Nhân dịp Tiến sĩ Hiroki Tahara, phó giám đốc Trung tâm giáo dục ngôn ngữ học tại đại học APU Nhật, ghé thăm và nghiên cứu về sự phát triển tiếng Việt ở Hoa Kỳ, chúng tôi có cơ hội gặp và nói chuyện với ông. Ông không những nói, viết tiếng Việt lưu loát mà còn am hiểu văn hoá Việt rất sâu. Mời bạn đọc theo dõi cuộc nói chuyện và nhận định về tiếng Việt từ một người Nhật rất thú vị này.

Tiểu sử

Hiroki TAHARA Sinh năm 1972. Quê quán: Tỉnh Niigata 1991-1996. Học tiếng Việt tại Đại học Ngoại ngữ Tokyo, Nhật Bản, 1992-1993. Học tiếng Việt tại Đại học Tổng hợp, Saigon 1996-1999. Tùy viên, Đại sứ quán Nhật tại Hà Nội 1999-2000. Visiting Scholar, Đại học Hawaii at Manoa 2000. Làm việc tại Đại học Ritsumeikan Asia Pacific (2018- Giáo sư) Xuất bản sách học tiếng Việt, sách ngữ pháp tiếng Việt, từ điển Việt – Nhật. Thích nghe nhạc Bolero, nhạc vàng.

toi-yeu-tieng-viet4

TS Tahara ngày còn học tiếng Việt với cố GS Bác Sĩ Nguyễn Đình Hoà

TTT: Cơ duyên nào đã đưa đẩy ông học tiếng Việt, học bao lâu, và ở đâu. Ông có làm việc trong ngành gì liên quan tới tiếng Việt không?

Tahara: Ðó là một sự tình cờ. Hồi tôi học khoa ngoại ngữ ở trung học, tôi muốn đi chuyên ngành khi vào đại học, tôi đã xem lại một loạt những ngôn ngữ ít người biết tới và chưa được phổ biến ở Nhật. Tôi nghĩ nếu tôi học chăm và xuất sắc, nó sẽ phù hợp với tôi vì nếu học ngôn ngữ nào mà nhiều người đã theo học, rất khó cạnh tranh để thành người giỏi nhất. Trong số ba thứ tiếng ít ai học, có tiếng Việt, Thái và Miến, tôi chọn tiếng Việt bởi tiếng Việt có chữ La Tinh dễ học hơn hai thứ chữ kia mà chữ viết không phải La Tinh. Năm 1991 tới 1996, tôi theo học đại học ngoại ngữ ở Tokyo. Sau đó, 1992-93, tôi qua học tiếng Việt ở Sài Gòn. Ngày đó những người ở SG rất dễ thương. Dạo ấy, hoàn cảnh sinh sống còn khó khăn nhưng họ sẵn sàng và vui vẻ giúp tôi học hỏi. Tốt nghiệp chuyên ngành ngữ học, tôi vào làm tại Tòa đại sứ Nhật. Sinh hoạt của tôi tại đây là tùy viên, đi thông dịch, chuyên phiên dịch các tài liệu, thông tin và những gì liên hệ tới Ngoại giao đoàn và Bộ ngoại giao Nhật ở Hà Nội và Tokyo.

TTT: Ông có thường đọc sách, báo hay tiểu thuyết tiếng Việt không? Nếu có, loại sách hay tác giả nào ông ưa thích?

Xem thêm:   Tự do hay là Chết

Tahara: Nói đến báo chí thì trong nước VN, tôi hay đọc báo Tuổi Trẻ mỗi tuần 3 số và Tuổi Trẻ Cười. Ngày xưa, khi còn là sinh viên, thì đọc báo Công An nhưng các thầy cô giáo dạy tôi không thích tôi đọc báo Công An. Với tờ Tuổi Trẻ, tôi thích vì viết dễ hiểu, qua thông tin của họ, tôi nắm được tình hình và họ nói đến đời sống và sinh hoạt của người dân Sài Gòn thực hơn. Có điều tôi thấy định nghĩa của chữ “Tuổi trẻ” ở Nhật và VN khác nhau. Người Nhật dùng từ “Trẻ”, phải trẻ thật sự, chỉ tối đa từ 25 tới 28 thôi. Trong khi ở VN ngày nay chữ “Tuổi trẻ hay Thanh niên” tuổi tối đa 35 đến 40 còn được gọi là “Trẻ”. Tôi ít đọc tiểu thuyết dù thầy giáo dạy tiếng Việt của tôi là chuyên gia về Tự Lực Văn Ðoàn và rất giỏi về văn học VN. Tuy nhiên tôi rất yêu âm nhạc VN, nhất là nhạc Bolero. Chị nói nhạc Bolero dễ hiểu à, tôi chỉ hiểu 7, 8 chục phần trăm là tối đa, vì có nhiều câu mang tính nghệ thuật và phải hiểu rõ văn hoá VN mới rõ nghĩa được. Trong nước tôi thích nghe ca sĩ Hạ Vân hát Bolero. Còn ở hải ngoại, tôi thích Thiên Kim, Khánh Hà, Thanh Hà. Các bài Bolero tôi thích là, Nắng Chiều, Kiếp Nghèo, Biển Tình, v.v… Chị hỏi tôi biết từ nhạc sến không, tôi biết chứ, nhạc sến, hay chữ sến đại diện cho giới bình dân dễ hiểu.

toi-yeu-tieng-viet2

TS Tahara trong sân trường đại học ở Nhật

TTT: Tiếng Việt ngày nay có thể nói là bị hỗn loạn hay biến dạng vì những tiếng lóng, ba rọi, ngôn ngữ mạng chit chat được chế biến làm tiếng Việt đơn giản hoặc phức tạp hơn. Là người học và dạy tiếng Việt ông có nhận thấy việc này không và nghĩ thế nào? Tiếng Nhật của ông có bị như vậy không?

Tahara: Ngôn ngữ thay đổi và biến đổi là việc tự nhiên. Chính tả, có khi không phù hợp với thực tế khiến có vài chỗ ngắt quãng không hợp lý. Tôi thấy điều đó cũng không có gì lạ. Nhiều người có nhiều ý kiến khác nhau cũng không có gì lạ. Tỷ như chữ “Hoá”. Cố giáo sư Nguyễn Ðình Hoà chủ trương rằng “Ðánh dấu sắc trên chữ a”, nhưng trong nước VN bây giờ họ “Ðánh dấu sắc trên chữ o”. Theo nguyên tắc phonetic (ngữ âm) thì đánh dấu sắc trên chữ a đúng hơn. Nếu theo cách phát âm đánh trên chữ o sẽ là hó a. Nếu theo ngữ âm thì đánh trên chữ a phát âm thành hoá đúng hơn. Tôi thấy trong báo chí hay giấy tờ trong nước họ đánh dấu sắc trên chữ o. Cho nên rất khó mà nói, cái nào đúng, cái nào sai hoàn toàn. Theo tôi, thì đã là thói quen của nhiều người rất khó mà sửa được. Trong tiếng Nhật về ngữ âm cũng có vấn đề tương tự. Tiếng Anh gọi là “New” tiếng Việt là “Mới”, người Nhật bây giờ đọc là “Atarashii”. Ngày xưa đọc là “Aratashi”. Trong lịch sử tiếng Nhật cổ thì “Aratashii” mới đúng. Trong lịch sử ngôn ngữ phát triển, có rất nhiều người nói sai nhưng cái sai đó được phổ biến đã thay đổi lịch sử và bây giờ sai biến thành đúng. Cũng như tên của hoa Sơn Trà Sazanka (âm mới) phải đọc là Sanzaka (âm cổ) mới đúng nhưng nhiều người đọc sai nên bây giờ nó thành đúng. Do đó, những người trẻ sửa đổi hay thay đổi tiếng Việt có khi đối với con mắt của người không được trẻ thì coi như là bậy bạ, phá nát tiếng Việt nhưng có thể đối với giới trẻ họ hết sức cố gắng làm cho tiếng Việt đơn giản hay phong phú hơn, trong sáng hơn. Bên Nhật cũng thế, giới trẻ chit chat với nhau bằng ngôn ngữ riêng trên mạng và người già chửi họ dữ lắm, nói làm mất đi cái đẹp của tiếng Nhật, có người còn nói nó ảnh hưởng đến tinh thần của người Nhật.

Xem thêm:   Về Cà Mau

TTT: Xin chia sẻ vài kinh nghiệm khó khăn của ông khi ông giảng dạy tiếng Việt cho sinh viên người Nhật.

Tahara: Về mặt ngữ âm thì tiếng Nhật không có thanh điệu nên đối với người Nhật dạy và học tiếng Việt rất khó như tên Thủy, Thúy, Thụy chẳng hạn. Người Nhật khó phân biệt được Thủy khác với Thúy và Thụy ra sao. Họ cũng gặp trở ngại với các phụ âm cuối như an, ang, am, anh. Còn về mặt từ ngữ tôi thấy lối dùng và các sắc thái khác nhau của từ ngữ tiếng Việt rất khó. Giả dụ trong tiếng Anh người vợ chỉ có “Wife” nhưng tiếng Việt thì có “Vợ, nhà tôi, bà xã v.v…). Chuyện buồn cười xảy ra khi sinh viên học tiếng Việt bằng cách tra tự điển để viết sẽ có hậu quả không hay và không đúng như sau. Câu tiếng Anh “The thief’s wife”, khi tra tự điển họ không biết lựa từ nào giữa, vợ, phu nhân, bà xã… và kết quả là “phu nhân của thằng ăn cắp”, nghe ra rất buồn cười và nghịch tai. Vì vậy cần phải học rất cẩn thận trong cách gọi và cả cách xưng hô nữa. Như “Anh ấy, thằng đó, hắn…” có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Trong một nhật ký của sinh viên Nhật học và thực tập tiếng Việt có câu “Hôm qua tôi đi chơi với ba tôi, hắn mua bánh cho tôi”. Chữ “hắn” dùng trong trường hợp này không thích hợp.

toi-yeu-tieng-viet1

TS Tahara với tranh của HS Ái Lan ở Hoa Kỳ

TTT: Ông có xuất bản 3 cuốn sách về ngữ pháp tiếng Việt cho người Nhật và tự điển Việt-Nhật, xin ông nói về nó. Với kỹ nghệ liên mạng ngày nay, sách của ông có tiện lợi cho sinh viên dùng được trên mạng như Google Translation không?

Xem thêm:   Hòn Kẽm - Đá Dừng

Tahara: Tôi có làm 3 cuốn sách về tiếng Việt là: Nhập môn tiếng Việt, Ngữ pháp tiếng việt Luyện Tập Ngữ pháp tiếng Việt. Cả ba đều bán rất chạy, nhất là Nhập môn tiếng Việt. Nói đến Google Translation bây giờ rất phát triển và được sử dụng rất nhiều nhưng tôi không biết nó thực sự đáp ứng được yêu cầu của người học ngoại ngữ hay không, nhất là phù hợp với văn hoá Việt, vì hệ thống xưng hô rất phức tạp. Google Translation không biết rành và dịch sai rất nhiều. Năm ngoái, khi tôi xuất bản sách tôi có giải thích sự giống, và khác nhau, thay đổi trong cách dùng như thế nào hay hơn Google Translation nhiều. Tôi cảm thấy những công trình của tôi vẫn giá trị hơn.

toi-yeu-tieng-viet

TS Tahara và con gái

TTT: Được biết ông có làm cho Toà đại sứ Nhật ở Hà Nội và từng sống ở VN. Theo ông thì ngành giáo dục VN bây giờ ông thấy thế nào so với nền giáo dục của Nhật? Ưu và khuyết điểm. Có điều gì ông cảm thấy không hài lòng mà ông cho rằng không bằng các quốc gia khác?

Tahara: Nền giáo dục Nhật là nền giáo dục công lập rất hay vì nó phát triển từ cấp 1 tới cấp 2 hoàn toàn miễn phí với mọi công dân. Con đi học được, phụ huynh không phải trả lệ phí và sách giáo khoa. Trẻ em còn được ăn trưa trong trường. Trong khi ở VN mặc dù trường công lập vẫn phải trả lệ phí và phải mua sách giáo khoa. Theo tôi, thì cách giáo dục trẻ em của bậc tiểu học ở Nhật kỷ luật và đạo đức là chính khiến con người không được tự do, suy nghĩ không được thoải mái cho lắm. Trong khi đó thế giới đã toàn cầu hoá, trẻ em Nhật cần được tự do suy nghĩ hơn. Thêm nữa, nhiều người Nhật nói rằng nên cải cách giáo dục nhất là về ngoại ngữ vì người Nhật nói ngoại ngữ kém.

toi-yeu-tieng-viet3

Cuốn sách cố GS Bác sĩ NĐHoà tặng TS Tahara

TTT