”. Thành phố Dallas có khoảng hơn 10,000 vô gia cư. “OurCalling” phục vụ khoảng 400 người vô gia cư. Vì dịch “Covid 19”, nên nhiều ‘homeless shelter” đóng cửa và “OurCalling” là một trong số ít nơi thành phố Dallas nhờ giúp đỡ người homeless. Mỗi ngày, họ cần khoảng 800 phần ăn cho 400 người vào lúc 12PM. Họ cung cấp hai bữa ăn nóng và một số đồ cá nhân cho người homeless. Vì nhiều nơi đóng cửa và vì đồ ăn ít hơn bình thường, nên nhiều nơi đang không đủ phần ăn cho homeless và họ đang cần nhiều sự giúp đỡ.”

“Họ” đã nấu thức ăn phục vụ cho người vô gia cư tại Dallas vào hai ngày thứ Ba trong tháng Tư vừa qua và trao tặng 2,000 khẩu trang cho người vô gia cư hôm 28 tháng 4.

Những nhóm may khẩu trang:

Như chúng ta đã biết, tình trạng khan hiếm khẩu trang vô cùng trầm trọng khi cơn đại dịch bùng phát khắp nơi, nhất là từ đầu tháng 3 tại New York, Washington, California… Một số người đã tự động may khẩu trang và mong muốn trao tặng cho những người đang cần. Hội “VietNam Charity” bắt tay vào công việc bác ái này và trong đó, cô Kiều Trần là một thành viên của Hội đã năng nổ mời gọi và kết hợp được nhiều nhóm lại để thực hiện kế hoạch khá quy mô nầy.

Chúng tôi được biết, có rất nhiều thành viên thuộc các hội đoàn trong Giáo xứ ÐMHCG, đủ lứa tuổi, như Hội Ðạo Binh Ðức Mẹ, Ca Ðoàn, Nhóm Cursillo, Hội quán, Ðòan Thanh niên, nhóm Dọn dẹp Hội Trường… và một số gia đình Phật giáo, một số người Lào cũng tích cực cộng tác trong việc may khẩu trang. Công việc đòi hỏi công sức, sự kiên nhẫn, nhanh nhẹn và thời giờ. Nhờ mọi người đều ý thức thi hành lệnh “ở tại nhà” nên cả ông, cả cháu, cũng sốt sắng tiếp tay trong các phần nhỏ nhặt, nhờ thế một số bà may giỏi, đã có thể cho ra hằng trăm khẩu trang mỗi ngày.

Nhóm may khẩu trang. Ảnh do tác giả cung cấp.

Qua cuộc tiếp xúc, khi chúng tôi tìm hiểu công việc ý nghĩa mà các nhóm đã và đang thực hiện, cô Kiều Trần cho biết:

“Chúng em gồm có 7 nhóm, Nhóm chị Hương (Allen), Nhóm chị Thúy (Richardson), Nhóm chị Trang (Thanh Niên, Garland), Nhóm chị Thảo (Richardson), Nhóm Kiều Trần (Plano), Nhóm chị Hà và Kiều (Chùa Liên Hoa- Irving), Nhóm Sơ Châu (Dòng Ða Minh- Garland). Ngoài ra, còn có Nhóm anh Giang (Khát Vọng Sống), một số anh chị em Chùa Liên Hoa và Nhóm người Lào.

Chúng em xin được 70 cây vải, mỗi cây vải may được từ 900 đến 1,000 khẩu trang size nhỏ và size trung bình, nhưng với size lớn thì chỉ được 750 khẩu trang. Ngoài ra, các bác và các anh chị em, đã tặng rất nhiều vải và bệnh viện cũng có cho một số áo thun mới. Tính đến nay Hội đã cung cấp hơn 100,000 khẩu trang cho các tiểu bang: New York (16,000 khẩu trang), Califonia, Pennysylvania, New Orleans, NewJersey và Texas.

Ðồng thời, chúng em cũng tặng khẩu trang cho các nơi khác như: Police department, Hospitals, Nursing homes, Food Bank, Orphanage center, Homeless Shelters and the poor.

Ðể hoàn thành công việc này, chúng em nhận được sự trợ giúp của:

– Fortess Solution (Plano – chi trả cước phí chuyển hàng)

– Eco Dry Clean Tailor (Mc Kinney)

– B&K Interior Fabric (Addison)

– Linh Mục Nguyễn Tất Hải / GXÐMHCG ($1,500.00)

– Linh mục Nguyễn Ngọc Minh / Nhà thờ Thánh Phêrô (Vải)

– Anh chị Trí Yến ($300.00)

– Ẩn danh ($1,000.00)

Vì nhu cầu còn rất nhiều, chúng em đã dùng số tiền ủng hộ mua thêm vải từ California nữa.”

Cuộc đời nầy luôn tươi đẹp và phong phú, dù đã trải qua bao biến cố đau thương, vì ở đâu cũng có những tấm lòng, những con người biết xoa dịu khoảnh khắc khổ đau của chính mình hay người khác bằng tình người. Ðiều đó đã được thể hiện tại vùng Dallas, TX,  bởi những thế hệ có mặt trên đất nước nầy từ một biến cố tháng Tư…và người viết xin gọi Họ là “Những Tấm Lòng Tháng TƯ trong Ðại Dịch”.

Gửi tặng khẩu trang. Ảnh do tác giả cung cấp

ĐHS

Dallas