Lời giới thiệu: Nói đến hề Xạc Lô (Charlie Chaplin) người miền Nam trước 75 có lẽ không ai không biết, nhất là giới “khán giả con nít”.

Những phim nổi tiếng như “The Kid” (1921), “The Circus (1928), “City Lights” (1931), Modern Times (1936)… khán giả không chỉ thấy những kịch bản thông minh, sâu sắc cộng với tài diễn xuất độc đáo của Xạc-Lô, mà còn nhận ra sự đa tài của ông, vừa là một kịch sĩ thượng thặng, dẻo dai như một lực sĩ và nhanh nhẹn như làm xiếc… đặc biệt là sự sáng tạo các tình huống, luôn gây sự bất ngờ đầy hài hước và đôi khi lấy nước mắt người xem…

Bản đồ hướng dẫn vị trí nơi cần thăm ở khu bảo tàng.    

1

Tháng 11.2012, nhân 35 năm ngày mất của Charlie Chaplin và bộ phim ‘Ánh đèn màu’ của ông tròn 60 tuổi, trang Văn hóa của RFI đăng một bài viết khá đầy đủ về bộ phim này. Ðọc, chợt nhớ kiến thức của mình về Charlie Chaplin còn quá ít ỏi.

Trong lần thăm anh bạn vong niên ở Oslo, nhà văn hải ngoại viết về chiến tranh Việt Nam, anh Phạm Tín An Ninh, câu chuyện giữa hai anh em có nhắc đến Charlot, anh bảo không thích vì “thằng cha này theo Cộng sản”, điều tôi đã từng nghe trước đó. Hồi nhỏ, chỉ biết đến ông là “anh hề Xạc lô” như mọi người thường nói khi thấy ai đó cầm cây “can”, mặc quần ngắn và rộng thùng thình. Lớn lên, thỉnh thoảng thấy trên TV vài phim đen trắng không lời. Tôi được nghe từ 1972 bài Limelight, lời Việt là “Ánh đèn màu”. Tôi cũng đọc được bài viết của Phạm Công Thiện: “Charlie Chaplin và tâm hồn nghệ sĩ” in trong “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học”, tất cả làm tôi thương ông ta và nghĩ rằng một người đem tiếng cười đến cho hàng triệu người trên hành tinh này lại là một con người đau khổ nhất, nhất là khi Phạm Công Thiện dẫn ngay ở đầu bài câu nói của Nietzsche: “Con thú vật đau khổ nhất trần gian là con vật đã tạo ra tiếng cười”. Sau này, nghĩ lại việc thương ông ta là đúng nhưng chưa đủ: Charlie Chaplin chỉ đau khổ trong thời niên thiếu, về sau lại trở thành một người nổi tiếng nhất hành tinh và rất giàu có.

Xem thêm:   Mua đồ trang trí

Ðến Vevey, Thụy Sĩ chỉ ít ngày tôi đã thấy ở tường một cao ốc có bức hình Charlie Chaplin lớn, ở vài nơi khác trên đường và cả bờ hồ Léman có giới thiệu về  ngôi nhà lưu giữ những gì của Charlin Chaplin. Hỏi, được biết là rất gần. Vậy là đến thăm.

Bộ sưu tập báo viết về Charlie Chaplin.

2

Ngôi nhà này có tên là Charplin’s World, nơi ông và gia đình đã sinh sống, nay trở thành Charlie Chaplin museum  (Viện Bảo tàng Charlie Chaplin) nằm trong một khu vườn rất rộng nhìn xuống hồ Léman. Vào cửa, khách được mời vào studio coi một phim dài chừng 10’ giới thiệu những nét khái quát về ông ta, sau đó theo sân khấu đi vào những phòng, những hành lang, những đường hầm tái hiện cuộc đời của Charlot từ nhỏ đến sau này. Ðó là những đoạn phim, những dụng cụ thời Charlot làm phim, phim trường, những trang phục, đạo cụ, tượng những nhân vật trong các phim không lời đến các phim có đối thoại và cả phòng giam nhà tù. Ở đây, du khách còn được thấy các bích chương quảng cáo những phim nổi tiếng của Charlie Chaplin, những tờ báo có tin tức, sự kiện và cả một album khổ lớn có những bài báo cắt dán viết về ông.

Bảng quảng cáo phim Limelight (Ánh đèn màu).

3

Giữa những cây thông, cây sồi hàng trăm tuổi, ngôi nhà hai tầng Manoir De Ban tại Corsier- Sur- Vevey hiện ra khá bắt mắt. Nơi này như đã nói, là nơi ở của gia đình Charlie Chaplin từ năm 1953 khi ông quyết định bán studio ở Mỹ và đến sinh sống cùng bà vợ thứ tư: Oona Eugène Chaplin, (con gái của kịch tác gia Eugène O’neill từng đoạt 4 giải Pulitzer về kịch và giải Nobel Văn học) dù hôn nhân này không được gia đình O’neill chấp thuận!

Xem thêm:   Trên lưng trời

Toàn bộ 2 tầng là phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn và phòng làm việc của gia đình. Tường bên ngoài hành lang ghi tiểu sử và ngay cả đầu cầu thang trên lầu là cây phả hệ.

Có hàng mấy chục màn hình ở từng nơi kể về sinh hoạt của người nghệ sĩ, viết kịch bản, đạo diễn, soạn nhạc phim mà 9 tuổi đã lên sân khấu, 24 tuổi đã có mức lương 150USD/tuần (tháng 9/1913) và mới 26 tuổi đã ký hợp đồng mức lương 670,000USD/năm với Mutual chấn động ngành điện ảnh, giới làm phim và báo chí. Tạp chí Time xếp ông vào danh sách 100 nhân vật quan trọng nhất thế kỷ XX vì “tiếng cười [mà ông đem lại] cho hàng triệu người”.

Tác giả và vợ bên tượng Charlie Chaplin đóng phim làm thợ hớt tóc

4

Vào thăm nơi này, chúng tôi ngạc nhiên khi biết Charlie Chaplin là bạn với Albert Enstein, Pablo Picasso, chụp hình chung với Chu Ân Lai, Kruschev, Nehru, thư viện ông ta đầy sách, phòng nào cũng có tủ sách, ông đọc nhiều, nhiều sách ông đọc còn có ghi chú bên lề.

Về nhà, đọc lại các bài viết liên quan đến Charlie Chaplin, biết thêm về cuộc đời thăng trầm, tài năng của ông và có hai điều thú vị nhất: Ông không phải là đảng viên cộng sản (dù FBI và MI5 cố tìm hiểu) và vợ chồng ông từng đến Việt Nam để hưởng tuần trăng mật, ở lại khách sạn Morin Huế và Metropole Hà Nội sau tổ chức đám cưới bí mật ở Thượng Hải. Ðây là cô vợ thứ 3, Paulette Goddard.

Qua hơn 5 giờ thăm viếng, tìm hiểu, chụp hình và ghi chép vội những gì nghe thấy, có hai điều đọng lại trong tâm tưởng tôi. Một, Charlie Chaplin là một con người thật sự vĩ đại cả về tài năng và những cống hiến, từ “vĩ đại” đúng với thực tế hơn là những khẩu hiệu tuyên truyền! Hai, Viện Bảo tàng Charlie Chaplin là kết quả của một sự nghiên cứu công phu, nghiêm cẩn và đầy tài hoa của những người tạo ra nó. Xin cám ơn thành phố Vevey, cám ơn Viện Bảo tàng và…vua hề Charlot đã cho những khách thăm viếng nghiêm chỉnh và thiện chí biết chi tiết về cuộc đời của nghệ sĩ lừng danh này.

Sân cỏ trước nhà Charlie Chaplin nhìn ra hồ Léman (dãy núi xa xa là lãnh thổ nước Pháp).

Ðể kết thúc bài viết lan man này, xin mời đọc vài đoạn trích trong bài viết nói trên của Phạm Công Thiện:

Xem thêm:   Họa sĩ... "Vandal"

Bản Limelight của Charles Chaplin là bản nhạc của Tuyệt Ðối, tiếng ca vút trời thăm thẳm của một tâm hồn cô độc nhất trần gian. Nhân loại này còn đau khổ thì điệu nhạc Limelight tuyệt vời vẫn còn sống để tha thiết nuôi dưỡng xoa dịu nỗi đau đớn câm lặng khôn cùng của những con người vô danh ở dưới mọi phương trời”.

“Charles Chaplin. Charles Chaplin… Tên người gợi lên một mùa Thu, tên người gợi lên một mùa Ðông, tên người gợi lên một mùa Xuân…”

“Có người đã cho rằng Charles Chaplin là một bậc thánh, một loại thánh đứng ngoài vòng giáo đường, ngoài lề luật. Jean Duviyaud nói về Charles Chaplin như sau: “Dưới hình ảnh của anh hề người ta thấy ẩn hình ảnh Jésus; dưới nét mặt của một anh hề làm trò cười, người ta thấy một người chịu đóng đinh để cứu vớt nhân loại” (Jean Duvigaud. Le Mythe Chaplin trong Critique, Juillet 55).

“Elie Faure là một thiên tài vô danh của văn học Pháp, là một nhà thẩm mỹ học đại tài nhất thế giới, đã ca tụng Charles Chaplin là “một thi hào vĩ đại, nhà thơ duy nhất của thời đại này đã nhìn đời dưới khía cạnh hùng tráng, một cách thường xuyên và đầy ý thức” .

“Charles Chaplin đã chiến thắng được sự đau khổ vô hạn của đời mình, đã làm cuộc đời mình trở thành một bản đàn bất tuyệt, đã sáng tạo ra Niềm Vui vô hạn cho Nhân loại”.

NHQ

Mời đọc thêm:

http://vi.rfi.fr/…/20121123-limelight-60-nam-bo-phim…

http://nhipcauthegioi.hu/…/VE-VUA-HE-CHARLIE-CHAPLIN…

https://vi.wikipedia.org/wiki/Charlie_Chaplin…

https://uyennguyen.net/…/pham-cong-thien-charles…/

https://soha.vn/…/chuyen-chua-ke-ve-tuan-trang-mat-tai…

Mời nghe Lime Light và Ánh đèn màu:

https://www.youtube.com/watch?v=rl47EmHmSaY&t=1s

https://www.youtube.com/watch?v=d6-X6fhWB7I