Bài: TRÂN PHƯƠNG
Ảnh: PHƯỚC LÊ/CẨM TÚ
Bài 1: DU XUÂN NGÀY THỨ BẢY
Như thông lệ hàng năm đến hẹn lại lên, tôi tham dự Hội Tết Về Nguồn Với chủ đề “Tiếng Nước Tôi” của Giáo xứ Thánh Philípphê Phan Văn Minh tổ chức tại Central Fairground, Orlando. Từ ngoài đường nhìn vào, cách dàn dựng đã cho thấy cả một trời Việt Nam thương yêu. Cổng vào kết thành mái cong bằng nhiều thanh tre tiếp nối nhau, tạo dáng vẻ thanh cảnh nhưng ngầm chứa một sự bền bỉ, chắc chắn khiến tôi liên tưởng đến lũy tre làng của quê hương đã xa ngàn dặm. Treo bên dưới mái cổng Tre là mặt Trống Đồng, một biểu tượng của dân Giao Chỉ, tổ tiên người Việt chúng ta. Có lẽ đây là trống đồng Ngọc Lũ vì ngôi sao giữa mặt trống có 14 cánh (trống Đồng Đông Sơn có hình sao 12 cánh). Bước thêm vào trong là một Trống Đồng khác, đặt nằm trên bục, kê sát mặt đất, trang trí bằng họa tiết hình học và hoa văn tương tự. Chính xác và thích hợp với cái tên Hội Tết Về Nguồn – Tiếng Nước Tôi, mà ban tổ chức đặt làm chủ đề cho hội chợ Tết năm nay. Phần trang trí hội trường bên trong vẫn giống như mọi năm. Từ cửa chính vào là sân khấu, hai cánh bên phải, trái vẫn là những gian hàng ăn uống.
Hội Tết khai mạc lúc 11 giờ sáng như trong thư mời trước đó. Tiếp đến là những nghi thức chào cờ, mặc niệm… Đoàn Múa Lân đã hướng dẫn quan khách ra ngoài sân để tham dự tiết mục múa Lân, đốt pháo khai mạc. Sau đó trở vào hội trường tham dự những nghi lễ kế tiếp và chương trình văn nghệ. Với tôi, đặc biệt nhất là màn múa quạt tuyệt đẹp của 8 em Thiếu Nhi Thánh Thể. Các em xinh tươi, rực rỡ, nhịp nhàng bay lượn như những cánh bướm trong vườn Xuân. Tôi quyết định gặp gỡ các em đằng sau hậu trường để biết tên, tuổi. Đó là Mary Nguyễn (13 tuổi), Van Nguyễn (14), Sara Nguyễn (15), Sophia Lê (15), Bianca Phạm (14), Kim Nguyễn (14), Cece Lê (14), Christina Trần (15). Để hoàn tất màn vũ này các em đã phải tập dợt liên tục mỗi tuần từ sau Giáng sinh dưới sự chỉ dẫn của hai trưởng Mina và Lina. Và kết quả là những tràng pháo tay vang dội thay lời khen thưởng. Thật không uổng công.
Gặp chủ nhiệm báo Trẻ tôi cắc cớ phỏng vấn cảm nghĩ của “ông” về niềm vui có mặt hôm nay, được nghe “ông” tâm tình: “Từ lâu rồi, có lẽ ai cũng mong đến ngày tổ chức Tết Về Nguồn, mà tên tuổi của chương trình nay đã thành ‘thương hiệu’ đối với đồng hương Việt Nam tại Orlando và các vùng phụ cận. Ngoài niềm vui tìm lại cái không khí Tết cổ truyền trên quê hương thứ hai, mỗi lần đến đây, tôi thấy như được trở về căn nhà quen thuộc của mình. Điều làm tôi vui và cảm động nhất là sáng nay khi đến chào, chúc Tết linh mục chánh xứ Nguyễn Thanh Châu, ông bắt tay chúc lành và ân cần sửa lại cổ áo sơ mi của tôi bị kẹt đằng sau chiếc áo khoác; thầy thượng tọa chùa Pháp Vũ thì vừa nắm tay tôi vừa hóm hỉnh: Nhật Trí chào Nhật Tình nhé! Trong niềm vui chung của những người con xa xứ mỗi độ Xuân về, khoảng cách giữa đạo và đời đã xích lại gần nhau hơn, ấm áp và thân tình. Tôi cảm nhận được những điều này xuất phát từ những trái tim chân thành và tấm lòng rộng mở của các vị lãnh đạo tinh thần tại đây, không phải chỉ có ngày hôm nay.”
***
Thưởng thức món ăn tinh thần xong, tôi đi một vòng các gian hàng thực phẩm để chọn lựa. Món ăn nào nhìn cũng hấp dẫn. Tô bún bò đỏ au nước ớt sẽ ấm lòng mình trong tiết trời đang lạnh chăng? Hay tô hủ tíu với con tôm nằm khoanh tròn bên cạnh vài lát thịt xá xíu cùng trái trứng cút? Con mắt to hơn cái bụng. Rốt cuộc tôi chọn tô mì Quảng với những sợi mì vàng lườm cũng có tôm, thịt, rau, giá và cả bánh tráng bẻ nhỏ cùng đậu phụng rắc trên mặt. Miệng ăn mà cặp mắt ngắm nghía tô bún riêu của người bạn bên cạnh. Rõ là dân có “tâm hồn ăn uống” cao độ. Có năng lượng rồi, tôi đảo qua những món nhậu. Nào là hột vịt lộn nóng hổi trên lò hấp, đậu phụng luộc… không biết tính sao. Tôi đưa chị Tỉnh 100 đô la nhờ chị lấy thêm các thứ: bê thui, gỏi, thịt nướng, nem nướng, chả giò… sao cho đủ tiền là được. Chủ quán rất dễ thương, tặng cho chúng tôi mớ chén giấy. Tha hồ nhậu với 8 ly… nước mía. Tráng miệng có bánh tiêu, bánh gai. Thế là bàn chúng tôi ăn Tết tại chỗ rất huy hoàng. Vừa ăn, nhậu, vừa nghe ca sĩ hát. Có sức khỏe, có người thân, có bạn bè. Cuộc đời ôi còn gì đẹp hơn. Tạ ơn Trời!
Trời về chiều, đã định đi chợ mua thịt, rau chuẩn bị đưa ông Táo về Trời để khỏi nổi lửa trong 3 ngày Tết thì người bạn rủ ở lại xem chương trình văn nghệ buổi tối. Một dàn ca sĩ lừng danh cùng những màn ca, vũ, nhạc, kịch đã khiến tôi đồng ý. Mua vé ngồi bàn thì không còn. Đành mua vé đồng hạng. Trước mua vui, sau làm nghĩa. Chương trình bắt đầu lúc 7:30 tối và chấm dứt lúc 12:30 khuya. Trời càng lúc càng lạnh vì những cơn gió mạnh làm những người đứng xếp hàng chờ phải than thở. Quá 6:30 những người soát vé mới mở cửa cho vào. Vé đồng hạng không có phục vụ ăn uống nhưng vẫn có nước trái cây pha, rượu nho, cheese, cracker, ham để ở chiếc bàn dài cho mình tự lấy. Tốt quá rồi.
Điều làm tôi ngại ngùng nhất là khi phải đi vệ sinh. Hai lối đi ra ở hai bên nhưng khi trở vào lại không được. Phải vào bằng một cửa duy nhất. Nghĩa là phải ra hẳn ngoài trời lạnh rồi trở vô bằng cửa chính dù mình đã được đóng dấu trên tay. Người giữ cửa cho biết vì lý do an ninh. Gật đầu đồng ý, mặc dù thật tình mà nói là tôi vẫn… không hiểu.
Mới thưởng thức được phần trình diễn của 3 ca sĩ: Như Ý, Trường Vũ và Thanh Tuyền thì đã 9:30 tối. “Ra đi khi trời vừa sáng”, chính xác là lúc 10:30. Muốn ở lại vì Nguyễn Hồng Nhung, Hương Lan và Trần Thái Hoà chưa xuất hiện, nhưng tôi mệt mỏi vì một ngày dài. Lực bất tòng tâm. Tôi ra về mà lòng vẫn vui.
Đã bảo là trước mua vui, sau làm nghĩa là vậy!
TP