Cuộc chiến Ukraine sắp sửa bước qua năm thứ ba và chưa thấy có dấu hiệu là sẽ chấm dứt trong năm 2024. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nó đối với trật tự thế giới trong thời điểm hiện tại đã thấy rõ, ít ra là về phía Nga trong một liên minh mới.

Tháng 9 vừa qua, nhà độc tài Kim Jong Un là thượng khách của Tổng thống Vladimir Putin trong chuyến viếng thăm Nga. Sau đó không lâu, những chuyến xe lửa chở đầy đạn pháo của Bắc Hàn được chuyển tới cho binh lính Nga ở Ukraine – theo ước tính của Hoa Kỳ, có thể lên tới một triệu quả đạn, gấp gần ba lần số lượng mà các quốc gia Châu Âu có thể cung cấp cho Ukraine trong cả năm.

Một đồng minh quan trọng khác của Nga là Tổng thống Ebrahim Raisi của Iran đã ghé thăm điện Kremlin tháng 12 vừa qua. Đạn dược và máy bay không người lái của Iran đóng một vai trò quan trọng trong kế hoạch quân sự của Nga trong cuộc chiến Ukraine. Để đổi lại, Iran muốn mua máy bay và hệ thống phòng không hiện đại của Nga, và nếu điều này xảy ra sẽ khiến Hoa Kỳ hoặc Israel gặp khó khăn hơn trong việc tấn công Iran và các mục tiêu trong chương trình phát triển hạt nhân của nước này.

Trục ác xưa và nay

Năm 2002, trong bài diễn văn về tình hình liên bang sau vụ khủng bố tấn công 9/11, Tổng thống George W. Bush đã sử dụng cụm từ “trục ác” (axis of evil) để nói tới 3 quốc gia Bắc Hàn, Iran và Iraq. Ý tưởng này vào thời điểm đó đã bị nhiều người chế giễu. Nhưng nay, một trục ác mới vừa thành hình bao gồm Moscow, Tehran và Bình Nhưỡng đang trở thành một thực tế địa chính trị – và với một nước Nga theo đuổi chính sách gây nhiễu loạn đứng ở trung tâm, trục ác này đang gây ra mối đe dọa ngày càng lớn đối với Washington và các quốc gia dân chủ đồng minh của Hoa Kỳ.

Trung Quốc, một quốc gia độc tài khác, có mối quan hệ thân thiện với trục Nga-Iran-Bắc Hàn nhưng chưa tham gia về mặt quân sự – mặc dù điều này có thể xảy ra trong tương lai gần, nếu như phương Tây không thể giải quyết được những vấn đề nội bộ và quyết tâm hơn trong việc hỗ trợ cho Ukraine.

Xem thêm:   "Trí lực siêu phàm" và...

Trong thời gian gần đây, các nhà làm chính sách phương Tây đang ngày càng nói nhiều tới sự liên kết của nhóm các quốc gia độc tài chuyên chế nói trên bằng một từ viết tắt mới: CRINKs, kết hợp bởi các mẫu tự đầu trong tiếng Anh để chỉ Trung Quốc (China), Nga (Russia), Iran và Bắc Hàn (North Korea). Những quốc gia này ngày càng tỏ ra liên kết quan điểm và chính sách của họ không chỉ với Ukraine mà còn với các cuộc khủng hoảng khác để đối đầu với Hoa Kỳ, chẳng hạn như cuộc xung đột ở Gaza.

Chính sách Nga trước và sau

Thời Tổng thống George W. Bush cách đây hai thập niên, Nga đã tự xác nhận vị trí của họ như một cường quốc toàn cầu có trách nhiệm và hợp tác với Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác trong việc kiểm soát các hành vi của Iran và Bắc Hàn. Thậm chí kể cả sau khi xâm chiếm và sáp nhập Crimea năm 2014 vẫn đóng vai trò hỗ trợ trong việc kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran. Cho đến năm 2017, Nga cũng đã bỏ phiếu thông qua các biện pháp cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Hàn.

Nhưng kể từ khi cuộc xâm lược Ukraine đầu năm 2022 bị thất bại và các quốc gia phương Tây quyết định đổ tiền bạc và vũ khí hỗ trợ cho chính phủ Ukraine, chính sách của Moscow đã thay đổi. Với việc Nga bị tê liệt bởi các lệnh cấm vận của phương Tây, ông Putin đã quay sang hai quốc gia bất hảo kia để có thể hỗ trợ quân sự cho Nga trong khi họ cũng rất khao khát nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật quốc phòng từ Nga.

Ngành kỹ nghệ quốc phòng của Iran nói chung từ lâu đã hợp tác với Bắc Hàn và nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ quốc gia này. Tuy nhiên, Nga có những vũ khí mà Bắc Hàn không có. Điểm yếu nhất của Iran là họ thiếu chiến đấu cơ hiện đại và gần đây đã ký thỏa thuận mua loại máy bay Su-35 của Nga.

Xem thêm:   Phong tỏa Đài Loan

Trong khi Liên Xô trước đây từng là đồng minh của Bắc Hàn, nhưng kể từ năm 1991 sau khi Liên Xô tan rã, mối quan hệ đó trở nên lạnh nhạt. Nhưng vào mùa hè vừa qua, quân đội Nga phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược và mất đi lợi thế pháo binh áp đảo trên chiến trường, ông Putin đã tìm tới sự trợ giúp của Bắc Hàn.

Vào tháng 7 vừa qua, chỉ vài tuần sau khi cuộc phản công của Ukraine bắt đầu, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã tới Bình Nhưỡng. Tại một cuộc diễn binh lớn, người ta thấy hình ảnh ông Shoigu đứng cạnh Kim Jong Un khi đoàn quân diễn hành đi qua. Khi Kim thực hiện chuyến thăm kéo dài một tuần tới vùng Viễn Đông của Nga hai tháng sau đó, ông ta đã nhận được sự tiếp đãi long trọng – trái ngược với sự tiếp đón tương đối lạnh lùng mà chính Kim nhận được trong chuyến thăm trước đó vào năm 2019.

Một liên minh lỏng lẻo

Có điều là những sự hợp tác nói trên không hoàn toàn phù hợp với quyền lợi của Bắc Kinh. Trung Quốc, không giống như Nga, Bắc Hàn hay Iran, có nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại toàn cầu. Ít nhất, ngay vào thời điểm hiện tại, Trung Quốc không muốn làm tổn hại thêm mối quan hệ với Hoa Kỳ hoặc Châu Âu – là một trong những lý do khiến Tập Cận Bình từ chối cung cấp vũ khí cho Nga. Bắc Kinh cũng tỏ ra cảnh giác với việc Nga xâm phạm vào mối quan hệ được xem như là đặc quyền của họ với Bắc Hàn.

Theo nhận định của nhà nghiên cứu Victor Cha thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), việc Nga kéo bán đảo Triều Tiên vào trong cuộc chiến Ukraine sẽ không có lợi cho Trung Quốc vì điều này chỉ khiến cho mối quan hệ Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn thắt chặt hơn và gây thêm khó khăn cho chính sách của Trung Quốc trong khu vực.

Xem thêm:   Chấm dứt toàn cầu hóa

Cho đến nay vẫn chưa rõ chính xác Bắc Hàn đã nhận được gì từ Nga. Bình Nhưỡng vừa phóng thành công vệ tinh do thám đầu tiên vào cuối tháng 11 sau nhiều lần gặp thất bại, là một thành tựu mà các giới chức Hoa Kỳ cho rằng có thể là nhờ kết quả từ sự hỗ trợ về kỹ thuật của Nga. Nhưng cho đến nay không có bằng chứng nào cho thấy Nga đang chia sẻ với Bắc Hàn các kỹ thuật tàu ngầm và hoả tiễn đạn đạo mà Kim Jong Un rất muốn có.

Nga cần đạn pháo, nhưng để đổi lại, Nga không nhất thiết phải giúp Bắc Hàn với những kỹ thuật quân sự tiên tiến. Nga vẫn có thể giúp Bắc Hàn bằng những thứ khác như hỗ trợ tài chính, viện trợ thực phẩm và năng lượng – là những thứ Bắc Hàn cũng đang thiếu trầm trọng.

Một nhận định khác còn cho rằng ý tưởng về việc Nga có thể cung cấp những kỹ thuật quân sự tân tiến cho Bắc Hàn là do Nga cố tình khơi dậy như một con bài tẩy chính trị để nhằm đe doạ Nam Hàn và Nhật Bản rằng họ sẽ phải chịu hậu quả nếu như hai nước này tiếp tục ủng hộ lệnh cấm vận và hỗ trợ cho Ukraine.

Một điều quan trọng là trục ác CRINKs nói trên cho tới nay chỉ là sự hợp tác cấp thời do hoàn cảnh tạo nên chứ không hẳn có một mục tiêu và chiến lược lâu dài, và chưa có hiệp ước nào được ký kết nên khó có thể đứng vững lâu. Không như những liên minh khác từ các quốc gia tự do dân chủ như bộ tứ Quads (Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ), AUKUS (Úc, Anh Quốc, Hoa Kỳ), Five Eyes (Hoa Kỳ, Anh Quốc, Canada, Úc và Tân Tây Lan), NATO – đã có những hiệp ước và thoả thuận hợp tác được ký kết và một mục tiêu chung là bảo vệ nền tự do dân chủ trên thế giới.

VH