Lời giới thiệu: Phụ nữ rất kỳ lạ, họ có thể làm được những điều kỳ diệu: đưa cho họ một căn nhà, họ sẽ biến thành một tổ ấm, đưa rau trái, họ sẽ biến thành một bữa cơm ngon, cho một nụ cười, họ sẽ tặng bạn trái tim, cho một tình yêu sẽ nhận về lòng son sắt… Những người phụ nữ Việt Nam ngày xưa không được yên bình để gầy dựng hạnh phúc, bão tố thời cuộc đã ập xuống đôi vai mỏng manh của họ.. nhưng sau đó, họ lại tỏa sáng khắp nơi, từ nhà máy, văn phòng, trong căn bếp nhỏ hay chốn thương trường đầy sóng gió…

Bạn có thể giới thiệu cho Ngân Bình email: nganbinhdang13@gmail.com, những người phụ nữ quen biết, cho mục “Chuyện của Nàng” được lung linh muôn sắc. Xin cảm ơn.

“Tôi luôn yêu thương họ, như sợ rằng ngày mai mình không còn cơ hội để thương yêu họ nữa và trong mọi va chạm, tôi luôn là người làm hòa trước, vì biết đâu sẽ không có cơ hội để làm cho người thân không phải đau lòng vì mình”(Triều Giang)

Talk show trên đài Sàigòn TV 55.3. (từ trái Cố Chủ tịch Cộng đồng Phạm Quang Hậu – Bà Triều Giang – Ô. Đặng Hiếu Sinh – Cô Hoàng Dung) – Hình TV55.3 

Vẫn là người phụ nữ làm tròn bổn phận, yêu thương chồng và các con như bao phụ nữ khác, nhưng ở chị lại có cả tấm lòng ưu tư vì dòng lịch sử bị bóp méo, nỗi xót xa cho đồng bào quê nhà bị thảm họa. Chị đã bước ra khỏi ngưỡng cửa gia đình để dấn thân, gánh vác trên đôi vai nhỏ bé những công việc đòi hỏi sự kiên trì, mạnh mẽ. Chị là ai? Mời quý độc giả theo dõi câu chuyện của người phụ nữ có bút danh Triều Giang.

Ngân Bình (NB): Thưa chị, được biết chị đã từng là phóng viên báo chí trước 1975. Sau 75, làm thế nào để chị đến Mỹ?.

Triều Giang (TG): Tôi vào làng báo 1971, cộng tác với báo Sóng Thần. Sau 1975, bỏ nghề, đi dạy học. Tháng 1 /1979, tôi vượt biên cùng 2 con, may mắn được một tàu cá vớt, đưa vào trại tị nạn Songkhla Thái Lan. 8 tháng sau được gia đình chị bảo trợ về New Jersey.

NB:  Chị hội nhập với đời sống mới ra sao? Những gì khó khăn và thuận lợi với chị trong thời gian này?

TG: Mấy năm đầu tôi đi học ngành Mechanical Drafting Design. Sau khi học xong, dời về Houston. Làm trong ngành vẽ kỹ thuật và làm Tổng Thư ký cho bán nguyệt san Ngày Nay, gần 4 năm thì dời về Austin kinh doanh và viết báo như nghề tay trái.

Khó khăn nhất của những ngày đầu là sức khỏe không tốt. Còn những khó khăn khác như làm quen với ngôn ngữ mới, văn hóa mới, đời sống mới, con người mới, có khi bị bắt nạt, bị cười nhạo, nhưng tôi tự rèn luyện cho những khiếm khuyết của mình để vươn lên và đó chính là sự thuận lợi của mình là chấp nhận tất cả để bắt đầu từ số zero.

NB:  Không ai có thể phủ nhận ý nghĩa của Hội Bảo Tồn Văn Hóa và Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt. Với vai trò Hội trưởng, xin chị cho biết Hội thành lập từ năm nào, và một vài kết quả Hội đã đạt được?

Xem thêm:   Dubai

TG: Hội Bảo Tồn Lịch Sử & Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt, viết tắt là hội VAHF, thành lập năm 2004, để đáp ứng sự mong đợi của người Việt hải ngoại, đặc biệt là phụ huynh học sinh có con cháu đi học tại các trường học tại hải ngoại, phải học những bài học Lịch sử VN và chiến tranh VN một cách sai lệch.

Bộ sưu tập đầu tiên gây nhiều tiếng vang trong giới sử liệu Mỹ là bộ sưu tập Tù Nhân Chính Trị VN gồm trên 200,000 trang tài liệu, hình ảnh, văn bản, những bức thư của tù nhân và gia đình gửi cho nhau. Bộ sưu tập này hiện được tàng trữ tại Vietnam Center, trong Ðại Học Lubbock, Texas.

Bộ thứ hai là Lịch sử Truyền Khẩu (Oral History). Năm 2008, hội hợp tác với Ðại Học UT Austin. Năm 2010 Tổng Hội Sinh Viên Vùng Bắc Mỹ NAVSA đã bảo trợ gây quỹ được khoảng 60 ngàn Mỹ Kim, để hội mở rộng chương trình trên toàn nước Mỹ. Trên 700 người được phỏng vấn, chương trình này đã có trên 10 triệu khán giả.

Ngoài ra, để giới thiệu lịch sử về người Mỹ Gốc Việt (NMGV) cho cộng đồng người bản xứ và các cộng đồng bạn, hội VAHF đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm về Lịch sử NMGV tại Trung tâm Sử Liệu Austin, Viện Bảo Tàng Lịch Sử Tiểu Bang Texas,(Texas Bob Bullock Museum), Ðại Học UT, Ðại Học Oregon, Tòa nhà Quốc Hội Hoa Kỳ, Quốc Hội Texas…

Hiện hội đang hợp tác với Ðại học Oregon qua chương trình Di sản VNCH/Lịch sử NMGV, để hoàn thành 3 sách giáo khoa, dùng cho việc giảng dạy tại Trung và Ðại học về chiến tranh VN và Lịch sử Cộng Ðồng NMGV.

Biểu tình trước Tối Cao Pháp Viện Đài Loan (hình JFFV)

NB: Bộ phim tài liệu ‘Vietnamerica’ do Hội Bảo Tồn Văn Hoá và Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt (VAHF) phát hành, ra đời trong hoàn cảnh nào, được đón nhận ra sao?

TG: Với số người được phỏng vấn về chiến tranh VN và hậu chiến có thể nói là đông đảo nhất cho tới hôm nay, nội dung những cuộc phỏng vấn này cũng rất phong phú, bao gồm nhiều giới, nhiều lãnh vực trong xã hội, nên có nhiều giáo sư Ðại học đề nghị hội làm một cuốn phim. Sau gần 4 năm nỗ lực của hội, phim “Master Hoa’s Requiem” được cho ra mắt vào cuối năm 2014. Phim được chọn vào 15 Ðại Hội Ðiện Ảnh, thắng 5 giải quốc gia và quốc tế. Phim VIETNAMERICA được ra mắt vào tháng 4, 2015, lần đầu tiên tại Nam California. Sau đó, được mời đi trình chiếu tại Viện Bảo Tàng Truyền Thông Hoa Kỳ Newseum, Quốc Hội Hoa Kỳ và Hoa Thịnh Ðốn. Phim còn được trình chiếu tại hơn 30 thành phố trên nước Mỹ, Canada, Pháp, Bỉ, Úc Châu và New Zealand. Hiện DVD của phim đã được phát hành. Nhiều thư viện Hoa Kỳ và các trường Ðại học đã mua và lưu trữ trong bộ sưu tập của họ về chiến tranh VN.

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

NB: Với tư cách là Hội phó, xin chị cho biết cơ duyên nào Hội Công Lý Cho Nạn Nhân Formosa thành hình và bắt đầu từ bao giờ?

TG: Thảm họa môi trường do nhà máy cán thép của công ty Formosa Gang Thép Hà Tĩnh gây nên cho 4 tỉnh miền Trung VN, gây chấn động cả thế giới vì mức độ tàn phá của nó. Ngay những ngày đầu, Formosa và nhà nước VN đã tìm cách ém nhẹm và không chịu lãnh trách nhiệm. Nhưng nghiên cứu của hơn 100 nhà khoa học trong và ngoài nước đã kết luận, thảm họa cá chết, biển bị nhiễm độc là do Formosa xả hóa chất vào biển. Formosa phải nhận lỗi và tuyên bố đền 500 triệu đô la, mà không thực hiện bất cứ một cuộc khảo sát nào để tìm hiểu thực sự thiệt hại bao nhiêu. Nhưng, thay vì chi trả tiền bồi thường cho nạn nhân, Formosa lại trả tiền cho nhà nước VN. Hàng chục ngàn gia đình không được đền bù, số người được đền bù thì rất nhỏ, không xứng đáng với những thiệt hại của họ. Khi họ khiếu kiện thì đơn bị trả về, kháng án thì bị bắt bớ, đánh đập.  Trước hoàn cảnh khốn cùng của các nạn nhân, một số vị lãnh đạo tinh thần như ÐGM Nguyễn Thái Hợp và LM Chánh xứ tại vùng bị thảm họa, đã ra hải ngoại kêu cứu với hy vọng có thể đưa vấn đề ra tòa án quốc tế. Một nhóm thân hữu đã cùng đứng lên thành lập hội Công Lý Cho Nạn Nhân Formosa  (JFFV) vào đầu năm 2017,  với mục đích giúp các nạn nhân đưa nỗi oan ức của họ ra tòa án quốc tế.

NB: Đến thời điểm hiện tại, chị có thể cho biết những thành quả pháp lý đã đạt được trong vụ kiện Formosa?

TG: 2016, sau 2 năm điều tra, thành lập hồ sơ và làm việc với 5 tổ hợp luật sư, hội JFFV đã giúp 7,875 nạn nhân nộp đơn kiện Formosa tại tòa Sơ thẩm Ðài Loan. Hơn 6 tháng sau, tòa ra phán quyết, từ chối xét xử với lý do không có thẩm quyền. Các luật sư kháng án lên Tòa Thượng thẩm, Tòa Thượng Thẩm y án Tòa Sơ thẩm. Các luật sư kháng án lên Tối Cao Pháp viện (TCPV) và tháng 10 năm 2020, TCPV Ðài Loan phán quyết, các nạn nhân có quyền khiếu kiện tại Ðài Loan. Tháng 4, 2021, Tòa Thượng Thẩm phán quyết 13 trong số 24 bị đơn, phải ra tòa trả lời về trách nhiệm đã gây nên thảm họa. Các tổ hợp luật sư không đồng ý, nên kháng án lên TCPV lần nữa và hiện vụ kiện đang chờ phán quyết của TCPV Ðài Loan.

NB: Những năm qua, Hội đã có nhiều chương trình gây quỹ rất thành công. Thời gian sắp tới, Hội có dự định sẽ tổ chức chương trình gây quỹ nào không?

TG: Hội đã tổ chức 6 cuộc gây quỹ tại Houston, Dallas, Na Uy, Ðan Mạch, San José và Atlanta. Số tiền đóng góp đã được trên $400,000. Kinh phí dự trù cho vụ kiện theo các luật sư là $550,000. Tháng 5, 2022 hội sẽ tổ chức thêm hai cuộc gây quỹ; một vào Chủ Nhật 15/5 tại Houston và một tại Dallas vào Thứ Bảy 21/5.

Biểu tình tại nhà máy Formosa Texas (hình Viet TV)

NB:  Về việc gây quỹ cho Hội, có khi nào chị có nhận được những thắc mắc, những nghi vấn từ phía dư luận không?

Xem thêm:   Allen PAC

TG: Thực ra, các hội viên là những thiện nguyện viên, không ai lấy bất kỳ tiền thù lao nào, ngay cả chi phí đi lại. Tiền quyên góp được là để trả tiền lập hồ sơ, án phí của tòa, tiền luật sư, tiền trả cho những nhân chứng chuyên môn…Với 7,875 nạn nhân kiện tại tòa án Ðài Loan nên hồ sơ, lời khai, chứng từ đều phải dịch sang tiếng Trung Hoa, rất tốn kém.

Tuy nhiên, có một số thành phần phá hoại, phao tin thất thiệt rằng hội giả kiện để quyên tiền bỏ túi. ÐGM. Nguyễn Thái Hợp và LM. Ðặng Hữu Nam đã xác nhận, hội được sự ủy quyền của họ và các nạn nhân để đứng ra đưa vụ kiện ra tòa quốc tế.  Nhất là sau khi Tòa TCPV đã phán quyết cho phép các nạn nhân được kiện công ty Formosa tại Ðài Loan, thì sự thật đã sáng tỏ. Báo chí, truyền thông VN và các tờ báo lớn ngoại quốc, cũng loan tin về thành quả bước đầu này.

NB: Chúng tôi được biết chị có một mái gia đình êm ấm, chị có thể cho độc giả biết vài điều về gia đình chị không?

TG: Chúng tôi có 1 trai và 3 gái. Cháu gái lớn ra trường ngành y tá, đang làm tại Dallas. Cháu trai, kỹ sư điện tử làm việc tại Austin. Cháu gái kế làm việc cho công ty địa ốc của gia đình, cháu gái út trong ngành thời trang. Hiện chúng tôi có một cháu nội và một cháu ngoại. Gia đình có công ty đầu tư địa ốc, thu nhập cũng ổn định.

NB: Những công việc chị đang theo đuổi, phần nào thể hiện chị là một người phụ nữ mạnh mẽ, cứng rắn.  Vậy trong gia đình, với vai trò người vợ và người mẹ chị là người thế nào?

TG: Khi các cháu còn nhỏ, vì lo sợ các cháu mải chơi, không lo học, nên chúng tôi kiểm soát chặt chẽ, vì thế không khí gia đình nhiều khi căng thẳng. Khi các cháu lớn, bắt đầu hiểu biết và chúng tôi cũng nhìn thấy nhu cầu cần được tự do để đi tìm chính mình của các con, nên tập “mắt nhắm, mắt mở”, từ đó, tình cảm con cái, cha mẹ tốt đẹp.

Tôi rất may mắn có người chồng chịu khó và thông cảm với những sinh hoạt xã hội của vợ, nên trong mọi việc làm của tôi đều có sự đóng góp của anh ấy.

NB: Ngoài việc xã hội, nhà thờ, lịch trình chị khá bận rộn, chị sắp xếp thời gian sinh hoạt gia đình ra sao?

TG:  Khi các cháu còn nhỏ thực là khó khăn. Việc làm ăn, việc nhà, việc học của các cháu chiếm hết 90% thời gian ban ngày của tôi. Nên những sinh hoạt thiện nguyện rơi vào ban đêm. Bây giờ, các cháu đã lớn và có cuộc sống riêng, nên tôi có thời gian rộng rãi hơn. Các con cũng giúp đỡ tôi nhiều hơn qua việc tìm kiếm tài liệu hay góp ý về những bài viết bằng ngoại ngữ…

NB: Cảm ơn chị đã dành thời gian tâm tình với Trẻ.

TG: Cám ơn chị đã dành cho tôi cơ hội này.

Nhóm JFFV Triều Giang, ủng hộ nạn nhân Formosa Texas (hình Viet TV)

NB thực hiện