Không phải đi chợ online đặt hàng rồi chờ đợi thắc thỏm…ít hôm. Nhiều cụ bà lớn tuổi không sử dụng được các mạng xã hội như giới trẻ là chào thua. Thế nhưng không phải đi chợ xa mà rau, thịt, cá tươi ngon đến tận cửa bếp cũng đều đều…

“Chợ lẻ” họp bên đường xin mời!    

“Chợ lưu động

Dọc đường từ thành phố Tam Kỳ lên các huyện Trung du, miền núi Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My của Quảng Nam, thỉnh thoảng chúng ta sẽ gặp những người chở “cái chợ” trên yên xe máy. Những “cái chợ” này xuất phát từ Tam Kỳ hoặc Tiên Phước lên đèo, xuống dốc mang thực phẩm tươi sống, rau xanh, gia vị đến tận…bếp người dân vùng xa xôi hẻo lánh, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ðeo máng quanh chiếc xe máy là hàng chục cái bao nilon đựng rau củ, cá mắm, bánh kẹo… Số đông là phụ nữ tuổi trung niên sinh sống bằng cách “chợ lưu động” này. Họ chỉ chọn khoảng cách gần, dừng xe dọc đường hoặc đi sâu vào các ngõ ngách để bán hàng. Khi thấy nhóm thanh niên trẻ mang “chợ lưu động” dừng nghỉ tại chân thác Năm Tầng, địa phận Nam Trà My, tôi dừng xe lại. Thì ra họ đang ăn cơm, bún hộp. Tôi lân la làm quen và gạn hỏi một cậu có vẻ lớn tuổi nhất trong nhóm ba người về công việc khá vất vả này. Bạn tên T.V.A.D. (ba mươi sáu tuổi) bộc bạch: “Cháu làm nghề này mới gần hai năm thôi. Trước kia cháu chạy xe ôm ở Ðà Nẵng. Dịch giã kinh quá, bỏ về quê Bắc Trà My, theo chị hàng xóm làm nghề này. Vất vả lắm chú nợ!”. Vất vả theo các bạn trẻ ấy kể ngán nhất là cái vụ xe thủng ruột, banh lốp rồi mới đến bán không hết hàng, ế ẩm. Xe hỏng dọc đường phải dỡ hàng xuống, gặp nhà dân gửi tạm còn đỡ, nếu không rất cực… Cũng vậy, hàng bán không hết như cá, thịt thì gửi tủ đông của mấy quán nước. Hôm sau lên lại lấy bán. Xe chở hàng đã khá nặng lại đi đường xa, lên đồi dựng ngược, xuống dốc đá thoai thoải, lốp mòn rất nhanh. “Sáng sớm đi, chiều tối đến nhà. Ðó là nói đi, về không gặp phải sự trục trặc gì; gặp xui thì gọi điện thoại cho thợ sửa xe quen tới sửa, ngày ấy coi như “móp mỏ” thôi chú!”, bạn tên H. trong nhóm cười hị hị.

“Chợ lưu động” dừng xe bán hàng

Trưa hôm 05/2, ở xã Trà Nú, cách trung tâm thị trấn Trà My gần 20 cây số, tôi gặp một cái chợ lưu động khác. Chị đang dừng xe trước cửa quán bán bún bò ven đường, kêu to: “Bà Hệ có lấy rau rác chi không nề! Mau mau tôi đi!”. Chị H. (bốn mươi tám tuổi), ở xã Tam Xuân, thành phố Tam Kỳ, đi từ nhà lúc 4 giờ sáng, thu mua hàng rau, cá, thịt… ở chợ Tam Kỳ, theo xe tải lên Trà Mi. Ðến chợ Trà Ðông dừng đó, sang hàng qua xe máy. Cứ đến đâu bán đó, bán cho bạn hàng các quán ăn… Ðường lên tới đây hơn 50 cây số. Rồi chạy quanh quanh các xã phải vài ba chục cây số nữa. Ðến ba, bốn giờ chiều về lại. Cứ xoay tua suốt vậy, bất kể nắng mưa! “Ða số người dân (dân tộc thiểu số-NV) ở đây chừ chọn lựa lắm chứ không như hồi xưa. Cá ươn ươn, rau heo héo là quên đi!”. Hỏi thu nhập trong ngày, chị H tròn mắt: “Làm sao biết được cả xe ni bao nhiêu vốn, bán lời bao nhiêu? Bán nợ, có khi vài bữa mới lấy tiền lận!”.

Tôi dừng xe ở thôn 4, xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước, khi thấy “chợ lưu động” đang…đang tiếp khách hàng… Chị P.T.H (bốn mươi sáu tuổi) từng làm công nhân cho một công ty trong Cụm công nghiệp Chợ Ðược, Thăng Bình, kể: “Công ty không có đơn hàng nên cuối năm vừa rồi em lọt vào nhóm…tạm thời nghỉ việc, chờ công ty kêu lại. May mà các chế độ bảo hiểm không bị ảnh hưởng gì. Bà chị dâu bày cho cách làm này để cầm cự qua ngày. Sáng sớm, em từ Tiên Cảnh nhận hàng từ xe tải ở Tam Kỳ rồi chở lên đây… phân phối. Em chỉ tới Bắc Trà My thôi. Ngày kiếm cũng được trăm rưỡi, hai trăm ngàn sau khi trừ tiền xăng”.

“Chợ lẻ”…sắp rời đi. “Nhanh tay lên bà con hỉ!”.

“Chợ lẻ”

Xem thêm:   Lối đi trong vườn

Từ Bắc Trà My xuôi đường huyện Trung du Tiên Phước, tôi thấy khá nhiều chợ…trước nhà. “Chợ” trên cái bàn nhựa, “chợ” trên thùng xốp, “chợ” dưới hiên nhà. Ðó, một cái thau nhôm đựng ốc suối, một cái rổ nhựa đựng mấy bó rau dớn (loại rau rừng này xào tỏi trong quán là bốn, năm chục ngàn đồng/dĩa), giá gốc 5 ngàn, bán 8 đến 10 ngàn đồng/bó. “Chợ cá” trước hiên nhà, với nào cá lóc, cá trắm cỏ, cá diêu hồng… bơi tung tăng trong thau. Người bán, cô gái ngoài ba mươi tuổi…đang thản nhiên ngồi vạch áo cho con bú. Ai cần mua loại cá nào cứ ghé vào, thoải mái chọn! Người bán rất ung dung, thảnh thơi cứ như…đạp mây từ trên trời xuống đất dạo chơi! Tôi chợt nhớ có vài vùng nông thôn ở Frankfurt (CHLB Ðức), Hòa Lan mình từng đi qua. Trước nhiều ngôi nhà cửa im ỉm đóng, cũng có đặt cái bàn, trên ấy có rổ trứng gà hoặc rổ dâu hoặc rổ táo… Ai cần mua thì cứ lấy đi rồi để tiền lại đó cho chủ nhân. Dễ thương thiệt!

Không vất vả như những “chợ lưu động” đường xa, len lỏi vào các ngõ ngách, tổ dân phố bán hàng, những “chợ lẻ”, “chợ” trước hiên nhà có vẻ buôn bán thảnh thơi hơn. Trên vệ đường, dưới bóng cây hoặc dưới cây dù, tấm bạt treo thấp lè tè có vài cái bàn ghép từ mấy tấm gỗ đầu thừa đuôi thẹo hoặc đôi ba cái lốp xe tải bự chảng chồng lên nhau, trên đặt một tấm đá mỏng…là đủ họp thành cái “chợ lẻ”. Ðủ cả, từ bó hành, bắp su, khổ qua đến cá chuồn, cá nục, thịt heo…Khách hàng tấp xe vô, không phải gửi tốn tiền, tha hồ chọn lựa…

Ốc suối, rau rừng… kính mời quý khách!

Sáng 09/2, tôi dừng xe trước “chợ lẻ” ở ngã ba thôn 2, xã Tiên Hiệp, cạnh quán tạp hóa cô Ba. “Chợ lẻ” có hai quầy hàng. Chị L. (năm mươi tuổi), quê xã Tiên Hiệp, “thâm niên” với “chợ lẻ” đã 5 năm rồi. Chị chạy chiếc xe máy… có tuổi đời 30 năm, chất đầy hàng, vui vẻ kể: “Chợ ni họp ở đây lâu hung rồi. Chợ chính cách đây gần 10 cây số. Em bán ở dưới Tiên Cảnh rồi mới chạy lên đây. Chặp nữa lên trên một đoạn bán tiếp, 10 giờ là dọn về…Cá ni từ Tam Kỳ lên lúc bốn giờ sáng, mình đón mua”. Hỏi một chị vừa đi “chợ lẻ” ra với ba cái túi nilon…đựng đầy rau, củ, quả. Chị cười xởi lởi: “Tiện lắm chớ anh! Chợ ni bán ngày một, bất kể nắng mưa. Mình đỡ phải đi chợ xa. Có lúc đặt hàng cho chị nớ (chị L.-NV) đem lên”.

Những “cái chợ lưu động”, “chợ lẻ” cũng tiện lợi cho người tiêu dùng. Gặp chi mua nấy còn không thì dặn trước. Các bà nội trợ ở các vùng hẻo lánh chẳng phải… lo xa nữa! Những người mang “cái chợ” đi phục vụ thượng đế cũng chẳng phải lo xin môn bài, đóng thuế chợ… chưa kể thỉnh thoảng bị bảo vệ chợ với dân quân, dân phòng rượt chạy có khói. Còn đây, cứ trên xe máy chở hàng mà bon bon về những vùng quê yên tĩnh, hít lấy khí trời, giao du bạn hàng…Chiều, chạy xe không về lại kèm mua cau, chuối về dưới xuôi bán, kiếm thêm tiền.

Xem thêm:   Chuyện xứ Mỹ của tôi

Vẫn biết vất vả sớm hôm nhưng vui vẻ vẫn nhiều.

Chợ nhỏ bán cá trước nhà, tha hồ lựa chọn!

LKD