“Ở Panat, tác giả là cô nhân viên bưu điện xinh đẹp, duyên dáng với chiếc răng khểnh dễ thương…”. Tác giả mà Tỉnh Ninh, người viết lời bạt trong quyển  “Buồn Vui Đời Tỵ Nạn” nhắc đến, chính là Kim Loan, một cây bút đang “ăn khách” của Trẻ. Với lối văn giản dị, chân chất nhưng không kém phần dí dỏm qua cái nhìn tích cực, điểm chút hóm hỉnh đối với cuộc sống quanh “Nàng”, Kim Loan đã tạo cho mình một sắc thái riêng, rất được độc giả mến mộ.

Tại trại ty nạn Panatnikhom năm 1990 

Ngân Bình (NB):  Chào Kim Loan. Xin cho biết, chị rời VN năm nào ra đi theo diện bảo lãnh hay vượt biên?

KIM LOAN (KL): Dạ, tôi rời Việt Nam cuối năm 1989, vượt biên đến Thailand, ở đó 4 năm, qua các trại tỵ nạn Panatnikhom và Sikew.

NB: Thời gian chị đến, trại tỵ nạn đã đóng cửa chưa? Nếu đóng thì chị phải trải qua giai đoạn thanh lọc gay go. Làm sao chị có thể vượt qua được?

KL: Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc đã đóng cửa các trại tỵ nạn Ðông Nam Á từ ngày 14 tháng 3 năm 1989, nên tôi phải qua cuộc thanh lọc bởi nước tạm dung là Thailand. Cũng giống như tất cả những người khác trong trại, tôi phải tìm ra một “câu chuyện” để đi thanh lọc, thuyết phục người phỏng vấn tin vào lý do tại sao tôi bỏ nước ra đi. Tôi đậu thanh lọc là một may mắn diệu kỳ.

NB: Đọc hồi ký “Buồn Vui Đời Tỵ Nạn” của chị, thấy có chàng luật sư mời chị ở lại Thái Lan. Lúc ấy, trong trường hợp bắt buộc phải hồi hương về VN, chị có ý nghĩ sẽ ở TL không? Theo tôi nhận xét thì chàng LS vừa gặp chị đã bị tiếng sét ái tình giáng trúng, nên đã đặc biệt giúp đỡ chị, và câu nói “Tôi sẽ cho cô đậu thanh lọc” được xem như một lời tỏ tình, có đúng không? Cảm xúc của chị thế nào khi bất ngờ nhận được lời đề nghị ấy

KL: Các luật sư Bộ Nội Vụ Thái chỉ đến văn phòng ngoài cổng trại khi phỏng vấn thanh lọc, chúng tôi được đưa ra ngoài đó, phỏng vấn xong trở về trại, còn đoàn luật sư cuối ngày cũng về Bangkok, họ không được vào trại như những nhân viên thiện nguyện người ngoại quốc khác. Nên khi chàng luật sư, trong cuộc phỏng vấn, hỏi tôi rằng, “Nếu tôi nói yêu cô thì cô có muốn ở lại Thailand không”, tôi vẫn nghĩ anh ta đùa cợt, là kịch bản để thử lòng tôi. Sau 3 buổi phỏng vấn, câu trả lời của tôi vẫn là “Tôi không muốn ở Thailand, tôi muốn đi Mỹ”. Tôi trở về trại, chàng luật sư gọi tôi trở lại, nói sẽ cho tôi đậu thanh lọc, tôi bối rối ngỡ ngàng, chẳng biết nên tin hay không, anh ta vẫn đùa dai hay anh ta đang… mộng du? Một năm sau, nhận kết quả đậu thanh lọc, sau đó nhận lá thư của anh ấy, tôi mới tin rằng anh ấy bị …“tiếng sét ”. Chả lẽ, kiếp trước anh ấy nợ nần gì tôi, nên kiếp này chỉ mới gặp lần đầu đã phải “trả nợ tình xa”? Tôi tin mọi sự do Thiên Chúa quan phòng, như chuyện tôi muốn định cư bên Mỹ nhưng lại ở Canada. Chàng luật sư ân nhân người Thái, và những biến cố khác trong cuộc đời, tôi luôn đón nhận với tấm lòng Tạ Ơn.

(Hình trái) cùng với con gái (tháng 5/2018). (Hình phải) cùng chồng và con trai tại New Orleans (tháng 1/2020).

NB: Chị định cư tại Canada có gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống mới không?

Xem thêm:   Lễ hội hoa anh đào ở Macon

KL: Tôi định cư tại Canada khi bước vào tuổi 29. Sau khi xong khoá học English và lấy lại bằng High School theo tiêu chuẩn Canada, tôi lập gia đình và sanh con. Thời gian này, tôi muốn đi học, nhưng không tự tin khả năng Anh ngữ của mình có thể đứng trên bục giảng làm cô giáo tiểu học như ở VN, nên tôi học về Day Care.

Tôi qua đây khá muộn màng nhưng dễ dàng hơn nhiều, vì đã có cộng đồng người Việt giúp đỡ những đồng hương mới qua. Nếu có chút khó khăn là vấn đề ngôn ngữ, nhưng “lâu rồi đời mình cũng quen”.

NB: Sang Canada chị mới lập gia đình. Vậy, chàng là “mối tình tỵ nạn” của chị hay sang Canada mới gặp. Chị có thể tiết lộ chút tình sử này không?

KL: Chàng của tôi cũng là dân tỵ nạn nhưng nhanh chân đi sớm, từ năm 1977, khi mới 13 tuổi chàng đã đến trại Malaysia. Gia đình anh ấy qua Canada có nhà cho mướn, tôi đến đó thăm một người quen, thế là gặp chàng, rồi được ông tơ bà nguyệt “kết tóc se tơ”.

Kim Loan làm MC Hội Chợ Tết tại Edmonton 2016

NB: Qua quyển hồi ký, tôi nhận thấy chị là một thiếu nữ rất năng động, nhiệt tình tham gia các công việc thiện nguyện tại trại tỵ nạn, như làm nhân viên bưu điện, dạy Anh văn… Với tinh thần tích cực đó, sang Canada chị có tham gia các sinh hoạt nào nơi địa phương chị cư ngụ không? Nếu có thì anh nhà khi nào phàn nàn về việc chị “vác ngà voi” quá nhiều không?

KL: Tôi thích làm việc bao đồng từ bên trại, nên qua Canada “lỡ mê rồi, làm sao bỏ được người ơi!”. Tôi sinh hoạt bên Hội Người Việt, là thành viên Ban Quản Trị 3 nhiệm kỳ, dạy trường Việt Ngữ, làm MC. Qua Nhà Thờ, tôi sinh hoạt trong ca đoàn, từng giữ chức Ðoàn Trưởng Ca Ðoàn và Thư Ký Hội Ðồng Mục Vụ. Chồng tôi ư? Anh ấy không phàn nàn, vì anh biết, có phàn nàn thì tôi vẫn cứ… bao đồng, nên vui vẻ chấp nhận.

Xem thêm:   Cao tốc & thấp tốc?

NB: Chị đã cộng tác với Trẻ từ khi nào? Cơ duyên nào đưa chị đến với Trẻ trong khi chị sống ở Canada.

KL: Tôi có người nhà ở Arlington, Texas, nên qua đó chơi thường xuyên. Lần nào trở về Canada, tôi cũng mang theo một vài tờ Trẻ để… đỡ buồn ngủ trên máy bay, rồi về nhà để trong tủ sách, nhưng ít có thời gian đọc hết. Một buổi sáng đầu năm 2018, nhân lúc dọn dẹp nhà cửa, tôi phát hiện ra mấy tờ Trẻ nằm… bơ vơ trong góc tủ (mấy anh BBT Trẻ đọc đến đây đừng giận tôi nha). Tôi lấy Trẻ ra… phủi bụi, bên ngoài tuyết rơi lất phất, chẳng biết làm gì, tôi bèn đọc Trẻ, và tự trách mình sao nỡ bỏ dở dang một tờ báo có nhiều mục hay như thế này. Tôi quyết định thử gửi bài để dò ý, và may quá, BBT đã “welcome” tôi.

(từ trái) Kim Loan, Thạch Thảo, Hoàng Chu, Nguyễn Thị Thanh Dương trong tiệc tất niên của Trẻ tại Texas 2019

NB: Cảm giác của chị khi lần đầu cầm báo Trẻ trên tay và bây giờ, sau thời gian cộng tác khá lâu

KL: Trẻ khác hẳn với nhiều tờ báo bên Canada và Mỹ. Tôi thích Trẻ ngay lập tức vì nội dung phong phú, nhiều bài hay, trình bày đẹp, và như chị thấy đấy, đến nay Trẻ đã phát triển ngoạn mục, đặc sắc, từ tranh minh hoạ, sưu tầm, ngay cả điểm tin bình thường cũng rất vui, hài hước, dí dỏm.

NB: Chị vừa nhận được giải thưởng “Viết về nước Mỹ”? Từ Canada mà chị thò tay qua Mỹ để đoạt được giải thưởng, thật đáng nể. Xin chị cho biết cảm tưởng khi nhận được giải thưởng và chị đã được giải thưởng nào trước đó không?

KL: Tôi đã từng bon chen dự thi trên báo Sài Gòn GP trong mục dành cho thiếu niên, khi học lớp Chín, giải thưởng là một chuyến đi du ngoạn các địa điểm “di tích lịch sử” trong thành phố.

Qua Canada, đôi lần tôi có gửi bài dự thi, may mắn “gom” được vài giải làm kỷ niệm: Giải Văn và Thơ của Thời Báo Edmonton (Canada) về Nạn Cờ Bạc Trong Gia Ðình năm 2000, giải truyện ngắn Việt.No (Mỹ) năm 2006 với “Những Ánh Mắt Trẻ Thơ”, giải truyện ngắn báo Người Việt (Mỹ) “30 Năm Tỵ Nạn” năm 2006 với “Một Chốn Quê Nhà”.

Xem thêm:   Dubai

Riêng giải “Viết Về Nước Mỹ”, tôi nghĩ, dù ở Canada tôi vẫn có những tâm tình về nước Mỹ, vì tôi yêu mến cả hai nơi. Dĩ nhiên khi trúng giải, tôi rất vui.

Nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp, họa sĩ Bảo Huân, nhà văn Ng. T. Thanh Dương và Kim Loan.

NB: Chị bắt đầu viết văn từ bao giờ? Thấy chị sáng tác rất đều tay, vậy chị đã xuất bản được bao nhiêu tác phẩm và dự định sẽ xuất bản thêm nhiều tác phẩm trong tương lai không?

KL: Tôi thích đọc và viết từ lúc học cấp hai. Khi qua trại tỵ nạn, chứng kiến nhiều điều từ cuộc sống xung quanh, nên qua Canada tôi viết hồi ký, viết cho riêng mình khi cảm xúc còn nóng hổi, rồi từ đó, tôi viết nhiều hơn, viết chán thì làm thơ.

Việc xuất bản sách chưa bao giờ có trong dự định của tôi, bởi tôi ngại nhiều chuyện, nào là tìm người viết Lời Tựa (nghĩa là nhờ người ta… khen mình), mệt nhất là giai đoạn cuối… không biết thanh toán mớ sách như thế nào, vì tôi không thích ép người khác mua sách, vì ngày nay, người ta có thể đọc mọi thứ trên mạng.

Lúc tôi cộng tác với Tập San Chân Lý – báo Catholic của dòng Ða Minh ở Canada – ngoài việc viết truyện, thơ, tôi còn phụ trách mục “Cùng Nhau Tâm Tình” gỡ rối tơ lòng. Ngài Linh Mục chủ báo gợi ý tôi in sách, vì thấy tôi viết quá nhiều trên các báo khác với hai bút hiệu. Thế là tuyển tập Văn, Thơ “Mùi Hương Cũ” của tôi ra đời năm 2014. Quyển thứ hai “Buồn Vui Ðời Tỵ Nạn”, xuất bản năm 2017, rất đặc biệt vì đó là những truyện ngắn, tản mạn và thơ, nói về cuộc sống trong trại tỵ nạn Thailand. Lúc mới qua Canada, tôi viết hồi ký tỵ nạn, thỉnh thoảng đăng trên “facebook”, rồi những người bạn tỵ nạn đề nghị tôi in sách. Ðược nhiều người khuyến khích, tôi in 300 cuốn, bán rất nhanh, hầu hết là những người tỵ nạn cũ ủng hộ. Số tiền thâu được, sau khi trừ chi phí, được gửi về VN giúp các người tỵ nạn hồi hương đang sống khó khăn.

Tôi vô cùng cám ơn những cơ duyên giúp tôi có hai cuốn sách, nhất là cuốn sách Tỵ Nạn gói ghém một quãng đời không bao giờ quên. Ðôi khi, tôi cũng ước ao, được viết lại toàn bộ hai cuốn ấy, chắc sẽ… hay hơn, vì càng thêm tuổi, tôi nhìn cuộc đời với trái tim từng trải hơn, bao dung và hài hước hơn.

Tôi vẫn viết đều, bạn bè hỏi bao giờ có cuốn tiếp theo, câu trả lời hiện nay là KHÔNG. “Never say never”, bởi ai biết được, mai này khi về già tôi đổi tính, lại… lên cơn,  in một lèo ba bốn cuốn, dù tôi đã dặn các con “nhớ cản má”, nhưng lỡ tụi nó không cản được, thì sao!

NB: Cám ơn chị đã “thành thật khai báo” những điều khá thú vị mà tôi tin rằng độc giả ái mộ chị rất muốn biết.

Cùng các chị trong nhóm văn thơ “Cô Gái Việt” tại Texas tháng 12/2019

NB