Không quá sớm, cũng không quá muộn, cứ còn khoảng hai tuần đến ngày Tết Nguyên đán là các chợ Việt ở Little Sài Gòn tràn ngập mứt Tết, đủ màu đủ sắc, muôn hình muôn vẻ, kiểu tân cũng có mà kiểu cổ cũng có.

Những túi giấy bóng nhiều màu, những chiếc giỏ đan bằng tre hay lá dừa thủ công kiểu dáng mỹ thuật, gói sẵn nhiều thứ bánh, mứt chung với nhau, trang trí bông, nơ, để làm quà biếu được xếp thành hàng dài trên kệ cao. Những hộp bánh, mứt lớn nhỏ đủ màu đủ sắc rực rỡ chiếm các dãy kệ thấp hơn. Loại hộp lớn hình bông mai 5 cánh, 6 cánh, đựng 5 hoặc 6 loại mứt khác nhau cho khách hàng nào muốn tiết kiệm tiền. Chỉ cần mua một hộp là có 5-6 thứ mứt, màu sắc khác nhau, mỗi thứ một ít. Phần lớn, loại hộp này cũng để cho khách mua làm quà biếu hơn là để ăn trong nhà. Có những hộp mứt chỉ đựng duy nhất một loại (hộp lớn và hộp nhỏ) dành cho những ai thích tự chọn món mứt phù hợp khẩu vị của mình mà không bị “ép mua” thứ không thích.

Kiểu cổ thì có mứt dừa non sợi mập mà ngắn, mứt dừa già sợi mỏng và dài ngoằng, mứt bí đao, mứt trái tắc (quất,) mứt khoai lang, mứt hột sen, mứt me, mứt mãng cầu xiêm, mứt gừng, mứt cà chua, mứt khóm dẻo, kẹo đậu phộng, kẹo thèo lèo cứt chuột. Kiểu tân thì có mứt kiwi, mứt khoai tây, mứt sơ-ri, mứt ngó sen, mứt cà rốt, mứt vỏ cam, mứt vỏ bưởi, mứt khế, mứt đu đủ. Tất nhiên, gian hàng bánh mứt Tết không thể thiếu bánh tét, bánh chưng, bánh tổ, bánh dày, bánh in bột nếp.

Tôi vốn không ăn đồ ngọt, không phải tôi chê đồ ngọt mà càng già tuổi thì càng phải kiêng ăn đồ ngọt như phần lớn tất cả những người đã bước qua khỏi tuổi 50. Nên dù thích ăn mứt Việt cũng phải “kênh” lên, làm “mặt ngầu” lướt qua gian hàng mứt Tết một cách dứt khoát. Tuy nhiên, dù muốn hay không, để có thứ trưng bày bàn thờ những ngày Xuân, đốt nhang trầm cho “có không khí Tết” thì tôi cũng phải sắm sửa đủ lễ bộ, gồm: Một lò gốm nhỏ (đốt nhang trầm nụ hình nón,) nhang cây dài cắm lư hương bàn thờ, vài cặp đèn cầy nhỏ và vài thứ bánh, mứt Việt kiểu truyền thống. Năm ngoái, tôi đi sắm Tết trễ vào những ngày cận Tết nên gian hàng bán bánh mứt Tết đầy ú hụ rực rỡ ở các chợ đã không còn món gì để tôi mua, đành chỉ mua một ít trái cây. Lẽ ra, đúng kiểu là phải có thêm cặp dưa hấu tròn như trái banh, hai trái đều nhau, màu xanh đen bóng lưỡng chưng bàn thờ. Nhưng thời nay dưa hấu quá lớn, màu sắc cũng không đẹp, trái không tròn, mất đi ý nghĩa “viên mãn” (tròn) để bày bàn thờ rồi, dưa để ăn chớ không cúng được nữa.

Bánh tổ. Photo: tạ phong tần / trẻ

Rút kinh nghiệm, tuần rồi, vừa ló đầu vô chợ thấy gian hàng bánh mứt Tết đã bày ra rực rỡ, tôi liền chọn mua ngay một cái bánh in bột nếp lớn bằng cái dĩa (một hộp,) mứt dừa dẻo (một hộp,) thèo lèo cứt chuột (một hộp). Hộp nhựa trong có dán giấy hồng điều vẽ chữ kim nhũ bên ngoài, để nguyên ba cái hộp này lên bàn thờ luôn, khỏi cần bày dĩa cho lách cách. Mứt dừa dẻo được làm bằng dừa non, ăn dẻo, thơm, hơi beo béo vị dừa và chỉ hơi ngọt lợ, phù hợp với người kiêng ăn ngọt như tôi. Thèo lèo cứt chuột tức là kẹo mè đen giòn, kẹo mè trắng giòn, hột đậu phộng áo một lớp đường trắng giòn, tất cả ba thứ trộn chung với nhau, dân Nam kỳ gọi là thèo lèo cứt chuột.

Xem thêm:   Hòn Kẽm - Đá Dừng

Cũng xin nói thêm là món này nếu đám hỏi, đám cưới ở quê tôi nhà trai phải đem hàng bao bố vài trăm ký lô qua “nộp sính lễ” cho nhà gái. Nhà gái mới lấy chia ra từng bọc nhỏ khoảng một ký lô, gói giấy đỏ, dán lên chữ Vu Quy, đem biếu trong dòng họ, làng xóm như một hình thức thông báo tin vui nhà gả con gái lấy chồng. Trong ngày Tết, kẹo thèo lèo cứt chuột tượng trưng cho hỷ sự, sung túc. Bánh in, mứt dừa dẻo, thèo lèo cứt chuột này chỉ ngày Tết cổ truyền Việt Nam ở chợ mới có bán. Những ngày bình thường, các tiệm chuyên bán bánh mứt Việt chỉ bán loại mứt gừng già sợi dài, khô, có nhiều xơ và rất là ngọt, không phù hợp khẩu vị của tôi.

Bánh tổ bán trong chợ là bánh làm kiểu Bắc. Ðó là bột nếp trộn đường vàng sậm chín đặc đổ trong những hộp nhựa tròn, mỗi hộp 1 pound hoặc 2-3 pounds. Ðể bột nếp của bánh khỏi dính hộp, người ta thường thoa một lớp dầu dừa trong lòng hộp trước khi đổ bột bánh vô hộp.

Bông cúc tươi. Photo: tạ phong tần / trẻ

Trong Nam cũng có làm bánh tổ nhưng kiểu làm bánh tổ của người miền Nam khác bánh tổ miền Bắc. Tôi nhớ bà ngoại tôi làm bánh tổ giống y như người ta làm bột bánh ít. Tuy nhiên, bánh ít thì có nhưn dừa xào đường hoặc nhưn đậu xanh, còn bánh tổ là bột của da bánh ít mà không có nhưn. Ngoại tôi gói cục bột trong lá chuối rồi cho xửng hấp cách thủy đến khi bánh chín mới đem ra để nguội, xếp bánh ra cái nia tre rồi bưng nia phơi nắng ngoài sân. Khi ăn lột ra da bánh hơi cứng nhưng lớp bột bên trong vẫn dẻo, mềm. Ngày trước thiếu đường, người ta làm bánh ngọt phải xài đường thùng (tức đường mía chứa trong thùng thiếc, màu vàng nâu, nhìn giống cục đất sét) nên bột ra bánh cũng có màu vàng nâu, nhưn dừa xào đường cũng có màu nâu. Sau này, bánh ít, bánh tổ ở quê tôi đều có màu trắng ngà vì được làm với đường cát trắng, nhưn dừa xào đường màu trắng như thủy tinh. Tôi không biết ở Cali lò bánh dùng đường loại gì để làm bánh tổ mà bánh cũng có màu vàng nâu như màu đường thùng mấy chục năm về trước.

Xem thêm:   Người tháp chữ A vào tên PARIS

Ðặc điểm của hàng bánh mứt Tết này đều được làm ra tại Cali chớ không phải hàng nhập Việt Nam hay Ðông Nam Á.

Xen lẫn vô hàng bánh, mứt còn có những hộp sắt đựng bánh Tây in chữ Ðại Hàn, chữ Thái Lan. Tuy nhiên, mấy thứ bánh Tây này thì ngày nào chợ cũng có bán. Ngoài bánh, mứt Tết còn có mặt hàng rau củ ngâm chua, ngâm giấm đường (người miền Bắc gọi là dưa món,) củ kiệu đóng hộp nhựa, hộp thủy tinh để ăn kèm tôm khô, bánh tét, bánh chưng cho đỡ ngán. Bên cạnh các loại dưa món ngâm lại có củ cà rốt, củ cải trắng bào sợi sấy khô đóng gói, giá vừa túi tiền. Mua loại củ sấy khô này về chỉ cần pha nước giấm đường đổ vô hũ thủy tinh, đổ nó vô hũ ém chặt xuống, vài hôm sau là có dưa món ngon ăn rồi. Tôi cầm lên vài gói đồ khô coi thử, thấy có cả hàng nhập Việt Nam lẫn China, nếu quý vị có mua nên để ý kỹ, coi chừng lấy nhằm hàng China có tẩm thuốc chống mốc nhiều quá ăn không tốt cho sức khỏe.

Hàng mứt. Photo: tạ phong tần / trẻ

Chợ cũng bán thêm cúc vàng tươi bó sẵn thành từng bó. Bông cúc không lớn lắm, cây thấp nhưng giá bán rẻ hơn cúc bán ở Hội chợ Hoa đường Bolsa. Kèm theo bông cúc tươi là những chậu nhỏ bông mai giả bằng nhựa. Kiểu chậu mai nhỏ này để trên bàn trong phòng khách rất phù hợp, vừa vặn.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 7 tháng 3 năm 2024

So với thập niên 70, 80 thì Tết Việt ở Cali ngày nay bánh, mứt, trái cây cũng đủ đầy không khác gì Tết ở Việt Nam. Có điều tôi cảm thấy hơi buồn là Tết năm nay không thấy ở đâu có bán bông vạn thọ. Vạn thọ cánh đơn xòe như bông cúc Pháp, vạn thọ cánh kép bông bự cỡ nắm tay, tròn và dày không khác gì cúc đại đóa hay thược dược. Vạn thọ có một mùi thơm đặc biệt, nồng nàn, không thoang thoảng sang trọng, hơi gắt nhưng ta có thể gọi đó là mùi Tết Việt.

TPT