Tôi đến Huế khá nhiều lần trong đời nhưng mãi đến tháng 9.2024 mới ghé thăm di tích Cầu ngói Thanh Toàn, một nơi – nói là không nổi tiếng thì không đúng nhưng với thời gian eo hẹp, du khách sẽ ưu tiên cho những di tích lịch sử nổi tiếng như hoàng cung, lăng tẩm, chùa… Và Cầu ngói Thanh Toàn rất dễ bỏ sót hay không nằm trong danh mục những nơi phải đến ở Huế.

Cầu ngói Thanh Toàn
Hôm chúng tôi đến, Cầu ngói Thanh Toàn được trùng tu xong sau một năm “hạ giải” nên cây cầu có diện mạo mới, xung quanh có công viên rộng, sạch sẽ.
Chúng tôi đã có buổi trưa thật tuyệt khi nghe một chị bán nước hò Huế, đọc thơ kể những câu chuyện… quanh chiếc cầu có kiến trúc độc đáo, quang cảnh hữu tình mang nét thôn quê bình dị này.
Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 8km, thuộc làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, Cầu ngói Thanh Toàn được xếp vào loại hiếm và có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các cây cầu cổ ở Việt Nam có kiến trúc tương tự như: Chùa Cầu (Hội An), cầu ngói ở xã Hải Anh (Hải Hậu, Nam Định), cầu ngói Phát Diệm (Kim Sơn, Ninh Bình), hai cây cầu ngói ở Chùa Thầy (Hà Nội).
Với kiến trúc “thượng gia hạ kiều” (trên nhà, dưới cầu), vừa có tác dụng là cầu bắc qua một cái hói (mương), vừa là nơi nghỉ ngơi cho khách bộ hành. Nguyên thủy cầu dài 43 thước mộc (18.75m), rộng 14 thước mộc (5.82m), chia làm 7 gian, hai bên thân cầu có 2 dãy bục gỗ và lan can để ngồi tựa lưng. Trên cầu có mái che, lợp ngói lưu ly(1). Qua các lần tu sửa, kích thước thu hẹp chiều dài còn 16.85m và rộng là 4.63m.
Dễ dàng thấy được cây cầu từ xa soi bóng xuống dòng nước trông khá nên thơ. Cây cầu bắc qua con mương nhỏ dẫn ra dòng sông Như Ý, một vùng thôn quê sông nước thơ mộng, hữu tình khi thỉnh thoảng có chiếc ghe chạy qua, một bóng áo bà ba, chiếc nón lá lướt nhanh… Ngồi ở hai băng ghế gỗ trên cầu ngắm nhìn dòng nước lững lờ trôi cảm nhận được sự bình yên, thư thái. Có mấy chàng trai trẻ nằm dài trên băng ghế và nhắm mắt, như đây một nơi dừng chân khá thoải mái trên đường du lịch. Vài người bán hàng trong khu công viên cũng ngồi nghỉ trưa trên cầu, phe phẩy nón lá chuyện trò… càng tô điểm đậm nét cho vẻ đẹp bình dị, mộc mạc này. Quả thật không ngoa khi nói rằng, không gian thanh bình tại đây cho du khách những giờ phút nghỉ ngơi và tận hưởng sự nhẹ nhàng trong tâm hồn… Chỉ cần một chút kỹ năng chụp hình bạn sẽ bắt được cái hồn của cảnh vật và có những bức hình đẹp.
Một người phụ nữ tuổi khoảng hơn 60 tiến đến và mời chúng tôi ghé vào quán uống nước. Thật là một cái duyên hiếm hoi khi ngồi nhâm nhi trái dừa, chúng tôi được nghe chị hò Huế mà bây giờ tôi không tài nào nhớ được câu chuyện dẫn thế nào để chúng tôi có được buổi trưa tuyệt vời hôm ấy với những câu hò quá hay.

Bên trong Cầu ngói Thanh Toàn
Chị giới thiệu về Cầu ngói Thanh Toàn với bài thơ chị làm:
“Ai về Cầu ngói Thanh Toàn
Ghé vô uống nước luận bàn một đôi câu
Câu thương câu nhớ câu đợi câu chờ
Thanh Toàn gió mát hững hờ chi chị ơi…
…
Lâu ngày mới gặp được nhau
Ngàn năm đứng đó với màu thời gian
Quê em Cầu ngói Thanh Toàn
Cỏ cây hoa lá rộn ràng tiếng chưn
Đường xa bước đến vui mừng
Ngồi cầu gió mát bâng khuâng chạnh lòng
Xa nhau cả đời người mong
Hôm nay gặp lại thỏa lòng ước mơ
Như Ý nước chảy lờ đờ
Chiếc cầu bảy nhịp nối bờ bắc ngang
Nghe câu giã gạo vang vang
Mái nhì mái đẩy rộn ràng quê em
Trăng thanh gió mát êm đềm
Lời ru của mẹ bao đêm nũng vòi (2)

Bàn thờ bên trong Cầu ngói Thanh Toàn
Không cần nhiều lời giới thiệu mà coi như đã giới thiệu hết.
Một bài hò nói về lịch sử và mô tả cảnh vật chung quanh:
Khoan khoan mời bạn khoan vị hò ờ hò khoan
Ờ hơ hớ hơ hơ… ơ ơ…
Ai ra xứ Huế ‘tham quan’
Nhớ về Cầu ngói Thanh Toàn quê em
Hoa vàng trải xuống bên thềm
Chiếc cầu gió mát gọi tên thuở nào
Cầu gỗ mới đẹp làm sao
Bao năm cách trở bà Đạo (3) dựng xây
Trông sau (này) con cháu ngày ngày
Giữ gìn quang cảnh cho lòng này hân hoan
Xây thêm lưu niệm bảo tàng (4)
Bên dòng Như Ý mơ màng nên thơ
Trăng treo khóm trúc lững lờ
Ai về Cầu ngói như mơ đêm dài
Hụi bơ hò hụi là bơ hò hụi
Hết hụi chớ hò khoan là hù là khoan
Đi mô cho thiếp đi cùng
Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam
Là hù là khoan
Khoan ớ khoan là hò khoan
Là hù là khoan…
Khi tôi hỏi tên chị thì có ngay câu đố bằng thơ:
“Mấy lâu chị mới về đây
Tên tôi chưa biết giới thiệu ngay cho rồi
Báo đăng là biết tên tôi
Con cá sống giữa phá ăn rồi là ngủ ngon”.

Du khách
May sao khi ấy tôi chợt “thông minh đột xuất” sau một phút suy nghĩ: “Con cá sống giữa phá ăn rồi là ngủ ngon” là con cá Kình. Chúng tôi và chị cùng cười ào vui vẻ.
Sau đó chị hò:
“Ớ… ớ.. hớ hơ…
Ai Đập Đá thẳng ngã Bao Vinh
Ai về Cầu ngói cho tôi nhắn người bạn tên là Nguyễn Thị Kim Kình
Bởi vì mưu sinh cuộc sống
Nên tôi rời đất Thần Kinh
Đêm canh khuya tửu sầu nhớ bạn
Ngày thời sáu khắc bạn có nhớ mình
Hay không?
Ớ… ơ.. hớ hơ…
Em ơi canh bạc canh khuya đêm trường thanh vắng
Chương phượng rạt rào. Lòng những rứt ray
Sương khuya thấm ướt vai gầy
Áo anh đây em choàng đỡ mai ngày
Toan tính toan…
Hò ơ ớ ơ… Ơ ờ u u u u u

Dòng sông Như Ý
Tiếng hò giữa trưa cao vút, trong tiếng gió nghe thật não ruột!
Một bài hò khác (lần này là kiểu hò đối đáp, người nam hát người nữ đáp lại):
“- Khoan khoan mời bạn khoan ví hò khoan
Ề hơ hớ hơ… hơ
Hỡi anh Sơn ơi chớ rủi chi em thật đà quá tuổi
Em lên trên rừng đốn củi gặp chỗ họ đốn rồi
Xuống dưới sông gánh nước thì gặp chỗ cát bồi lấp sông
Ai ra đi hò khoan giã gạo cũng có vợ rồi lại thành chồng
Còn riêng em chắp nối rồi cũng lẻ bạn
Riêng em chắp nối lẻ bạn không biết kết nghĩa mặn nồng với ai đây
– Kình ơi em có chồng rồi phải cho anh biết
Anh đây có vợ rồi phải nói thiệt em hay
Một mai tê đường xa xuôi lầm lội
Để tội rày cho ai mang?
Mắt chị long lanh kể về ngày xưa sau câu hò của chị là “tiếng trống chầu đánh ui cha là đánh…”. Bây giờ mỗi khi có lễ hội, chị vẫn được mời đi hò, sáng tác vè, thơ… Người phụ nữ nét mặt đôn hậu kể rằng chồng mất đã 12 năm, chị có cháu nội ngoại 10 đứa rồi…

Tác giả bên Cầu ngói Thanh Toàn
ĐTTT
(1) Ngói lưu ly (ngói ống, ngói âm, ngói dương, ngói câu đầu, ngói trích thủy, ngói liệt.) là một loại ngói truyền thống Việt Nam được dùng cho các công trình kiến trúc ở Việt Nam và các nư?c?Trungớc Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc và một số nước tại Đông Á và Đông Nam Á.
(2) Lời thơ, câu hò được ghi lại qua ghi âm, có thể có những từ nghe chưa chính xác.
(3) Cầu xây vào năm 1776, do một người cháu gái thuộc thế hệ thứ sáu của họ Trần là bà Trần Thị Đạo đã cúng tiền cho làng xây dựng, để dân làng qua lại được thuận tiện và là nơi cho lữ khách cùng người tha phương tạm dừng chân lỡ bước. Người dân lập bàn thờ ngay trên cầu để thờ cúng bà.
(4) Bên cạnh cầu, từ năm 2015 có thêm Nhà trưng bày nông cụ Thanh Toàn, trong đó có các loại nông, ngư cụ truyền thống và những hình ảnh sinh hoạt thôn quê.