Một chút man mác, buồn và tĩnh lặng của mùa Thu phương Tây, một chút cô quạnh, se sắt và thanh đạm của mùa Thu phương Đông, một chút lá đỏ, lá vàng rực rỡ của mùa Thu châu Mỹ… Và một chút gì đó khiến người ta quên mất rằng nơi đây là bờ biển, nơi đây vói tay đã chạm Thái Bình Dương, một thiên đường của tịch lặng và im vắng, Rú Chá.

Độc đạo dẫn vào Rú Chá   

Từ thành phố Huế, chạy xuôi về hướng biển, có thể đi nhiều tuyến, tùy vào điểm khởi hành, bằng cách nào đó, bạn hãy băng qua chiếc cầu dài và buồn nhất nhì thế giới có tên cầu Tam Giang, một chiếc cầu bắc qua phá Tam Giang để đến Rú Chá. Bởi cầu Tam Giang là chiếc cầu nổi tiếng, bạn chỉ cần vào Google Map để tìm đường đi, không cần hỏi ai cả, nhưng cũng thử hỏi nếu thích nghe giọng Huế, không sao cả, người Huế rất nhiệt tình và thân thiện trong việc chỉ, hướng dẫn đường đi cho khách lạ.

Từ cầu Tam Giang, dõi mắt nhìn xuống phá Tam Giang, bạn bắt gặp không gian mênh mông của nước và những cuộc đời bám phá, có thể không mảnh đất cắm dùi, lấy thuyền làm nhà và lấy con nước lớn, con nước ròng làm nhịp sống, lấy tôm tép, cá mực và các loại hải sản để sinh nhai mỗi ngày. Cũng từ chiếc cầu này, bạn bắt đầu gặp những thành phố nghĩa trang, tức thành phố của người đã khuất. Có thể nói rằng không đâu giống như Huế, người sống chấp nhận sống trong những căn nhà tuềnh toàng, rách nát, nhưng người chết được nằm trong những khu lăng mộ bạc tỉ, thậm chí nhìn giống như lâu đài.

Có những gia đình con cháu sống trong những căn nhà cấp 4 xập xệ, chật chội, vây quanh khu lăng mộ tráng lệ và đắt đỏ, có công viên cây xanh, có ghế đá, có cả những thứ vật dụng của người sống nhưng lại dành cho người chết như tivi, xe máy, xe hơi đặt bên trong. Chiều chiều, con cháu rảnh rang lại dắt nhau ra công viên của ông bà để ngắm xe, ngắm những phương tiện hiện đại. Bởi người ở đây quan niệm chữ Hiếu rất nặng, con cái có thể đói khổ, có thể bạt mạng tha phương cầu thực nhưng không thể bất hiếu. Và chữ Hiếu như một thước đo danh dự xã hội. Nhà kia có hiếu hơn nên xây mộ ông bà to hơn để báo hiếu ông bà, lẽ nào nhà mình lại bất hiếu, để mộ ông bà nhỏ hơn sao?! Cái chữ Hiếu thái quá đôi khi rất kỳ cục, nhưng nơi đây thực sự nếp nghĩ đã ăn lậm trong não trạng của một bộ phận không nhỏ người Huế.

Chiếc thuyền kiếm cơm hằng ngày của hai vợ chồng già

Qua khỏi các khu lăng mộ, các thành phố của người chết, băng qua một cánh đồng ngập mặn, rẽ vào một khu nghĩa trang của người nghèo, tức khu nghĩa trang có ít lăng mộ hơn các thành phố lăng mộ nhưng nhìn chung, các ngôi mộ ở đây cũng khá lớn, khá cầu kỳ và đồ sộ so với bất kỳ tỉnh thành nào (ngoại trừ lăng mộ của các quan lớn chiếm hàng hecta đất, lăng mộ của người bình dân thì khó bề so sánh với lăng mộ người bình dân xứ Huế rồi!).

Xem thêm:   Chuyện rừng, chuyện cát & chuyện sông...

Từ khu lăng mộ, có một con đường nho nhỏ, một cây cầu nho nhỏ bắc qua một con lạch mà hai bên con lạch lại có rất nhiều ngôi mộ và những cây tùng nước mặn. Loại cây này khá lạ lẫm, nó không giống bất kỳ cây sống trong rừng ngập mặn nào của xứ Cà Mau hoặc Ninh Bình, nó có lá hình oval, thân khẳng khiu như cây mai nhưng lại cho hoa thành từng chuỗi như lá tùng, một dạng hoa mà chỉ nhìn thoáng qua, người ta đã thấy mùa Thu se lạnh hiện ra trước mắt.

Rú Chá không rộng lắm đâu, chừng vài km2 thôi, ở đây có đủ các dạng sinh vật nước mặn, từ cua, ốc, ghẹ, tôm cá và rất nhiều thứ khác. Nhưng nếu chỉ lang thang nơi đây, rồi quay ra với bụng đói thì chán chết đi được. Bởi nếu có mang thức ăn theo, tổ chức dã ngoại mà thiếu con người “bản địa” cũng khiến cho cuộc chơi có gì đó tẻ nhạt và thiếu ý vị. Ở đây có 2 con người, sống giữa rừng ngập mặn, sống giữa các ngôi mộ và sống với tiếng sóng biển vọng về hằng đêm đã ngót nghét nửa thế kỷ nay. Ban đầu, họ ra đây để đặt ống trúm, để lưới tôm lưới cá sống qua ngày.

Ngôi nhà nhỏ của hai vợ chồng già nằm lẻ loi giữa Rú Chá

Nhưng tại sao phải chọn ở lại luôn nơi đây để làm sinh kế với đời sống không điện, không nước ngọt, không có hàng xóm, không có bệnh viện khi đau ốm, thậm chí không cả đường đi vào mùa mưa?! Thực ra, họ là những người Huế hiếu thảo một cách thái quá mà tôi vừa nói ở đoạn trên. Họ là một đôi vợ chồng có nhà cửa, con cái hẳn hoi ở trong thành phố. Nhưng họ nghiên cứu phong thủy và khi cha mẹ họ qua đời, họ đã đưa ra giữa Rú Chá để chôn cất, xây mộ. Họ cũng ra ở bên cạnh mộ cha mẹ từ lúc mới chôn cho đến nay.

Xem thêm:   Làng cổ bên sông Ô Lâu

Ban đầu, họ che một cái lều tạm bợ bên cạnh ngôi mộ đồ sộ của cha mẹ họ, ở đó và hầu hạ nhang khói, sau đó, họ cất một cái chòi nhỏ để ở và đến lúc này, họ đã cất một ngôi nhà nho nhỏ có vại nước trước nhà, có đàn gà sau vườn (rú) và có một chiếc thuyền độc mộc để đi đánh bắt.

Gần đây, du lịch phát triển, họ nghĩ thêm phương cách kiếm sống bằng cách cất hai căn chòi trên mặt nước và phục vụ cơm trưa cho những ai đặt trước. Cơm nấu bằng bếp củi, thịt gà tự nuôi, tôm, cua, hải sản tự đánh bắt nên giá thành không mắc là mấy và các món ăn có vẻ rất mộc mạc, không màu mè, nhưng khá đậm đà hương vị của tự nhiên.

Rú Chá vào Thu

Buổi trưa, ngồi giữa rừng ngập mặn, hóng gió biển, gió rú len lỏi qua rừng cây, ăn một chén cơm gạo quê và ngồi trò chuyện rỉ rả hoặc im lặng nghe tiếng sóng ngoài đại dương xa xa… Đương nhiên đây phải là cảm giác đặc biệt rồi. Đặc biệt hơn nữa là chi phí bạn bỏ ra cho bữa cơm trưa chừng 5 người với đầy đủ các món sẽ không quá một triệu đồng. Và nếu so sánh với các nhà hàng hải sản thứ thiệt, các nhà hàng có gà thả vườn thứ thiệt, có lẽ giá thành ở đây rẻ bằng 1/3 thôi. Đương nhiên ở đây có vị quê mộc mạc và không có màu mè lôi cuốn như các nhà hàng trên phố.

Xem thêm:   Những ngôi nhà... siêu nhỏ

Nhưng vấn đề không phải là cơm mắc hay rẻ, mà câu chuyện của những người tự chọn cho mình một cuộc sống cô đơn, lập dị sẽ khiến cho bạn có cái nhìn khác về đời sống, khiến cho bạn thấy trong đời sống chộn rộn và ít nhiều tranh đoạt này, sẽ có một số chi tiết, tình huống và lựa chọn quá thừa thãi, chẳng mang lại lợi ích hay niềm vui nào cho tâm hồn bạn. Đó cũng là một cách “chữa lành” nói theo ngôn ngữ tuổi teen bây giờ! Bởi Rú Chá mang cho bạn một cảm giác trống rỗng và bình yên lạ thường. Bạn thử thể nghiệm, tin là thú vị!

Cầu chúc bạn có một chuyến du lịch ý nghĩa và bổ ích!

Bài và hình HT