“Bạc Liêu là xứ quê mùa/ Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu”. Điều này không có gì lạ khi thời gian rảnh, trong xóm tôi, mỗi người vác một cái cần câu làm bằng thân cây trúc già, xách theo cái giỏ tre đựng lon trùn trộn cám rang ra bờ sông, mỗi người chiếm một góc ngồi rồi lấy trùn móc mồi câu cá chốt. Cá chốt là loại cá sống ở sông nước lợ, con lớn nhứt bề tròn chỉ bằng ngón chưn cái nên không cần xài cần câu lớn. Đối với cá lớn như cá lóc, cá trê, dân quê xài cần câu bằng cây tre già nhưng phải ốm nhỏ để cầm không quá nặng tay. Mồi câu không phải là trùn, mà là ếch, nhái nhỏ được móc vô lưỡi câu rồi rê cho mồi nhảy nhảy trên mặt nước ao, ruộng như con mồi còn sống để dụ cá lớn đớp mồi. Cách câu này, người ta kêu là “nhấp cá”. Nói chung, ở xứ tôi người ta câu cá ở sông, ao, đìa, láng, ruộng. Ngư dân chỉ đánh cá, giăng cá ngoài biển bằng lưới chớ không câu.

Seattle 

Tháng Tư năm 2016, vợ chồng chị đồng hương ở Seattle mời tôi qua nhà chơi vài ngày, nhờ vậy tôi mới biết như thế nào là câu cá biển kiểu Mỹ. Một anh đồng hương khác, tên Thanh, có chiếc xuồng máy 4 ghế ngồi, sẵn lòng làm một chuyến câu cá biển cho đứa không biết gì là tôi được mở rộng tầm mắt. Chị đồng hương đã nấu sẵn một nồi cơm lớn và chiết cơm sang một cái thùng xốp giữ ấm, xách theo. Chúng tôi hẹn lúc 7 giờ sáng lái xe tới nhà anh Thanh rồi cùng theo xe anh Thanh tới bến tàu. Bến tàu tức là chỗ anh Thanh mướn để đậu chiếc xuồng máy. Tôi nhìn quanh thấy có hàng trăm chiếc xuồng máy giống như xuồng anh Thanh cột dây đậu san sát với nhau, giống như đậu xe trong parking công cộng.

Chiếc xuồng của anh Thanh ngoài 4 ghế ngồi có bọc nệm, chỗ tài công ngồi lái xuồng có bảng điều khiển các thứ như lái xe hơi thì rộng, thêm hai người ngồi bệt xuống khoang và có chỗ đi lại thoải mái. Anh Thanh chỉ chỗ đậu xe trên bến và kêu chúng tôi theo anh xuống xuồng. Chờ mọi người yên vị xong, anh Thanh nổ máy rời bến. Anh Thanh có vẻ là dân mê câu cá nên trên xuồng có sẵn cả chục cái cần câu đủ loại lớn nhỏ dài ngắn cất dưới hầm khoang. Ngoài nước uống đóng chai còn có bếp gas nhỏ, nồi nấu, dao, thớt, gia vị.

Xem thêm:   Istanbul thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ

Sóng biển đập ầm ầm, nước văng lên trúng người lạnh buốt, gió cũng rất lớn làm cho cái lạnh cắt da càng lạnh hơn. Tôi mặc hai cái áo T-shirt bên trong và cái áo khoác bên ngoài mà vẫn thấy lạnh. Xuồng chạy áng chừng 15 phút thì giảm tốc độ, tôi nhìn quanh thấy đây là một vịnh nhỏ, có những ngọn đồi bao quanh, lác đác trên sườn đồi là những ngôi nhà nhỏ thật xinh đẹp, không khác gì phong cảnh trong truyện cổ tích Châu Âu.

Ở đây nước biển không sâu lắm, sóng biển cũng êm ả hơn, nước biển màu xanh sẫm và trong vắt nhìn thấy đáy. Xung quanh rất vắng, ngoài chiếc xuồng của chúng tôi thì không có ai khác. Anh Thanh thả neo cho xuồng cố định một chỗ. Tôi nhìn đồng hồ, thấy từ nhà tới đây mất khoảng một tiếng đồng hồ. Tất cả 5 người đều hớn hở mở bó cần câu để chọn cần, mắc mồi câu, chỉ có tôi là không biết cách sử dụng cái cần câu có trục quay cột hàng trăm mét dây câu này thôi.

Tôi thắc mắc nước trong như vậy làm sao có cá? Mấy anh chị kia mới chỉ xuống đáy nước nói: “Ðó, cá lưỡi trâu đó. Kéo cần câu rê qua lại trước mặt nó thì nó đớp” nhưng tôi lại không thấy con cá nào hết. Chưa đầy 10 phút, họ đã giựt được bốn con cá lên xuồng. Bây giờ tôi mới biết đây là con cá lưỡi trâu biển xứ Mỹ, nó bự gấp chục lần cá lưỡi trâu Việt Nam, ngắn và mập thù lù, thân dày thịt, không phải nhỏ xíu, dài xọc và mỏng lét như cá lưỡi trâu Việt Nam tôi thường thấy.

Xem thêm:   Dubai

Anh Thanh nói chỗ này hết cá rồi và nổ máy cho xuồng chạy qua chỗ khác một đoạn ngắn, xong dừng lại thả neo và mọi người tiếp tục câu. Khoảng 10 phút sau được thêm ba con cá lưỡi trâu nữa, tính ra dư ăn rồi nên nghỉ câu.

Một anh trong nhóm lấy dao, thớt, kéo ra làm cá rất thành thạo, múc nước biển lên rửa sạch sẽ rồi nổi lửa bắc nồi kho lạt. Tức là nấu một nửa nồi gồm nước mắm, nước lọc, gia vị, chờ nước trong nồi sôi sùng sục lên thì thả cá vô.

Nấu sôi thêm khoảng 10 phút rồi tắt lửa. Chúng tôi lấy tô, muỗng plastic mang theo xới cơm trong thùng ủ ra. Cơm vẫn còn ấm nóng, chan nước cá kho vô cơm, gắp cá bỏ chung vô rồi hí hửng ăn ngon lành. Cá sống bán trong chợ tôi không bao giờ mua, tôi gọi nó là “cá ở tù”, tức cá bị nhốt lâu, ốm nhom, thịt dai và tanh lắm, thà ăn cá đông lạnh còn ngon hơn.

Huntington Beach

Trong đời tôi chưa bao giờ được ăn con cá tươi mới kéo từ dưới nước lên như lần này, thịt cá béo, ngọt, chắc, ngon thật là ngon. Cảm giác chúng tôi vừa xong một chuyến đi săn, thu được con mồi béo như trong các bộ phim phiêu lưu. Ăn cơm xong, chúng tôi thu dọn sạch sẽ rồi quay xuồng trở về, xuồng nhẹ tênh như lúc ban đầu, tới nhà khoảng hai giờ chiều.

Tôi ở quận Cam (Nam Cali) nhưng ít khi ra chơi biển. Họa hoằn lắm có sự kiện gì mới đi, sẵn cơ hội quan sát một số ít người ngồi câu cá trên cầu tàu Huntington Beach, trầm lắng và tẻ nhạt. Tôi thấy họ ngồi lì ôm cần câu một cách kiên nhẫn mà không thấy họ giựt được cá. Cuối tuần, bờ biển hai bên cầu tàu thì nhộn nhịp, còn người câu ngồi tít ngoài xa, thường vây quanh bao lơn nhà hàng Ruby. Tôi cho rằng vì nước quá sâu nên khó câu được cá như chúng tôi đã câu ở Seattle.

Xem thêm:   1 giàu to 2 vướng nợ

Tiếng là ở gần biển, tôi chưa bao giờ được ăn con cá tươi của biển Nam Cali. Cá bán ở chợ là cá đông lạnh nhập từ Na Uy, Trung cộng, Việt Nam, Ðài Loan, Ðại Hàn, Canada… Một số thành phố biển cạnh Little Sài Gòn có bán cá biển tươi do tàu đánh bắt cập bến vào giữa đêm, là “hàng hiếm” nên nhiều người tranh mua. Với tôi, chuyện phải ra khỏi nhà lúc nửa đêm, chờ đợi đến 3 giờ sáng để mua vài con cá và trở về nhà vào buổi sáng mệt đứ đừ. “Ăn bữa giỗ lỗ bữa cày” thì tôi thà nhịn luôn cho đỡ mệt.

Theo tôi tìm hiểu, câu cá trên các cầu tàu công cộng thì không phải xin giấy phép câu. Còn câu ở các địa điểm khác phải xin giấy phép, trả lệ phí và tuân thủ theo các quy tắc chi tiết đến rối rắm với các loại thẻ, tem tứ lung tung mà tôi vừa đọc qua thấy nó rối như mớ bòng bong, đọc trước quên sau. Thí dụ: Loại giấy phép nào, loại hải sản nào thì được bắt mỗi lần bao nhiêu con, cân nặng tối thiểu của mỗi con là bao nhiêu (không giới hạn cân nặng tối đa)… chớ không phải cầm trong tay tấm giấy phép thì muốn câu, bắt bao nhiêu tùy ý. Chỉ miễn trừ giấy phép Ngày Câu cá Miễn phí hàng năm. Nếu muốn biết mức lệ phí phải nộp để xin giấy phép, Ngày Câu Cá Miễn Phí và Bộ quy tắc câu cá, quý vị phải vô website của Cục Cá và Ðộng Vật Hoang Dã California (California Department of Fish and Wildlife) ở link này: https://wildlife.ca.gov/ .

“Nghề chơi cũng lắm công phu”. Giá cả các loại đồ nghề, dụng cụ câu cá không hề rẻ, để có thể theo đuổi đam mê, cần phải có nhiều tiền lẫn nhiều thời gian rảnh rỗi ngồi lì.

TPT