Hôm ấy, chúng tôi khởi hành từ Nha Trang lúc 5 giờ sáng, theo kế hoạch, điểm đến xa nhất là Nhất Tự Sơn, một hòn đảo nhỏ ở thị trấn Sông Cầu, thuộc tỉnh Phú Yên, cách Nha Trang khoảng 200 km về hướng Bắc.

Nhất Tự Sơn (Hình sưu tầm)    

Chúng tôi ra đến Phú Yên vừa kịp lúc ăn sáng và món bánh hỏi, lòng heo được lựa chọn vì là món ngon nổi tiếng của nơi này, khi mà hai bên đường bắt đầu từ thành phố Tuy Hòa trở ra đã thấy khá nhiều quán và đông khách ăn. Chúng tôi vào một quán bên đường ở ga Hòa Đa, Tuy An. Món ăn được bày trên bàn mới hấp dẫn làm sao. Một dĩa chính là thịt luộc được xếp rất đẹp gồm có: thịt ba chỉ, thịt đùi, lòng heo, cật, tim, gan… mang ra nóng hổi, thơm mùi thịt luộc và gia vị, trên mặt có ít hành chần rất gợi thèm (trước khi mang ra cho khách, chủ hàng trụng kỹ dĩa thịt qua nhiều lượt nước sôi). Dĩa bánh hỏi phết mỡ hẹ nhìn là muốn ăn ngay. Tiếp nữa là dĩa rau sống lặt: xà lách, rau thơm, dưa leo, giá; chén mắm ớt tỏi đặc lền mới gây thèm hơn nữa, bên cạnh là dĩa bánh tráng nhúng. Thêm tô cháo lòng và bánh tráng nướng làm nên trên bàn ăn một bức tranh thật sinh động, gây cảm giác đói cồn cào!

Lấy miếng bánh tráng, bỏ rau sống vào, rồi đến bánh hỏi và thịt luộc, lòng… Tôi thú thật khó diễn tả cái ngon của món này khi tất cả mặn, ngọt, chua, cay, béo… làm nên vị ngon khá đặc biệt, vừa miệng.

Bãi đá ở Nhất Tự Sơn

Bẻ miếng bánh tráng nướng thơm, giòn rụm thêm vào từng ấy vị một vị khác hơn làm cho cái cuốn, ngon đậm đà. Cuối cùng chén cháo lòng kết thúc bữa ăn. 5 người ăn 4 phần, no cành. Ai nấy đều hài lòng.

Dự tính là đi một lèo đến Nhất Tự Sơn, nhưng trên Quốc Lộ 1A, đoạn gần dốc Vườn Xoài, nhìn thấy cầu gỗ ông Cọp thấp thoáng sau những hàng dừa, chúng tôi dừng xe lại. Chiếc cầu gỗ mảnh mai bắc qua sông Phú Ngân, nối liền các thôn phía bắc xã An Ninh Tây, Tuy An  với phường Xuân Đài, Sông Cầu. Cây cầu dài khoảng 800m, rút ngắn khoảng cách 10 km nếu di chuyển từ huyện Tuy An qua thị xã Sông Cầu. Rẽ xuống đường đất nhỏ khoảng 100m là đến điểm thu lệ phí đầu cầu. Cảnh khá đẹp và nên thơ xung quanh một vùng sông nước bao la. Xe máy qua cầu không nhiều nhưng đủ làm nên âm thanh lào rào. Bên dưới sông những người xúc ốc, hến lặng lẽ làm nên một nét đẹp vùng quê đặc biệt. Với người yêu thiên nhiên và thích chụp hình thì đây là nơi quá lý tưởng để ghi lại những hình ảnh đẹp.

Cầu gỗ Ông Cọp

Nhất Tự Sơn, là một hòn đảo nhỏ, hoang sơ, diện tích khoảng 6 ha, nằm ở cửa vịnh Xuân Đài, cách đất liền chỉ khoảng 300m. Điểm đặc biệt nơi đây là khi thủy triều rút xuống có thể đi bộ trên một con đường tự nhiên qua đảo. Theo các tài liệu, tên gọi Nhất Tự Sơn xuất phát từ hình dáng của đảo và con đường này, nhìn từ xa trông giống như chữ “Nhất” (tiếng Hán). Hòn đảo nhỏ này còn được xem như bức bình phong giúp cho làng chài Mỹ Thành và Hải Mỹ không bị ảnh hưởng nhiều trong mùa mưa bão.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 29 tháng 8 năm 2024

Hôm chúng tôi đến, thật may mắn khi thủy triều xuống nên có thể tà tà vừa đi ra đảo ngắm cảnh, chụp hình. Nhiều người đã đến đây vào lúc thủy triều lên, nước mênh mông, muốn qua đảo phải thuê ghe và chơi trên đảo chờ đến chiều thủy triều rút để tận hưởng cảm giác đi bộ trên con đường lộ ra giữa biển. Theo kinh nghiệm của ngư dân, thường thì từ mùng 1 đến 15 âm lịch thủy triều sẽ rút vào buổi chiều, từ mùng 15 đến cuối tháng âm lịch, thủy triều sẽ rút vào buổi sáng. Chúng tôi đi hoàn toàn không coi ngày nhưng được ngắm trọn con đường cả một buổi sáng. Vài bạn nhỏ trong làng lang thang chơi vơ vẩn trên con đường nói với chúng tôi rằng, đến chiều nước mới lên, mực nước cao nhất cũng chỉ tới ngực người lớn.

Nhà thờ Mằng Lăng

Theo ý tôi, Nhất Tự Sơn đẹp không chỉ vẻ hoang sơ của đảo rừng mà còn là bãi đá rộng mênh mông dưới biển. Một con đường bê tông nhỏ cho khách đi và ngắm đảo. Những bãi đá màu đen và vàng nằm cạnh nhau, trên những bãi đá lại có những khối đá nhô cao đủ hình thù rất đẹp tha hồ cho khách thả trí tưởng tượng mình vào đó. Có những bãi đá màu đen bằng phẳng chạy dài cảm giác như một sân khấu trình diễn thời trang, lại có những cột đá màu vàng  tạo cảm giác như chiếc ngai khổng lồ giữa trời biển… ngắm mãi không chán. Vào thời điểm thủy triều rút xuống thấp nhất nên chúng tôi ngắm được trọn vẹn bãi đá này. Trên đường vòng quanh đảo, những đoạn khó đi có những tấm bê tông bắc ngang qua. Tuy nhiên, bạn có thể đi trên ghềnh đá, cũng không nguy hiểm, chỉ cần đi chậm, cẩn thận. Càng đi, bạn sẽ khám phá được nhiều dấu vết thú vị trên thềm đá. Nhiều người đã đi một vòng quanh đảo và cho biết đã gặp những hang động kỳ thú với những cột sóng xoáy đánh vào đá khá ngoạn mục. Cũng như họ đã đi lên đến nơi cao nhất của đảo bằng con đường mòn lên núi. Đứng trên 2 chiếc cầu tàu một bên đất liền và một bên đảo nhìn phía nào cũng đẹp giữa vùng trời nước bao la…

Xem thêm:   Qua cầu biên giới

Quá trưa mà nước lên rất chậm, chỉ liếm chút mép con đường. Được một lần đi bộ trên con đường giữa biển, ngắm cát, sỏi, vỏ sò ốc lạo xạo dưới chân… đã là rất thú vị rồi!

Con đường lộ ra khi thủy triều xuống

Rời Nhất Tự Sơn, chúng tôi ghé đến nhà thờ Mằng Lăng trên đường đi. Và đập Tam Giang cách nhà thờ Mằng Lăng khoảng 1 km cùng tuyến đường, là một đập tràn chắn ngang sông Cái. Gọi là Tam Giang bởi là nơi 3 con sông gặp nhau nhưng thật ra, bạn thấy ở đây chỉ duy nhất dòng sông Cái chảy qua. Đập dài khoảng 1 km là con đường nối hai bờ sông, người dân có thể đi xe đạp hay đi bộ qua sông mà không cần đi thuyền. Tàu thuyền muốn đi qua phải chờ mùa nước lớn. Một khung cảnh khá đẹp với dòng nước tràn tung bọt trắng xóa, xa xa bên kia sông có một ngôi nhà thờ nhỏ càng thêm vẻ lãng mạn.

Sau bữa cơm trưa ở thành phố Tuy Hòa, chúng tôi ghé đền Lương Văn Chánh, vị Thành Hoàng có công lớn khai khẩn đất Phú Yên thời nhà Nguyễn. Khuôn viên đền thờ khá rộng, điểm đặc biệt của nơi này là trước đền có cây bồ đề cổ thụ có 3 thân, cao 21m, có 4 bộ rễ chia làm 3 cổng rất đẹp.

Đền Lương Văn Chánh – Tuy Hòa

Phía trước cây bồ đề đặc biệt này còn có một cây bồ đề đặc biệt khác mà theo tài liệu, đền thờ Lương Văn Chánh được xây dựng vào những năm 30 của thế kỷ XVII. Theo thời gian, ngôi đền bị hư hỏng, sụp đổ thì cây bồ đề mọc lên và bám rễ từng chùm chặt vào bức tường phía trước ngôi đền. Đến năm 1822, thời vua Minh Mạng, ngôi đền được xây lại. Như vậy, ước tính tuổi của 2 cây bồ đề này đến nay khoảng 200 năm tuổi.

Xem thêm:   Nữ điêu khắc gia "Camille Claudel" bước ra từ bóng tối

Theo Wikipedia, Lương Văn Chánh là một võ quan của chúa Nguyễn thời Lê trung hưng, người có công chiêu tập lưu dân khai khẩn, mở mang và phát triển vùng đất Phú Yên. Ông sinh khoảng thập niên 40 của thế kỷ thứ 16. Theo sử liệu triều Nguyễn, ông là người huyện Tuy Hòa, Phú Yên và có nguyên quán ở xã Phụng Lịch, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1558, ông theo Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa. Trong sự nghiệp mở đất, năm 1597, khi ấy đang là Tri huyện Tuy Viễn, trấn An Biên, ông nhận sắc lệnh của chúa Nguyễn Hoàng đưa 4000 lưu dân vào khai khẩn vùng đất phía Nam của Đại Việt từ đèo Cù Mông  đến đèo Cả (địa bàn tỉnh Phú Yên ngày nay). Ông cùng lưu dân khẩn hoang, lập ấp, tạo nên làng mạc đầu tiên trên châu thổ sông Đà Diễn, sông Cái. Ông mất ngày 19 tháng 9 năm 1611 (Tân Hợi) tại thôn Long Phụng, xã Hòa Trị, được nhân dân an táng, lập đền thờ nhớ ơn và suy tôn ông là Thành Hoàng.

Đập Tam Giang

Điểm cuối cùng chúng tôi ghé đến ngày hôm đó là tháp Nghinh Phong.

Chúng tôi tạm biệt Phú Yên bằng chầu bún riêu khá ngon và có giá khá rẻ.

Về đến Nha Trang thành phố đã sáng đèn.

Bài và hình ĐTTT