Trở lại Huế một chiều tháng 4/2023, tôi đi bộ dọc bên đường Nguyễn Công Trứ, Lê Lợi xuôi xuống Đập Đá thấy khá đông các bác đạp xích lô. Người mặc áo xanh, kẻ mặc áo đen, kẻ khoác áo mỏng… Nhưng chỉ Áo xanh lam có gắn huy hiệu công đoàn của Nghiệp đoàn Xích lô du lịch Huế, tên đơn vị công ty, khách sạn phía trước hoặc sau lưng áo cả trên xe…

Đoàn xe xích lô đưa khách Thái Lan vào thăm Đại nội    

Thu nhập bấp bênh

Thành phố Huế có hơn 2,000 xe xích lô hoạt động, có 6 nghiệp đoàn xích lô, xe thồ… Trong đó khoảng gần 300 chủ xe tham gia nghiệp đoàn. Nhiều bác tài xích lô quá trẻ, mặc quần lửng, áo thun…Người đầu trần, kẻ đội mũ bê-rê, mũ phớt …tham gia hoạt động…độc lập, tự do. Giống như cuối tuần xách xe chạy tà tà kiếm ít tiền uống cà phê, ăn sáng! Một anh tuổi chưa tới bốn mươi, đi bộ đẩy xe rà theo, mời chào. Anh ta giới thiệu với tôi về thời gian tour từ nửa giờ đến một tiếng rưỡi, chở đi viếng cảnh trọn gói. Sẽ chở đến nào là làng nghề, phố cổ, đến bờ Bắc Cố đô, Cửa Ngăn, Cửa Quảng Ðức… đến chợ đêm… Khách sẽ được giới thiệu các điểm ăn chè 20 món, ăn bánh bèo, bánh bột lọc Bà Ð… Thời gian chờ xe không tính tiền. Trước khi có dịch bệnh giá 150 nghìn đồng/tour nay còn 130 nghìn đồng/tour cả đi và về. Khách còn được giới thiệu chi tiết về các điểm đến…Tôi phải viện nhiều lý do mới “cắt đuôi” được anh ta.

Khách du lịch trên xích lô dạo phố Huế

Theo tìm hiểu của mình, tôi biết giá xe xích lô tự do cao hơn so với giá của nghiệp đoàn ấn định và còn phụ thuộc vào việc… “may nhờ rủi chịu”. Anh đạp xe tên T.Q.D. (sinh năm 1983), nhà ở Vỹ Dạ, có vợ với 2 con. Vợ là công nhân may nay thất nghiệp. Anh kể: “Chạy xe như câu cá vậy chú ơi! Lúc được lúc không. Lúc mời khô cả cuống họng nhưng có lúc duyên tới thì một lúc đến 2 khách kêu, chẳng biết chọn ai! Có khách leo ngay lên xe không hề trả giá!”. D cho biết thu nhập của mình trước kia, 400 đến 500 nghìn đồng/ngày, nay tuy “mở cửa” nhưng cũng chỉ còn 150 đến 200 nghìn đồng/ngày! Anh ta mời tôi đi một vòng thành phố ủng hộ, giá phải chăng. Thấy tôi chần chừ, anh ta nhắc khéo đừng có… ham rẻ. Cái chi cũng có cái giá của nó hết. Ðiều này ai cũng biết. Rẻ tiền thì phục vụ không ra chi. 50 nghìn đồng/tour, 100 nghìn đồng/tour cũng có nhưng không vui vì chỉ ngồi xe tự ngắm cảnh mà không nghe được người chở hướng dẫn, thuyết minh…và nếu có chọn xe thì chọn xe có “tên tuổi” viết ở trước, đằng sau xe. Nhưng trả một tour đến cả triệu bạc vẫn “dính chấu” mới đau! Anh tài xích lô tên N.Q.H., (sinh năm 1973), ở đường Ðống Ða, vui miệng kể:  “Ðã từng có xích lô chơi không đẹp. Tui không nói xấu mà nói thật! Ðó là trường hợp một ông khách người trong Nam bị xích lô xấu lừa. Hắn ta chở ổng đi nửa chặng đường rồi dừng lại, nói là xe hư không đạp tiếp được nữa. Khách phải bấm bụng đón taxi về lại khách sạn. Mất cả triệu bạc!”.

Xích lô nghiệp đoàn lẫn với xích lô tự do

Buồn vì dịch bệnh đến thiên tai

Xem thêm:   Đà Lạt & phượng tím

Dịch COVID-19 bùng phát thêm bão lụt liên miên, người đạp xích lô Huế… chỉ còn buồn với rầu. Khách đã lưa thưa, bước ra khỏi khách sạn đã có nhiều xe mời chào. Chỗ thì 1 đến 2 xe, chỗ cả nhóm 7 đến 10 xe… nằm chờ trên lề đường. Người đạp xe tụ lại chuyện trò giết thời gian trong khi chờ đợi khách. Ông L.V.Ph., (sinh năm 1963), nhà ở Chi Lăng, phường Phú Cát, có 25 năm đạp xích lô, chia sẻ: “Trước đây, chạy ngày 500 nghìn đồng là thường. Chừ 100 nghìn chưa chắc có. Khách Tây đã vắng, khách Ta cũng không nhiều. Dịch bệnh rồi bão lụt miết chịu răng thấu!”. Hỏi sao không vào tổ chức nghiệp đoàn, tổ nhóm, ông Ph. nói mình thích tự do hơn lại không tốn tiền bến bãi, phiên chuyến. Muốn chạy khi mô thì chạy. Số bác tài lớn tuổi trên bảy mươi, như ông Ph. được biết, thì không còn nhiều, chỉ độ vài ba chục người. Già yếu nhường lại xe cho con cháu chạy. Nghề ni cũng… cha truyền con nối!

Có mấy ông già nhớ nghề thỉnh thoảng đạp ngày một, hai cuốc gọi là cho dãn gân cốt. “Chạy xe cho đỡ buồn lại kiếm ít đồng với tránh được mấy độ nhậu bạn bè gầy ra, hú tới. Chừ nắng ráo ri đây chớ mưa xuống là chịu sầu!”.

Thời điểm có Festival hay mùa thi đại học thì xích lô có thu nhập bộn, chạy không kịp luôn. Nhưng trường hợp của mình, anh T.V.H. cười như mếu: “Sáng tới chừ tôi được có 30 nghìn. Nghe ông khách nói trong Sài Gòn ra đi làm từ thiện. Tôi chỉ lấy 30 nghìn thay vì 40 nghìn. Ðạp hơn 5 cây số luôn đó anh!”. Tôi khích lệ anh H, xem như anh đóng góp cùng giúp đỡ bà con nghèo khó 10 nghìn đồng cũng được. Anh dạ rồi cười rất tươi.

Đoàn xe xích lô đưa khách Hàn Quốc dạo phố

Xích lô điện

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Nhiều khách du lịch thích ngồi xích lô chở vòng quanh các phố. Khách lẻ đến khách đoàn tới Huế là dịp người đạp xích lô có thu nhập, bù cho thời gian dịch cúm Tàu hành hạ đến xất bất xang bang, chỉ biết nằm nhà ngó ra. Ông Ð.V.L. (sinh năm 1958), ở Vỹ Dạ thổ lộ: “Vừa sơn sửa lại chiếc xe cho đàng hoàng, sạch sẽ để chở khách. Khách người nước ngoài rất thích ngồi xích lô đi vòng vòng”. Ðang đậu xe chờ khách, ông H. (sinh năm 1969) kể mình là đoàn viên Nghiệp đoàn Xích lô du lịch. Hiện nay tình trạng người đạp xe xích lô cạnh tranh nhau ghê lắm. Họ lấy thương hiệu của nghiệp đoàn qua màu áo để chào mời khách với giá không theo niêm yết, tức là phá giá. Có người đưa khách vào các quầy hàng, quán ăn rồi “gài” khách, lấy hoa hồng. Tuy nhiên, để có chuyến du ngoạn Huế bằng xích lô cũng chú ý chọn xe có…thương hiệu như tên công ty, khách sạn, nghiệp đoàn…được nhận diện qua áo có gắn logo, số điện thoại.

Hiện nay có một số người chạy xe tự do hoặc chạy xe cho khách sạn, công ty còn gắn động cơ cho xe nữa. Họ trang trí xe thật đẹp, gắn bình điện dưới chỗ khách ngồi…để tiết kiệm sức lao động! Chỉ cần từ 5 đến 7 triệu đồng, xích lô đạp sẽ…lên đời thành xích lô điện. Nếu ngồi trên xích lô điện, khách không còn thong thả cảm nhận nét đẹp, yên bình hoặc dùng điện thoại, máy ảnh ghi lại những hình ảnh của Huế trên đường đi qua! Xe cứ chạy bon bon. Có khách sợ tái mét, phát run. Xe có thể chạy 40 km/giờ, nếu phải cua gấp hoặc hãm phanh không kịp là lật nhào! Thành phố Huế hiện có hơn 160 xe xích lô điện như vậy đang hoạt động.

Tay cầm xích lô điện có khác tay cầm xích lô đạp

Bài & ảnh LKD