Nhà văn Huy Phương viết lời dẫn trong tuyển tập “Hoa Cỏ Bên Đường” của Kiều Mỹ Duyên vừa xuất bản năm 2021 như sau “… Đối với Kiều Mỹ Duyên, phóng viên không phải là một nghề mà một sở thích không rời bỏ được…”,  dầu sở thích này có thể tước đi mạng sống của cô bất kỳ lúc nào, khi một thiếu nữ tràn đầy nhựa sống bỗng từ giã vàng son, lụa là, để lẽo đẽo theo chân những chiến sĩ Biệt Động Quân, Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến… vào tận những nơi đang xảy ra những trận giao tranh khốc liệt…

… Mời bạn rời khỏi chiến trường đầy bụi mù, khói súng, để cùng Ngân Bình theo dõi cuộc phỏng vấn ký giả Kiều Mỹ Duyên về cuộc sống và nhất là sau những ngày định cư ở Mỹ…

Phóng viên chiến trường Kiều Mỹ Duyên 

Ngân Bình (NB): Thưa chị Kiều Mỹ Duyên, hiện nay độc giả Trẻ đang say mê  “Chinh chiến điêu linh”, chị có thể vui lòng cho biết chị khởi sự việc viết lách khi nào không?

Kiều Mỹ Duyên (KMD): Tôi bắt đầu viết rất sớm, lúc mới 10 tuổi, cô giáo gửi đăng báo thiếu nhi ở SG và được nhuận bút hẳn hoi. Sau đó Tôi làm phóng sự trong biến cố Mậu Thân và giữ thêm mục Người Yêu Của Lính cho báo Công Luận. “Chinh Chiến Ðiêu Linh” tôi viết trong lúc mùa Hè đỏ lửa năm 1972. Những bài phóng sự này được vinh hạnh tồn trữ tại thư viện Quốc Hội Hoa Kỳ.

NB: Khi phụ trách trang “Người Yêu Của Lính” trên báo Công Luận,  điều gì làm chị vui hoặc xúc động nhất? 

KMD: Là người phụ trách trang Người Yêu Của Lính, điều vui nhất là khi được tin những em gái hậu phương kết hôn với chiến sĩ tiền tuyến. Nhiều người đã có một mái gia đình rất hạnh phúc, sinh con, có cháu nội, cháu ngoại. Ðến nay, bản thân hay con cháu họ đã hiện diện ở khắp nơi trên thế giới. Ðặc biệt, họ vẫn hướng về quê hương, mong quê hương có một nền Tự Do thật sự.

NB:  Thời đó, có lẽ chị là phóng viên chiến trường nữ duy nhất thì phải? Tại sao chị chọn công việc này?

KMD: Nữ phóng viên chiến trường không nhiều bằng nam ký giả. Nữ ký giả đếm trên đầu ngón tay, như nữ ký giả Phan Trần Mai, binh chủng Nhảy Dù (qua đời vào tháng 1/ 2021 ở San Jose). Mai rất xông xáo có mặt địa đầu giới tuyến. Ký giả Lam Hồng Cúc chết ở Pleiku. Cả hai nữ ký giả này làm việc cho báo Trắng Ðen.

Tôi không chọn làm phóng viên, nhưng tôi đam mê viết. Ðến tận nơi nguy hiểm mới thấy tận mắt sự gan dạ và dũng cảm của người lính chiến Việt Nam Cộng Hòa.

Kiều Mỹ Duyên và Đức Đạt Lai Lạt Ma

NB: Là phái nữ, giả sử không chết mà bị thương tật, thì đời sống sẽ là bi kịch. Có khi nào chị nghĩ đến điều này không?

Xem thêm:   Lễ hội hoa anh đào ở Macon

KMD: Tôi học triết lúc ở trung học, lên đại học vừa học triết, vừa học luật, nên tin vào số mệnh. Mỗi người sinh ra đã có số, tới lúc là phải chết. Tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ bị thương, hay nghĩ đến cái chết, đến lúc đi là đi, một cách bình yên.

NB: Đọc những bài viết của chị, chúng tôi nhận thấy chị vừa có chất nữ tính, và có tính chất liều lĩnh của nam nhi. Hồi bé, tính cách chị thế nào?

KMD: Từ bé tôi rất thích người hùng, tôi mê say đọc sách. Tôi thích Triệu Vân trong Tam Quốc Chí, người anh hùng với một cây gươm, một con ngựa, một tay bồng ấu chúa vượt vạn nẻo đường, sau lưng là quân giặc đuổi theo rầm rập. Tôi thích Khổng Minh, đầu óc siêu việt giúp Lưu Bị tạo dựng nhà Hán. Tóm lại, tôi thích người tài giỏi. Tôi thuộc lòng câu nói của ông bà mình “Thà làm học trò người giỏi hơn là làm thầy người dở”.

NB: Chúng tôi đọc nhiều hồi ký về chiến trường, hầu hết là nhà văn nam. Những câu chuyện của họ đều cảm động và hào hùng. Nhưng ở tác phẩm của chị, có sự mềm mại nữ tính. Ngoài việc mô tả những khốc liệt, hy sinh trên chiến trường, chị thường viết  về thân phận của người dân, người mẹ, người vợ… Thậm chí khi bay trên làn tên mũi đạn, thay vì phập phồng về những họng súng địch quân rình rập, chị lại thả hồn mô tả bầu trời, cánh chim, cảnh ruộng nương thanh bình như đang đi…  du lịch. Chị có thể giải thích về điều này không?

KMD: Người chiến sĩ không sợ chết, phóng viên ra chiến trận vài giờ rồi trở về thành phố thì đâu để ý đến sự sống chết, với lại khi đã tin vào số mệnh thì trong đầu không nghĩ đến chuyện hên xui may rủi.

NB: Điều đam mê gì khiến chị gắn bó với nghề phóng viên chiến trường một cách mạnh mẽ, vượt qua được nỗi sợ hãi khi đối diện với cái chết?

KMD: Nghề là cái nghiệp cô ạ, một khi mình đam mê cái gì đó thì cứ làm việc miệt mài không bao giờ biết chán.

Kiều Mỹ Duyên & Tổng Thống George w. Bush (phải)

NB: Điều gì làm chị vui nhất trong suốt hành trình nghề nghiệp?

KMD: Vui nhất là nói lên tiếng nói của người khác mà họ không có cơ hội để nói. Người thật việc thật, cô cứ tưởng tượng người phóng viên như chiếc máy ảnh chụp hình ghi nhận tất cả thực tế vào ống kính. Với ký giả thì người cười hay người khóc cũng thấm vào trang giấy của người cầm bút. Chỉ có sự thật mới đi vào trái tim của người đọc. Mình không xúc động thì làm sao bài báo của mình chạm được cảm xúc của độc giả.

Xem thêm:   Đầm Môn, Đèo Cả, Vũng Rô & Hòn Nưa

NB: Chị có thể kể đôi nét về hành trình vượt biển và định cư của mình không?  

KMD: Khi vượt biên là chấp nhận 9 phần chết, 1 phần sống trên  biển, lúc đó nước đã tràn vào ghe nhưng tâm nguyện của tôi lúc đó, không phải chỉ sống hay chết mà, nếu đến được bến bờ Tự Do thì tôi phải nói lên tiếng nói của người không có Tự Do ở quê nhà. Nên vừa đến đất Mỹ, tôi vừa học vừa đi làm. Làm trong trường đại học và đi biểu tình cho Nhân Quyền VN, tham dự những Ðêm Không Ngủ cho Nhân Quyền VN, miệt mài với sinh hoạt của cộng đồng, phản đối Cộng Sản khi ở VN có người bị bắt bớ giam cầm vì tranh đấu cho Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền. Khi làm chủ tịch hội sinh viên VN ở Fullerton College, tôi cũng tổ chức nhiều cuộc hội thảo về Nhân Quyền cho người bản xứ biết rằng chúng tôi đi tị nạn vì hai chữ Tự Do chứ không phải tị nạn kinh tế.

NB: Chị nghĩ sao về “hòa bình’ ở Việt Nam hiện nay?

KMD: Ở VN làm gì có hòa bình, đi biểu tình bảo toàn lãnh thổ, lãnh hải thì bị bắt. Sáng tác nhạc nói lên lòng yêu nước bị bắt, bị giam cầm, thậm chí đồng chí của họ làm giỗ cho đồng đội của họ chết trận ở Trường Sa cũng bị nhà cầm quyền sách nhiễu, ngăn cản.

NB: Khi đọc chị, chúng tôi thấy lúc nào cũng bôn ba ngoài chiến trường, chia sớt làn tên mũi đạn với quân nhân trên chiến tuyến. Lúc đó chị đang trong độ tuổi đẹp nhất, Vậy đời sống riêng tư của chị như yêu đương, hẹn hò, giải trí ra sao?

KMD: Lúc còn là sinh viên, tôi lo học tối tăm mặt mày, vừa học vừa làm, trước năm 1975 tôi còn làm việc từ thiện của Hội từ thiện quốc tế có chi nhánh ở VN. Bạn bè thì tôi rất nhiều, nhưng phần lớn là các bạn ở trong tổ chức từ thiện, thực tình là vẫn chưa có hẹn hò , sở thích lúc đó là nghe nhạc, đọc truyện, học đàn, chơi thể thao, học võ Aikido.

Kiều Mỹ Duyên thăm trẻ em mồ côi, khuyết tật Việt Nam

NB: Sau này chị vẫn tiếp tục công việc của một người phóng viên, một nhà báo, gặp gỡ và phỏng vấn nhiều nhân vật tiếng tăm trên thế giới. Cơ duyên nào đã tạo cho chị những cơ hội hiếm có này?

KMD: Khi gặp các Thượng Nghị Sĩ Úc khi họ sang VN họp với chính phủ VN, tôi phỏng vấn họ. Khi du học ở Úc thì được mời về nhà, hội họp với các bác sĩ đã từng tham chiến ở VN trong quân đội Úc. Tôi đã đi thăm trường võ bị Hoàng Gia Duntroon, cũng nhờ trước đó có cuộc phỏng vấn vị tướng Úc đã từng đến VN. Tôi được phỏng vấn Tổng Thống Mỹ Ronald Reagan, TT George W. Bush, bà Tổng Thống Sadat, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Cộng Hòa Liên Bang Ðức, Ðức Ðạt Lai Lạt Ma v.v. tất cả cơ duyên này đều nhờ làm truyền thông.

Xem thêm:   Kinh đô thời trang Roma

NB: Được biết chị là một người làm rất nhiều việc và làm việc không ngừng nghỉ, chị có thể cho biết những công việc chị đang làm?

KMD:  Sau khi ra trường tốt nghiệp về báo chí ở đại học Fullerton, miền Nam California, tôi học thêm về địa ốc tài chính, mở văn phòng địa ốc. Thời gian mỗi ngày chia ra làm 3 phần, một phần làm thương mại, truyền thông, shows trên TV hơn 20 năm, radio, viết mỗi tuần một bài báo và là Board Director của YMCA (*) , trụ sở Luân Ðôn, trước 1975 có chi nhánh ở Việt Nam. Ngoài ra, tôi cũng từng làm Grant Jury của tòa án Orange County toàn thời gian năm 2000- 2001.

Kiều Mỹ Duyên phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục William Skylstad

NB: Với từng ấy công việc, làm sao chị có thể sắp xếp thời gian để hoàn tất mọi việc một cách tốt đẹp?

KMD: Ðể làm được nhiều việc một lúc, đều nhờ sự cố gắng của mình. Tôi thức dậy từ 6 giờ sáng, đi ngủ lúc 11 giờ tối hoặc muộn hơn, và tôi may mắn có những người xung quanh rất giỏi, cần giúp gì thì họ hỗ trợ được ngay. Người tốt và có lòng, có tâm huyết trên thế giới này nhiều lắm, mình đưa tay ra sẽ có người bắt tay ngay. Nhưng ngược lại, mình cũng cần phải mở rộng lòng, ai cần gì thì mình giúp  trong khả năng của mình.  Trên đời này không ai có thể sống lẻ loi, cô độc một mình được. Sự thành công của người này đều có sự giúp đỡ của những người khác.

NB: Chị có mơ ước gì không?

KMD: Mình thích nhất là giáo dục. Cải tổ một quốc gia là cải tổ giáo dục, cải tổ cái não của người lãnh đạo. Làm thế nào cho những người trẻ VN nhìn rõ họa xâm lăng của Trung Cộng, phải bảo toàn được lãnh thổ, lãnh hải. Ðồng bào ở hải ngoại hướng về quê hương, giúp quê hương có Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền. Ðiều đó không phải là mơ ước của Kiều Mỹ Duyên mà có thể cũng là mơ ước của mọi người.

NB: Cám ơn chị đã chia sẻ nhiều điều thú vị với độc giả Trẻ và đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.

Xin chúc chị luôn dồi dào sức khỏe.

NB

Kiều Mỹ Duyên

– Tác giả bút ký “Chinh Chiến Điêu Linh”

– Trước 75 cộng tác với các báo Công Luận, Hòa Bình, Trắng Đen

– Hiện là chủ tịch của công ty địa ốc Ana Real

(*) YMCA (Young Men’s Christion Associatin) Thành lập năm 1844 ở Luân Đôn. Thành lập chi nhánh ở Boston năm 1851. Hiện nay hoạt động trên khắp thế giới.

Chủ trương xây dựng: Trẻ em mạnh mẽ, gia đình mạnh mẽ, cộng đồng mạnh mẽ.