Khu thương mại đầu tiên của cộng đồng Việt Nam tại thành phố Arlington, thành hình tại góc đường East Pioneer Parkway và New York. Đó là khu chợ Hong Kong. Năm 2012, một doanh nhân đã mua lại khu shopping nầy và xây dựng lại với tên mới là “Bến Thành Plaza”. Chủ nhân là ông David Đặng, đồng thời cũng là chủ nhân Chợ Nguyên Lợi, tại Haltom City và Tân Nguyên Lợi tại Irving.

Cổng chào khu Bến Thành Plaza (hình Sinh Đặng) 

Chúng tôi đến thăm ông David Ðặng và được ông chia sẻ con đường lập nghiệp – giấc mơ Mỹ quốc của một người tỵ nạn Việt Nam.

Phóng viên Trẻ (PVT): Anh đến Mỹ năm nào? Hồi đến Mỹ đến giờ anh đã làm những việc gì?

David Đặng (DĐ): Tôi rời Việt Nam từ 1978, định cư ở Hòa Lan gần 10 năm, làm nghề kế toán và buôn bán địa ốc. Năm 1988 tôi sang Hoa Kỳ định cư. Mấy năm đầu sống ở New York, tôi làm kế toán cho một công ty, chuyên mua bán, sang nhượng, cho thuê các cơ sở thương mại và “controller” cho nhà hàng và khách sạn. Tôi cũng đã từng làm kiểm toán về tài chánh của hệ thống khách sạn Best Western.

PVT: Công việc anh đã từng làm ở Hòa Lan và những năm đầu định cư tại New York, không liên quan đến việc kinh doanh chợ. Vậy, động lực nào khiến anh bước vào lãnh vực xa lạ với anh, và không dễ ăn với người không trong nghề?

DĐ: Ở Mỹ, hầu như 80% chợ thực phẩm lớn đều do người Việt gốc Hoa làm chủ. Ða số là người gốc Triều Châu, hay gọi là người Tiều, thường ở miền Tây như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Châu…

Tôi là người Việt Nam chính thống, nhưng nhà tôi là người Việt gốc Hoa. Anh rể của nhà tôi là người Hồng Kông, có gia đình làm “Wholesale” thực phẩm Á Ðông ở California. Lúc định cư ở New York, vợ chồng tôi làm việc cho công ty Mỹ, nhưng nhà tôi cũng có làm thâu ngân viên cho một chợ ở China Town. Từ công việc đó, nhà tôi quen với cách làm ăn, buôn bán của người Hoa, và có ý niệm về chợ bán thực phẩm.

Năm 1991, tôi đến California và làm việc trong ngành xuất nhập cảng. Năm 1997, người anh rể cho hay tại thành phố Haltom, Texas có chợ Maytech 2, đang muốn bán. Tôi bèn đến xem, và muốn mua, nhưng thật sự lúc đó không biết nhiều về chợ. Năm 2008, tôi đổi tên chợ là Nguyên Lợi và mua luôn khu “shopping” nầy. Nguyên Lợi đã giúp tôi tạo được uy tín trong thương trường và phát triển sự nghiệp.

Ông David Đặng chủ nhân khu Bến Thành Plaza (hình Sinh Đặng)

PVT: Sự hình thành khu Việt Nam Plaza như thế nào? Hiện, anh có bao nhiêu nhân viên?

Xem thêm:   2 người thợ săn

DĐ: Nguồn hàng là vấn đề mấu chốt trong công việc. Tôi được lợi thế là có nguồn cung cấp từ công ty xuất nhập cảng thực phẩm lớn của người thân. Nhờ đó, không gặp trở ngại về nguồn vốn và được hưởng giá rẻ hơn, phẩm chất tốt hơn. Ðó là một ưu thế, giúp việc kinh doanh của tôi phát triển nhanh. Sau đó, tôi xây dựng thêm chợ Tân Nguyên Lợi tại Irving.

Năm 2012, ngưng hợp đồng thuê chợ Tân Nguyên Lợi, tôi về Arlington, mua khu chợ Hồng Kông Market Place. Lúc trước, khi chợ Hồng Kông dời đi, chợ H-Mart mua lại, nhưng đến năm 2009, gặp trục trặc về vấn đề “finance”, nên họ bán cho tôi. Khi đó, họ đã làm xong bãi đậu xe, mặt tiền của thương xá và khu “building” bên trái. Chủ khu nầy là ngân hàng “First City Bank” và tôi nhận được sự ưu đãi bằng cách chỉ trả “down paymen” 10%, và hai năm không trả tiền. Ðiều kiện thật thuận lợi để tôi mua và xây dựng Bến Thành Plaza.

Tôi trông coi khu nầy. Nhà tôi quản lý Chợ Nguyên Lợi. Chúng tôi hiện có 45 nhân viên phụ giúp trong hai chợ.

PVT: So với Hong Kong cũ, Bến Thành Plaza đã được sửa sang khang trang và đẹp hơn. Ý tưởng thiết kế nầy do ai, chi phí khoảng bao nhiêu? Thời gian xây cất bao lâu?

DĐ: Họa đồ kiến trúc đã xây phần chính rồi, tôi thêm ý tưởng cổng chào và Chùa Một Cột. Tổn phí toàn bộ hơn 5 triệu. Thời gian xây cất khoảng gần 4 năm. Tôi đặt tên Bến Thành để gợi nhớ Sài Gòn và xây Chùa Một Cột là biểu tượng của Hà Nội. Xem như một đất nước Việt Nam thu nhỏ.

Chợ Nguyên Lợi, Haltom city (hình Sinh Đặng)

PVT: Các loại rau quả và thịt thường mua từ đâu? Có phải trực tiếp từ các nơi sản xuất? Chợ Bến Thành có mặt hàng nào đặc biệt hơn nơi khác?

Xem thêm:   Phải đâu miền đất hứa

DĐ: Hầu hết các loại trái cây như mít, chôm chôm, thanh long… nhập từ Mexico. Việc mua trực tiếp rất khó khăn, vì có hằng ngàn mặt hàng, nên tôi mua từ công ty “Whole Sale” của người nhà. Các loại thịt heo, bò, để bảo đảm tươi ngon, đều mua tại địa phương, trừ vài loại như sườn bò Ðại Hàn, chim cút… thì từ California. Chợ đặc biệt đa dạng về gạo, có hai thương hiệu riêng từ công ty nhà, giá rẻ hơn.

PVT: Các loại hải sản anh mua từ đâu?

DĐ: Ðể bảo đảm hàng hóa tươi nhất có thể, chúng tôi vận chuyển hải sản sống từ Alaska, Canada, Maine, Boston, Vancouver và Seattle bằng đường hàng không.

PVT: Trong quá trình làm chợ anh có bị khách hàng phê phán, khiếu nại điều gì không?

DĐ: Cũng có. Không phải về giá cả hay phẩm chất mà thường là thái độ phục vụ của nhân viên bán hàng.

Tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo (hình Sinh Đặng)

PVT: Biết được nhược điểm đó, anh điều chỉnh ra sao ?

DĐ: Thật ra, việc đó không dễ. Các chợ lớn như H-Mart, 99… được điều hành từ một đại công ty, nên không khác các chợ Mỹ, công nhân được hưởng quyền lợi đầy đủ và được huấn luyện có quy củ. Còn hầu hết các chợ Việt đều do người gia đình quản lý trong chừng mực giới hạn. Chúng tôi không đủ người nhà trông coi nhiều phần trong chợ, nên không thể theo dõi thái độ phục vụ của nhân viên. Ðó cũng là nguyên nhân gây ra phiền toái, làm mất lòng khách hàng.

PVT: Anh có nghĩ, sau này con cái anh sẽ tiếp tục công việc anh đang làm, cũng như sẽ thay đổi cách điều hành, cũng như phục vụ khách hàng theo lối kinh doanh của người Mỹ không?

DĐ: Tôi nghĩ thế hệ con em, sẽ không ai thích làm chợ nữa. Phần mình, đến lúc cũng phải biết “đủ” và biết dừng.

Khu Food court. nguồn Face book Bến Thành Plaza

PVT: Chẳng bao lâu sẽ đến Tết Việt Nam, anh có chuẩn bị chương trình gì đặc biệt không?

DĐ: Trước đại dịch, cho tới năm 2019, chúng tôi có nhiều chương trình để phục vụ đồng hương. Chẳng hạn như Ðại nhạc hội kỷ niệm ngày khai trương, Tổ chức Trung Thu chung với Cộng Ðồng Người Việt, Festival với phòng Thương mại Á Châu, Health fair và Hội chợ đêm…

Xem thêm:   Nghệ sĩ Chí Tâm

Nếu điều kiện không cho phép, thì chúng tôi sẽ giảm giá hàng hóa theo kiểu “Black Friday”, như một cách cám ơn khách hàng.

PVT: Được biết anh là một doanh nhân rất gắn bó với các sinh hoạt cộng đồng Việt Nam, vì sao anh nhiệt tình tham gia vào những sinh hoạt này?

DĐ: Khi mới về đây, với sự quý mến của các hội đoàn, cộng đồng, tôi cũng muốn dùng cơ sở của mình làm phương tiện cho các sinh hoạt và có ý tưởng cùng Bác sĩ Chất xây dựng một trụ sở cộng đồng, nhưng chưa kịp thì ông ra đi.

Gia đình anh Danny, khách hàng (hình Sinh Đặng)

PVT: Cám ơn anh đã chia sẻ kinh nghiệm trong công việc kinh doanh chợ thực phẩm và con đường lập nghiệp thành công của anh. Cuối cùng, anh có điều gì muốn nhắn gửi khách hàng không?

DĐ: Tôi chỉ mong đồng hương thông cảm những thiếu sót trong vấn đề phục vụ. Vì không thể thay đổi khác hơn trong điều kiện “chợ gia đình” và muốn giữ giá thấp cho đồng hương. Kính chúc đồng hương luôn an lành trong cơn đại dịch.

Quanh quẩn trong chợ thêm dăm ba phút, tôi được thêm dịp tiếp xúc với một vài khách hàng.

– Anh chị có thể cho biết tên và cảm nghĩ về ngôi chợ nầy không?

– Tôi tên Danny, gia đình chúng tôi từ Michigan đến du lịch. Thấy khu thương mại Việt Nam đẹp, khang trang, có nhiều tiệm quán đủ loại, nên ghé thăm. Nơi chúng tôi ở, không có chợ lớn như thế nầy. Giá cả hàng hóa ở chợ này rẻ hơn nhiều.

Gặp một phụ nữ ở hàng hải sản, được thiết kế trong khu riêng, có kính bao quanh, nên không có mùi tanh cá thịt, tôi hỏi:

– Chào cô, cô đi chợ nầy, chắc là nhà ở gần đây? Xin hỏi giá tôm cá có vừa ý mình không?

– Dạ em tên Thanh, ở cách đây khá xa, nhưng thích mua hàng chợ nầy, vì vừa rẻ, vừa tươi, nhưng chờ thì hơi bị… lâu chút (cười)…

Một khách hàng khác cũng chia sẻ:

– Tôi tên Nguyễn văn Ðấu, ở Arlington, tôi mua vòng vòng mấy chợ gần đây, nhưng thịt heo ba chỉ và gạo nhà thích ăn, thì chỉ có ở chợ này.

Xin cám ơn các khách hàng đã góp ý một cách vui vẻ, nhiệt tình.

Khách hàng Trần Thị Thanh mua hải sản. (hình Sinh Đặng)