Chuyến đi là mơ ước của riêng tôi từ nhiều năm trước mãi đến giờ mới thực hiện được.

Mặt tiền nhà thờ Đan viện Châu Sơn với tượng Chúa ngửa mặt lên trời.      

Từ Sài Gòn, chúng tôi 5 người ra Ðà Nẵng trên chuyến bay sớm nhất trong ngày. Kh. đón chúng tôi như thường lệ sáu năm nay từ những chuyến hành hương Ðức Mẹ Lavang. Một bạn ở Ðà Nẵng đã có mặt, chúng tôi còn đón thêm một bạn nữa ở Huế.

Lại ăn sáng ở một quán mì Quảng quen và chầu cà phê cũng ở một quán quen, đúng 8 giờ chúng tôi rời thành phố. Với đoạn đường khoảng 700 cây số, nhưng lịch trình có dừng lại thăm viếng vài nơi nên chúng tôi dành hai ngày đường bộ cho thong thả.

Tuy không cập rập nhưng ngày nào chúng tôi đến khách sạn nghỉ lại thường là tối. Ðêm đầu tiên chúng tôi dừng ở Ðồng Hới sau những điểm ghé thăm trong ngày là Ðức Mẹ La Vang, Bến Hải…

Ngày thứ hai chúng tôi dừng lại Khu Lưu niệm Nguyễn Du, Hà Tĩnh và đến nhà thờ Phát Diệm, Ninh Bình vào đúng giờ Thánh lễ chiều. Tối hôm ấy chúng tôi nghỉ ở Resort Cúc Phương để thuận đường sáng mai đến Ðan viện Châu Sơn. Ngủ một đêm giữa tứ bề cây cỏ khiến ai nấy cảm giác như được nạp thêm năng lượng.

Mái vòm và giá đọc lời Chúa

Tôi đã đọc một bài viết ngắn về Ðan viện Châu Sơn trên facebook có tiêu đề: “Xây nhà thờ và nạn đói”. Chuyện kể rằng, nhà thờ ở Ðan viện Châu Sơn được xây dựng từ tháng 2/1939, dự định đến cuối năm 1945 mới hoàn tất. Tuy nhiên, khi xây dựng đến hai chân tháp cao thì nạn đói xảy ra. Ðan viện quyết định dừng việc xây dựng để lấy tiền cứu dân. Khi qua nạn đói, việc xây dựng lại tiếp tục. Nhưng cuối cùng không xây tháp lên cao nữa, mà dừng lại ở đó, như một dấu chỉ nhắc nhở việc sống Bác Ái.

Tọa lạc trong vùng sơn thủy hữu tình có sông, hồ, núi và cây cối bao quanh. Ðan viện Châu Sơn cách thành phố Ninh Bình 35km và cách Hà Nội 97km. Từ xa đi vào con đường nhỏ đã thấy mặt tiền nhà thờ có màu gạch đỏ nổi rõ như tựa vào núi. Không có hai tháp chuông như kiến trúc thường thấy ở các nhà thờ Công giáo, nhưng rất có ấn tượng bởi cái đẹp đơn sơ của gạch không tô trát. Phía trước có tượng Chúa Giêsu đứng dang hai tay lên trời cũng rất khác, như muốn mời gọi mọi người hướng lòng về trời cao dẫu đang sống thực tại trần gian.

Xem thêm:   Mùa hoa nhĩ cán tím & hoàng đầu ấn ở Tràm Chim

Mặt tiền chính nhà thờ về hướng đông. Ðược thiết kế theo kiểu gothique với chiều dài 64m, rộng 20m và cao 21m. Tường bao quanh dày 0.6m, chỗ có cột dày 1.2m. Hai bên tường có nhiều tháp nhỏ và các gờ chỉ nối kết với nhau bằng những viên gạch đã được đúc sẵn theo hình vuông, tròn và hình thoi. Cửa sổ các tầng trên và tầng dưới được trang trí bằng bức họa hoa văn hình Thánh giá, các Thánh, hình người vác Thánh giá và cầu nguyện.

Hai hàng cột vững chắc đỡ mái vòm phân chia lòng nhà thờ với hành lang hai tầng chạy vòng chung quanh, mỗi hàng 14 cột. Tường dày tạo sự ấm áp vào mùa Ðông và giảm sức nóng của mùa Hạ.

Cung Thánh

Một tượng gỗ hình con chim, bên trên có gắn micro là điểm chú ý đặc biệt. Theo giải thích của một thầy ở Ðan viện, thời Thánh tổ Benedicto (còn gọi là Thánh Biển Ðức) chưa lập Dòng, Ngài tu ở hang Subiaco, hàng ngày có con chim mang bánh đến nuôi Ngài. Giá này dùng để đọc lời Chúa trong các giờ kinh đêm, kinh sách, giờ kinh phụng vụ…

Ở Cung Thánh, trên cùng là Thánh giá, bên dưới là tượng Ðức Mẹ bế Chúa Con, chung quanh có nhiều thiên thần. Theo truyền thống đan tu, các Ðan viện được thiết lập để tôn kính Ðức Mẹ. Thế nên, Ðức Mẹ được đặt giữa bàn thờ trong Thánh đường Châu Sơn để các đan sĩ chiêm ngắm, noi gương, kêu cầu và cùng Ðức Mẹ ca ngợi Thiên Chúa.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 7 tháng 3 năm 2024

Hai bên Ðức Mẹ là bốn vị Thánh: Thánh Giuse là mẫu gương chiêm niệm. Thánh Biển Ðức là tổ phụ của các đan sĩ. Thánh Bênađô là vị Thánh nổi tiếng của Dòng Xitô. Thánh Phanxicô Xaviê là mẫu gương truyền giáo của các đan sĩ.

Mái vòm trắng cao 21m là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc làm nổi bật gian Cung Thánh với các bức phù điêu màu tuyệt tác.

Mộ trong nhà thờ

Bên trong Thánh đường có ba ngôi mộ sát trên nền gạch hoa. Tấm bia khắc ghi nhận ca ngợi công đức của Cha Phêrô Trần Ðức Trưởng, người đã từng xây dựng 16 ngôi nhà thờ trong vùng bằng tiền khấn và cầu nguyện của Ngài.

Hôm ấy, chúng tôi tham dự Thánh lễ tại một nơi gọi là giếng Giacop. Khối kiến trúc hình tròn, có lối dẫn xuống hầm. Bên trong giếng Giacop có bức phù điêu về câu chuyện trong Kinh Thánh, người phụ nữ Samari lấy nước bên giếng Giacop. Cuộc nói chuyện giữa người phụ nữ và Chúa Giêsu có ý nghĩa sâu sắc trong Tin mừng Chúa Giêsu là làm thay đổi cách nhìn của người phụ nữ Samari khi Chúa Giêsu bảo chị ta: “Ai uống nước của tôi cho sẽ không bao giờ khát”; và Chúa Giêsu bắt một nhịp cầu để nối kết, rũ bỏ sự chia cắt và hận thù giữa hai dân tộc Samari và Do Thái. Người phụ nữ này là người đại diện cho dân tộc Samaria.

Có một vòng tròn ở phía trên lấy ánh sáng từ mặt đất xuống giếng biểu tượng ánh sáng của Ðức Ki-tô.

Khuôn viên Ðan viện được bao phủ bởi một màu xanh của nhiều loại cây và được trang trí những biểu tượng rất có ý nghĩa như: bản đồ Việt Nam, Mẹ Âu Cơ trăm trứng… Những tảng đá tự nhiên có nhiều hình thù khác nhau dễ khiến cho người xem liên tưởng đến những con vật có ý nghĩa nào đó. Hay những viên đá lót đường đi đều có những ý nghĩa về triết lý con người và cuộc sống.

Giếng Giacop với bức tranh phù điêu về câu chuyện trong Kinh Thánh

Phía sau Ðan viện có hang đá Ðức Mẹ, nằm trên núi Cành He. Ðây là một hang đá nguyên sinh mà ngày xưa Ðức Cha Lê Bảo Tịnh đã ẩn tu ở đó. Với 299 bậc cấp để lên hang Ðức Mẹ. Lòng hang rất rộng, có thể chứa đến 300 người tham dự Thánh Lễ. Bàn thờ rất cao, nếu đứng từ dưới đất ngước nhìn lên phải ngửa hẳn cổ.

Xem thêm:   Hòn Kẽm - Đá Dừng

Từ trên núi nhìn xuống dòng sông Nho Quan chảy lượn vòng quanh, cảnh quan rất đẹp.

Phía sau cùng, trên núi cao có một tượng Thánh giá. Chuyện kể rằng, để làm Thánh giá cao khoảng 12m, ba người ôm, giáo dân trong vùng mỗi lần lên núi cao phải mang theo ít xi măng, cát, bám vào các vách núi mà đi. Kiến tha lâu đầy tổ, Thánh giá hoàn thành vào năm 1993.

Với chúng tôi, những người thành phố thì những câu chuyện hay các công trình ở Ðan viện Châu Sơn đều gây ngạc nhiên lẫn sự khâm phục.

Hang đá Đức Mẹ

Mỗi ngày, tại đây đều có Thánh lễ lúc 5 giờ sáng bất cứ ai cũng có thể tham dự được.  Ðan viện có một nhà nghỉ dành cho du khách nếu muốn nghỉ lại, chiêm nghiệm đời sống của đan sĩ là cùng thinh lặng, cầu nguyện, lao động và hãm mình.

Cũng theo các thầy cho biết, khu Nội vi Ðan viện sau lưng Thánh đường được phân cách và nhắc nhở du khách không được vào, nhưng mỗi năm mở cửa một lần cho khách thăm viếng vào dịp lễ khấn. Tất nhiên chỉ ở khu vực bên ngoài.

Hôm đó, chúng tôi dùng cơm trưa tại Ðan viện với rau, cá, thịt… đều do các thầy ở đây nuôi trồng, chế biến.

Ðan viện Châu Sơn là nơi nghỉ hưu của Ðức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, nguyên Ngài là Tổng Giám Mục chính tòa Tổng giáo phận Hà Nội (*).

Ðến Ðan viện Châu Sơn một lần, cảm nhận được vẻ đẹp rất riêng, tự nhiên, thanh cao và tĩnh lặng mà hiếm nơi nào có được.

Tác giả cùng cảnh quan bên ngoài Đan Viện

ĐTTT

(*) Theo Wikipedia, năm 2008, Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt là người đã có câu nói gây tranh cãi: “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ! Chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên.”