Lời Giới Thiệu: Dòng sông Seine nổi tiếng của  nước Pháp dài 800km với 250 chiếc cầu bắc qua, một con số không ít tí nào; riêng thủ đô Paris với 37 chiếc cầu nối đôi bờ phố xá xinh đẹp với cả một lịch sử và văn hóa đầy màu sắc được tác giả Cổ Ngư giới thiệu trong 3 bài viết  Sông Seine nhìn từ… cùng với hình ảnh do tác giả tự chụp.

Dưới những chiếc cầu của Paris, khi đêm buông nhanh

Không đủ tiền thuê một túp lều tranh

Đôi lứa mình cứ lén lút yêu, mê đắm, em với anh

Và mắt trong mắt, cùng dệt những giấc mơ xanh…

(Dưới những chiếc cầu của Paris – Jean Rodor & Vincent Scotto)

nguồn: archive.curbed.com   

Trên thế giới, hình như không thành phố nào có nhiều cầu bằng Venise: ở đây, đường bộ đã hoàn toàn bị thay thế bằng đường thuỷ, với hệ thống kinh đào chằng chịt, thông thương khắp các ngõ ngách của thành phố có một không hai này. Vì thế, tại Venise, đứng ở đâu cũng thấy cầu, đi đến đâu cũng thấy cầu, không biết có du khách nào, thậm chí người dân bản địa nào, đã nhẩm đếm xem mình đã bước qua được bao nhiêu trong số 435 chiếc cầu nối 121 hòn đảo của trung tâm Venise, một thành phố với diện tích chỉ vỏn vẹn 415 cây số vuông hay không?

Không thể sánh được về lượng so với Venise, nhưng Paris lại hãnh diện với phẩm chất của 37 chiếc cầu soi bóng dòng Seine, nối hai bờ tả, hữu ngạn cùng ba hòn đảo Cité, Saint-Louis và Cygnes giữa lòng thủ đô nước Pháp. 37 chiếc cầu này nằm trong danh sách hơn 250 chiếc cầu bắc qua sông Seine, dòng sông với chiều dài gần 800 km, chảy qua nhiều vùng ruộng đồng trù phú, nhiều khu rừng rậm hoang dã, nhiều thành phố lớn trước khi đổ ra biển ở cảng Le Havre. Nhưng, nói đến sông Seine, người ta thường chỉ nghĩ đến Paris, và đương nhiên, khi nói đến những chiếc cầu bắc qua dòng Seine, người ta thường chỉ nhớ đến những chiếc cầu của Paris mà thôi!

37 chiếc cầu của Paris, trừ Cầu Thượng Nguồn và Cầu Hạ Nguồn nằm trên Ðại lộ Vành đai của thủ đô nước Pháp, đều có tên riêng, hình dáng riêng, lịch sử riêng. Trong khuôn khổ bài viết này, ba nhóm cầu với bộ mặt của 19 chiếc cầu gây chú ý nhất sẽ được lần lượt giới thiệu theo hướng chảy của dòng Seine ngang qua Paris, từ đông sang tây.

Cầu Phố Thượng

Có thể gộp các chiếc cầu nối quận 13 ở tả ngạn sông Seine với quận 12 ở hữu ngạn vào nhóm “Cầu Phố Thượng”. Nhóm này gồm 7 chiếc cầu, có chiếc chỉ dành riêng cho đường métro chạy lộ thiên trên sông Seine (Viaduc d’Austerlitz), có chiếc vừa được tân trang với hệ thống tramway chạy quanh thủ đô nước Pháp (Pont National). Ðáng chú ý nhất trong nhóm này là 4 chiếc cầu Simone de Beauvoir, Bercy, Charles de Gaulle và Austerlitz.

Xem thêm:   Một chút cảm nhận

Cầu Simone de Beauvoir

Mang tên nữ triết gia, văn sĩ Pháp nổi tiếng của thế kỷ XX, người được xem là lý thuyết gia quan trọng của phong trào Nữ Quyền Luận và có các tác phẩm được đọc, nghiên cứu rộng rãi trên thế giới, cầu dành cho người đi bộ Simone de Beauvoir dài 304m, nối thư viện Quốc gia François Mitterrand với công viên Bercy. Ðây là chiếc cầu mới nhất của Paris, khánh thành vào tháng 07.2006, sau khi một phần của quận 13 ven sông Seine được tân tạo lại theo công trình quy hoạch đô thị mới, với việc xây dựng Thư viện Quốc gia Pháp gồm 4 cao ốc (mỗi cao ốc có 2 toà mở ra như một quyển sách, thẳng góc nhau, với 22 tầng, cao 80m), cùng các khu nhà ở, tiệm ăn, cửa hiệu, văn phòng làm việc… nằm dọc theo những con đường rộng rãi thẳng tăm tắp. Ðược kiến trúc sư người Áo Dietmar Feichtinger thiết kế theo hình ảnh hai đường cong giao nhau tại hai điểm, cầu Simone de Beauvoir kết hợp được sự uyển chuyển, mềm mại nữ tính và nét khoáng đạt, thanh thoát hiện đại, giữa hai chất liệu chính thép và gỗ. Ở bất cứ vị trí nào, bên này sông hay bên kia sông, dưới cầu hay trên cầu, người ta đều thấy được đây đó những đường cong của chân, thân hay thành cầu Simone de Beauvoir.

Cầu Simone de Beauvoir

Cầu Bercy

Cầu Bercy (cùng với cầu Bir-Haikem ở nhóm “Cầu Phố Hạ” của Paris) là loại cầu 2 tầng, tầng thấp dành cho bộ hành cùng các loại xe có và không động cơ, tầng cao dành riêng cho đường métro số 6. Cầu nằm sát bên khu nhà đồ sộ của bộ Kinh tế-Tài chính, với hơn 200,000 mét vuông diện tích văn phòng, bãi đáp cho trực thăng trên nóc (được quay trong phim “Mission Impossible 6” với tài tử Tom Cruise) và cung Thể thao-Âm nhạc POBP (*) có sức chứa hơn 20,000 khán giả, nổi bật trên phố vì các phần tường nghiêng lợp cỏ.

Ðược xây dựng từ thế kỷ XIX (1861-1864) thay cho chiếc cầu treo ở cùng vị trí, cầu Bercy, với chiều dài 175m và chiều rộng 40m như hiện nay, được lên tầng năm 1905 để đường métro số 6 vượt sông Seine ở đoạn này. Cầu có các khoanh tròn phù điêu với vòng lá nguyệt quế và chữ N, biểu hiệu của Tổng thống-Hoàng đế Napoléon III.

(*) POPB: Palais des Omnisports de Paris Bercy

Cầu Bercy

Cầu Charles de Gaulle

Như một nét kẻ trắng thẳng tắp dài 207m qua sông Seine, nối hai nhà ga quan trọng của Paris, ga Austerlitz bên tả ngạn với ga Lyon bên hữu ngạn, cầu Charles de Gaulle thuộc lớp cầu «trẻ», được hai kiến trúc sư Louis Arretche và Roman Karasinsky hoàn tất sau ba năm xây dựng (1993-1996).

Xem thêm:   Chuyến du lịch ngắn ngày trên xứ Phù Tang

Du khách đến thăm nước Pháp, có người «hoang mang» khi thấy đâu đâu, từ làng nhỏ đến phố lớn, đều có một con đường hay một công trình kiến trúc mang tên Charles de Gaulle. Riêng Paris, đã có quảng trường Charles de Gaulle- Étoile với Khải Hoàn Môn, phi trường quốc tế Charles de Gaulle-Roissy, bến sông Charles de Gaulle (dọc sông Seine, nơi điện Louvre) và chiếc cầu Charles de Gaulle này. Ðủ để thấy sự bày tỏ lòng tri ân của người dân đối với vị tướng (sau này trở thành tổng thống) đã góp công giải phóng nước Pháp khỏi ách phát-xít Ðức trong Ðệ Nhị Thế Chiến.

Riêng người Việt, khi đứng trên cầu Charles de Gaulle nhìn về ngọn tháp cao 67m với bốn mặt đồng hồ khổng lồ của ga Lyon, không ít người đã ngâm nga mấy câu thơ được phổ biến rộng rãi qua ca khúc «Tiễn em» của Phạm Duy:

Ga Lyon đèn vàng

Tuyết rơi buồn mênh mang

Cầm tay em muốn khóc

Nói chi cũng muộn màng…

(Chưa bao giờ buồn thế

– Cung Trầm Tưởng)

Khách nhàn du dạo dọc bờ sông Seine, khi đi dưới bụng cầu Charles de Gaulle ghép bằng những tấm thép trắng dài, sẽ có cảm tưởng như đang luồn dưới cánh một chiếc phi cơ khổng lồ.

Cầu Charles de Gaulle

Cầu Austerlitz

Có đến hai chiếc cầu mang tên Austerlitz cùng song song bắc qua sông Seine ở đoạn này: cầu sắt (Viaduc d’Austerlitz) dành riêng cho đường métro số 5 ra vào ga Austerlitz và cầu Austerlitz bằng đá dài 174m, hướng vào đại lộ Bệnh viện (Boulevard de l’Hôpital) bên tả ngạn. Ðược xây dựng vào giữa thế kỷ XIX, cầu có nhiều phù điêu hình đầu sư tử, cờ và các loại vũ khí tượng trưng cho nền Cộng Hoà, nhưng lại mang tên vùng đất thuộc Tiệp, nơi ghi dấu chiến công hiển hách của Hoàng đế Napoléon Ðệ Nhất, đại thắng liên quân Áo-Nga vào năm 1805.

Từ cầu Austerlitz, nếu đổ dọc theo đại lộ Bệnh viện, phía trái, người đi bộ sẽ thấy một phần của ga Austerlitz, bên phải là vườn Bách thảo với cả chục ngàn loại cây cỏ khắp thế giới mọc trong-ngoài các nhà kính, cùng nhiều bảo tàng chứa xương khủng long, cá voi, chim dodo và các loài thú đã tuyệt chủng…, các loại đá quý, các bộ sưu tầm côn trùng, bên cạnh chim chóc, voi, hươu cao cổ, tê giác… nhồi (khoảng 67 triệu tiêu bản) được sắp xếp sống động với hệ thống đèn rọi tân tiến.

Ðể xứng với cái tên đại lộ Bệnh viện, khi tiếp tục dạo bước, du khách sẽ thấy bệnh viện Pitié-Salpêtrière, lớn nhất nước Pháp, bao gồm 90 toà nhà và vườn cây trên một diện tích 33 mẫu, được vua “Mặt Trời” Louis XIV cho xây dựng từ giữa thế kỷ XVII, đã gợi hứng cho nhiều quyển tiểu thuyết ra đời và là hậu cảnh của nhiều bộ phim Pháp. Ðây cũng là nơi các sinh viên khoa Y của trường đại học Sorbonne học hỏi, nghiên cứu và thực tập. Ðiểm đến của đại lộ Bệnh viện chính là quảng trường Italie (Place d’Italie), nơi bắt đầu xuất hiện nhiều tiệm ăn Việt, Thái, Hoa, Nhật, Hàn… hướng vào Chinatown của Paris.

Xem thêm:   Oscar 2024

Cầu Phố Trung

Tập trung 23 chiếc cầu ngắn nhất, xưa nhất, tình nhất, thơ mộng nhất, oai hùng nhất, huyền hoặc nhất… của Paris, phần lớn nối đôi bờ tả-hữu ngạn với hai hòn đảo Cité và Saint-Louis.

Cầu Tournelle

Với chiều dài 120m, chiếc cầu bằng bê-tông cốt sắt này nối tả ngạn với đảo Saint-Louis, hoàn tất sau 4 năm xây dựng (1924-1928). Ở đầu cầu phía tả ngạn, có một tháp trắng cao vút, trên đặt tượng Nữ Thánh Geneviève, tay chạm vào vai một bé gái. Bà là nữ thánh bảo hộ của Paris, tương truyền đã đốc thúc dân chúng chuẩn bị chống công thành, đồng thời dùng lời cầu nguyện ngăn không cho quân Hung Nô của Thiền Vu tấn công thành phố Lutèce (tên cũ của Paris) vào năm 451.

Ngày cắt băng khánh thành cầu Tournelle, điêu khắc gia Paul Landowski, người tạc tượng Thánh Geneviève, vắng mặt: ông không hài lòng vì đề nghị để tượng nữ thánh hướng về nhà thờ Ðức Bà Paris bị từ chối; hội đồng thành phố đã quyết định để tượng quay lưng lại Notre Dame de Paris và mặt hướng về phía đông, nơi năm xưa, vó ngựa đoàn quân thiện chiến của Attila đã dừng lại và đổi hướng, sau khi giẫm nát ruộng vườn, thành quách của đế chế La Mã khắp Âu Châu, khiến cỏ không mọc nổi dưới bước viễn chinh như lời truyền tụng.

Cầu Tournelle

Cầu Marie

Ðược mệnh danh là «Cầu Tình Nhân», cầu Marie dài 92m, nối đảo Saint-Louis và hữu ngạn sông Seine, được vua Louis XIII đặt viên đá đầu tiên năm 1614, khởi công cho cuộc xây dựng dài hơi hơn 20 năm. Khi ngắm Paris bằng đường thuỷ trên các con tàu của hãng Bateau-Mouche, khách du lịch sẽ được báo trước khi tàu chui vào vòm cầu: «Quý vị hãy ước một điều và hôn nhau để điều ước đó trở thành hiện thực». Từ bao năm nay, tóc ngắn, tóc dài, tóc demi-garcon (*), tóc vàng sợi nhỏ (**) hay tóc màu củi chưa đun (***), tóc nào đã cuốn lấy tóc nào lùa vào nhau nhóm lửa (***) trong bóng tối của vòm cầu Marie?

(*) thơ Nguyễn Tất Nhiên

(**) thơ Cung Trầm Tưởng

(***) thơ Nguyên Sa

Cầu Marie

CN Thiais 09.2022

Kỳ tới

Sông Seine nhìn từ cầu Phố Trung